CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP BÁN LẺ VÀ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
1.2. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ
1.2.1. Khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài
FDI là viết tắt của cụm từ “Foreign Direct Investment” dịch sang tiếng việt có nghĩa là Đầu tư trực tiếp nước ngoài. Có nhiều khái niệm về FDI như sau:
Theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF)
FDI là một công cuộc đầu tư ra khỏi biên giới quốc gia, trong đó người đầu tư trực tiếp (direct investor) đạt được một phần hay toàn bộ quyền sở hữu lâu dài một DN đầu tư trực tiếp (direct investment enterprise) trong một quốc gia khác. Quyền sở hữu này tối thiểu phải là 10% tổng số cổ phiếu mới được công nhận là FDI [46];
Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)
FDI xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có một tài sản ở nước khác (nước nhận đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó. [49];
Theo Luật Đầu tư Việt Nam (2014)
Luật Đầu tư Việt Nam 2014 đã gộp chung Đầu tư trực tiếp và Đầu tư gián tiếp thành Đầu tư kinh doanh. Luật quy định: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư” (Điều 3 khoản 5) [23].
Tóm lại, FDI là loại hình kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn, tự thiết lập các cơ sở sản xuất kinh doanh cho riêng mình, đứng chủ sở hữu, tự quản lý, khai thác hoặc thuê người quản lý, khai thác cơ sở này, hoặc hợp tác với đối tác nước sở tại thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh và tham gia quản lý, cùng với đối tác nước sở tại chia sẻ lợi nhuận và rủi ro.
1.2.2. Đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực phân phối bán lẻ - FDI là đầu tư nước ngoài nên có những đặc điểm chung của hoạt động đầu tư. Đầu tư là tập hợp các hoạt động bỏ vốn và sử dụng vốn theo một chương trình đã được hoạch định trong một khoảng thời gian tương đối dài nhằm thu được lợi ích lớn hơn cho các nhà đầu tư, cho xã hội và cộng đồng. Vậy nên FDI có những đặc điểm sau:
+ FDI là hoạt động bỏ vốn, nên quyết định đầu tư thường và trước hết là quyết định tài chính
+ FDI là hoạt động có tính chất lâu dài (chiến lược)
+ FDI là hoạt động luôn cần có sự cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và lâu dài. Do chủ thể là tư nhân nên FDI có mục tiêu ưu tiên hàng đầu là lợi nhuận.
+ FDI là hoạt động mang nặng rủi ro [34, tr.16-17]
- Ngoài đặc trưng nói trên, các dự án FDI còn có các đặc trưng mang tính chất đặc thù so với các dự án đầu tư trong nước và thậm chí so với các dự án ODA. Đó là các đặc trưng sau:
+ Về vốn góp: Chủ đầu tư vốn FDI được coi là chủ sở hữu vốn. Các chủ đầu tư nước ngoài phải đóng góp một tỷ lệ vốn tối thiểu trong vốn pháp định hoặc vốn điều lệ theo quy định của luật pháp từng nước để giành quyền kiểm soát hoặc tham gia kiểm soát
DN nhận đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc tự mình quản lý, điều hành bỏ vốn.
+ Tỷ lệ phân chia lợi nhuận: Tỷ lệ đóng góp của các bên trong vốn điều lệ hoặc vốn pháp định sẽ quy định quyền và nghĩa vụ mỗi bên, đồng thời lợi nhuận và rủi ro cũng được phân chia dựa theo tỷ lệ này. Thu nhập mà chủ đầu tư thu được phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của DN mà họ bỏ vốn đầu tư, nó mang tính chất thu nhập chứ không phải lợi tức.
+ Quyền kiểm soát: DN FDI giành quyền kiểm soát hoặc tham gia kiểm soát nước nhận đầu tư. Chủ đầu tư quyết định đầu tư, quyết định sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi. Nhà đầu tư nước ngoài được quyền lựa chọn lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư, quy mô đầu tư cũng như công nghệ cho mình. Vì thế hình thức này mang tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao, không có những rằng buộc về chính trị, không có gánh nặng về khoản nợ cho nền kinh tế nước nhận đầu tư.
+ Các bên tham gia vào dự án FDI có quốc tịch khác nhau, đồng thời thường sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
+ Dự án FDI chịu sự chi phối đồng thời của nhiều hệ thống pháp luật (bao gồm luật pháp của các bên và pháp luật quốc tế)
+ Hầu hết các dự án FDI đều gắn liền với quá trình chuyển giao công nghệ với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Do vậy, thông qua hoạt động đầu tư quốc tế, nước sở tại có thể tiếp nhận được công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm quản lý từ các quốc gia trên thế giới. Từ đó, các hình thức phân phối bán lẻ của nước sở tại càng hoàn thiện và ưu việt.
+ Nước nhận FDI chủ yếu là nước đang phát triển. Mặc dù nguồn vốn để phát triển kinh tế có thể được huy động từ trong nước hoặc từ nước ngoài, tuy nhiên đối với nước đang phát triển thì nguồn vốn trong nước thường có hạn, đặc biệt nước đang phát triển có tỷ lệ tích luỹ thấp nên các nước này thường có nhu cầu đầu tư cao. Theo thuyết “Cái vòng luẩn quẩn” và “Cú huých từ bên ngoài” của nhà kinh tế học Samuelson, các quốc gia muốn đạt mức tăng trưởng kinh tế thì cần có một cú huých từ bên ngoài cụ thể như yếu tố về vốn, khoa học công nghệ hiện đại, chuyên gia… trong đó thì yếu tố vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) đóng vai trò là cú huých mang tính đột phá quan trọng trong yếu tố tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Do vậy, nước nhận đầu tư FDI chủ yếu là nước đang phát triển.
+ Thị trường nước nhận mục tiêu có lượng người tiêu dùng lớn. Mục tiêu cuối cùng mà thường mỗi nhà đầu tư nước ngoài hướng đến là thu được lợi nhuận. Do vậy, họ luôn hướng đến các quốc gia có tiềm năng phát triển kinh doanh được thể hiện thông qua dân cư đông, lao động giá rẻ,…
+ Yêu cầu cao về môi trường đầu tư, đặc biệt là môi trường văn hóa. Do các nhà đầu tư đến từ nước ngoài nên sự khác biệt môi trường kinh doanh về tố chính trị - luật pháp, các yếu tố kinh tế, văn hóa xã hội, công nghệ là điều không thể tránh khỏi. Việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nước sở tại đặc biệt là môi trường văn hóa là cơ sở cho thành công cho hoạt động FDI. [34, tr.20]