Tình hình sản xuất và tiêu thụ đậu tương tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chọn tạo giống đậu tương thích hợp với một số tỉnh phía Bắc Việt Nam (Trang 29 - 34)

1.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ đậu tương trên thế giới và ở Việt Nam

1.2.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ đậu tương tại Việt Nam

Ở Việt Nam, đậu tương là một trong số những cây thực phẩm có truyền thống lâu đời và quan trọng cung cấp thực phẩm cho con người và thức ăn chăn nuôi.

Năm 1976, diện tích đậu tương cả nước chỉ đạt 40 nghìn ha, năng suất 0,52 tấn/ha, sản lượng 20,8 nghìn tấn. Từ năm 1990 đến năm 2012, năng suất đậu tương Việt Nam đã tăng 1,8 lần đạt từ 0,79 lên 1,45 tấn/ha, diện tích tăng 1,1 lần từ 110 lên 119,6 nghìn ha, sản lượng tăng hơn 2 lần từ 86,6 lên 175,2 nghìn tấn. Nhưng trong những năm trở lại đây, sản xuất đậu tương của nước ta có xu hướng không ổn định và giảm dần. Năm 2005, diện tích sản xuất đậu tương đạt ở mức cao nhất 204,1 nghìn ha với năng suất 1,4 tấn/ha và sản lượng 292,7 nghìn tấn. Từ năm 2007 đến 2012, sản xuất đậu tương của nước ta giảm trung bình ở mức 12,3%/năm về diện tích và 11,3%/năm về sản lượng. Diện tích đậu tương năm 2012 giảm còn 120,8 nghìn ha (giảm 33% so với năm 2011), năng suất thấp đạt 1,45 tấn/ha (bằng 70% năng suất đậu tương của thế giới), kéo theo sản lượng giảm còn 175,2 nghìn tấn (giảm 34% so với năm 2011) (phụ lục 4).

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ đậu tương của nước ta không ngừng gia tăng, trong khi sản xuất đậu tương nội địa mới chỉ đáp ứng khoảng 8 – 10% nhu cầu.

Năm 2008, Việt Nam nhập khẩu 183,86 nghìn tấn hạt đậu tương, đến năm 2011 lượng đậu tương nhập khẩu lên tới 1.025 nghìn tấn, tăng 457,5%. Năm 2012, Việt Nam nhập khẩu 1.292,3 nghìn tấn từ 17 quốc gia, đạt giá trị 780,25 triệu USD, tăng 26,1% về sản lượng và 65,2% về giá trị so với năm 2011. Dự kiến tới năm 2015 – 2020, Việt Nam thiếu hụt tới 3,5 – 5,0 triệu tấn/năm trở thành một nước nhập khẩu

đậu tương lớn với kim ngạch 2,0 – 3,0 tỷ USD/năm, tương đương với kim ngạch xuất khẩu gạo hiện nay.

Với mục tiêu giảm nhập khẩu đậu tương tại Quyết định 150/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển 360 nghìn ha đậu tương để đạt sản lượng 0,68 triệu tấn vào năm 2010 và 470 nghìn ha để có sản lượng 1,0 – 1,2 triệu tấn vào năm 2020. Theo Dự thảo chiến lược trồng trọt Việt Nam đến năm 2020: Năm 2015, diện tích gieo trồng đậu tương khoảng 400 nghìn ha, trong đó trồng trên đất chuyên màu là 200 nghìn ha, số còn lại bố trí luân canh trên đất 2 vụ lúa và trên đất 1 lúa + 1 màu; Năm 2020, diện tích gieo trồng đậu tương khoảng 430 nghìn ha, trong đó bố trí chủ yếu ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi Bắc bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (Bộ NN&PTNT, 2008). Theo Quyết định Phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014 – 2020 của Bộ NN&PTNT ngày 31/7/2014, tổng diện tích gieo trồng cây đậu tương được chuyển đổi trên đất lúa đến năm 2020 là 167 nghìn ha, trong đó tập trung ở 7 vùng: Đồng bằng sông Cửu Long (23 nghìn ha), Đồng bằng sông Hồng (60 nghìn ha), Trung du miền núi phía Bắc (57 nghìn ha), Bắc Trung Bộ (12 nghìn ha), Duyên hải Nam Trung Bộ (3 nghìn ha), Tây Nguyên (11 nghìn ha) và Đông Nam Bộ (1 nghìn ha) (BộNN&PTNT,2014).

