Ở phía Bắc nước ta được xác định là vùng khí hậu nhiệt đới ẩm với địa hình và địa thế phức tạp được chia thành 3 vùng: Tây Bắc, Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Đặc trưng điều kiện địa hình và khí hậu của 3 vùng có thể đánh giá như sau (http://vi.wikipedia.org).
Vùng Tây Bắc: có vị trí từ 20047’ đến 22048’ vĩ độ Bắc và 102009’ đến 105052’ kinh độ Đông, gồm các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái và Lào Cai. Tây Bắc là vùng núi và cao nguyên hiểm trở có mức độ chia cắt mạnh nhất nước ta. Địa hình Tây Bắc phức tạp, phía Đông và Đông Bắc là khối núi Hoàng Liên Sơn, phía Tây và tây nam là dãy núi Sông Mã. Ở Tây Bắc, núi và cao nguyên chiếm 4/5 diện tích lãnh thổ, các dãy núi và cao nguyên đều chạy song song nhau theo hướng Tây Bắc – Đông Nam trừ ở phía cực tây có nhiều mạch núi rẽ theo hướng Đông Bắc. Vùng Tây Bắc có khí hậu nhiệt đới chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Do nằm sâu trong lục địa nên chịu ảnh hưởng của mưa bão biển Đông trong mùa hè và của gió mùa đông bắc trong mùa đông ít hơn các nơi khác thuộc Đông Bắc và Đông Bắc Bộ. Chế độ gió mùa có sự tương phản rõ rệt. Mùa hè có gió mùa Tây Nam, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều. Mùa đông có gió mùa Đông Bắc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, có thời tiết lạnh, khô và ít mưa. Các tháng 4 và 10 là những tháng giao thời giữa 2 mùa. Các hoàn lưu gió mùa đã chi phối mọi diễn biến của thời tiết và khí hậu vùng Tây Bắc với những đặc trưng như: Về chế độ nhiệt, tháng nóng nhất từ tháng 6 đến tháng 8, lạnh nhất từ 11 – 12. Biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm ở vùng cao nguyên và núi cao lớn hơn ở các thung lũng do có dãy Hoàng Liên Sơn chắn gió mùa Đông. Trái
lại, mùa hè ở Tây Bắc đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn, do ảnh hưởng sớm và nhiều hơn của áp thấp nóng phía tây. Độ ẩm tương đối trung bình hàng năm của Tây Bắc biến động không lớn, thường từ 78 – 93%, ở các tiểu vùng có độ chệnh lệch từ 2 – 5%. Khu vực Tây Bắc có lượng mưa lớn, trung bình từ 1800 – 2500mm/năm. Do ảnh hưởng của địa hình (các dãy núi cao) mà lượng mưa trên một số khu vực khác nhau: 2400 – 2800mm ở Mường Tè, Sín Hồ; 1800-2000mm ở Phong Thổ; 1600 – 1800mm ở cao nguyên Sơn La, Mộc Châu… Lượng mưa phân bổ không đều trong năm tập trung vào các tháng mùa hè, chiếm 78 – 85% lượng mưa cả năm. Tháng 6 và 7 có lượng mưa lớn nhất (>300mm/tháng). Tổng số ngày mưa trung bình trong năm biến động từ 114 – 118 ngày. Do địa hình bị chia cắt sâu và mạnh, hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu cho phép phát triển một nền sản xuất nông - lâm nghiệp phong phú. Tuy nhiên, vùng Tây Bắc còn có một số khó khăn đáng kể như thường xảy ra tình trạng sương muối, mưa đá và lũ quét. Đây cũng là những nhân tố gây bất lợi cho sản xuất và đời sống.
Vùng Đông Bắc: nằm ở cực Bắc của đất nước ở vị trí từ 20049’ đến 23024’
vĩ độ Bắc và từ 103031’ đến 10803’ kinh độ Đông, bao trùm các tỉnh thành Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang và Quảng Ninh. Đông Bắc là vùng núi và trung du với nhiều khối núi và dãy núi đá vôi hoặc núi đất, có địa hình chia cắt phức tạp. Ở phía Tây với các khối núi đá và dãy núi đá cao chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, đặc biệt dãy Hoàng Liên Sơn có đỉnh núi Fanxipăng cao hơn 3000m, chia cắt Tây Bắc với Đông Bắc Bắc Bộ. Ở phía đông có nhiều dãy núi cao hình cánh cung tạo nên địa hình hiểm trở. Khí hậu đặc trưng của vùng là nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh giá và ít mưa, mùa hè nóng ẩm và mưa nhiều, chia làm 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông với lượng mưa trung bình khá lớn. Do địa hình cao, ở phía Bắc, lại có nhiều dãy núi dài chạy song song, nên vào mùa Đông, vùng này có gió Bắc thổi mạnh và rất lạnh. Đông Bắc là khu vực có mùa đông lạnh nhất nước ta. Tuy nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng vì địa hình cao, lại có nhiều dãy núi hình cánh cung mở ra ở phía bắc, chụm đầu về Tam Đảo, vào mùa Đông có gió Bắc thổi mạnh và rất lạnh, còn mùa hè thì mát mẻ, do đó vùng này có đặc trưng khí hậu ôn đới. Đông Bắc tuy
vẫn nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới, nhưng chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và khí hậu phân dị tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái, cho phép phát triển nhiều loại cây trồng đa dạng, phong phú.
