10. Cấu trúc luận văn
1.3. Năng lực, năng lực toán, năng lực tổ chức dạy học cho giáo viên THCS
1.3.1. Khái niệm năng lực.
“Năng lực” theo Từ điển tiếng Việt là khả năng đủ để làm một công việc nào
đó hay “Năng lực” là những điều kiện được tạo ra hoặc vốn có để thực hiện một hoạt động nào đó.
Theo quan điểm của Tâm lý học Mác xít, năng lực của con người luôn gắn liền với hoạt động của chính họ. Nội dung và tính chất của hoạt động được quy định bởi nội dung và tính chất của đối tượng của nó. Tuỳ thuộc vào nội dung và tính chất của đối tượng mà hoạt động đòi hỏi ở chủ thể những yêu cầu xác định. Có thể định nghĩa năng lực như sau: “Năng lực là sự tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những yêu cầu của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động đạt được những kết quả cao”.
Năng lực bao gồm các năng lực chung và những năng lực thuộc về một hoạt động cụ thể nào đó như năng lực toán học của hoạt động học tập hay nghiên cứu toán học, năng lực hoạt động chính trị của hoạt động chính trị, năng lực giảng dạy của giáo viên,… Như vậy có thể định nghĩa năng lực nghề nghiệp như sau: “Năng lực nghề nghiệp là sự tương ứng giữa những thuộc tính tâm, sinh lý của con người với những yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra. Nếu không có sự tương ứng này thì con người không thể theo đuổi nghề được”. Ở mỗi một nghề nghiệp khác nhau sẽ có những yêu cầu cụ thể khác nhau, nhưng tựu trung lại thì năng lực nghề nghiệp nói chung và năng lực dạy học nói riêng được cấu thành bởi các thành tố:
- Tri thức chuyên môn (tri thức môn học).
- Kỹ năng hành nghề (kỹ năng sư phạm hay kỹ năng dạy học).
Vậy, năng lực dạy học của GV là tổ hợp những thuộc tính tâm, sinh lý của giáo viên (tư duy, tình cảm, xúc cảm, sự sáng tạo,…) và các tri thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp của giáo viên trong quá trình dạy học đáp ứng những yêu cầu do nghề nghiệp dạy học đặt ra, giúp giáo viên dạy học có hiệu quả.
1.3.2. Năng lực toán.
1.3.2.1. Năng lực chung.
Năng lực cá nhân thường được hiểu là khả năng thực hiện được một nhiệm vụ cụ thể, liên quan đến một lĩnh vực nhất định, diễn ra trong bối cảnh thực, dựa trên những kiến thức, kĩ năng, thái độ và trải nghiệm đã có. Năng lực đôi khi được
xem như là khả năng thực hiện/hành động để giải quyết một nhiệm vụ trong các tình huống cụ thể trong những bối cảnh khác nhau, tại những thời điểm khác nhau.
Mỗi một lĩnh vực người có năng lực phải hội tụ các yêu cầu: (1) Có kiến thức, hiểu biết một cách hệ thống, sâu sắc về lĩnh vực đó; (2) Biết lựa chọn và thực hiện các hành động cụ thể, lựa chọn được các giải pháp, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phù hợp với mục đích, mục tiêu đặt ra; (3) Hành động một cách hiệu quả, ứng phó linh hoạt với những bối cảnh khác nhau.
Năng lực của người học là khả năng làm chủ những hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ,... phù hợp với lứa tuổi và vận hành (kết nối) chúng một cách hợp lý vào thực hiện thành công nhiệm vụ học tập, giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra cho chính các em trong cuộc sống. Năng lực của HS là một cấu trúc động, có tính mở, đa thành tố, đa tầng bậc, hàm chứa trong nó không chỉ là kiến thức, kỹ năng,...
mà còn là cả niềm tin, giá trị, trách nhiệm xã hội,... thể hiện ở tính sẵn sàng hành động của các em trong môi trường học tập phổ thông và những điều kiện thực tế đang thay đổi của xã hội.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước phát triển, đối chiếu với yêu cầu và điều kiện giáo dục trong nước, các nhà nghiên cứu về khoa học giáo dục Việt Nam đã đề xuất khung năng lực chung của chương trình giáo dục THCS gồm:
- Năng lực tự học.
- Năng lực giải quyết vấn đề.
- Năng lực sáng tạo.
- Năng lực tự quản lý.
- Năng lực giao tiếp.
- Năng lực hợp tác.
- Năng lực sử dụng CNTT và truyền thông.
- Năng lực sử dụng ngôn ngữ.
- Năng lực tính toán.
1.3.2.2. Năng lực chuyên biệt của môn Toán.
Bên cạnh các năng lực chung, những người làm công tác giáo dục cũng cần nghiên cứu xây dựng khung năng lực chuyên biệt cho các môn học cụ thể.
