Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngân hàng

Một phần của tài liệu giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử cho hệ thống ngân hàng thương mại việt nam (Trang 95 - 96)

5. Kết cấu của đề tài

3.3.5.Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngân hàng

Để phát triển thành công các dịch vụ ngân hàng điện tử, nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định. Hiện nay, đội ngũ cán bộ của hệ thống ngân hàng khá đông nhưng trình độ am hiểu về luật pháp trong nước và quốc tế, về chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt về các dịch vụ mới… còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống ngân hàng hiện đại. Trong xu thế hội nhập của mọi hoạt động kinh doanh ngân hàng trong đó có các dịch vụ ngân hàng điện tử, các NHTM cần xây dựng, đào tạo cho mình một đội ngũ các nhà quản trị có năng lực, một đội ngũ cán bộ nghiệp vụ giỏi về chuyên môn, trong sáng về đạo đức, đảm bảo duy trì vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu cũng như cung cấp dịch vụ điện tử trơn tru và nhanh chóng cho khách hàng. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngân hàng cần thực hiện những giải pháp sau:

- Tổ chức các khóa đào tạo riêng biệt cho cán bộ quản lý. Ở Việt Nam hiện nay, các nhà quản trị NHTM hầu hết chưa được đào tạo nghề quản trị NHTM một cách bài bản mà được lựa chọn qua thực tiễn hoạt động kinh doanh, do vậy khả năng phân tích, dự báo và quản lý rủi ro của họ không cao, khả năng quản trị còn nhiều hạn chế.Để khắc phục điểm yếu này, bên cạnh việc tích lũy kinh nghiệm theo thời gian, bản thân các nhà quản trị ngân hàng cần phải tích cực học hỏi, tự nghiên cứu để trang bị thêm cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Các ngân hàng cần tổ chức các lớp đào tào dành riêng cho cán bộ quản lý có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng.

- Trang bị đầy đủ kiến thức , kỹ năng cho cán bộ làm nghiệp vụ trực tiếp. Các dịch vụ ngân hàng điện tử nhìn chung là các dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, do đó các cán bộ thực hiện nghiệp vụ này trước hết phải nắm vững công nghệ và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Các cán bộ này phải được đào tạo kỹ càng theo hướng chuyên nghiệp cao. Đây là những người trực tiếp làm việc với khách hàng và

là bộ mặt của một ngân hàng. Vì vậy, các NHTM cần đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ ngân hàng về dịch vụ ngân hàng điện tử và các kỹ năng bổ trợ như ngoại ngữ, tin học.

- Các NHTM có thể đưa các cán bộ có năng lực đi khảo sát thực tế ở các nước tiên tiến đang triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử để học hỏi kinh nghiệm và các kỹ thuật chuyên môn.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, các ngân hàng có thể thông qua các đối tác chiến lược nước ngoài, gửi nhân viên đi học tập ở nước ngoài. Sự hợp tác trong nghiên cứu, trao đổi giảng viên giữa các ngân hàng thương mại với các cơ sở đào tạo ở một số nước có kinh nghiệm về triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử chính là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

- Ngoài kiến thức về nghiệp vụ, nhân viên cần được đào tạo những kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp khách hàng, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng đàm phán… để có thể giải đáp, tư vấn cho khách hàng một cách thông suốt và chất lượng phục vụ khách hàng được tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Các NHTM cần tạo cho đội ngũ nhân viên tác phong làm việc chuyên nghiệp, thái độ tận tình với khách hàng. Thái độ phục vụ khách hàng là một trong những nhân tố quyết định giữ chân khách hàng ở lại với ngân hàng.

Một phần của tài liệu giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử cho hệ thống ngân hàng thương mại việt nam (Trang 95 - 96)