* Tình hình sản xuất đậu tương tại các tỉnh phía bắc:

Hiện nay, đậu tương được trồng tại 27/63 tỉnh thành cả nước tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (chiếm 70 – 80%) tại 2 vùng chính là miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng (http://www.gso.org.vn). Tuy nhiên, sản xuất đậu tương tại các tỉnh phía bắc trong những năm gần đây (2007 – 2012) có xu hướng không ổn định và giảm dần, trung bình 3,5%/năm về diện tích và 2%/năm về sản lượng với năng suất trung bình hầu như không tăng (đạt 0,4%/năm). Năm 2012, diện tích gieo trồng đậu tương còn 87,3 nghìn ha (giảm 33,9% so với năm 2011), năng suất đạt 1,40 tấn/ha (giảm 3,8% so với năm 2011) và sản lượng là 121,9 nghìn tấn (giảm 36,4% so với năm 2011) (phụ lục 5).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, miền núi phía Bắc là vùng sản xuất đậu tương lớn nhất cả nước với diện tích năm 2012 đạt 54,3 nghìn ha (chiếm 45,4%

diện tích đậu tương cả nước), tập trung tại các tỉnh thành như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La..., trong đó dẫn đầu là Hà Giang (chiếm 41,4% diện tích toàn vùng). Tại miền núi phía Bắc, đậu tương được trồng chủ yếu ở 2 vụ Xuân và Hè thu trên đất nương rẫy. Đối với vụ đậu tương Xuân, mặc dù có điều kiện tự nhiên thuận lợi với tiềm năng về quỹ đất và ít bị áp lực bởi cây trồng luân canh ngắn ngày khác nhưng diện tích hiện tại chỉ đạt khoảng hơn 20 nghìn ha với cơ cấu chủ yếu là Đậu tương Xuân – Ngô Hè thu (hoặc đậu tương Hè thu) trong đó: Khu vực Đông Bắc có khoảng 12 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Phú Thọ, Sơn La, chủ yếu trồng trên đất đồi bãi cao chuyên màu (đậu tương Xuân + ngô Hè thu hoặc ngô Xuân + đậu tương Hè thu) và một phần được trồng trên đất lúa nhưng không đủ nước cấy. Tuy nhiên những năm gần đây thường gặp hạn vụ Xuân nên nhiều nơi phải gieo lại, do muộn thời vụ nên năng suất thấp; Khu vực Tây Bắc có khoảng 6 nghìn ha tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên. Do chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa nên thời vụ gieo bắt đầu vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 4) nên thực tế là vụ Xuân hè và trồng tận dụng vụ Thu đông để trồng tiếp vụ đậu tương hoặc ngô (gieo cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8) theo cơ cấu: đậu tương Hè + ngô Thu đông hoặc ngô Hè + đậu tương Thu đông, thường vụ thứ 2 năng suất thấp (1,1 tấn/ha). Do vậy, để đảm bảo thời vụ cần sử dụng những giống có TGST trung ngày. Đối với vụ đậu tương Hè thu, vụ chính ở các tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích khoảng 30 nghìn ha trong cơ cấu chủ yếu ngô Xuân + đậu tương Hè thu. Do không bị áp lực của vụ sau nên có thể sử dụng giống trung và dài ngày với tiềm năng năng suất cao. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây diện tích đậu tương của vùng có xu hướng giảm dần. Sản xuất đậu tương thường gặp khó khăn như kỹ thuật canh tác lạc hậu và đầu tư thâm canh thấp do quan niệm đậu tương là cây trồng phụ, ít sử dụng phân bón, hầu hết trồng chay (đặc biệt trên diện tích gieo trồng đậu tương vùng đất dốc vốn đã bị ảnh hưởng của quá trình xói mòn, rửa trôi càng làm ảnh hưởng rõ đến năng suất đậu tương), không quan tâm đến công tác bảo vệ thực vật, chưa có công tác sơ chế bảo quản sau thu hoạch do khó khăn về điều kiện địa hình và vận chuyển…; bộ giống kém chất lượng, chưa có bộ giống thích hợp cho từng tiểu vùng với năng suất cao và ổn định, nhiều vùng hiện còn sử

