Tiếp thu và truyền bá lý luận văn nghệ Marxist

Một phần của tài liệu toàn văn LUẬN án TIẾN sĩ NGỮ văn vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong khoa nghiên cứu văn học ở việt nam từ 1975 đến nay (Trang 53 - 58)

Chương 2. Tiếp thu và vận dụng lý luận về chủ nghĩa hiện thực

2.1. Tiếp thu lý luận về chủ nghĩa hiện thực từ các nghiên cứu nước ngoài

2.1.1. Tiếp thu và truyền bá lý luận văn nghệ Marxist

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx – Lenin luôn coi văn nghệ là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, có nguồn gốc trong đời sống xã hội, gắn liền với quá trình lao động và đấu tranh của con người. Phân tích mối quan hệ giữa văn nghệ và đời sống xã hội, Marx, Engels cho rằng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa thù địch với sự phát triển của nghệ thuật bởi nó biến tác phẩm thành hàng hóa, biến lao động nghệ thuật thành lao động làm thuê, đẩy quần chúng lao động vào tình trạng nghèo khổ, thiếu học và bọn nhà giàu lại có đời sống tinh thần trống rỗng, sa đọa. Do vậy, sứ mệnh của văn nghệ là gắn liền với cuộc đấu tranh xã hội. Cũng như Marx và Engels, Lenin cho rằng văn nghệ là một hình thái ý thức phản ánh thực trạng và những quan hệ xã hội nhất định. Chống lại nhận thức luận duy tâm, phản ánh luận của Lenin khẳng định văn nghệ là tấm gương phản chiếu thiên nhiên và xã hội, hiện thực đời sống là nguồn gốc của mọi giá trị nghệ thuật, nhưng đó không phải là tấm gương thụ động mà bằng hình tượng, nghệ thuật tác động trở lại xã hội, nâng cao

nhận thức, tư tưởng, tình cảm của con người. Nghệ sĩ phải có ý thức về trách nhiệm xã hội của mình, về chỗ đứng, mục tiêu và phương hướng trong sáng tạo. Phản ánh luận là cơ sở triết học và mỹ học để giải quyết mối quan hệ giữa văn học với hiện thực, chỉ ra cội nguồn, nội dung và hình thức của ý thức nói chung, văn nghệ nói riêng, chỉ ra con đường nhận thức và các quá trình biện chứng diễn ra trong đó.

Về mối quan hệ giữa thế giới quan và sáng tác, Marx – Engels đã dùng học thuyết về đấu tranh giai cấp như chìa khóa để vận dụng vào mọi hiện tượng văn học, xem nhà văn là người phát ngôn cho giai cấp của mình. Về sau, Lenin đã phát triển tính giai cấp và tính khuynh hướng được Marx – Engels đề xuất trước đây thành vấn đề tính đảng trong văn học.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx còn rất quan tâm đến phương pháp sáng tác. Xuất phát từ chức năng nhận thức và vai trò cải tạo xã hội của văn nghệ, Marx và Engels, trong nhiều trường hợp, đã phê phán chủ nghĩa lãng mạn ở thái độ quay lưng lại với thực tại đen tối hoặc tô điểm cho bộ mặt xấu xa của xã hội tư sản.

Họ đặc biệt đánh giá cao những tác phẩm vạch trần thực trạng xã hội tồi tệ và khơi dậy ý thức đề kháng mạnh mẽ với chế độ tư bản. Qua các tác phẩm như Gia đình thần thánh, những bức thư gởi Mina Causki, Harkness và qua việc phê phán một số tác phẩm của các nhà văn Lassalle, Eugène Sue, nhiều luận điểm quan trọng về chủ nghĩa hiện thực đã được đề xuất, như yêu cầu về việc phản ánh những vấn đề bản chất của đời sống xã hội trong một thời kì lịch sử, mối quan hệ giữa hoàn cảnh điển hình và tính cách điển hình. Đánh giá cao những mặt tích cực của chủ nghĩa hiện thực, Marx – Engels cũng chỉ ra những hạn chế của phương pháp này ở chỗ thiếu thuần nhất về thế giới quan, ở sự bất lực và cảm hứng bi quan về thực tại xã hội, ở sự hạn chế trong khả năng phát hiện và bồi đắp những nhân tố cách mạng,… Không lâu sau, trong thời kì hoạt động của Lenin, đã hình thành đội ngũ đông đảo các văn nghệ sĩ vô sản sáng tác theo phương pháp nghệ thuật mới, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng của Lenin còn đặt nền móng cho đường lối, chính sách văn nghệ của đảng Cộng sản, về mối quan hệ giữa văn học và chính trị, vai trò lãnh đạo

của Đảng với văn nghệ, quần chúng và văn nghệ, tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc, chức năng của văn nghệ và các phương pháp sáng tác, …

Quan điểm của Marx, Engels và Lenin đã kết tinh thành tư tưởng văn nghệ Marxist. Tư tưởng này đã được quán triệt một cách sâu rộng vào sinh hoạt văn nghệ Việt Nam. Phản ánh luận là cơ sở cho đường lối văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam, trở thành kim chỉ nam cho hoạt động sáng tạo, nghiên cứu và là một trong những tiền đề đem lại những thành tựu cho nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.

