3.4.1. Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh
TAND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay đang gặp khó khăn lớn về mặt nhân lực, bởi cấp huyện thì số lượng vụ việc hàng năm phải giải quyết rất ít như huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc với tổng số lượng vụ việc phải giải quyết trên tất cả các lĩnh vực từng năm chưa đến 50 vụ việc, tức là giải quyết của mỗi Thẩm phán, Thư ký Tòa án có khi chưa tới 10 vụ/năm (TAND Tân Phú mỗi Thẩm phán giải quyết trung bình 7,5 vụ việc/năm trong năm 2016) nhưng vẫn được phân bổ số lượng nhân sự đầy đủ các chức danh quản lý Chánh án, Phó chánh án và Thẩm phán, Thư ký Tòa án, chức danh khác làm nhiệm vụ kế toán, văn phòng.
Ở những TAND cấp huyện này Thẩm phán, Thư ký Tòa án sẽ khó có cơ hội nâng cao kinh nghiệm chuyên môn, rèn luyện năng lực khi có quá ít vụ việc để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, ở một số TAND cấp huyện khác thì số lượng vụ việc phải giải quyết hàng năm lớn, mỗi Thẩm phán, Thư ký Tòa án giải quyết số lượng vụ việc lên đến hơn 115 vụ việc/năm như TAND thành phố Biên Hòa, Long Khánh thì lại gánh số lượng công việc quá tải. Để giải quyết số lượng công việc nhiều như vậy, Thẩm phán, Thư ký Tòa án nhiều khi phải làm thêm ngoài giờ hành chính, thậm chí làm cả vào ngày nghĩ như thứ 7, chủ nhật nhưng không được hưởng chế độ phù hợp. Do đó, TAND tối cao và TAND cấp tỉnh cần có kế hoạch phân bổ hợp lý số lượng Thẩm phán và Thư ký Tòa án, dựa trên số lượng vụ án tại mỗi TAND cấp huyện, ngoại trừ các chức danh quản lý. Đồng thời, cần triển khai việc biệt phái và luân chuyển cán bộ, công chức giữa các Tòa án cấp huyện, tạo cơ hội cho họ tiếp xúc và giải quyết các vụ việc có đặc điểm khác nhau, phù hợp với điều
49
kiện địa lý và kinh tế - xã hội của từng địa phương. Qua đó, cán bộ, công chức có thể nâng cao kiến thức xã hội và tích lũy thêm kinh nghiệm nghề nghiệp.
Việc tổ chức các Tòa chuyên trách ở các huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/01/2016 của TAND tối cao về quy định việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện là cần thiết. Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai cần căn cứ vào các yếu tố tổ chức Tòa chuyên trách để tiến hành rà soát và đánh giá nhu cầu thành lập Tòa chuyên trách tại các TAND cấp huyện. Việc rà soát cũng bao gồm đánh giá biên chế của các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án hiện có. Dựa trên kết quả đó, Chánh án sẽ xây dựng hồ sơ đề xuất tổ chức Tòa chuyên trách tại các huyện và gửi lên TAND tối cao để xem xét và quyết định. Trong đề án, cần làm rõ sự cần thiết phải tổ chức Tòa chuyên trách, lý do đề xuất, số lượng các Tòa chuyên trách cần thiết, tên các Tòa chuyên trách, cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của từng Tòa, phương án tổ chức nhân sự, cùng các đề xuất về biên chế Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án cho từng Tòa chuyên trách.
Việc nâng cao năng lực xét xử của Thẩm phán, HTND của TAND cấp huyện tại địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng cần được cấp trên quan tâm, trước mắt là nguồn bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp. Đồng thời, có kế hoạch và thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo định kỳ hoặc đột xuất về chuyên môn nghiệp vụ cho các Thẩm phán, HTND để phán xét của TAND cấp huyện công bằng, đúng pháp luật đảm bảo công lý được thực thi; đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế về tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, thực hiện thanh tra, kiểm tra gắn với thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động của TAND cấp huyện.
TAND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng cần được TAND tối cao, quan tâm xây mới hoặc tu sửa đối với trụ sở những cấp huyện đã xuống
50
cấp trầm trọng, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền.
Chế định Thừa phát lại hiện đang được thí điểm tại một số địa phương, điển hình là các thành phố lớn, trong đó những người được bổ nhiệm sẽ thực hiện các công việc liên quan đến Tòa án, bao gồm tống đạt các văn bản theo yêu cầu của Tòa. Tống đạt là một hoạt động quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến tính hợp pháp trong quá trình giải quyết các vụ án tại TAND cấp huyện. Tuy nhiên, đây là công việc tốn nhiều thời gian, làm chậm tiến độ xét xử và ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công tác chuyên môn khác của Thẩm phán và Thư ký Tòa án. Vì vậy, TAND tối cao và TAND tỉnh Đồng Nai cần xem xét áp dụng chế định Thừa phát lại tại các huyện có khối lượng công việc lớn, qua đó giảm bớt gánh nặng cho cán bộ Tòa án, tạo điều kiện để họ có thêm thời gian tập trung vào các nhiệm vụ chuyên môn và nâng cao chất lượng xét xử.
