3.1. Quan điểm về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
3.2.2. Giải pháp bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện
* Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện
Hệ thống pháp luật Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ từ khi đổi mới, với nhiều bộ luật, pháp lệnh được ban hành, tạo ra một khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh để quản lý xã hội bằng pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống này cũng còn tồn tại một số thiếu sót, đặc biệt là thiếu tính thống nhất trong các quy định và chưa dự liệu đầy đủ nhiều tình huống thực tiễn. Điều này gây ra không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật, đặc biệt là trong việc giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện.
Việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi hệ thống pháp luật phải khoa học, đồng bộ và thống nhất, đồng thời phải dự liệu được các quan hệ pháp luật có thể phát sinh trong xã hội. Để đạt được điều này, ngay từ giai đoạn soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các đạo luật và pháp lệnh, cần phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đây là một yêu cầu quan trọng trong quy trình lập pháp, lập quy, giúp hạn chế tối đa khả năng gây thiệt hại cho nhà nước và xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân. Để làm được điều này, các nhà làm luật cần nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật của các nước phát triển và tham khảo ý kiến của nhân dân, nhằm dự liệu đầy đủ các quan hệ pháp luật có thể phát sinh trong thực tiễn.
Mặc dù Luật tổ chức TAND và các luật tố tụng hiện hành đã ghi nhận nguyên tắc độc lập của Thẩm phán, nhưng các quy định này vẫn còn hạn chế, chưa thể hiện đầy đủ nội hàm của sự độc lập này, đặc biệt là trong thực tiễn hoạt
43
động của TAND cấp huyện. Do đó, cần có sự thể chế hóa nguyên tắc độc lập của Thẩm phán một cách rõ ràng hơn để nâng cao chất lượng xét xử. Đồng thời, cần hoàn thiện các quy định liên quan đến trách nhiệm của Thẩm phán, như quy định về kỷ luật, bãi miễn khi Thẩm phán vi phạm phẩm chất đạo đức hoặc năng lực xét xử yếu kém. Bởi vì, khi pháp luật đã quy định Thẩm phán độc lập trong xét xử, thì họ cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những phán quyết của mình, đảm bảo tính công bằng, khách quan trong quá trình xét xử.
* Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, thái độ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ Thẩm phán và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân cấp huyện
Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm, có trách nhiệm xét xử và đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động tố tụng của Tòa án. Chất lượng xét xử, việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, và hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phụ thuộc lớn vào trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán và cán bộ TAND.
Trong những năm qua, TAND chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng và số lượng phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, công chức yếu về năng lực chuyên môn và đạo đức, trong khi ngân sách dành cho đào tạo và phát triển đội ngũ còn hạn chế. Đặc biệt, các quan hệ pháp lý ngày càng phức tạp, yêu cầu Thẩm phán có trình độ cao. Do đó, cần tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm những vi phạm của cán bộ Tòa án, xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh.
Bộ Chính trị đã đồng ý giao TAND tối cao thực hiện đào tạo nghiệp vụ xét xử cho cán bộ, công chức Tòa án, tiến tới đào tạo chuyên ngành và bậc sau đại học, tạo nền tảng nâng cao trình độ chuyên môn. Tại địa phương, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai cũng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, công chức. Để nâng cao phẩm chất đạo đức và trách nhiệm, cần tăng
44
cường giáo dục chính trị, thực hiện quy chế kỷ luật công vụ và thanh tra, kiểm tra nghiêm ngặt, bảo đảm an ninh trật tự xã hội trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền.
* Nâng cao năng lực của Hội thẩm nhân dân
Để đảm bảo công bằng trong xét xử, mỗi phiên tòa sơ thẩm cần có sự tham gia của HTND. Số lượng HTND trong HĐXX luôn nhiều hơn Thẩm phán, và các quyết định trong bản án được đưa ra dựa trên biểu quyết của đa số thành viên. Điều này thể hiện vai trò quan trọng của HTND trong việc xét hỏi và nghị án. Các quy định này được bảo đảm trong Hiến pháp 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Qua quá trình đánh giá chất lượng xét xử của HTND tại các TAND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bên cạnh những ưu điểm còn có một số hạn chế, vướng mắc nhất định như HTND tham gia xét xử nhưng chưa phát huy hết vai trò của mình, ít tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án, chưa hiểu kỹ được nội dung vụ án, dễ dẫn đến khi xét xử đưa ra phán quyết không đúng với thực tế vụ án, không đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự.
Hội thẩm mặc dù có trình độ chuyên môn riêng nhưng còn hạn chế về trình độ pháp lý. Các cơ quan liên quan cần tăng cường hợp tác với TAND cấp huyện trong công tác tập huấn, bồi dưỡng cho Hội thẩm, đặc biệt là đối với các văn bản pháp luật mới và các hướng dẫn áp dụng pháp luật. Đồng thời, cần tổ chức các buổi rút kinh nghiệm về xét xử đối với một số vụ án đặc thù. Hàng năm, cần có ngân sách riêng để nâng cao trình độ pháp lý cho đội ngũ Hội thẩm.
Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế trách nhiệm rõ ràng đối với Hội thẩm trong việc tham gia xét xử và ra các bản án, quyết định. Nếu một Hội thẩm có nhiều bản án bị hủy, sửa, hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu tinh thần trách nhiệm, cần xem xét các hình thức miễn nhiệm hoặc xử lý theo quy định.
Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, việc nâng cao
45
chất lượng xét xử, đặc biệt là trong hoạt động xét xử của TAND cấp huyện, cần được chú trọng. Hội thẩm khi tham gia xét xử cần thể hiện rõ trách nhiệm và vai trò của mình. Do đó, cần có các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ Hội thẩm, đồng thời mỗi Hội thẩm cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm trong việc nâng cao năng lực và chất lượng xét xử của bản thân.