CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH SỬ DỤNG THẺ TÍN DỤNG
1.2. Tổng quan về thẻ tín dụng
1.2.2. Vai trò của tín dụng
1.2.2.1.Vai trò của tín dụng nói chung
Trong bối cảnh của một nền kinh tế thị trường, quá trình tín dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng và không thể phủ nhận trong việc duy trì và thúc đẩy sự phát triển
kinh tế. Đặc biệt, tín dụng không chỉ giúp cung cấp vốn cho các cá nhân và tổ chức kinh tế mà còn hỗ trợ trong việc điều chỉnh dòng tiền trong nền kinh tế.
Đối với nền kinh tế
Trong nền kinh tế, hoạt động tín dụng có tác động quan trọng đến việc điều chỉnh nguồn vốn. Nó giúp chuyển vốn từ những nơi không cần sử dụng đến những nơi cần sử dụng vốn. Khi nền kinh tế gặp vấn đề, chính phủ thường tìm nguồn vốn từ các nước phát triển hoặc từ các tổ chức tài chính quốc tế như Tổ chức Tín dụng Thế giới để ổn định tình hình kinh tế. Ngược lại, khi cần khuyến khích tiêu dùng hoặc giải quyết khó khăn trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính phủ cũng có thể giảm lãi suất cho vay trong hoạt động tín dụng.
Đối với các ngân hàng
Tín dụng đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho NH từ các dịch vụ TTD thông qua nhiều nguồn thu khác nhau, bao gồm phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí đổi tiền tệ, phí trả chậm và trả góp của chủ thẻ, phí đóng thẻ, cũng như phí chuyển đổi ngoại tệ. Đây là một nguồn thu ổn định và bền vững cho NH.
Bên cạnh đó, tín dụng giúp mở rộng phạm vi đối tượng KH bằng cách hợp tác với các đối tác như các công ty điện nước, nhà mạng viễn thông, hay các sàn thương mại điện tử lớn. Thông qua việc này, NH có thể giữ chân KH bằng cách tạo ra một môi trường dễ dàng sử dụng các dịch vụ thanh toán thông qua các kênh mà họ đã quen thuộc, như thanh toán hóa đơn điện nước hoặc mua sắm trực tuyến qua NH. Qua đó, tạo ra một mối quan hệ gắn bó giữa NH và KH, mở ra cơ hội tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ khác như bảo hiểm, cho vay, đồng thời đóng góp vào việc tăng doanh thu cho NH.
Ngoài ra, việc tham gia vào các tổ chức thẻ quốc tế như Visa hoặc MasterCard giúp NH cung cấp một phương tiện thanh toán quốc tế có chất lượng tốt, giúp thúc đẩy hội nhập và hợp tác quốc tế. Khả năng cung cấp dịch vụ toàn cầu là một lợi ích
lớn, tạo điều kiện cho NH tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập với cộng đồng quốc tế.
Đối với các cá nhân, tổ chức
Trong thực tế, không phải lúc nào cả cá nhân và tổ chức kinh tế cũng có sẵn một lượng vốn đủ để hỗ trợ các hoạt động chi tiêu, mua sắm hoặc duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đặc biệt là đối với những người lao động có thu nhập thấp hoặc các hộ gia đình sản xuất, cũng như các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
Sự thiếu hụt vốn có thể trở thành gánh nặng lớn đối với kinh tế và có thể gây gián đoạn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Đáp ứng với tình trạng này, dịch vụ tín dụng đã xuất hiện với mục tiêu giải quyết "cơn khát vốn" của các cá nhân và doanh nghiệp. Hơn nữa, các tổ chức tín dụng thường tạo điều kiện cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi và thời gian vay có thể linh hoạt, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng thanh toán của bên vay.