Nằm ở cực Bắc của đất nước, Hà Giang có vị trí từ 22049’00 vĩ độ Bắc và 104058’51 kinh độ Đông với tổng diện tích đất tự nhiên là 791,49 nghìn ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 152,61 nghìn ha (chiếm 21,74%). Hà Giang có địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn và mang khí hậu của vùng núi Việt Bắc – Hoàng Liên Sơn, song cũng có những đặc điểm riêng, mát và lạnh hơn các tỉnh miền Đông Bắc, nhưng ấm hơn các tỉnh miền Tây Bắc… Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 21,60C – 23,90C, biên độ nhiệt trong năm có sự dao động trên 100C và trong ngày cũng từ 6 – 70C. Mùa nóng, nhiệt độ cao tuyệt đối lên đến 400C (tháng 6, 7), ngược lại mùa lạnh, nhiệt độ thấp tuyệt đối là 2,20C (tháng l). Chế độ mưa ở Hà Giang khá phong phú. Toàn tỉnh đạt bình quân lượng mưa hàng năm khoảng 2.300 – 2.400mm, riêng Bắc Quang hơn 4.000mm, là một trong số những trung tâm mưa lớn nhất nước ta.
Dao động lượng mưa giữa các vùng, các năm và các tháng trong năm khá lớn. Năm 2001, lượng mưa đo được ở trạm Hà Giang là 2.253,6mm, Bắc Quang là 4.244mm, Hoàng Su Phì là 1.337,9mm... Tháng mưa cao nhất ở Bắc Quang (tháng 6) có thể đạt trên 1.400mm, trong khi đó lượng mưa tháng 12 ở Hoàng Su Phì là 3,5mm, ở Bắc Mê là 1,4mm. Độ ẩm bình quân hàng năm ở Hà Giang đạt 85% và sự dao động cũng không lớn. Thời điểm cao nhất khoảng 87 – 88% (tháng 6, 7 và 8), thời điểm thấp nhất cũng khoảng 81% (tháng l, 2 và 3). Đặc biệt ở đây ranh giới giữa mùa khô và mùa mưa không rõ rệt. Hà Giang là tỉnh có nhiều mây (lượng mây trung bình khoảng 7,5/10, cuối mùa đông lên tới 8 – 9/10) và tương đối ít nắng (cả năm có 1.427 giờ nắng, tháng nhiều là 181 giờ, tháng ít chỉ có 74 giờ). Nét nổi bật của khí hậu Hà Giang là độ ẩm trong năm cao, mưa nhiều và kéo dài, nhiệt độ mát và lạnh, đều có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống (http://www.hagiang.gov.vn). Như vậy, tuy có địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, dân cư phân bố không tập trung, Hà Giang được xác định là tỉnh có điều kiện khí hậu thuận lợi và tiềm năng về diện tích phát triển sản xuất cây đậu tương và cây đậu tương đã trở thành cây trồng hàng hóa
quan trọng sau cây ngô, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc của tỉnh Hà Giang.
Vùng Đồng bằng sông Hồng: trải rộng từ vĩ độ 21°34´B (huyện Lập Thạch) tới vùng bãi bồi khoảng 19°5´B (huyện Kim Sơn), từ 105°17´Đ (huyện Ba Vì) đến 107°7´Đ (trên đảo Cát Bà) với địa hình tương đối bằng phẳng, bao gồm 10 tỉnh thành: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Tính đến năm 2013, tổng diện tích đất nông nghiệp còn 720,5 nghìn ha (chiếm 48,2% diện tích vùng), trong đó 70% là đất phù sa màu mỡ, có giá trị lớn về sản xuất nông nghiệp nhưng ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và xây dựng các khu công nghiệp. Đặc trưng khí hậu của vùng là mùa đông từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, mùa này cũng là mùa khô. Mùa xuân có tiết mưa phùn. Theo số liệu thống kê, hàng năm có đến 10 tháng đủ ẩm và 4 đến 5 tháng có mưa liên tục với lượng mưa trung bình/tháng trên 200mm. Lượng mưa trung bình/năm từ 1600 – 2200mm, số giờ nắng từ 1600 – 1800 giờ/năm, tổng lượng bức xạ lớn từ 105 – 125 Kcal/cm2/năm, bức xạ quang hợp từ 57 – 62 Kcal/cm2/năm. Điều kiện về khí hậu của vùng tạo thuận lợi cho việc tăng vụ trong năm gồm vụ Xuân, vụ Hè thu, vụ Mùa và đặc biệt là vụ Đông thích hợp với nhiều loại cây lương thực và cây thực phẩm khác nhau cho sản xuất nông nghiệp.
