Thảo luận về kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Ngân hàng: Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội (Trang 64 - 67)

CHƯƠNG 3: THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ KHUYẾN NGHỊ

3.1. Thảo luận về kết quả nghiên cứu

Dựa trên tổng hợp lý thuyết và các kết quả nghiên cứu từ các công trình nghiên cứu đi trước, tác giả đã đề xuất ra mô hình nghiên cứu phù hợp với vấn đề nghiên cứu. Mô hình gồm 06 nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định sử dụng TTD của KHCN tại Hà Nội. Sau khi tiến hành thu thập dữ liệu, với 305 phiếu khảo sát thu về có 299 phiếu là phù hợp. Với thông tin thu được, tiến hành đưa vào phần mềm SPSS 20.0 để xử lý và đưa ra kết quả cho thấy các nhân tố chuẩn chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi, cảm nhận hữu ích, cảm nhận dễ sử dụng có tác động dương đến quyết định sử dụng TTD của KHCN tại các NHTM trên địa bàn Hà Nội. Ngược lại, có hai nhân tố chi phí sử dụng thẻ và nhận thức rủi ro có tác động nghịch chiều lên quyết định sử dụng TTD của KH.

3.1.1. Chuẩn chủ quan

Kết quả nghiên cứu ở phần trước chỉ ra rằng nhân tố chuẩn chủ quan có ảnh hưởng cùng chiều với quyết định sử dụng TTD của KHCN ở Hà Nội và cũng là biến độc lập có tương quan lớn nhất với biến phụ thuộc. Các nghiên cứu của Maya Sari &

Rofi Rofaida (2011), Ali và cộng sự (2015), Phạm Nguyễn Thị Hoàng Hoa (2021), Nguyễn Thị Ngọc Hiền và cộng sự (2022), Nguyễn Minh Tuấn và Phùng Thị Ngát (2022), Lưu Phước Vẹn và Lê Thị Kim Chi (2023) cũng có kết quả tương tự về chiều tác động dương của yếu tố chuẩn chủ quan đến quyết định sử dụng thẻ của KH. Điều này cho thấy, quyết định sử dụng TTD của KHCN có sự phụ thuộc vào các yếu tố khách quan bên ngoài. Thường thì KH sẽ tìm kiếm ý kiến từ những người quen biết hoặc tin tưởng như gia đình, bạn bè, người thân. Việc tham khảo thông tin từ những người xung quanh và có sự đồng tình với những ý kiến đó thường khiến cho KH cảm thấy dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định. Do đó, yếu tố này có ảnh hưởng lớn đến quyết định của KH khi sử dụng TTD của các NHTM cũng là điều hợp lý.

3.1.2. Nhận thức kiểm soát hành vi

Đối với nhận thức kiểm soát hành vi, yếu tố này được xem là có mối quan hệ thuận chiều với quyết định sử dụng TTD của KHCN ở Hà Nội dựa theo kết quả của mô hình hồi quy. Kết quả này cho thấy, nếu KH được tiếp cận, trang bị kiến thức về TTD cũng như có mức độ hiểu biết cao về các lợi ích mà TTD đem lại, điều này sẽ giúp KH có cái nhìn tích cực hơn về TTD và gia tăng khả năng đưa ra quyết định sử dụng dịch vụ này. Kết quả này phù hợp với giả thuyết mà tác giả đưa ra và cũng được tìm thấy trong các công trình nghiên cứu của Maya Sari & Rofi Rofaida (2011), Ali và cộng sự (2015), Phạm Nguyễn Thị Hoàng Hoa (2021), Nguyễn Thị Ngọc Hiền và cộng sự (2022), Lưu Phước Vẹn và Lê Thị Kim Chi (2023).

3.1.3. Cảm nhận hữu ích

Các kết quả đã chỉ ra rằng yếu tố Cảm nhận hữu ích cũng có tác động thuận chiều lên quyết định sử dụng TTD của KHCN như hai biến quan sát trên. Kết quả của nghiên cứu thể hiện rằng khi KH cảm nhận rằng việc sử dụng TTD càng mang lại nhiều lợi ích cho KH, họ sẽ càng có xu hướng sử dụng TTD nhiều hơn. Điều này có thể dễ dàng được nhận thấy, KH sẽ lựa chọn những sản phẩm không chỉ đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của sản phẩm mà còn cung cấp được nhiều tiện ích cho người dùng. Đồng nghĩa với việc bên cạnh các dịch vụ được cung cấp như có thể thanh toán nhanh chóng, linh hoạt trong và ngoài nước, KH cũng rất quan tâm đến các sách ưu đãi, chiết khấu hấp dẫn cùng với những quyền lợi mà NH đưa ra cho các dòng TTD của mình. Vậy nên, cảm nhận hữu ích cũng được xem là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận của KH về quyết định khi sử dụng TTD. Kết quả về mối liên hệ thuận chiều giữa yếu tố cảm nhận hữu ích và quyết định sử dụng thẻ phù hợp với kết quả nghiên cứu của Bùi Văn Thụy và cộng sự (2021), Phạm Nguyễn Thị Hoàng Hoa (2021) và Nguyễn Minh Tuấn và Phùng Thị Ngát (2022).

