Năng lực viết phần mở bài trong văn bản nghị luận

Một phần của tài liệu Củng cố và phát triển năng lực viết phần mở bài của học sinh lớp 12 trong bài văn nghị luận (Trang 27 - 117)

8. Cấu trúc của luận văn

1.2. Năng lực viết phần mở bài trong văn bản nghị luận

1.2.1. Về khái niệm năng lực

Theo quan điểm của những nhà Tâm lí học, năng lực là tổ hợp các đặc điểm, thuộc tính tâm lí của cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động đó đạt hiệu quả cao. Năng lực của con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, phần lớn do công tác, do tập luyện mà thành. Tâm lí học chia năng lực thành các dạng khác nhau như năng lực chung và năng lực chuyên môn. Năng lực chung là năng lực cần thiết cho nhiều ngành hoạt động khác nhau như năng lực phán xét tư duy lao động, năng lực khái quát hoá, năng lực tưởng tượng… Năng lực chuyên môn là năng lực đặc trưng trong lĩnh vực nhất định của xã hội như năng lực tổ chức, năng lực âm nhạc, năng lực kinh doanh… Năng lực chung và năng lực chuyên môn có quan hệ qua lại hữu cơ với nhau. Năng lực chung là cơ sở của năng lực chuyên môn. Những năng lực cơ bản này không phải là bẩm sinh, mà nó phải được giáo dục, phát triển và bồi dưỡng ở con người.

Năng lực có những đặc điểm sau: năng lực hình thành và bộc lộ trong hoạt động; gắn với một hoạt động cụ thể; chịu sự chi phối của các yếu tố di truyền, môi trường và hoạt động của bản thân. Kết cấu của năng lực bao gồm tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, tinh thần tự giác tích cực hoàn thành nhiệm vụ. Tri thức là những hiểu biết thu nhận được từ sách vở, từ học hỏi và từ kinh nghiệm cuộc sống của mình. Kĩ năng là sự vận dụng bước đầu những kiến thức thu lượm vào thực tế để tiến hành một hoạt động nào đó. Kĩ xảo là kĩ năng được lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức thuần thục, cho phép con người không phải tập trung nhiều ý thức vào việc mình đang làm. Tri thức, kĩ năng, kĩ xảo là điều kiện cần thiết để hoàn thành năng lực song không đồng nhất với nhau. Năng lực góp phần làm cho quá trình lĩnh hội tri thức, kĩ năng, kĩ xảo trong lĩnh vực hoạt động nhất định được nhanh chóng, thuận lợi và dễ dàng hơn. Có năng lực hoạt động tức là có tri thức, kĩ năng, kĩ xảo trong lĩnh vực đó, nhưng có tri thức, kĩ năng, kĩ xảo không có nghĩa là có năng lực.

Như vậy, tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, tinh thần tự giác tích cực hoàn thành nhiệm vụ là những yếu tố góp phần làm nên năng lực của con người. Để có năng lực trong một hoạt

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

động nào đó, trước hết phải cung cấp tri thức, kĩ năng sau nữa là phải có tinh thần tự giác, tính tích cực trong hoạt động đó.

1.2.2. Năng lực viết phần mở bài nghị luận

1.2.2.1. Tri thức viết phần mở bài văn nghị luận

Để làm tốt bất cứ một công việc gì, trước tiên ta phải nắm vững tri thức. Tri thức được coi là cơ sở lí luận, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động thực tiễn. Để viết tốt phần mở bài, mỗi học sinh cũng cần hiểu rõ tri thức về phần mở bài: Mở bài là gì, đặc trưng, chức năng, yêu cầu của phần mở bài, các phương pháp mở bài trong bài văn nghị luận. Tất cả những tri thức trên đã được trình bày ở mục 1.1. Đó là những khối lượng kiến thức mà học sinh phải được trang bị trước tiên.

Có rất nhiều cách viết phần mở bài. Ở mở bài trực tiếp - tức là đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận, học sinh có thể viết theo công thức sau:

- Dẫn dắt ngắn gọn bằng câu văn liên quan trực tiếp tới vấn đề - Nêu rõ vấn đề định bàn luận là gì

- Nêu giới hạn vấn đề hoặc:

- Dẫn dắt bằng cách nêu bối cảnh làm vấn đề xuất hiện như: thời gian, không gian, địa điểm xảy ra sự kiện gì liên quan đến tác phẩm trên, xuất xứ của tác phẩm văn học.

