CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG VIỆC THỰC THI CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VÀ CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI Ô NHIỄM DẦU DO TÀU BIỂN GÂY RA CHO VIỆT NAM
3.4. Những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại ô nhiễm dầu do tàu gây ra cho Việt Nam
3.4.4. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong vực bồi thường thiệt hại ô nhiễm dầu
Trong chương 2 phân tích đánh giá về việc xử lý sự cố tràn dầu Hebei Spirit tại Hàn Quốc, chúng ta thấy rõ vai trò của con người, nói cách khác, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết vấn đề trên. Do đó, cùng với việc tối ưu hệ thống pháp luật, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phù hợp để tạo dựng nguồn nhân lực - một yếu tố quan trọng trong việc thực thi chính sách và luật pháp. Việt Nam vẫn cần nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc chuẩn bị để đối phó với ô nhiễm dầu từ tàu biển. Do đó, chúng ta cần lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cụ thể như sau: “Cần đào tạo các cán bộ thẩm phán và cán bộ quản lý hiểu rõ về luật pháp trong nước và quốc tế để họ có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong việc giám sát và kiểm soát việc áp dụng luật pháp, nhất là các vụ kiện liên quan đến ô nhiễm dầu từ tàu biển. Đề xuất triển khai một chương trình đào tạo cho nhân viên tòa án nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng chuyên môn của thẩm phán trong việc xử lý các vụ kiện liên quan đến ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của chương trình này là đào tạo thẩm phán chuyên về việc điều trần các vụ án liên quan đến đánh giá và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu từ tàu biển. Điều này sẽ giúp cải thiện năng lực của tòa án trong việc xử lý các vụ kiện phức tạp và nhạy cảm liên quan đến vấn đề môi trường biển và ô nhiễm dầu, đồng thời đảm bảo sự công bằng và hiệu quả trong quá trình xử lý các vụ án này[28]. Khi có các thẩm phán được đào tạo chuyên môn về ô nhiễm dầu sẽ giúp khắc phục những hạn chế trong quá trình tố tụng.
Để Việt Nam hội nhập tốt thì đưa ra biện pháp: “hỗ trợ một số trung tâm luật pháp chuyên ngành về biển để nâng cao năng lực tư vấn pháp lý, đủ khả năng cạnh tranh với các văn phòng luật quốc tế tại Việt Nam, nhằm trợ giúp các địa phương giải quyết các tranh chấp quốc tế về đền bù thiệt hại do dầu tràn”
[1]. Giải pháp này giúp chúng ta có thể tranh chấp sằng phẳng với các quốc gia trên thế giới.
Đối với chương trình đào tạo: “xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc hệ thống quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, cả về kiến thức luật pháp và khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực ô nhiễm dầu” [2].
Để học hỏi năng lực từ quốc tế: “tổ chức rộng rãi hoạt động quảng bá, tuyên truyền kinh nghiệm thực tiễn về giải quyết các vụ việc tràn dầu thông qua các hội thảo trong nước và quốc tế chuyên sâu hoặc lồng ghép trong các hoạt động khoa học công nghệ biển và khoa học pháp lý có liên quan hàng năm ở Trung ương và các địa phương ven biển. Tăng cường hoạt động hợp tác với quốc tế và nước ngoài thông qua việc trao đổi chuyển giao, cử các nhà chuyên môn của Việt Nam đi trao đổi, học tập và làm việc với các tổ chức quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu của các quốc gia có kinh nghiệm hơn Việt Nam về gia nhập các Công ước quốc tế, xây dựng và thực hiện pháp luật quốc gia về ứng phó và xử lý hậu quả do sự cố tràn dầu” [2]. Giải pháp này sẽ giúp chúng ta học hỏi có chọn lọc các kiến thức cũng như kinh nghiệm từ cộng đồng quốc tế, từ đó áp dụng một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm riêng của Việt Nam.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. Kết luận
