CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH SỬ DỤNG THẺ TÍN DỤNG
1.2. Tổng quan về thẻ tín dụng
1.2.1. Khái niệm và phân loại thẻ tín dụng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra định nghĩa về thẻ trong quy định về việc phát hành, sử dụng và thanh toán thẻ ngân hàng, được ban hành kèm theo Quyết định số 20/2007/QĐ-NHNN ngày 15/5/2007. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quy định: "Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán do ngân hàng phát hành và cấp cho KH sử dụng theo hợp đồng ký kết giữa ngân hàng phát hành và chủ thẻ. Thẻ ngân hàng được hiểu như một phương tiện thanh toán được dùng để thực hiện các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, bên cạnh các phương tiện thanh toán khác như tiền mặt, séc, ủy nhiệm chi (lệnh chi), ủy nhiệm thu. Với những tính năng như gọn nhẹ, an toàn, thuận tiện, thẻ ngân hàng đã và đang được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và cũng ở Việt Nam."
Tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về TTD như sau: “TTD là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.” Thông thường, TTD được NH cấp cho chủ thẻ với một hạn mức nhất định dựa trên việc đánh giá và thẩm
định lịch sử quan hệ tín dụng của KH, mức thu nhập hàng tháng của chủ thẻ hoặc số tiền ký quỹ hoặc tài sản mà chủ thẻ đảm bảo tại NH.
Theo văn bản hợp nhất 15/VBHN-NHNN 2021 thông tư về hoạt động thẻ ngân hàng thì: “TTD (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ”.
Với đặc điểm là chi tiêu trước và trả tiền sau, chủ thẻ có thể thực hiện các giao dịch hàng hóa, dịch vụ tại các điểm bán hàng hoặc trên các trang web thương mại điện tử thông qua hình thức thanh toán bằng TTD. Một ngày nhất định hàng tháng, theo quy định của từng NH, NH sẽ gửi một bản sao kê chi tiêu chi tiết của tháng trước mà chủ TTD đã sử dụng và yêu cầu chủ thẻ thanh toán. Khi đó, chủ thẻ có thể chọn thanh toán toàn bộ số tiền trước hoặc trong thời hạn ghi trong thông báo. Nếu chủ thẻ thanh toán đúng thời hạn, sẽ không phải trả lãi và bất kỳ loại phí nào. Ngoài ra, chủ thẻ có thể chọn thanh toán một phần số tiền tối thiểu trên sao kê, phần còn lại sẽ được trả dần và sẽ phải trả lãi theo quy định của NH.
Tóm lại, TTD là một hình thức vay tiền của NH, cho phép KH mua sắm và chi tiêu một khoản tiền mà không cần phải có sẵn trong tài khoản của họ và tới kỳ hạn thanh toán chủ thẻ có nhiệm vụ phải trả tiền lại đầy đủ cho NH.
Phân loại thẻ tín dụng
TTD được phân loại để quản lý đối tượng KH tùy theo các tiêu chí khác nhau.
Dưới đây là một số cách phân loại phổ biến về TTD:
● Phân loại thẻ theo hạng thẻ:
TTD thường được phân loại để quản lý đối tượng KH (có thể theo thu nhập hoặc phí thẻ) như thẻ tiêu chuẩn (standard/classic), thẻ vàng (gold), thẻ bạch kim (platinum)... Theo đó, chủ thẻ sử dụng TTD có hạng càng cao sẽ được hưởng càng nhiều ưu đãi (được NHNN đề cập trong văn bản “Một số thông tin về thẻ ngân hàng”).
Thẻ hạng chuẩn thường được sử dụng bởi KH có thu nhập trung bình và cung cấp các tính năng cơ bản của TTD. Các NH phát hành thẻ có thể cung cấp các chương trình ưu đãi riêng biệt tùy thuộc vào từng NH.
Thẻ hạng vàng có hạn mức cao hơn so với thẻ hạng chuẩn và thường được cung cấp cho những KH có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, các chương trình ưu đãi đặc biệt cũng được áp dụng tùy thuộc vào NH phát hành thẻ.
Thẻ hạng bạch kim là loại thẻ cao cấp nhất trên thị trường, với hạn mức cao nhất và các ưu đãi đặc biệt về dịch vụ du lịch, mua sắm và ẩm thực không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới.
● Phân loại thẻ theo đối tượng sử dụng:
Thẻ cá nhân: Là thẻ được cấp cho cá nhân có yêu cầu và đáp ứng các điều kiện phát hành thẻ. Chủ thẻ phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản chi tiêu thẻ bằng nguồn thu nhập cá nhân của mình.
- Thẻ chính: Được yêu cầu phát hành bởi cá nhân cho bản thân mình để sử dụng, và cá nhân đó là chủ thẻ chính. Chủ thẻ chính là cá nhân hoặc tổ chức đứng tên ký hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với tổ chức phát hành thẻ (theo khoản 12 điều 3 thông tư số 19/2016/TT-NHNN).
- Thẻ phụ: Theo khoản 13 điều 3 thông tư số 19/2016/TT-NHNN: Chủ thẻ phụ là cá nhân được chủ thẻ chính cho phép sử dụng thẻ và chủ thẻ chính cam kết bằng văn bản thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh liên quan đến việc sử dụng thẻ theo hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ. Chủ thẻ phụ có thể sử dụng hạn mức được cấp và chủ thẻ chính chịu trách nhiệm về tất cả các chi tiêu của chủ thẻ phụ. Một cá nhân không thể là chủ thẻ chính và chủ thẻ phụ tại cùng một NH.
Thẻ công ty: Là loại TTD được công ty sử dụng để thanh toán trong hoạt động kinh doanh của mình. Công ty ký hợp đồng sử dụng thẻ và ủy quyền cho các cá nhân
thuộc công ty đứng tên trên thẻ và sử dụng thẻ để chi tiêu phục vụ hoạt động của công ty, đồng thời tất cả các thanh toán liên quan đến thẻ được công ty thanh toán với NH phát hành.
● Phân loại theo công nghệ sản xuất:
Thẻ dập nổi (Embossed Card): Là loại thẻ được sản xuất bằng kỹ thuật khắc chữ nổi. Thông tin cần thiết được khắc nổi trên bề mặt thẻ. Hiện nay, loại thẻ này ít được sử dụng vì quá trình sản xuất thô sơ dễ bị làm giả.
Thẻ từ tính (Magnetic Card): Còn được gọi là thẻ băng từ, được sản xuất dựa trên công nghệ từ tính với một dải từ chứa thông tin ở mặt sau của thẻ. Loại thẻ này phổ biến trong hơn 20 năm qua, nhưng có một số nhược điểm:
- Thông tin ghi trong thẻ không tự mã hóa, dẫn đến khả năng lợi dụng thông tin bằng thiết bị đọc gắn với máy tính.
- Thẻ chứa thông tin cố định, không áp dụng các kỹ thuật mã đảm bảo an toàn, dẫn đến việc lợi dụng thông tin và mất tiền của chủ thẻ.
Thẻ thông minh/thẻ chip (EMV Card): Là thế hệ mới nhất của thẻ thanh toán, được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức phát hành thẻ. Thẻ này có khả năng lưu trữ và mã hóa thông tin với độ bảo mật cao. Thẻ được trang bị một con chip nhỏ hơn kích thước sim điện thoại, nằm ở mặt trước của thẻ, ngay trên số thẻ. Thẻ thông minh an toàn và hiệu quả hơn thẻ từ tính do "chip" có thể chứa nhiều thông tin gấp 80 lần. Hiện nay, loại thẻ này đang rất phổ biến.