- Nêu rõ vấn đề định bàn luận là gì - Nêu giới hạn vấn đề

Ví dụ:

Đề bài: Biển đảo quê hương hôm nay với thanh niên Việt Nam.

Mở bài: (1) Biển đảo quê hương hôm nay đang là vấn đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ Việt Nam. (2) Không chỉ bày tỏ tình yêu đối với phần lãnh thổ máu thịt của Tổ quốc; thanh niên cần có những hành động cụ thể nhằm mang sức lực, trí lực của mình bảo vệ biển đảo quê hương.

Phân tích: Bài làm trên thực hiện giới thiệu vấn đề trong câu (1) và xác định giới hạn nghị luận ở câu (2): vấn đề tình yêu và hành động vì biển đảo của thanh niên.

Với mở bài gián tiếp, theo GS Nguyễn Đăng Mạnh, có thể rút ra kết luận bản chất của một mở bài hay hoặc không hay theo lối viết mở bài gián tiếp phụ thuộc hoàn toàn vào các

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

cách dẫn. Và đây chính là những lời mở đầu sớm nhất của mở bài thường gây khó khăn cho học sinh. Dưới đây chúng tôi trình bày một số cách mà học sinh dễ áp dụng và đạt hiệu quả cao. Học sinh có thể áp dụng theo công thức sau:

Đoạn dẫn + nêu vấn đề + giới hạn vấn đề + nhận định về tầm quan trọng của vấn đề, ý nghĩa.

(1) Đoạn dẫn theo tư liệu tác giả

Yêu cầu: Nêu tên tác giả + vị trí tác giả trong nền văn học hoặc phong cách + đề tài tiêu biểu, tác phẩm tiêu biểu.

Ví dụ:

Đề bài: Phân tích bức tranh đời sống phố huyện nghèo lúc chiều tối trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Mở bài: (1) Thạch Lam (1910 - 1942) là một trong những cây bút chủ chốt của Tự lực văn đoàn. (2) Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng ông đã để lại cho đời những trang văn độc đáo và thấm đậm một tinh thần nhân văn, nhân đạo. (3) Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một trong những tác phẩm đặc sắc, thể hiện những nét tiêu biểu trong nghệ thuật tự sự của Thạch Lam. (4) Truyện ngắn này có thể phân chia thành nhiều cảnh đoạn, trong đó đoạn tả bức tranh đời sống phố huyện nghèo lúc chiều tối thể hiện một số giá trị nghệ thuật đáng chú ý.

Phân tích:

- Câu (1), (2): đoạn dẫn theo tư liệu tác giả

- Câu (3), (4): Nêu vấn đề, giới hạn vấn đề, ý nghĩa của vấn đề.

(2) Đoạn dẫn theo lối so sánh (hai vấn đề tương tự)

Yêu cầu: Tìm một vấn đề tương tự (đề tài, chủ đề, hình ảnh, tác phẩm…) làm cầu nối so sánh với vấn đề của đề bài để tạo đoạn dẫn.

Ví dụ:

Đề bài: Hãy phát biểu ý kiến của mình về mục đích học tập do UNesco đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".

Mở bài: (1) Lênin từng có câu: "Học, học nữa, học mãi". (2) Câu nói trên đã khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của việc học. (3) Để việc học của chúng ta đạt được kết quả tốt đẹp thì mỗi cá nhân cần xác định rõ mục đích học tập cho bản thân. (4) Vì lẽ đó mà UNesco đã đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

Phân tích:

- Câu (1), (2): Đoạn dẫn theo lối so sánh, trích dẫn câu nói của Lênin về việc học. - Câu (3), (4): Nêu vấn đề nghị luận.

(3) Đoạn dẫn theo lối so sánh (hai vấn đề đối lập)

Yêu cầu: Tìm một vấn đề đối lập tạo thế bắc cầu để giới thiệu vấn đề cần bàn. Ví dụ:

Đề bài: Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

Mở bài: "(1) Xuân Quỳnh là một nữ thi sĩ có cuộc đời bất hạnh. (2) Bà mồ côi mẹ từ nhỏ, khi trưởng thành lại bị đổ vỡ trong tình yêu, gia đình. (3) Song, những bất hạnh ấy không hằn lên trong thơ bà thành nỗi đắng cay, trái lại nó càng làm cho những vần thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc và khát khao, có cái nồng nàn tha thiết của trái tim người phụ nữ. (4) Sóng là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh. (5) Bài thơ được rút ra từ tập thơ "Hoa dọc chiến hào" - 1968, đã ghi được những xúc cảm chân thật của người phụ nữ đang yêu". [46, 487]

Phân tích:

- Câu (1), (2), (3): Đoạn dẫn theo lối so sánh, so sánh cuộc đời bất hạnh của Xuân Quỳnh vói những vần thơ giàu cảm xúc và khát khao của bà.