dụng các giống đậu tương địa phương dài ngày, năng suất thấp; điều kiện canh tác khó khăn do điều kiện thời tiết bất thuận (ở vụ Xuân thường gặp điều kiện thời tiết lạnh và khô hạn ở đầu vụ làm ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm, mưa nhiều ở cuối vụ gây khó khăn cho thu hoạch. Ở vụ Hè thu, thường gặp mưa lũ giai đoạn gieo hạt và gặp hạn giai đoạn vào chắc ở cuối vụ…); sâu bệnh hại phát triển mạnh đặc biệt là các loài sâu hại như sâu khoang, sâu cuốn lá, sâu đục quả, bọ xít…; chính sách hỗ trợ về vốn sản xuất và bảo hiểm đối với cây đậu tương tại vùng chưa được chú trọng… (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, 2014).

Hiện nay, Hà Giang là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển cây đậu tương với diện tích năm 2012 đạt 22,5 nghìn ha, chiếm 18,8% diện tích đậu tương cả nước và 41,4% diện tích đậu tương của vùng, nhưng năng suất thấp chỉ đạt 1,15 tấn/ha, bằng 78,8% năng suất đậu tương trung bình cả nước và hầu như không tăng trong những năm gần đây (phụ lục 6). Sản xuất đậu tương của Hà Giang tập trung chủ yếu ở 2 vụ chính là đậu tương xuân trong cơ cấu Đậu tương xuân (2 – 6) + Lúa mùa (6 – 10) trên đất ruộng bỏ hóa vụ Xuân; và vụ đậu tương hè thu trong cơ cấu Ngô xuân hè (2 – 8) + Đậu tương hè thu (7 – 10) trên đất nương rẫy. Vụ đậu tương Xuân tuy có thời gian phù hợp cho phát triển những giống đậu tương có TGST dài với tiềm năng năng suất cao nhưng do thường gặp hạn và rét đầu vụ nên cần sử dụng những giống có khả năng chịu hạn, chịu rét để gieo sớm hoặc giống có TGST trung ngày (90 – 100 ngày) để đảm bảo cây trồng vụ sau. Vụ đậu tương hè thu là một vụ đậu tương chính (chiếm 58,4% diện tích của toàn tỉnh) với diện tích khoảng 13 nghìn ha/năm.

Do không bị áp lực thời vụ của cây trồng vụ sau nên có thể sử dụng những giống có TGST dài (100 – 120 ngày) với tiềm năng năng suất cao. Có nhiều nguyên nhân hạn chế tới năng suất đậu tương của Hà Giang như kỹ thuật canh tác lạc hậu, không đầu tư thâm canh, điều kiện canh tác khó khăn về địa hình và thời tiết khí hậu, hạn chế về bộ giống…, trong đó, nguyên nhân hạn chế về bộ giống và điều kiện sản xuất khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất đậu tương ở Hà Giang. Nhiều hộ còn sử dụng giống địa phương năng suất thấp hoặc các giống cũ đã thoái hóa. Mặc dù đã có bộ giống đậu tương mới với năng suất cao và TGST phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương được đưa vào sản xuất như DT84, DT90, DT96, AK03, VX9-3,

TL57… song chưa đáp ứng đủ cho sản xuất, cho đến nay DT84 vẫn là giống chủ lực, chiếm gần 70% cơ cấu giống trên toàn tỉnh (Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, 2014). Bên cạnh đó, do điều kiện canh tác khó khăn với địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, điều kiện thời tiết không thuận lợi trong quá trình canh tác, đặc biệt khi gieo hạt như ở vụ Xuân thường xảy ra rét, hạn đầu vụ, và mưa cuối vụ khi thu hoạch, ở vụ Hè thu thường gặp mưa lớn khi gieo, cuối vụ vào giai đoạn phát triển hạt thường gặp hạn đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất đậu tương của tỉnh.

Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất đậu tương lớn thứ hai sau miền núi phía Bắc với diện tích năm 2012 đạt 33,0 nghìn ha (chiếm 27,6% diện tích đậu tương cả nước), tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình…, trong đó dẫn đầu là thành phố Hà Nội (chiếm 36,1% diện tích đậu tương của vùng) (phụ lục 7). Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, đậu tương được gieo trồng trong cả 3 vụ/năm (Xuân, Hè và Đông) nhưng chủ yếu là vụ đậu tương Đông trên đất sau 2 lúa (tháng 9 – tháng 12), chiếm trên 40% diện tích đậu tương cả nước, giữ vị trí quan trọng trong sản xuất đậu tương của nước ta (Cục Trồng trọt, 2011). Tuy nhiên, sản xuất đậu tương của vùng trong những năm gần đây có xu hướng giảm mạnh. Nguyên nhân chính là do diện tích đậu tương vụ Đông trên đất sau 2 lúa giảm. Trong các năm 2005 – 2008, diện tích gieo trồng đậu tương hàng năm của Hà Nội luôn đứng đầu cả nước đạt trên 30 nghìn ha/năm do có diện tích đậu tương đông lớn (chiếm trên 80% toàn tỉnh), nhưng giảm mạnh vào năm 2009 còn 7,3 nghìn ha (giảm 78%) do ảnh hưởng của đợt lũ lụt kéo dài ở vụ Đông 2008 làm ảnh hưởng tới nguồn hạt giống, gây thiếu giống đáp ứng nhu cầu sản xuất của vụ Đông năm 2009. Do là cây trồng sau 2 vụ lúa, phần lớn diện tích đậu tương đông của thành phố được gieo trồng từ 25/9 đến 5/10 nên cần sử dụng những giống có TGST từ 80 – 90 ngày, để thu hoạch sớm trong tháng 12. Nếu việc thu hoạch diễn ra sau 31/12, dễ gặp mưa phùn làm ảnh hưởng đến chất lượng của hạt. Hiện nay, bộ giống đậu tương trồng trong vụ Đông không nhiều, chủ yếu là các giống chọn tạo như DT84, AK03, AK05, AK06, VX9-2, VX9-3, ĐT93, V74, TL57, DN42, Đ96-02, DT90, D140, Đ9804, DT96, ĐT2000, ĐT26…., trong đó nhiều giống có TGST > 90 ngày, và giống DT84 sau hơn 20 năm canh tác đã thoái hóa vẫn là giống chủ lực trong sản

xuất hiện nay (chiếm trên 81% cơ cấu giống đậu tương vụ Đông và trên 60% cơ cấu giống đậu tương vụ Hè thu) (Cục Trồng trọt, 2012).

Như vậy, trong những năm trở lại đây diện tích đậu tương của toàn miền có xu hướng không ổn định và giảm dần với năng suất tăng không đáng kể. Nguyên nhân chính do sự hạn chế về bộ giống bên cạnh các nguyên nhân như kỹ thuật lạc hậu, điều kiện canh tác khó khăn do hạn chế về địa hình và điều kiện thời tiết bất thuận (khô hạn, úng, diễn biến nhiệt độ cực đoan…), cơ chế chính sách về vốn và hỗ trợ sản xuất chưa được chú trọng....

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chọn tạo giống đậu tương thích hợp với một số tỉnh phía Bắc Việt Nam (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)