Nằm trong vị trí từ 20°53' đến 21°23' vĩ độ Bắc và 105°44' đến 106°02' kinh độ Đông, Hà Nội hiện là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng đầu khu vực với tổng diện tích đất nông nghiệp là 149,7 nghìn ha (chiếm 19,4% diện tích đất nông nghiệp toàn vùng). Địa hình Hà Nội thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông với độ cao trung bình từ 5 – 20m so với mực nước biển. Nhờ phù sa bồi đắp, 3/4 diện tích tự nhiên của Hà Nội là đồng bằng, nằm ở hữu ngạn sông Đà, hai bên sông Hồng và chi lưu các con sông khác. Khí hậu Hà Nội có đặc điểm của khí hậu cận nhiệt đới ẩm, mùa hè nóng và mưa nhiều, mùa đông lạnh, ít mưa về đầu mùa và có mưa phùn về nửa cuối mùa. Nằm về phía Bắc của vành đai nhiệt đới, thành phố quanh nǎm tiếp nhận lượng bức xạ mặt trời rất dồi dào và có nhiệt độ cao. Do tác động của biển, Hà Nội có độ ẩm và lượng mưa khá lớn, trung bình 114 ngày mưa một năm. Một đặc điểm rõ nét của khí hậu Hà Nội là
sự thay đổi và khác biệt của hai mùa nóng, lạnh. Mùa nóng kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, kèm theo mưa nhiều, nhiệt độ trung bình khá cao 28,1°C. Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là mùa đông với nhiệt độ trung bình là 18,6°C. Trong khoảng thời gian này số ngày nắng của thành phố xuống rất thấp, bầu trời thường xuyên bị che phủ bởi mây và sương, tháng 2 trung bình mỗi ngày chỉ có 1,8 giờ mặt trời chiếu sáng. Cùng với hai thời kỳ chuyển tiếp vào tháng 4 (mùa xuân) và tháng 10 (mùa thu), thành phố có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu và đông. Tuy là vùng đất màu mỡ và tiềm năng cho năng suất cao nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và chủ yếu là diện tích đất lúa (http://vi.wikipedia.org).
Như vậy, do điều kiện thời tiết khí hậu, điều kiện canh tác và cơ cấu cây trồng của từng vùng, từng vụ khác nhau đòi hỏi có những giống đậu tương không chỉ năng suất cao, chống chịu tốt mà cần có thời gian sinh trưởng phù hợp. Vì vậy, công tác chọn tạo giống đậu tương hiện nay và trong thời gian tới cho các tỉnh miền Bắc nói chung, cho Hà Nội và Hà Giang nói riêng, cần tập trung vào các mục tiêu sau:
- Tại các tỉnh miền núi: Chọn tạo giống đậu tương thích hợp cho vụ Xuân trên đất ruộng một vụ và vụ Hè thu trên đất ngô với TGST từ 95 – 120 ngày, tiềm năng năng suất cao (2,5 – 3,0 tấn/ha), chống chịu bệnh hại tốt (bệnh phấn trắng, sương mai) và chống chịu điều kiện sản xuất khó khăn (hạn, rét…).
- Tại vùng Đồng bằng sông Hồng: Chọn tạo giống đậu tương thích hợp cho vụ Xuân trên đất ruộng cao không đủ nước cấy và vụ Hè thu trên đất ngô với TGST từ 95 – 100 ngày, tiềm năng năng suất cao (2,5 – 3,0 tấn/ha), chống chịu bệnh hại (gỉ sắt, đốm nâu) và chống chịu điều kiện sản xuất khó khăn (nóng, hạn, đất nghèo dinh dưỡng…); và chọn tạo giống đậu tương thích hợp vụ Đông trên chân đất sau 2 lúa với TGST từ 80 – 90 ngày, năng suất từ 1,8 – 2,5 tấn/ha.