Quá trình học tập môn Toán có thể được hiểu là quá trình mà người học chiếm lĩnh các kiến thức, kĩ năng cần thiết để hình thành năng lực toán học. Năng lực chuyên biệt trong môn Toán được xem là khả năng hiểu biết, phán đoán, thực hành và sử dụng toán học vào những vấn đề trong và ngoài môn Toán, trong những tình huống có thể sử dụng toán học để giải quyết. Để hình thành được các năng lực toán học đòi hỏi người học phải có một hệ thống các kiến thức và kĩ năng kể cả lý thuyết và thực tiễn. Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu về năng lực chuyên biệt trong môn Toán học.
Theo Mogens Niss (2002), năng lực toán học gồm có:
- Tư duy Toán học: Nêu được câu hỏi có chứa các nội dung toán học, xác định được phương án trả lời; Hiểu và xác định phạm vi và giới hạn của khái niệm;
Mở rộng phạm vi của khái niệm bằng cách khái quát hóa kết quả cho các trường hợp rộng hơn; Phân biệt các mệnh đề toán học khác nhau (bao gồm các phát biểu
“nếu - thì”, mệnh đề lượng hóa, giả thuyết, định nghĩa, định lý, giả định, các giả định,…);…
- Nêu và giải quyết các vấn đề Toán học: Nhận biết, đưa ra và xác định được các dạng của bài toán - toán thuần tuý hay ứng dụng; vấn đề đóng hay mở; Giải được các dạng bài toán khác nhau (bài toán lý thuyết hay ứng dụng; đóng hay mở) được giáo viên hay người khác đặt ra, và nếu có thể, giải quyết được bằng các cách khác nhau;…
- Mô hình hoá Toán học: Phân tích cơ sở và tính chất của các mô hình toán học đã có; Giải mã mô hình đã có, nghĩa là giải thích và phân tích các thành phần của mô hình toán học; Trình diễn một mô hình trong trường hợp cụ thể (Cấu trúc nội dung; Toán học hóa; Làm việc với mô hình, bao gồm cả việc giải quyết vấn đề phát sinh; Xác định giá trị của mô hình; Phân tích và phản biện mô hình ra các khả năng có thể xảy ra; Liên kết mô hình và kết quả; Theo dõi và điều chỉnh mô hình);…
- Lập luận Toán học: Theo dõi và đánh giá các lập luận do người khác đưa ra; Nhận biết được một phép chứng minh là đúng hay không; phân loại được các lập luận; …
- Biểu diễn Toán học: Hiểu và sử dụng (luận giải, giải thích, phân biệt) các cách biểu diễn khác nhau của các đối tượng, hiện tượng và các tình huống Toán học; Hiểu và sử dụng mối liên hệ giữa các cách biểu diễn khác nhau của cùng một đại lượng, hiểu biết về ưu điểm và mặt hạn chế của các cách biểu diễn đó; Biết lựa chọn và chuyển đổi giữa các cách biểu diễn.
- Xử lý các ký hiệu và công thức Toán học: Đọc và giải thích được các kí hiệu, ngôn ngữ và mệnh đề Toán học; Chuyển đổi được từ ngôn ngữ thông thường sang ngôn ngữ biểu tượng, kí hiệu; Vận dụng để viết và trình bày báo cáo có chứa các kí hiệu và công thức toán học.
- Giao tiếp Toán học: Đọc hiểu các tài liệu về toán học dưới dạng văn bản, trực quan; Phát biểu được ý kiến của bản thân, dưới hình thức bằng lời, trực quan hay văn bản, về một nội dung toán học cụ thể;…
- Sử dụng các phương tiện và công cụ hỗ trợ: Biết được các loại phương tiện, công cụ và các tính năng của chúng hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến Toán học; Sử dụng được các công cụ và phương tiện một cách hợp lý; …
Theo chương trình đánh giá HS quốc tế (PISA), năng lực toán học là khả năng của cá nhân biết lập công thức, vận dụng và giải thích toán học trong nhiều ngữ cảnh. Năng lực toán học bao gồm suy luận toán học và sử dụng các khái niệm, phương pháp, phương tiện và công cụ để mô tả, giải thích và dự đoán các hiện tượng.
Năng lực Toán học phổ thông theo PISA là khả năng nhận biết ý nghĩa, vai trò của kiến thức toán học trong cuộc sống; vận dụng và phát triển tư duy toán học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đời sống hiện tại và tương lại một cách linh hoạt; là khả năng phân tích, suy luận, lập luận, khái quát hoá, trao đổi thông tin hiệu quả thông qua việc đặt ra, hình thành và giải quyết vấn đề toán học trong các tình huống, hoàn cảnh khác nhau, trong đó chú trọng quy trình, kiến thức và hoạt động.
