Các giai đoạn về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện từ năm 1945 đến năm 2013

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Luật học: Tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Trang 29 - 33)

Sự hình thành và phát triển của TAND cấp huyện ở nước ta gắn liền với những giai đoạn phát triển của cách mạng ở từng thời kỳ lịch sử nhất định, trong đó TAND là một bộ phận quan trọng trong bộ máy nhà nước.

1.5.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959

Ngày 13/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 33C thành lập các Tòa án quân sự để xét xử những người vi phạm các hành vi đe dọa nền độc lập của đất nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, Nhà nước chỉ thiết lập Tòa án quân sự để xét xử các vụ án hình sự, chưa tổ chức hệ thống Tòa án các cấp và xét xử án dân sự. Để củng cố kỷ luật quân đội, ngày 16/12/1947, Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 19/SL tổ chức Tòa án binh toàn quốc, và Sắc lệnh số 59/SL thành lập Tòa án binh khu trung ương vào ngày 5/7/1947. Đến ngày 26/5/1948, Sắc lệnh số 185/SL quy định thẩm quyền của các Tòa án sơ cấp và đệ nhị cấp.

21

Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 quy định rằng các Tòa án sơ cấp và đệ nhị cấp sẽ gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm, với Hội đồng phúc thẩm gồm hai Thẩm phán và ba HTND. HTND có quyền xem xét hồ sơ và biểu quyết, đồng thời được hưởng quyền tài phán và lương bổng tương đương uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính. Sắc lệnh này cũng quy định Tòa án sơ cấp tổ chức hòa giải trong các vụ kiện dân sự, thương mại và ly hôn, trừ những vụ mà pháp luật cấm hòa giải [18].

1.5.2. Giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1980

Ngày 31/12/1959, tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá I, Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thông qua, nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Hiến pháp 1959 đã điều chỉnh lại vị trí và chức năng của TAND và VKSND trong hệ thống chính quyền, xác định rằng hai cơ quan này không thuộc Hội đồng Chính phủ mà trực tiếp báo cáo và chịu trách nhiệm công tác trước Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước tối cao. Dựa trên những quy định của Hiến pháp, vào ngày 14/7/1960, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức TAND và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh chi tiết về tổ chức của TAND Tối cao và các TAND địa phương [37], [45].

1.5.3. Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2002

Ngày 18/12/1980, tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khoá VI, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được thông qua. Các quy định trong Hiến pháp năm 1980 về TAND tiếp tục kế thừa và phát triển từ những điều khoản trong Hiến pháp năm 1959 liên quan đến tổ chức và hoạt động của TAND. Những quy định này sau đó được cụ thể hóa qua Luật Tổ chức TAND, được Quốc hội thông qua ngày 03/7/1981. Luật này cũng đã được sửa đổi, bổ sung qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND, được Quốc hội thông qua vào ngày 22/12/1988.

22

Đường lối đổi mới toàn diện đời sống xã hội, được khởi xướng từ Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tạo ra nền tảng cho việc xây dựng Hiến pháp năm 1992. Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, mô hình tổ chức TAND theo Hiến pháp năm 1980, vốn phù hợp với cơ chế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp, đã trở nên lạc hậu. Do đó, Hiến pháp năm 1992 đã kế thừa và điều chỉnh các quy định của Hiến pháp 1980, đưa ra những cải cách quan trọng trong tổ chức và hoạt động của TAND. Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp 1992, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức TAND vào ngày 06/10/1992, và sau đó tiếp tục sửa đổi, bổ sung vào các ngày 28/12/1993 và 28/10/1995. Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành các Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự (19/4/1993) và Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND (14/5/1993). Những văn bản này đã tạo điều kiện kiện toàn và đổi mới cơ bản trong tổ chức và hoạt động của TAND. Tổng thể, nhiều quy định của Hiến pháp năm 1992 về TAND tiếp tục kế thừa các nguyên tắc từ Hiến pháp năm 1980, nhưng đã thể hiện rõ nét sự đổi mới trong tổ chức và chức năng của các cơ quan này.

1.5.4. Giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2013

Ngày 02/4/2002, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Tổ chức TAND mới, thay thế Luật Tổ chức TAND năm 1992 cùng các sửa đổi, bổ sung vào năm 1993 và 1995. Luật Tổ chức TAND năm 2002 đã có nhiều cải tiến trong cơ cấu và hoạt động của TAND cấp huyện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác xét xử. Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định về thành phần và quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, cùng mối quan hệ giữa Hội đồng này và Chánh án TAND tối cao trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các TAND địa phương. Những sửa đổi này phản ánh sự đổi mới trong tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND, hướng đến sự công bằng và hiệu quả trong công tác xét xử.

1.5.5. Giai đoạn từ năm 2013 cho đến nay

23

Với mục tiêu thể hiện đầy đủ, toàn diện các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022. Tại kỳ họp thứ 6, Khoá XV, TAND tối cao đã trình Quốc hội dự án Luật TCTAND (sửa đổi), dự án này góp phần quan trọng vào việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Dự thảo Luật TCTAND (sửa đổi) gồm 09 chương, 151 điều; trong đó, sửa đổi 93 điều, bổ sung 51 điều mới, giữ nguyên 07 điều. So với Luật TCTAND 2014, Dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật giữ lại những điều luật còn phù hợp với thực tiễn của Luật TCTAND 2014, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều luật để giải quyết triệt để những bất cập trong quá trình thực thi, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới [2]

Tiểu kết chương I

Chương 1 của đề án cung cấp cái nhìn tổng quan về tổ chức và hoạt động của TAND cấp huyện trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Chương này trình bày các khái niệm và đặc điểm của TAND cấp huyện, đồng thời phân tích vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của TAND cấp huyện trong hệ thống bộ máy nhà nước. Ngoài ra, chương cũng làm rõ cơ cấu tổ chức, các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của TAND cấp huyện và các yêu cầu mà Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án cấp huyện. Những lý luận này sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu và phân tích thực trạng tổ chức và hoạt động của TAND cấp huyện tại tỉnh Đồng Nai trong chương 2, từ đó đưa ra các giải pháp và kiến nghị nhằm cải thiện tổ chức và đảm bảo hiệu quả hoạt động của TAND cấp huyện tại tỉnh Đồng Nai trong chương 3.

24

CHƯƠNG II

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Luật học: Tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)