Chương 1. Chủ nghĩa hiện thực - khái niệm, lịch sử và đặc điểm…
1.3.2. Nhân vật trung tâm và cảm hứng chủ đạo
Trước hiện thực cuộc sống rộng lớn, các nhà văn hiện thực thường quan tâm tới những nơi thể hiện mâu thuẫn gay gắt của xã hội và sự đấu tranh giữa các giai cấp. Thực chất, đó chính là hiện trạng chung của nhiều nước trên thế giới vào thế kỷ XIX, thời kì hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản, đồng thời là thời kì hình thành và phát triển chủ nghĩa hiện thực. Trong xã hội luôn diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa các giai cấp, giữa quý tộc và tư sản, giữa tư sản và công nhân, giữa nông dân hay nông nô và địa chủ quý tộc. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi nước mà hình thái đấu tranh giai cấp có khác nhau. Tiểu thuyết Anh vẽ lên sự kèn cựa cũng như thỏa hiệp giữa giai cấp quý tộc và tư sản Anh. Tiểu thuyết Pháp phản ánh con đường tư sản hóa của giai cấp quý tộc Pháp, thể hiện tấn bi kịch của gã quý tộc phá sản quỳ gối trước túi tiền của gã tư sản cũng như gã tư sản hãnh tiến chạy theo tước vị của quý tộc. Tiểu thuyết Nga mô tả mâu thuẫn sâu sắc giữa giai cấp nông nô và giai cấp địa chủ quý tộc cũng như sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào nông thôn Nga làm cho nông dân một cổ hai tròng… Nhìn chung, đó là xã hội có sự phân hóa sâu sắc giữa giàu và nghèo, tạo nên sự xung đột về lợi ích giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Đồng tiền và quyền lực trở thành nhân tố có sức chi phối mạnh mẽ đến các quan hệ xã hội. Ma lực của nó đã làm tha hóa, biến chất những tình cảm cao quý của con người, đồng thời phá phách, lũng đoạn mọi tổ chức, thiết chế chính trị, xã hội từ bộ máy nhà nước, cơ quan pháp luật cho đến tôn giáo, văn hóa, giáo dục…
Vì vậy, bức tranh xã hội được tái hiện trong các sáng tác hiện thực chủ nghĩa có mảng màu chủ đạo là xám tối, mặc dù một đôi chỗ như trong sáng tác của Dickens, nhất là Lev Tolstoi không phải không tươi sáng.
Trên nền hiện thực ấy nổi lên hình tượng nhân vật trung tâm là nhân vật dục vọng. Cây đại thụ của chủ nghĩa hiện thực là Balzac đã từng thử bút với loại nhân vật quý tộc của quá khứ cũng như nhân vật dân chủ của tương lai nhưng đều không thành công. Ông chỉ thực sự thành công khi xây dựng nhân vật dục vọng. Đó là
những con người có xuất thân từ các tầng lớp, thành phần xã hội khác nhau nhưng một khi dấn thân vào xã hội ấy thì họ đều có chung một triết lí sống là tôn thờ “con bê vàng”, với một lòng tham không đáy và những thủ đoạn kiếm tiền quỷ quyệt.
Giữa họ chỉ giữ lại một mối quan hệ “trả tiền ngay không tình nghĩa”. Xã hội mà họ sống trong đó là “bãi sa mạc của chủ nghĩa cá nhân”, mỗi người sống với tôn chỉ “mọi người vì mình”. Nhân vật Vautrin trong Lão Goriot là một nhân vật có nhiều phát ngôn thể hiện triết lí sống của loại người này. Khi dạy cho Rastinag những kinh nghiệm sống, hắn đã bảo: “Cuộc đời là một cái bếp hôi hám, nếu anh muốn ăn ngon thì đành bẩn tay một chút, chỉ cần sau đó rửa sạch đi là được – đó là tất cả đạo đức trong thời đại chúng ta”, hoặc như “Phải xông vào đám đông như đường đạn, phải len lỏi vào nó như bệnh dịch”, “nếu mày làm hại được người khác, nghĩa là mày đang sống”, …[129, tr. 527]. Tiêu biểu cho loại nhân vật này còn có thể kể đến lão Grandet và Charles trong Eugenie Grandet, Rebecca, Pitt Crawley và hầu tước Stein trong Hội chợ phù hoa,… Xoay quanh nhân vật trung tâm này còn một số loại nhân vật khác nhưng đều chịu chung sức tác động của đồng tiền. Đồng tiền đã thúc đẩy những con người thừa tài năng, nhưng kém may mắn ngoi lên bằng mọi cách, để rồi cuối cùng phải vỡ mộng, tạo nên nhân vật vỡ mộng. Họ hoặc thỏa hiệp với cái xấu, bán rẻ lương tâm như Rastinag trong nhiều