PISA đánh giá năng lực Toán học phổ thông theo 3 cấp độ năng lực:
- Ghi nhớ, tái hiện: Là khả năng nhớ được các đối tượng, khái niệm, định nghĩa, tính chất toán học; Áp dụng được một thuật toán tiêu chuẩn; …
- Kết nối, tích hợp: Kết nối, tích hợp thông tin để giải quyết các vấn đề đơn giản; Tạo ra những kết nối theo các cách biểu đạt khác nhau; Đọc và giải thích được các kí hiệu, ngôn ngữ hình thức và hiểu mối quan hệ của chúng với ngôn ngữ thường nhật;…
- Khái quát hoá, toán học hoá: Nhận biết nội dung toán học trong tình huống có vấn đề phải giải quyết; Vận dụng kiến thức Toán học để giải quyết các vấn đề thực tiễn; Phân tích, tổng hợp, suy luận, lập luận, khái quát hoá trong chứng minh toán học; …
Với 3 cấp độ trên, các đề thi PISA trong môn Toán tập trung vào đánh giá các năng lực: Giao tiếp; Mô hình hoá toán học; Biểu diễn toán học; Tư duy và lập luận; Xây dựng chiến lược; Sử dụng kí hiệu, ngôn ngữ hình thức và chuyên môn, các phép toán; Sử dụng các công cụ toán học.
Trên cơ sở những nghiên cứu trong nước và thế giới, với giáo dục toán học phổ thông Việt Nam, có thể cùng tham khảo và trao đổi về khung năng lực chuyên biệt đối với môn Toán dưới đây, gồm các năng lực: Giải quyết vấn đề toán học; Lập luận toán học; Mô hình hoá toán học; Giao tiếp toán học; Vận dụng các cách biểu diễn toán học; Sử dụng các kí hiệu, công thức và các thuật toán. Các năng lực này có thể được mô tả thành 3 cấp độ:
- Cấp độ 1: Ghi nhớ, tái hiện và vận dụng cơ bản.
- Cấp độ 2: Kết nối, tích hợp, vận dụng bậc cao.
- Cấp độ 3: Phân tích, tổng hợp, khái quát hoá và sáng tạo.
Việc xác định được khung năng lực cũng như mô tả các cấp độ năng lực cụ thể sẽ phục vụ cho các mục đích đào tạo và bồi dưỡng khác nhau:
- Năng lực có thể sử dụng như các tiêu chuẩn, quy định, như chuẩn đầu ra của một chương trình đào tạo, những kì vọng mà người học phải đạt được.
- Năng lực cũng có thể được sử dụng với mục đích mô tả cho quá trình dạy học. Cụ thể hơn, chúng có thể được sử dụng để mô tả đặc điểm của việc dạy học, những gì xảy ra trong lớp học, những gì đang được diễn ra trong các kì kiểm tra và thi cử, và thậm chí cả những gì HS có thể áp dụng được vào thực tế. Năng lực và các cấp độ năng lực cũng có thể được sử dụng để so sánh các chương trình dạy học
toán học ở các cấp học, bậc học khác nhau hoặc ở những địa phương khác nhau,…
- Năng lực còn được sử dụng để hỗ trợ mục đích siêu nhận thức cho cả GV và HS thông qua việc giúp GV và HS nhận thức, điều khiển và kiểm soát việc dạy và học của mình.
1.3.3. Năng lực tổ chức dạy học.
1.3.3.1. Năng lực chuẩn bị lập kế hoạch tổ chức dạy học môn học.
Xác định được học lực, hứng thú học tập và phong cách học tập của HS thông qua sử dụng các phương pháp và kỹ thuật tìm hiểu HS;
Chương trình và phân phối chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Toán THCS phân tích được;
Các điều kiện cơ sở vật chất - thiết bị dạy học của trường phục vụ cho dạy học môn Toán phải được xác định;
Các yếu tố kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên của địa phương nhằm hỗ trợ cho việc dạy học gắn với thực tiễn phải được xác định.
1.3.3.2. Năng lực lập kế hoạch tổ chức dạy học môn học.
Thiết kế được kế hoạch môn học đảm bảo mối quan hệ biện chứng giữa mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức dạy học, phương pháp, phương tiện dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá;
Xác định được mục tiêu dạy học của môn học, của từng chương, đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học phù hợp với đối tượng HS, với điều kiện cơ sở vật chất - thiết bị dạy học của nhà trường và đặc điểm địa phương;
Xác định thời lượng cho các chủ đề, nội dung phù hợp với lôgic, trọng số các nội dung, với đặc điểm HS, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường và đặc điểm địa phương;
Lựa chọn được các hình thức tổ chức dạy học, phương pháp và phương tiện phù hợp với nội dung từng chủ đề, với đặc điểm HS, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường và đặc điểm địa phương;
Xác định được nội dung, hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS phù hợp với mục tiêu, chuẩn kết quả học tập mỗi chương, mỗi phần của chương trình.