1.2.2.2. Vai trò của thẻ tín dụng KHCN Đối với nền kinh tế
Cũng giống với vai trò của tín dụng nói chung, tín dụng KHCN góp phần kích thích kinh tế phát triển. Đây là kênh hỗ trợ vốn để trang trải các chi phí phát sinh trong cuộc sống, từ thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu cho đến nhu cầu xa xỉ với chi phí đắt đỏ, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của KH, các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề trong xã hội bắt buộc phải đẩy mạnh sản xuất, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Ngoài ra, tín dụng KHCN còn góp phần phân bổ hiệu quả các nguồn lực tài chính. Là một phần của tín dụng nói chung, tín dụng cá nhân cũng có vai trò tích cực đối với xã hội như góp phần khai thác triệt để các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội
rồi lưu thông các nguồn vốn này một cách trôi chảy, có hiệu quả, từ nơi thừa vốn sang nơi thiếu vốn, từ nơi hiệu quả thấp đến nơi hiệu quả cao…
Đối với ngân hàng
Đầu tiên là góp phần nâng cao thương hiệu cho NH. Do có đối tượng rất rộng nên việc phát triển tín dụng cá nhân sẽ giúp hình ảnh thương hiệu của NH sẽ được phổ biến rộng khắp thông qua tín dụng cá nhân. Bên cạnh việc cấp tín dụng cho KHCN, NH còn có thể bán chéo các sản phẩm dịch vụ NH bán lẻ như: tiền gửi tiết kiệm, giao dịch thanh toán, phát hành- thanh toán thẻ, dịch vụ NH điện tử…
Thứ hai là góp phần phân tán rủi ro cho NH. Nếu NH chỉ tập trung cho vay các KH doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn, vì một lý do nào đó mà hoạt động kinh doanh của các KH doanh nghiệp này gặp khó khăn gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, làm hoạt động kinh doanh của NH gặp trở ngại và gây ra thiệt hại rất lớn đến NH.
Do vậy, với nguyên tắc “tránh để tất cả trứng vào một rổ”, các NH phát triển tín dụng cá nhân như một sự phân tán rủi ro vì với số lượng KH lớn, số tiền vay ít thì khi có một KH hoặc một số ít KH gặp rủi ro dẫn đến không có khả năng trả nợ thì ít gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của NH.
Đối với khách hàng
Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, con người cũng nâng cao hơn về nhu cầu cuộc sống hằng ngày, bắt đầu từ nhu cầu cơ bản là những hàng hóa thiết yếu rồi đến những nhu cầu cao hơn như giải trí, địa vị xã hội, được tôn trọng, được vinh danh…Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đáp ứng được những mong muốn của bản thân vì những nhu cầu đó lại phụ thuộc vào khả năng thanh toán hiện tại.
Chính vì vậy, ở một mức độ nào đó tín dụng KHCN giúp cho các KH linh hoạt hơn trong việc giải quyết vấn đề thỏa mãn nhu cầu bản thân. Thay vì phải tích lũy đủ vốn ở hiện tại để thực hiện kế hoạch của bản thân, người tiêu dùng sẽ phối hợp giữa thỏa mãn nhu cầu ở hiện tại với khả năng thanh toán ở hiện tại và tương lai. Nghĩa là họ sẽ tiêu dùng trước bằng cách vay vốn NH rồi tích lũy và hoàn trả lại sau cho NH.
Vai trò này hết sức có ý nghĩa với các KHCN, đặc biệt là giới trẻ họ có thể mua các hàng hóa thiết yếu có giá trị cao như nhà cửa, xe ô tô, hay chi tiêu cấp bách như ốm đau, bệnh tật, cưới hỏi… trong những trường hợp này, NH sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời với lãi suất và thời hạn vay hợp lý. Tuy nhiên, nếu lạm dụng đi vay để tiêu dùng thì nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết kiệm và gặp khó khăn trong tương lai.
Ngoài ra tín dụng cá nhân là một kênh các NHTM tài trợ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình giúp họ có điều kiện sản xuất. Với điều kiện cấp tín dụng đơn giản hơn so với doanh nghiệp, tín dụng cá nhân phù hợp với hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, phù hợp với đặc tính và tập quán kinh doanh của đối tượng này. Từ đó tạo động lực cho các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ mạnh dạn phát triển kinh doanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Như vậy, ta thấy rằng TTD cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng và phân bổ nguồn lực tài chính trong xã hội. Đồng thời, nó cũng giúp NH giảm thiểu rủi ro và tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Đối với cá nhân, TTD mang lại sự linh hoạt trong quản lý tài chính và thực hiện các mục tiêu cá nhân. Đó là một phần không thể thiếu trong cơ cấu tài chính và kinh tế hiện đại. Do đó, trong phần tiếp theo của khóa luận sẽ tập trung làm rõ cơ sở lý thuyết về các yếu tố tác động đến quyết định sử dụng TTD của KHCN.