CHƯƠNG I: SÀN GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TIKI
1.2. Phân tích và đánh giá các công cụ truyền thông marketing trên sàn thương mại điện tử Tiki
1.2.5. Marketing trên nền tảng mạng xã hội
Các nền tảng social media là một điều không thể không kể đến khi nói về các hình thức Marketing trong thương mại điện tử. Thay vì điều hướng khách hàng về website một cách gượng ép thì doanh nghiệp có thể để họ lựa chọn và mua hàng một cách trực tiếp ngay trên những nền tảng truyền thông mạng xã hội quen thuộc nhất mà họ thường truy cập như Facebook, Instagram, Zalo,...
Tiki đã áp dụng các công cụ tiếp thị trên mạng xã hội (social media marketing) để tăng cường nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng mục tiêu trong môi trường thương mại điện tử cạnh tranh. Đặc biệt, Tiki sử dụng mạng xã hội để quảng bá các chương trình khuyến mãi, flash sales, và các sự kiện theo mùa, nhằm thu hút sự quan tâm của người dùng. Chiến lược này giúp họ tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn, đặc biệt là những người mua hàng trẻ, chủ yếu ở độ tuổi từ 25–34 và sống tại các thành phố lớn. Tiki đã luôn tích cực sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tăng cường nhận diện thương hiệu và thúc đẩy tương tác khách hàng. Một số hoạt động nổi bật của Tiki trên các nền tảng mạng xã hội nổi bật như:
Chiến dịch quảng cáo và TrueView Ads trên YouTube
Trên YouTube, Tiki sử dụng quảng cáo TrueView để thu hút đúng đối tượng khách hàng tiềm năng. Các quảng cáo video thường được tối ưu để người dùng không cảm thấy bị làm phiền và có thể bỏ qua nếu không quan tâm, giúp Tiki tối ưu hóa chi phí. Hình thức này đặc biệt hiệu quả trong việc giới thiệu các sản phẩm mới, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, và duy trì sự hiện diện thương hiệu một cách hiệu quả. Tiki đã triển khai nhiều chiến dịch quảng cáo trên YouTube để tăng cường nhận diện thương hiệu, đặc biệt là vào các dịp lễ như Tết.
Quảng cáo Tết 2022 của Tiki là sự bắt tay với ca sĩ nổi tiếng Hà Anh Tuấn. Được biết đến là hình tượng của người nghệ sĩ với tấm lòng nhân ái. Hà Anh Tuấn đã trở thành đại sứ phù hợp nhất cho chiến dịch “Ấm” của Tiki.
Quảng bá qua các nền tảng mạng xã hội phổ biến
Tiki đã tận dụng xu hướng livestream trên Facebook và TikTok để giới thiệu sản phẩm và tổ chức các sự kiện bán hàng trực tiếp. Hoạt động livestream bán hàng là một chiến lược quan trọng giúp Tiki tương tác trực tiếp với khách hàng và khuyến khích họ mua sắm ngay lập tức. Tiki tổ chức các chương trình flash sale, giảm giá trong thời gian ngắn trên các nền tảng mạng xã hội để tạo ra cảm giác khẩn cấp cho người mua. Trong những buổi livestream này, người dùng có thể xem đánh giá sản phẩm thực tế và đặt câu hỏi trực tiếp, từ đó dễ dàng đưa ra quyết định mua hàng. Hoạt động này không chỉ thúc đẩy doanh số mà còn giúp Tiki xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng.
Livestream trên TikTok cho phép Tiki tiếp cận một lượng lớn khách hàng trẻ tuổi với các sản phẩm được quảng bá theo cách tương tác, trực quan và trực tiếp. Trong các buổi livestream, Tiki không chỉ trình bày về sản phẩm mà còn đưa ra các ưu đãi đặc biệt, thường chỉ áp dụng trong thời gian phát sóng. Điều này khuyến khích khách hàng nhanh chóng đặt hàng để không bỏ lỡ các chương trình giảm giá độc quyền.
Tiki sử dụng Instagram để chia sẻ các hình ảnh và video hấp dẫn về sản phẩm, tạo dựng hình ảnh thương hiệu trẻ trung, năng động và hiện đại. Các bài đăng trên Instagram thường đi kèm với hashtag cụ thể để tăng mức độ hiển thị, giúp Tiki dễ dàng tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ yêu. Thường xuyên đăng cập nhật những thông tin mới nhất, các lịch livestream hay ngày khuyến mãi sale lớn Tiki đều đăng và chia sẻ qua nhiều nền tảng xã hội khác nhau
Hợp tác với Influencers và KOLs trên nhiều nền tảng xã hội
Tiki đã hợp tác với nhiều người ảnh hưởng và các KOLs để tiếp cận các nhóm khách hàng trẻ. Những người nổi tiếng này không chỉ quảng bá sản phẩm mà còn chia sẻ trải nghiệm mua sắm trên Tiki, giúp tăng cường mức độ tin tưởng và hấp dẫn của thương hiệu. Hoạt động này rất phổ biến trên Instagram và Facebook, nơi các influencers có thể chia sẻ đánh giá, hình ảnh, và video về sản
phẩm. Một số KOLs điển hình Tiki đã kết hợp cùng như vợ chồng Trường Giang – Nhã Phương, Ngọc Trinh, Chi Phu, Đức Phúc…
Các chiến dịch của Tiki trên YouTube còn nổi bật nhờ vào sự sáng tạo trong nội dung, tận dụng sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ nổi tiếng. Hay như sự xuất hiện dày đặc của hộp quà Tiki trong các các MV âm nhạc khiến cho cái tên này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, và dường như không còn trở nên xa lạ như lần đầu xuất hiện. Rõ ràng Tiki có thể đổ tiền làm khuyến mại, giảm giá, tăng số lượng hàng bán như các đối thủ khác nhưng lại đầu tư cho âm nhạc.Và Tiki đã sử dụng thành công vũ khí nội dung âm nhạc “Tiki Đi Cùng Sao Việt” để đón đầu hành vi mua sắm trực tuyến mới của người dùng số.
