CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội huyện Sông Lô
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
a. Vị trí địa lý
Huyện Sông Lô được thành lập theo Nghị định 09/NĐ-CP ngày 23/12/2008 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lập Thạch, chính thức đi vào hoạt động từ 1/4/2009.
Sông Lô là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc có 15.031,77ha.
Địa giới hành chính huyện Sông Lô : - Phía Đông giáp huyện Lập Thạch;
- Phía Tây giáp huyện Phù Ninh và TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ;
- Phía Nam giáp huyện Lập Thạch và TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ;
- Phía Bắc giáp với huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Hình 3.1. Bản đồ địa giới hành chính huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sông Lô năm 2013
Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 33 Huyện Sông Lô cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 25 km và cách thủ đô Hà Nội 80 km vì vậy huyện có khả năng thực hiện giao thương kinh tế với các khu vực lân cận, đặc biệt là Thành phố Vĩnh Yên.
b. Địa hình
Địa hình của huyện thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, đồi núi khá phức tạp.
Phần lớn địa hình cao 11- 30 m, xen kẽ với một số đồi núi cao 200 - 300m. Địa hình bị chia cắt bởi dòng sông Lô qua hầu hết các xã của huyện với chiều dài 28km. Huyện có nhiều đồi núi như bát úp, kích thước không lớn, có dạng vòm đường nét mềm mại.
Ngoài ra dọc theo ven Sông Lô là dải đất đồng bằng hẹp do Sông Lô bồi đắp tạo nên, có địa hình tương đối bằng phẳng. Địa hình đa dạng của huyện Sông Lô tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội của huyện, đặc biệt đến sản xuất nông nghiệp.
c. Khí hậu
Giống như nhiều tỉnh thành khác thuộc khu vực Bắc Bộ, Sông Lô nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, lượng mưa bình quân từ 1.500mm đến 1.800mm, tập trung chủ yếu vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8 nên gây ra hiện tượng úng lụt ở các vùng trũng vào mùa mưa và gây ra hạn hán tại nhiều vùng đồi núi vào mùa khô. Nhiệt độ bình quân năm khoảng 23,5°C - 25oC và có sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn giữa mùa hạ và mùa đông. Độ ẩm không khí bình quân 84%, số giờ nắng bình quân trong năm tử 1.400 giờ đến 1.700 giờ/năm (UBND huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết tình hình chính trị - kinh tế - xã hội huyện Sông Lô năm 2013).
d. Các nguồn tài nguyên
* Tài nguyên đất
Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 15.031,77ha bao gồm 2 nhóm đất chính là đất thủy thành ven sông Lô và đất địa thành vùng đồi núi. Đất thủy thành bao gồm đất phù sa và đất lầy thụt. Đất địa thành gồm các loại đất Feralít khác nhau.
- Đất phù sa
+ Đất phù sa sông Lô được bồi hàng năm. Đất có màu nâu nhạt, có phản ứng trung tính ít chua có kết cấu viên dạng tơi xốp, giàu dinh dưỡng, phù hợp với sản xuất cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày, cần chú ý mùa vụ gieo trồng để tránh ngập úng vào mùa mưa.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 34 + Đất phù sa không được bồi đắp có màu nâu nhạt, trung tính, ít chua, glây trung bình hoặc glây mạnh, địa hình thấp, thành phần cơ giới nặng, pH dao động từ 5,6 - 7,5.
+ Đất phù sa xen giữa vùng đồi núi, dọc theo ven suối tạo thành những cánh đồng dài, nhỏ hẹp, độ pH cao, thành phần cơ giới nhẹ, khả năng giữ nước tốt, thuận lợi cho việc tham canh tăng vụ.
+ Đất dốc tụ ven đồi không bạc màu thường được hình thành ở ven đồi núi thấp, tạo nên những cánh đồng nhỏ hẹp, dạng bậc thang.
- Đất lầy thụt có thể trồng 2 vụ lúa trong năm nhưng cần chú ý đến thủy lợi để rửa chua, chống mạch nước ngầm.
- Đất Feralít
+ Đất Feralít biến đổi do trồng lúa nước.
+ Đất Feralít màu nâu vàng phát triển trên phù sa cổ.