3.1.4. Cảm nhận dễ sử dụng

Kết quả chạy mô hình chỉ ra yếu tố cảm nhận rủi ro có mối liên hệ thuận chiều với “quyết định sử dụng” của KH. Kết quả thu được có sự tương đồng với kết quả

nghiên cứu của Phạm Nguyễn Thị Hoàng Hoa (2021) và Phan Thành Tâm và cộng sự (2023) đều cho rằng yếu tố cảm nhận dễ sử dụng có tác động thuận chiều lên quyết định sử dụng thẻ của KH và kết quả này trùng khớp với nghiên cứu của tác giả. Điều này có thể dễ dàng lý giải được bởi yếu tố này sẽ mang lại sự thuận tiện và dễ dàng hơn cho KH khi sử dụng TTD, từ đó tăng cường hiệu quả của việc thanh toán bằng TTD. Phương thức giao dịch, quy định, quy trình TTD càng đơn giản hóa càng làm cho việc sử dụng thẻ để thanh toán trở nên dễ dàng hơn cho KH. Do đó, yếu tố cảm nhận dễ sử dụng cũng là một trong những yếu tố các ảnh hưởng đến quyết định của KH khi đưa ra lựa chọn sử dụng TTD của các NH.

3.1.5. Chi phí sử dụng thẻ

Yếu tố chi phí sử dụng thẻ có mối liên hệ nghịch chiều lên quyết định sử dụng TTD của KHCN đã được chỉ ra ở kết quả hồi quy mô hình. Kết quả này chi ra rằng, trong mọi quyết định lựa chọn sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ, yếu tố chi phí vẫn luôn là một trong những điều được KH quan tâm. Đặc biệt với TTD là dịch vụ đi kèm với nhiều khoản chi phí phát sinh từ khi bắt đầu sử dụng cho đến khi không có nhu cầu sử dụng nữa. Có thể kể đến như phí phát hành thẻ mới, phí duy trì hàng năm, đến các khoản phí khác như rút tiền mặt, giao dịch quốc tế và trễ hạn, tất cả đều ảnh hưởng đến tình hình tài chính cá nhân của người dùng. Việc đánh giá kỹ lưỡng về các khoản chi phí này là điều cần thiết để đảm bảo rằng sự lựa chọn của họ phản ánh đúng nhu cầu và khả năng chi trả của bản thân. Nếu KH coi chi phí là hợp lý, điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc đưa ra quyết định sử dụng TTD của NH. Kết qua này cũng được tìm thấy trong bài nghiên cứu của Ali và cộng sự (2015), Trần Ngọc Thảo Vi (2016) và Lưu Phước Vẹn và Lê Thị Kim Chi (2023). Điều này cho thấy chi phí sử dụng thẻ cũng là một yếu tố có tác động đến quyết định sử dụng TTD của KHCN.

3.1.6. Nhận thức rủi ro

Nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố cảm nhận rủi ro có ảnh hưởng ngược chiều lên quyết định sử dụng thẻ NH của KH, kết quả này cũng có sự tương đồng với bài nghiên cứu của tác giả về ảnh hưởng tiêu cực của yếu tố nhận thức rủi ro lên quyết định sử

dụng TTD của KHCN. Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như hiện nay, việc KH quan tâm đến yếu tố các yếu tố rủi ro là hoàn toàn hợp lý bởi trong những năm gần đây đã có nhiều trường hợp lừa đảo xảy ra, khiến người dùng bị mất tài sản do các lỗ hổng bảo mật. Vậy nên, KH sẽ có xu hướng sử dụng dịch vụ của NH khi họ cảm nhận được tính an toàn và bảo mật cao đối với thông tin cá nhân và các giao dịch. Việc hạn chế các rủi ro trong thanh toán và tăng cường an toàn bảo mật của các NH sẽ khiến KH an tâm hơn khi sử dụng TTD. Kết luận này phù hợp với giả thuyết mà tác giả đưa ra và có cùng quan điểm với kết quả nghiên cứu của tác giả Phạm Nguyễn Thị Hoàng Hoa (2021).

Kết quả của nghiên cứu trên làm cơ sở để tác giả đưa ra những khuyến nghị cho các NH cũng như các cơ quan quản lý nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu gia tăng lượng KHCN sử dụng TTD tại các NHTM ở Hà Nội.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Ngân hàng: Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)