tác phẩm của Balzac, hoặc thức tỉnh và phải tự kết liễu đời mình như Julien Sorel trong Đỏ và đen của Stendhal. Ngược lại, đối với những kẻ có tiền, đồng tiền lại khiến họ trở nên lười biếng và phóng đãng, sống không lí tưởng và mục đích, để cuộc đời trôi đi một cách vô vị, để năng lực khô kiệt và tâm hồn ngày càng trống rỗng, cuối cùng họ trở thành những con người thừa, như Onegin trong Evgeni Onegin của Puskin. Đối với những con người có địa vị thấp kém trong xã hội, đồng tiền khiến họ trở thành con người bé mọn, như những nông nô hái quả trong Evgeni Onegin hay mụ Nanon hộ pháp trong Eugenie Grandet. Sống trong những điều kiện chật hẹp, thiếu thốn với những chuyện lo âu thiển cận, tầm thường khiến họ ngày càng hèn kém đi, còm cõi và cùn gỉ đi. Trong số những loại nhân vật kể trên, nhân vật dục vọng chiếm vị trí trung tâm. Đây là nhân vật trung tâm của chủ nghĩa hiện thực ở thời điểm cực thịnh. Ở
giai đoạn mới phát triển, nhân vật ấy còn ít nhiều chịu ảnh hưởng của nhân vật lãng mạn như trường hợp của Julien Sorel trong Đỏ và đen (Stendhal). Ngược lại, ở giai đoạn cuối, các nhân vật thường là những con người “buồn nản”, “tha hóa”, “sống khắc khoải” như Emma trong Bà Bovary của Flaubert. Tất nhiên, trong sáng tác hiện thực chủ nghĩa, không phải không có những nhân vật tích cực với tâm hồn và phẩm chất cao đẹp, như Eugenie trong Eugenie Grandet (Balzac) hay nhân vật Kutuzov, Pierre, Andrey, Natasa,… trong Chiến tranh và hòa bình (L. Tolstoi), …
Trước hiện thực cuộc sống đen tối cùng những con người tiêu cực với các mức độ khác nhau ấy, các nhà văn không thể không cất lên tiếng nói phê phán. Sự thật chua chát, sự thật hèn mọn là những chủ đề nổi bật của nhiều tác phẩm. Những tựa đề như Những linh hồn chết, Vỡ mộng, Ảo tưởng tan tành,… cũng phần nào nói lên cảm hứng phê phán mạnh mẽ của văn học hiện thực. Điều này đã khiến M.
Gorki đề nghị gọi chủ nghĩa hiện thực là chủ nghĩa hiện thực phê phán. Tất nhiên, có thể tìm thấy trong các tác phẩm hiện thực cảm hứng cảm thương đối với những số phận bé mọn, cho những con người thừa hay một số trường hợp con người vỡ mộng,… hoặc cảm hứng ngợi ca đối với những con người biết bảo toàn nhân phẩm trước cám dỗ và áp bức, hay những nhân vật anh hùng, những con người chính diện, song, cảm hứng chủ đạo vẫn là phê phán, phủ định. Điều này cũng đồng nghĩa với việc văn học hiện thực luôn thể hiện rõ tính giai cấp, tính nhân dân và giá trị nhân đạo sâu sắc vì thể hiện được mâu thuẫn giữa các giai cấp, tố cáo những thế lực đen tối và bênh vực cho những con người cùng khổ.
Với cảm hứng này, văn học hiện thực chủ nghĩa tỏ ra là một nền văn học có tính khuynh hướng rõ rệt. Tác phẩm hiện thực, theo Marx và Engels, là phải làm cho người ta hoài nghi về trật tự xã hội hiện có, làm lung lay tinh thần lạc quan của giai cấp tư sản về sự trường tồn của giai cấp của mình. Engels từng cho rằng tác phẩm của Balzac là “một bài thơ ai oán không dứt về cảnh tan rã không thể tránh khỏi của xã hội thượng lưu”, “nhìn thấy sự sụp đổ tất yếu của những người quý tộc”. Tất nhiên, theo Marx và Engels, xu hướng đó phải “toát ra từ tình thế và hành động, chứ không cần phải nói toạc ra, và nhà văn không cần bắt buộc phải cung cấp
cho độc giả cái giải pháp lịch sử của các cuộc xung đột mà mình miêu tả” [109, tr.
137].
Vì không đặt yêu cầu nêu ra giải pháp lịch sử cho xung đột xã hội nên một số tác phẩm có xuất hiện “một vài khía cạnh cách mạng”, còn đa số không chỉ ra con đường đi cho nhân vật của mình. Ở cuối tác phẩm, nhân vật thường rơi vào cảnh bế tắc, hoặc tha hóa, biến chất. Kết thúc đó càng làm nhức nhối thêm tình trạng tha hóa của xã hội và con người, đồng thời thể hiện tiếng nói tố cáo mạnh mẽ của nhà văn hiện thực chủ nghĩa.