Vai trò của biển trong sự tăng trưởng của Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của kinh tế biển, có xu hướng tăng lên của các sự cố tràn dầu từ tàu và các vụ việc chưa được bồi thường đúng mức cho những thiệt hại do ô nhiễm dầu từ tàu. Trong bối cảnh này, hiện tại, luật pháp Việt Nam về bồi thường cho thiệt hại do ô nhiễm dầu từ tàu gặp nhiều hạn chế và thiếu quy định, cũng như việc thực hiện các công ước quốc tế liên quan đến vấn đề này còn bị giới hạn. Điều này đã gây ra khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp và khiếu nại về việc đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu từ tàu. Do đó, dựa trên việc phân tích những khó khăn trong việc bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu từ tàu ở Việt Nam, đã được đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện hệ thống pháp luật về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu từ tàu. Các giải pháp được đề xuất dựa trên việc xem xét các yếu tố phù hợp với điều kiện kinh tế, khoa học, công nghệ, tình hình cụ thể và đặc điểm của Việt Nam, điều này không chỉ cần thiết cho bối cảnh hiện tại mà còn là đóng góp của học viên. Một số giải pháp được đặt ra là:
Tăng cường việc ký kết và thực hiện các công ước quốc tế liên quan đến trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do ô nhiễm dầu từ tàu;
Tăng cường việc nội luật hoá các công ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên;
Sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành mà không còn phù hợp;
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong vực bồi thường thiệt hại ô nhiễm dầu.
2. Kiến nghị
Học viên hy vọng Việt Nam sẽ sử dụng nghiên cứu trong luận văn này để cải thiện việc xây dựng và thực hiện pháp luật, cũng như việc quản lý của Nhà nước trong việc đền bù cho thiệt hại từ ô nhiễm dầu do tàu gây ra ở biển Việt Nam. Mong muốn rằng các giải pháp được đề xuất trong luận văn sẽ được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét và áp dụng trong việc quản lý. Việt
Nam cần tiếp tục nỗ lực trong việc nghiên cứu và tổ chức các chương trình, hội nghị quốc gia để tổng hợp và đánh giá tình hình pháp luật, quy định và việc thực thi pháp luật liên quan đến việc đền bù thiệt hại do ô nhiễm dầu từ tàu gây ra một cách chuyên nghiệp và định kỳ. Công việc này sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan và tổ chức nghiên cứu khoa học tiếp tục khảo sát và đưa ra các giải pháp cụ thể và khả thi nhằm cải thiện việc điều chỉnh pháp luật về việc bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu từ tàu.
Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực quản lý tài nguyên môi trường biển cần tăng cường hơn nữa việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế và khu vực nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm biển do dầu gây ra. Đây được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của các chương trình hợp tác với các quốc gia trong khu vực Biển Đông và với các tổ chức quốc tế chuyên về tài nguyên môi trường biển.
Kết quả nghiên cứu của bài viết này đề xuất rằng chính phủ cùng các bộ ngành có liên quan nên tập trung nâng cao việc xây dựng và áp dụng các quy trình pháp lý nhằm đánh giá và đền bù những thiệt hại do ô nhiễm dầu từ tàu biển tại Việt Nam. Đây là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác mật thiết giữa nhiều ngành, cần phải có sự kết hợp tốt giữa công nghệ khoa học và luật pháp. Các quy trình kỹ thuật đánh giá thiệt hại cần được chuyển hóa thành các quy trình pháp lý cụ thể và được hợp nhất vào luật pháp. Khi thực hành các kết quả nghiên cứu, Việt Nam cần tiến hành đầu tư mạnh vào việc hướng dẫn và thực hiện các quy định liên quan đến xây dựng và thực thi luật pháp hàng hải.
Nhà nước cần tăng cường đầu tư hơn nữa vào các hoạt động nghiên cứu và khảo sát, cũng như tận dụng kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong việc xây dựng pháp luật quốc gia và tham gia vào các cơ chế quốc tế liên quan đến bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu trên vùng biển dưới quyền tài phán của quốc gia. Điều này sẽ giúp Việt Nam định hình và thực hiện các chiến lược và phương án có hiệu quả khi tham gia, ký kết và thực thi các hiệp định và công ước quốc tế về lĩnh vực này.