- Câu (4), (5): Nêu vấn đề, giới hạn vấn đề.

(4) Đoạn dẫn dựa vào lời đánh giá ấn tượng của một tác giả

Yêu cầu: Lấy một đánh giá của một tác giả uy tín có nội dung trùng với vấn đề đã xác định được làm điểm tựa để phát triển tiếp.

Ví dụ:

Đề bài: Bình luận câu tục ngữ: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn".

Mở bài: (1) L.Tôn - xtôi từng nói: "Người ta đáng yêu không phải vì đẹp mà đẹp vì đánh yêu". (2) Ý của nhà văn muốn đề cao phẩm chất của con người. (3) Cùng quan điểm như vậy, nhưng cách diễn đạt giàu hình ảnh và có thể hiểu một cách rộng hơn phạm vi đánh giá con người, tục ngữ có câu: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn".

Phân tích:

- Câu (1), (2): Đoạn dẫn dựa vào lời đánh giá của một tác giả, nêu lên câu nói nổi tiếng của L.Tôn - xtôi.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

- Câu (3): Nêu vấn đề, giới hạn vấn đề.

(5) Đoạn dẫn dựa vào xuất xứ và những thông tin khác về tác phẩm

Yêu cầu: Lấy các thông tin liên quan đến vấn đề sau khi chọn lọc các chi tiết quan trọng hấp dẫn bố trí thành đoạn dẫn.

Ví dụ:

Đề bài: Phân tích đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện của Nam Cao qua đoạn văn miêu tả tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo mở đầu truyện ngắn cùng tên.

Mở bài: (1) Chí Phèo của Nam Cao được xếp vào loại kiệt tác của văn học Việt nam hiện đại, thậm chí có người còn đánh giá đó là một trong tổng số truyện ngắn xuất xắc của văn học nhân loại thế kỉ XX, bên cạnh Phòng số 6 của T. Sêkhốp và AQ chính chuyện của Lỗ Tấn. (2) Đóng góp nổi bật của tác phẩm không chỉ là ở những vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc, bức xúc do Nam Cao đặt ra, giải quyết mà còn ở nghệ thuật kể chuyện đạt đến trình độ bậc thầy. (3) Những đặc điểm này được bộc lộ rõ rệt ngay từ những dòng đầu tiên của tác phẩm: đoạn văn miêu tả tiếng chửi của nhân vật chính Chí Phèo.

Phân tích:

- Câu (1), (2): Đoạn dẫn dựa vào những thông tin về tác phẩm, đó là vị trí của tác phẩm Chí Phèo trong nền văn học nước nhà và trên thế giới.

- Câu (3): Nêu vấn đề, giới hạn vấn đề.

Như vậy, để viết được phần mở bài hay không chỉ phải đảm bảo đầy đủ nội dung, tức là thực hiện được chức năng nêu vấn đề của nó, mà còn phải có phương pháp (kĩ năng) dẫn dắt vấn đề.

1.2.2.2. Kĩ năng viết phần mở bài trong văn bản nghị luận * Quan niệm về kĩ năng

Vấn đề kĩ năng được rất nhiều các nhà nghiên cứu quan tâm, và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau:

Từ điển Tâm lí học nêu: "Kĩ năng được quan niệm là: Năng lực vận dụng có kết quả những tri thức về phương thức hành động đã được chủ thể lĩnh hội để thực hiện những nhiệm vụ tương ứng". [11, 131]

Theo Từ điển tiếng Việt, "kĩ năng được định nghĩa là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế". [15, 501]

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

Giáo trình Làm văn định nghĩa kĩ năng là "Từ những kiến thức được trang bị, người học cần có khả năng vận dụng chúng vào thực tế. Khả năng vận dụng đó gọi là kĩ năng". [45, 303]

Như vậy, có thể nhận định rằng kĩ năng là khả năng của con người thực hiện một cách có hiệu quả một hành động nào đó để đạt được mục đích đã xác định bằng cách lựa chọn và áp dụng những cách thức hành động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, phương tiện nhất định. Kĩ năng biểu hiện trình độ các thao tác tư duy, năng lực hành động và phương tiện kĩ thuật của hành động.