Ngoài ra, TAND tối cao cần xây dựng kế hoạch cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Tòa án, thông qua việc đề xuất thang bảng lương riêng cho cán bộ Tòa án để đảm bảo đời sống và ngăn ngừa các hành vi suy thoái đạo đức. Cũng cần quan tâm đến chế độ bảo vệ an ninh đối với Thẩm phán và gia đình họ trong quá trình thi hành công vụ để tạo điều kiện an tâm công tác.
3.4.2. Đối với Tòa án nhân dân cấp huyện
TAND cấp huyện là cơ quan giải quyết sơ thẩm hầu hết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vì vậy, chính bản thân cán bộ, công chức TAND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cần có những nỗ lực để bảo đảm chất lượng của hoạt động xét xử trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay, cụ thể:
Lãnh đạo TAND cấp huyện cần đề xuất và phối hợp với TAND cấp trên để phân bổ nhân sự hợp lý, tương xứng với khối lượng công việc, nhằm bảo
51
đảm hoạt động hiệu quả của đơn vị. Thẩm phán, Thư ký Tòa án và các công chức khác trong TAND cấp huyện cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, qua đó góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng công tác, lãnh đạo TAND cấp huyện cần chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đồng thời tạo ra môi trường làm việc thuận tiện để cán bộ có thời gian nghiên cứu chuyên môn và tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ.
Đặc biệt, TAND cấp huyện cần triển khai các chủ trương của Đảng và các văn bản pháp luật mới, đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức nắm vững các quy định pháp lý. Bên cạnh đó, việc giám sát và kiểm tra quá trình thực hiện công việc của công chức là rất quan trọng để phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm. Đồng thời, TAND cấp huyện cần xây dựng chế độ khen thưởng công bằng, khuyến khích những cá nhân có thành tích xuất sắc. Để bảo đảm tính độc lập trong xét xử, TAND cấp huyện cũng cần khắc phục tình trạng can thiệp từ Chánh án hay cấp ủy vào quá trình giải quyết án, đảm bảo rằng mọi quyết định xét xử đều do Thẩm phán và HĐXX đưa ra độc lập, không chịu bất kỳ sự tác động nào.
Hơn nữa, việc thành lập bộ phận chuyên trách tiếp dân và xử lý đơn tại TAND cấp huyện là vô cùng cần thiết, giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân và đảm bảo quy trình tố tụng được thực hiện đúng đắn. Bộ phận này sẽ giúp hạn chế tình trạng thụ lý sai quy định và nâng cao hiệu quả giải quyết vụ việc, tránh gây phiền hà và bức xúc cho người dân. TAND cấp huyện cũng cần xây dựng một cơ chế làm việc linh hoạt, nhằm hỗ trợ công chức trong quá trình giải quyết các vụ án, đồng thời tăng cường tính chính xác và minh bạch trong các thủ tục tố tụng.
Cuối cùng, Chánh án TAND cấp huyện cần chuẩn bị nguồn nhân lực và
52
cơ sở vật chất cho việc thành lập các Tòa chuyên trách khi có đủ điều kiện, đồng thời chủ động phân công các vụ án theo hướng chuyên trách để thuận lợi cho việc nghiên cứu hồ sơ và tài liệu. Điều này sẽ giúp đảm bảo tính chất chuyên môn cao trong công tác xét xử, tạo điều kiện cho Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Tòa án nâng cao năng lực, chất lượng công việc, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống Tòa án trong quá trình thực thi quyền tư pháp.
Tiểu kết chương III
Từ kết quả phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của TAND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ở chương 2. Trong chương này, tác giả nêu quan điểm về tổ chức và hoạt động của TAND cấp huyện đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện tổ chức và bảo đảm hoạt động của TAND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như sau:
Tiếp tục cải thiện và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cùng với việc thành lập các Tòa chuyên trách và bộ phận tiếp dân để tiếp nhận và xử lý đơn là những bước quan trọng. Cùng với đó, cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, thái độ và đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán, các chức danh khác trong TAND cấp huyện và nâng cao năng lực của Hội thẩm.
Đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại và cải thiện chế độ đãi ngộ cho Thẩm phán, Hội thẩm cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng công tác.
Những giải pháp này có sự liên kết chặt chẽ và yêu cầu được triển khai đồng bộ, thống nhất để đạt hiệu quả cao nhất. Thông qua đó, tác giả mong muốn chất lượng hoạt động của TAND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được nâng lên, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
53