Các kết luận về tác động của lãi suất cho vay lên lạm phát
Hình 11. Phản ứng của lạm phát trước cú sốc từ lãi suất cho vay
Xét một cách tổng thể, một cú sốc từ lãi suất cho vay ngắn hạn có tác động rất nhỏ tới lạm phát và xu hướng tác động là không ổn định. Trong 4 tháng đầu tiên, tác động mang chiều hướng nghịch, khi có cú sốc tăng lãi suất cho vay, lạm phát sẽ có xu hướng giảm xuống. Từ tháng thứ 5 tới tháng 12, phản ứng của lạm phát cùng chiều với cú sốc từ lãi suất cho vay. Quá trình tác động này chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 11 tháng, từ tháng 12 trở đi, mức độ tác động này gần như bằng 0.
Tuy nhiên, trong khoảng 11 tháng đầu tiên, dù lãi suất thị trường có tác động tới lạm phát nhưng mức tác động này là tương đối nhỏ.Kết luận trên phù hợp với những kết luận của PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hoa & THS. Trần Đặng Dũng được rút ra trong bài Nghiên cứu lạm phát tại Việt Nam theo phương pháp SVAR năm 2013.
Các kết luận về tác động của lãi suất cơ bản lên lạm phát
Hình 12. Phản ứng của lạm phát trước cú sốc từ lãi suất cơ bản
Tác động của cú sốc từ lãi suất cơ bản lên lạm phát được thể hiện rõ trong hình 11. Sự tác động bắt đầu tăng nhanh từ tháng thứ 3, và sang tháng thứ 4, mức tác động là lớn nhất, mức giảm là 0,1425%. Từ tháng thứ 5, mức độ tác động này đã giảm xuống. Từ tháng thứ 13, mức độ tác động giảm xuống gần bằng 0. Trong 12 tháng đầu tiên, tác động của lãi suất cơ bản lên lạm phát cho thấy một sự tương quan ngược chiều, bằng việc lạm phát luôn có xu hướng giảm sau cú sốc từ lãi suất cơ bản. Những kết luận trên chỉ ra việc điều hành lãi suất cơ bản nhằm kiểm soát lạm phát sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả từ tháng thứ 3 và kéo dài tới tháng thứ 12.
Tác động của cú sốc lãi suất tái cấp vốn lên lạm phát
Hình 13. Phản ứng của lạm phát trước cú sốc từ lãi suất tái cấp vốn
Hàm phản ứng cho thấy rằng cú sốc từ lãi suất tái cấp vốn sẽ làm cho lạm phát luôn giảm trong khoảng thời gian là 10 tháng. Thời điểm mà lạm phát bắt đầu chịu ảnh hưởng mạnh là tháng thứ 2. Điều này hàm ý độ trễ trong chính sách điều hành lãi suất tái cấp vốn là khoảng 2 tháng. Số liệu cụ thể về mức độ thay đổi của lạm phát trong từng tháng được chỉ ra trong bảng sau:
Bảng 9. Mức độ thay đổi của lạm phát theo tháng trước cú sốc từ lãi suất tái cấp vốn
Ở các tháng thứ 3, 5, và 6, mức độ thay đổi của lạm phát là lớn nhất và đều trên 0.165%.Giải thích sự tác động khá mạnh của cú sốc lãi suất tái cấp vốn lên lạm phát là do trong suốt thời gian từ năm 2000 đến đầu năm 2014, lãi suất tái cấp vốn được NHNN sử dụng như là lãi suất trần cho lãi suất liên ngân hàng, cùng với lãi suất tái chiết khấu được xem như là lãi suất sàn. Hai lãi suất này thiết lập một hành lang với biên độ chênh lệch được duy trì khoảng 2%. Điều này đã giúp NHNN kiểm soát tốt mức lãi suất cho vay liên ngân hàng, qua đó kiểm soát lãi suất thị trường. Đồng thời, sự tăng lên hay giảm xuống của lãi suất tái cấp vốn được xem như là một dấu hiệu phát đi từ NHNN về chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng mà chính phủ đang áp dụng, điều này sẽ tác động tới tâm lý của người dân về việc chính phủ đang ra sức kiểm soát lạm phát, dẫn tới kỳ vọng về lạm phát trong tương lai của người dân được điều chỉnh. Sự điều chỉnh lạm phát kỳ vọng này là một yếu tố quan trọng góp phần làm lạm phát được kiểm soát nhanh chóng.
Để thấy rõ hơn về mức độ cụ thể sự tác động của các biến lãi suất tới lạm phát, tác giả sử dụng bảng phân rã phương sai của biến lạm phát.
Hình 14. Phân rã phương sai của lạm phát
Ở 3 cột BIR, REF, LEN tương ứng với các mức độ ảnh hưởng của 3 biến này lên lạm phát với độ trễ là 12 tháng. Kết quả cho thấy, ở tất cả các độ trễ lớn hơn 1, ảnh hưởng của lãi suất tái cấp vốn lên lạm phát là lớn nhất trong 3 biến lãi suất. Ảnh hưởng của lãi suất cơ bản lên lạm phát ở 2 độ trễ đầu là khá nhỏ, nhưng từ độ trễ thứ 4, mức độ ảnh hưởng đã tăng lên đáng kể.
Qua phân tích tác động của lãi suất cho vay, lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn tới lạm phát sẽ rút ra một số kết luận: (1) lãi suất thị trường có tác động tương đối yếu tới lạm phát; (2) các mức lãi suất điều hành có tác động lên lạm phát mạnh hơn lãi suất thị trường, thời gian tác động là khoảng 10 tới 11 tháng; (3) sau khoảng 3-4 tháng các biến lãi suất điều hành mới có tác động đáng kể lên lạm phát; (4) nhìn chung, lãi suất tái cấp vốn tác động lên lạm phát mạnh hơn lãi suất cơ bản nhưng thời gian tác động là ngắn hơn.