1.3.3.3. Năng lực lập kế hoạch môn học.
Nghiên cứu các tài liệu có liên quan, chuẩn bị các phương tiện, đồ dùng dạy học, xác định được kiến thức đã có của HS liên quan đến bài học mới, hệ thống các bài tập, câu hỏi theo các mục đích khác nhau;
- Xác định được mục tiêu bài học theo hướng hình thành năng lực, thể hiện tính tích hợp và phân hóa theo các bậc nhận thức và hình thức tư duy, phù hợp với các loại đối tượng HS trong lớp và biểu đạt mục tiêu thành các dấu hiệu có thể quan sát, đo lường được;
- Xác định và lựa chọn được mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức tự học của HS ở nhà với các phương pháp phương tiện, công cụ giúp HS tự học và kiểm tra, đánh giá kết quả tự học;
- Thiết kế được các hoạt động học tập phù hợp với mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo ở HS và phù hợp với từng loại đối tượng HS;
- Lựa chọn hợp lí các thiết bị dạy học và xác định được thời điểm, phương pháp sử dụng;
- Phân phối thời gian hợp lí cho các hoạt động trên lớp;
- Dự kiến được các tình huống có thể nảy sinh và cách xử lí.
1.3.3.4. Năng lực tổ chức dạy học trên lớp.
Quản lí được lớp học, lôi cuốn được toàn thể HS tham gia tích cực vào các hoạt động học tập trên lớp;
Sử dụng các phương pháp và phương tiện dạy học đảm bảo được các yêu cầu về kĩ thuật và nguyên tắc sư phạm;
Trình bày bảng hợp lí, lời nói rõ ràng, mạch lạc, thu hút sự chú ý của HS;
Sử dụng được các phương pháp, kĩ thuật thu thông tin phản hồi để kịp điều chỉnh hoạt động dạy học cho phù hợp; xử lí hợp lí các tình huống nảy sinh;
Giao tiếp đúng mực, tôn trọng, khích lệ HS, tạo được môi trường học tập tương tác, thân thiện;
- Tự đánh giá được mức độ đạt được mục tiêu bài học.
1.3.3.5. Năng lực kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học.
Xây dựng được kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn học cho cả
năm, từng học kì và từng tuần;
Lựa chọn được nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục đích của kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì, đánh giá tổng kết theo hướng xác định mức độ năng lực HS;
Sử dụng được các kĩ thuật để thiết kế câu hỏi và đề kiểm tra, đánh giá đảm bảo độ tin cậy, độ giá trị của đề kiểm tra;
Chỉ ra được những ưu điểm, sai sót của HS khi chấm bài và tổ chức trả bài để giúp HS tự điều chỉnh hoạt động học của mình;
Tổ chức được hoạt động tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và tự điều chỉnh hoạt động học tập của HS;
Sử dụng được thông tin phản hồi từ kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh hoạt động dạy học;
Sử dụng được một số phần mềm thông dụng trong kiểm tra, đánh giá.
1.3.3.6. Năng lực quản lý hồ sơ dạy học.
Lập được hồ sơ dạy học với từng tệp riêng chứa đựng các thông tin hỗ trợ cho việc lập kế hoạch dạy học, theo dõi sự tiến bộ của HS, bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS kém;
Sử dụng được CNTT trong việc lập, bảo quản và sử dụng hồ sơ dạy học.
1.3.4. Năng lực dạy học môn Toán.
Tiếp cận năng lực trong giáo dục bắt đầu với việc thay đổi cách xác định mục tiêu dạy học và giáo dục. Thay vì viết mục tiêu chung chung, trừu tượng, các nhà nghiên cứu đề xuất cách thức xây dựng mục tiêu theo hướng cụ thể, lượng hoá các kiến thức, kĩ năng, thái độ cần đạt sau khi kết thúc bài học, môn học, khoá học. Mục tiêu dạy học được diễn đạt bằng các động từ như: nêu lên, liệt kê, kể tên, phân biệt, mô tả, tính toán, so sánh, giải thích, tổng hợp, phân tích, đánh giá,... Cách phát biểu mục tiêu kiểu này thay thế cho các cách phát biểu mơ hồ khó đo lường và xác định mức độ đạt được trước đó là: nắm được, hiểu được, hay hiểu một cách sâu sắc,…
Mục tiêu là cơ sở để lựa chọn nội dung dạy học, hình thức tổ chức dạy học, PPDH và đánh giá được hiệu quả, giá trị của một bài dạy, một khoá dạy hay cả một chương trình.