+ Đất Feralít màu vàng hoặc đỏ phát triển trên thạch sét. Đây là loại đất phù hợp cho trồng rừng cho năng suất cao, ở những vùng đất dốc dưới 20o thích hợp cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp…
+ Đất Feralít vàng đỏ hoặc vàng xám phát triển trên đá Macma axit, tầng đất mỏng thích hợp cho phát triển lâm nghiệp.
+ Đất Feralít mùn trên núi.
- Đánh giá chung về các loại đất
+ Nhóm đất thủy thành phân bố tương đối tập trung rất thuận lợi cho xây dựng các công trình hạ tầng dân dụng, khu công nghiệp và trồng cây lương thực, cây rau quả có giá trị kinh tế cao.
+ Nhóm đất địa thành gồm các loại đất Feralít khác nhau và trên nhiều địa hình khác nhau, xen kẽ giữa vùng đồi núi thấp là những cánh đồng nhỏ hẹp rất hợp với việc phát triển rừng để bảo vệ môi trường sinh thái và trồng các loại cây CN lâu lăm, cây ăn quả, cây lâm nghiệp (UBND huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết tình hình chính trị - kinh tế - xã hội huyện Sông Lô năm 2013).
* Tài nguyên nước
- Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt của huyện khá lớn với diện tích mặt nước, sông suối chiếm 1,14% diện tích tự nhiên, trong đó chủ yếu là nguồn nước
Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 35 mặt từ sông Lô. Ngoài các sông, suối hiện có trên địa bàn, lượng mưa hàng năm cũng khá cao (từ 1.600 - 1.800mm) cùng với nhiều ao hồ chứa nước đã tạo ra nguồn nước mặt khá phong phú.
Tuy nhiên, nguồn nước mặt phân bố không đồng đều giữa các tháng trong năm và chất lượng nước cũng thay đổi theo mùa. Vào những tháng đầu mùa mưa, chất lượng nước mặt không ổn định, độ đục lớn và có nhiều chất hữu cơ do quá trình rửa trôi các chất trên bề mặt lưu vực. Về mùa đông lượng nước mặt hạn chế vì vậy khả năng mở rộng diện tích gieo trồng vụ Đông như trồng rau, ngô, đậu tương gặp nhiều khó khăn.
- Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm của huyện được nhân dân khai thông qua các hình thức như giếng khơi, giếng khoan. Đến nay chưa có tài liệu nào đánh giá chính thức về nguồn nước ngầm của huyện, nhưng qua thực tế cho thấy việc khai mạch nước ngầm phục vụ sinh hoạt, người dân trong huyện gặp nhiều khó khăn (UBND huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết tình hình chính trị - kinh tế - xã hội huyện Sông Lô năm 2013).
* Tài nguyên rừng
Sông Lô là huyện chuyển tiếp giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng nên diện tích đất lâm nghiệp khá lớn. Thảm thực vật tự nhiên gồm các loại cây thân gỗ, tầng dưới là các loại dây leo và các loại cỏ dại. Rừng trồng chủ yếu là rừng bạch đàn, keo lá tràm trồng theo dự án. Hệ động vật rừng còn nghèo nàn, hiện chỉ có bò sát, lưỡng cư và lớp chim là phong phú nhất (UBND huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết tình hình chính trị - kinh tế - xã hội huyện Sông Lô năm 2013).
* Tài nguyên khoáng sản
Sông Lô là một trong những huyện nghèo tài nguyên của tỉnh Vĩnh Phúc.
Nguồn tài nguyên khoáng sản ở đây chủ yếu là than nâu tập trung nhiều ở các xã Bạch Lưu và Đồng Thịnh.
Huyện Sông Lô có dòng sông Lô chảy qua nên có tiềm năng về khai cát sỏi.
Cát sỏi sông Lô thuộc loại thạch anh, silic có độ cứng cao, độ bám dính tốt. Ngoài ra ở huyện còn có cát sỏi bậc thềm ở vùng Cao Phong có trữ lượng khá lớn (UBND huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết tình hình chính trị - kinh tế - xã hội huyện Sông Lô năm 2013).