Vai trò tham gia hoạch định chính sách

Một phần của tài liệu sự phân công lao động theo giới trong gia đình nông thôn hiện nay, trường hợp nghiên cứu tại xã hùng tiến, huyện nam đàn, tỉnh nghệ an (Trang 59)

GIỚI TRONG GIA ĐÌNH NÔNG THÔN TẠI XÃ HÙNG TIẾN, HUYỆN NAM ĐÀN, TỈNH NGHỆ AN

3.3.4.Vai trò tham gia hoạch định chính sách

Đây là một vai trò không phải nhân viên công tác xã hội có thể tham gia thực hiện một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhân viên Công tác xã hội có thể tham gia đưa ý kiến, tham vấn cho các cấp chính quyền đưa ra những chính sách phù hợp với hoàn cảnh, thực tiễn trên địa bàn, bởi nhân viên Công tác xã hội tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu rõ địa bàn, biết được những nhu cầu, mong muốn của nhân dân, đặc biệt là chị em phụ nữ. Nên hơn ai hết nhân viên Công tác xã hội có thể thực hiện vai trò này một cách tốt nhất.

Đối với vấn đề bình đẳng giới, cần đưa ra những chính sách cụ thể hơn nữa, giành quyền bình đẳng cho phụ nữ, để họ có cơ hội tham gia tiếp cận các hoạt động cộng đồng.

Trong các chính sách cần tiến hành lồng ghép giới, để phụ nữ có điều kiện cạnh tranh bình đẳng như nam giới. Nếu các chính sách này hướng về phụ nữ, mang lại lợi ích cho người phụ nữ giúp họ tự tin về bản thân mình, từ đó họ sẽ phấn đấu nâng cao địa vị xã hội.

Để tiến hành vai trò hoạch định chính sách này, trước hết nhân viên xã hội cần đi sâu vào đời sống của nhân dân trên địa bàn nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng

bất bình đẳng giới trong phân công lao động, để thấy được có hay không tình trạng bất bình đẳng đang tồn tại trên địa bàn, hơn hết cần tìm hiểu những mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ đối với bản thân như thế nào. Từ đó có những kết luận chính xác để tư vấn cho chính quyền địa phương, các cấp có thẩm quyền đưa ra những chính sách phù hợp với thực tế.

KẾT LUẬN

Xã hội Việt Nam đang dần bắt kịp với sự phát triển của thế giới, vì thế mà trong gia đình người Việt cũng có những thay đổi. Địa vị người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được nâng cao từng bước. Song dường như những thay đổi ấy giành cho người phụ nữ chậm hơn so với nam giới. Người phụ nữ vẫn còn bị kìm kẹp những định kiến tàn dư của xã hội cũ, họ được hưởng những nguồn lực và lợi ích rất ít so với nam giới. Mô hình phân công lao động theo giới trong gia đình Việt Nam vẫn còn mang đặc trưng của quan niệm truyền thống, vai trò của người phụ nữ vẫn chưa được thừa nhận, và quá trình phát triển của xã hội cũng chưa đủ sức để giải phóng người phụ nữ ra khỏi những lo toan, vất vả của đời sống gia đình nông thôn.

Chiến lược phấn đấu cho sự tiến bộ của người phụ nữ đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, bình đẳng giới vẫn cần được quan tâm đặc biệt trong thời gian dài, vì đây là những cuộc đấu tranh trên nhiều lĩnh vực, là cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cái tiến bộ và cái lạc hậu, là cuộc đấu tranh có nhiều khó khăn, bởi những tàn dư của tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận dân chúng đặc biệt là ở nông thôn.

Qua nghiên cứu trên địa bàn xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cho thấy sự phân công lao động trong các gia đình chưa được hợp lý, còn có sự bất bình đẳng trong phân công lao động giữa phụ nữ và nam giới. Những công việc nội trợ phần lớn do người phụ nữ đảm nhận, vì giành nhiều thời gian cho công việc nội trợ, việc nhà mà họ không có điều kiện tham gia các hoạt động của cộng đồng, không có thời gian nghỉ ngơi. Đây là một thiệt thòi lớn đối với người phụ nữ, là rào cản để người phụ nữ ít được tiếp cận với những cơ hội ngoài xã hội mang lại.

Sự phân công lao động trong các gia đình tại xã Hùng Tiến phần nhiều còn chịu ảnh hưởng của những quan niệm truyền thống, người phụ nữ còn có những hạn chế trong nhận thức đúng vai trò, vị trí cũng như quyền lợi của mình trong gia đình, vô hình chung họ lại tạo nên sự bất bình đẳng trong phân công lao động trong gia đình mà không hay biết. Trình độ học vấn của người phụ nữ cũng ảnh hưởng đến sự chênh lệch trong phân công lao động, những người phụ nữ có trình độ học vấn càng cao thì sự cùng thực hiện, cùng chia sẻ của người chồng trong

công việc gia đình càng cao, do họ còn đảm đương công việc ngoài xã hội. Trình độ học vấn cao mang lại những cơ hội lớn cho phụ nữ trong tìm kiếm việc làm,…

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, cần phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Song vấn đề này còn nhiều hạn chế trong đó có bản thân phụ nữ, người phụ nữ cần có những thay đổi trong lối suy nghĩ tiêu cực, không nên tự ti với bản thân mình. Để xóa bỏ bất bình đẳng giới trong phân công lao động trong gia đình, ngoài sự tác động của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của xã hội thì bản thân người phụ nữ cần phải tự vươn lên, khẳng định mình, dám đấu tranh chống lại những hủ tục lạc hậu, sự áp bức coi thường trói buộc phụ nữ. Đồng thời phụ nữ cần chiến thắng chính bản thân mình, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, vượt qua những thành kiến và suy nghĩ lạc hậu, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Những giải pháp không mang tính tuyệt đối, càng không có tính độc lập, nó chỉ phát huy tác dụng trong hệ thống các giải pháp, nghĩa là để thực hiện tốt bình đẳng giới trong phân công lao động trong gia đình tại xã Hùng Tiến cần thực hiện đồng bộ các vấn đề đặt ra, liên quan đến nhiều nghành, nhiều lĩnh vực cần được đầu tư nghiên cứu và tổ chức thực hiện một cách toàn diện và lâu dài. Tiến tới xây dựng “Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội công bằng, Dân chủ văn minh”

Một phần của tài liệu sự phân công lao động theo giới trong gia đình nông thôn hiện nay, trường hợp nghiên cứu tại xã hùng tiến, huyện nam đàn, tỉnh nghệ an (Trang 59)