Có thể thấy rằng, công cụ tiếp thị trên nền tảng mạng xã hội là một phần quan trọng trong chiến lược truyền thông của Tiki, giúp sàn TMĐT này gia tăng nhận diện thương hiệu, tương tác trực tiếp với người tiêu dùng và tăng doanh thu
bán hàng. Việc sử dụng mạng xã hội cho phép Tiki tận dụng xu hướng mới và đưa ra các chiến dịch quảng cáo sáng tạo, hướng đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Từ những hoạt động nổi bật trên của Tiki, cùng đưa ra đánh giá giúp cho Tiki triển khai công cụ Marketing trên các nền tảng mạng xã hội ngày một hoàn thiện nhằm xây dựng thương hiệu và tăng cường tương tác với khách hàng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
- Ưu điểm:
Mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng
Với sự phổ biến của mạng xã hội như Facebook, TikTok và Instagram tại Việt Nam, Tiki có thể tiếp cận một lượng lớn người dùng, đặc biệt là giới trẻ - nhóm đối tượng chính của các sàn TMĐT. Nội dung trên mạng xã hội dễ dàng được lan truyền rộng rãi khi người dùng chia sẻ, thích hoặc bình luận. Điều này mang lại hiệu quả tăng cường nhận diện thương hiệu cho Tiki. Mạng xã hội không chỉ giúp Tiki phủ sóng thương hiệu mà còn tạo điều kiện tương tác liên tục, giúp tăng mức độ nhận diện thương hiệu trên quy mô lớn.
Tăng cường sự tương tác và xây dựng mối quan hệ với khách hàng
Tiki thường tổ chức các buổi livestream bán hàng, minigame hoặc flash sale trên mạng xã hội, cho phép người dùng tương tác trực tiếp.
Điều này giúp khách hàng cảm thấy gần gũi với thương hiệu hơn và đồng thời có thể nhận được phản hồi tức thì, tạo ra mối quan hệ tương tác hai chiều, thúc đẩy lòng trung thành với thương hiệu.
Mạng xã hội cho phép Tiki linh hoạt trong việc sáng tạo các loại nội dung khác nhau như video quảng cáo, hình ảnh đẹp, story, hay thậm chí là các thử thách (challenges) trên TikTok. Điều này giúp Tiki dễ dàng bắt kịp các xu hướng mới và duy trì tính mới mẻ, hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng
Gia tăng niềm tin từ khách hàng nhờ hợp tác với influencers
Tiki thường xuyên hợp tác với những người nổi tiếng và influencer để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ. Việc này không chỉ giúp Tiki tiếp cận nhanh
chóng với lượng lớn người theo dõi của các influencer mà còn tạo dựng niềm tin với khách hàng thông qua sức ảnh hưởng của họ, giúp cải thiện tỷ lệ chuyển đổi và thuyết phục khách hàng mua sắm trên Tiki.
- Nhược điểm:
Chi phí cao và cạnh tranh lớn
Mặc dù tiếp thị trên mạng xã hội có hiệu quả cao, để duy trì sự hiện diện và tiếp cận đối tượng mục tiêu, Tiki phải đầu tư rất nhiều vào quảng cáo trả phí trên các nền tảng như Facebook, Instagram. Chi phí này còn tăng lên, đặc biệt là khi Tiki hợp tác với người nổi tiếng. Các đối thủ cạnh tranh như Shopee và Lazada cũng sử dụng chiến lược tương tự, tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi Tiki phải đầu tư nhiều để không bị lấn át.
Chỉ nổi bật vào các dịp cao điểm
Các chiến dịch của Tiki thường đạt hiệu quả cao vào các dịp lễ lớn như Tết, Black Friday, nhưng ngoài các dịp này, mức độ quan tâm của khách hàng có thể giảm. Điều này khiến hiệu quả của các chiến dịch marketing phụ thuộc vào các thời điểm đặc biệt, và có thể gây khó khăn trong việc duy trì tương tác dài hạn nếu không có kế hoạch nội dung liên tục.
Các chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội thường phải chạy theo xu hướng ngắn hạn và có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời. Nếu Tiki không thể duy trì nội dung mới mẻ, sáng tạo thì sẽ khó giữ được sự chú ý của người dùng trong thời gian dài. Ngoài ra, việc chạy theo xu hướng có thể khiến các chiến dịch thiếu tính nhất quán về thông điệp, làm ảnh hưởng đến chiến lược xây dựng thương hiệu lâu dài của Tiki
Khó quản lý và kiểm soát phản hồi tiêu cực
Mặc dù Tiki có thể kiểm soát phần lớn các phản hồi trên trang web của mình, nhưng trên các mạng xã hội, việc kiểm soát và loại bỏ các bình luận tiêu cực là hạn chế. Các đánh giá không tốt, đôi khi không chính xác hoặc bị thổi phồng, vẫn có thể ảnh hưởng đến cách người tiêu dùng khác nhìn nhận thương hiệu
Khi khách hàng không hài lòng với sản phẩm hoặc dịch vụ, họ dễ dàng chia sẻ phản hồi này trên các kênh như Facebook, TikTok, và Instagram. Do
mạng xã hội có tính lan truyền cao, các phản hồi tiêu cực có thể nhanh chóng tiếp cận đến đông đảo người dùng khác. Điều này dễ làm giảm uy tín thương hiệu, đặc biệt khi phản hồi tiêu cực chưa được Tiki phản hồi kịp thời hoặc xử lý thỏa đáng