* Kĩ năng viết phần mở bài

Kĩ năng viết phần mở bài trong văn bản nghị luận theo chúng tôi là khả năng vận dụng những kiến thức để có thể viết được phần mở bài đạt các yêu cầu trong văn bản của phần này. Kĩ năng viết phần mở bài có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp cho bài văn nghị luận đạt hiệu quả giao tiếp cao. Tuy nhiên, muốn có kĩ năng thì phải làm, phải thực hành. Không phải chỉ làm một lần mà phải làm nhiều lần, làm đi làm lại cho thành thạo. Như vậy, kĩ năng chỉ hình thành khi có quá trình rèn luyện, luyện tập, thực hành.

Trên cơ sở được trang bị đầy đủ những tri thức về phần mở bài, thông qua việc luyện tập, giáo viên hình thành cho học sinh các kĩ năng viết phần mở bài trong văn bản nghị luận. Đứng trước một đề văn nghị luận, để viết được một mở bài đúng và hay, học sinh cần phải có những thao tác sau:

(1) Phân tích đề xác định yêu cầu bài viết

Đây là một thao tác quan trọng và việc rèn luyện kĩ năng cho học sinh là điều vô cùng cần thiết để giúp học sinh không lạc đề, xa đề và làm chủ được vấn đề nghị luận. Thao tác này đã được các bài lí thuyết văn nghị luận đề cập tới nhưng sự quan tâm của học sinh chưa nhiều, học sinh không những không thấy tầm quan trọng, ý nghĩa của thao tác mà còn không có điều kiện rèn thành một kĩ năng.

Việc đầu tiên là giáo viên yêu cầu học sinh đọc thật kĩ đề, gạch dưới những từ ngữ quan trọng để "hiểu ý người ra đề". Ví dụ khi đọc đề văn: "Nêu suy nghĩ của em về câu nói: "Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố" ( trích trong Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm)" thì giáo viên hướng dẫn học sinh từ "phải", từ "giông tố", từ "cúi đầu"… từ đó làm cơ sở để giải thích, để hiểu ý câu nói. Trên cơ sở đó chúng ta biết được "phải"

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

đây không nên hiểu hoàn toàn theo nghĩa "bị" mà còn theo nghĩa "được", không phải "bị động" mà còn "chủ động" nữa. Và cũng từ đó hiểu được "giông tố" tức là những khó khăn vấp ngã trên đường đời, chính là chất "xúc tác", là "gia vị" cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Và dĩ nhiên "cúi đầu" trong câu nói là đầu hàng, là hèn nhát, là thoả hiệp và ngại khó khăn của con người.

Điều quan trọng của phân tích đề là phải tìm ra được luận đề (vấn đề nghị luận). Nếu học sinh đoán đề sai thì phần mở bài sẽ không nêu được vấn đề nghị luận, từ đó dẫn đến việc bài văn sẽ viết lạc đề. Vậy nên phân tích đề và mở bài có quan hệ mật thiết với nhau.

(2) Lựa chọn kiểu mở bài

Sau khi xác định đúng vấn đề nghị luận, công việc tiếp theo mà mỗi học sinh phải làm là lựa chọn cho mình một kiểu mở bài riêng (diễn dịch, quy nạp, tương liên, tương phản) để viết phần mở bài. Thao tác này có ý nghĩa quan trọng. Nó định hướng những khối lượng kiến thức cần thiết được sử dụng trong mở bài, để từ đó học sinh có cơ sở huy động kiến thức đã học phục vụ cho phần viết. Ví dụ đứng trước đề nghị luận văn học:

"Vẻ đẹp đa dạng của sông Hương trong bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông"(Hoàng Phủ Ngọc Tường)", người viết sau khi phân tích đề, tìm ra vấn đề nghị luận: vẻ đẹp đa dạng của sông Hương thì bước vào thao tác 2 là lựa chọn kiểu mở bài. Tuỳ vào vốn hiểu biết, sở thích, năng lực mà mỗi học sinh lựa chọn cho mình một kiểu mở bài riêng. Chẳng hạn ở đề bài trên, người viết lựa chọn mở bài theo kiểu tương liên (tương đồng), tức là người viết phải huy động những đơn vị kiến thức có liên quan tới ý của luận đề, có tác dụng gợi ra sự liên

Một phần của tài liệu Củng cố và phát triển năng lực viết phần mở bài của học sinh lớp 12 trong bài văn nghị luận (Trang 27 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)