Thâm nhập vào Việt Nam khoảng những năm 20, tư tưởng Marxist đã được giới thiệu công khai trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Tư tưởng này cùng với phong trào cách mạng đã tạo điều kiện cho văn học hiện thực phê phán phát triển rực rỡ trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, giúp nó nhận ra những mâu thuẫn đối kháng, những vấn đề bản chất của xã hội, do đó, theo Phan Cự Đệ, “ở chặng cuối, không rơi vào chủ nghĩa tự nhiên mà một bộ phận đã có sự giao lưu với văn học cách mạng để chuyển hóa thành hiện thực xã hội chủ nghĩa” [52, tr. 66]. Vì những lẽ trên, việc biên dịch và giới thiệu các quan điểm, ý kiến của Marx, Engels, Lenin về văn học được các nhà nghiên cứu rất quan tâm.

Người có công đưa chủ nghĩa Marx vào đời sống văn nghệ Việt Nam là Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn). Với các công trình Duy tâm hay duy vật (1935), Văn sĩ và xã hội (1937), Chủ nghĩa Marxist phổ thông (1938), các bài viết trao đổi với Phan Khôi, Phan Bội Châu và đặc biệt là các bài bút chiến với Thiếu Sơn, Hoài Thanh từ 1935 đến 1939, Hải Triều đã thể hiện sự thấm nhuần quan điểm Marxist về văn học nghệ thuật và vận dụng vào môi trường văn học Việt Nam. Bên cạnh Hải Triều còn có sự giúp sức của các thành viên trong nhóm Tứ Hải (1936-1939) của ông như Hải Khách (Trần Huy Liệu), Hải Trần (Nguyễn Văn Khai), Hải Vân (Trần Kim Bảng), và sự ủng hộ của một số trí thức cùng chí hướng như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, …

Là một thành viên của nhóm Tứ Hải, Hải Vân có nhiều bài viết tham gia cuộc tranh luận 1935-1939, dựa trên quan điểm Marx - Lenin về văn học nghệ thuật. Khi đi vào hoạt động ở miền Nam, ông lấy tên là Thiên Giang và đã lập nên

nhóm Chân trời mới (1947 - 1949). Thành viên của nhóm bao gồm bộ ba Tam Ích (Lê Nguyên Tiệp), Thê Húc (Phạm Văn Hạnh), Thiên Giang (Trần Kim Bảng), ngoài ra còn có sự giúp đỡ và cộng tác của bạn hữu văn sĩ như Thiếu Sơn, Hợp Phố, Bách Việt…, vốn là những trí thức có lập trường yêu nước tiến bộ. Dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng nhóm Chân trời mới đã tạo nên sự ảnh hưởng trên văn đàn. Những sáng tác, biên khảo, phê bình và dịch thuật của nhóm nhìn chung là ủng hộ văn học tả thực, văn học tranh đấu, chống giặc ngoại xâm. Những công trình viết chung như Văn chương xã hội (1948), Thi văn hiện đại (1949) đều đã tập hợp những trang viết mang tính tranh đấu và bàn luận về các vấn đề bức thiết trong xã hội. Đặc biệt, công trình Nghệ thuật và nhân sinh (1948) của nhóm đã chạm đến khá nhiều khía cạnh của văn học như vấn đề tự do sáng tác, nghệ thuật Việt Nam đi về đâu, quá trình văn nghệ Việt Nam, chung quanh khuynh hướng mới… Nói chung, vai trò của nhóm Chân trời mới là góp một tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận tư tưởng ở miền Nam, đồng thời mở lối cho lý luận văn nghệ Marxist thâm nhập vào môi trường nghiên cứu văn học mới.

Sau giai đoạn mở đường cho chủ nghĩa Marx thâm nhập vào đời sống sinh hoạt tư tưởng của Việt Nam là giai đoạn nhân rộng ảnh hưởng của lý luận văn nghệ Marxist. Nhà xuất bản Sự thật đã cho dịch và xuất bản cuốn Về văn học và nghệ thuật của Marx, Engels năm 1958 và Bàn về văn học và nghệ thuật của Lenin năm 1960. Từ sau 1960, tư tưởng văn nghệ Marxist đã trở thành tư tưởng chủ đạo. Giai đoạn này, nhà xuất bản Sự thật đã cho dịch công trình Nguyên lí mĩ học Marx – Lenin của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, gồm 4 tập, xuất bản từ 1961 - 1963, và dịch cuốn Marx, Engels, Lenin và văn học nghệ thuật của J. Fresville, một nhà nghiên cứu Pháp, ra mắt năm 1962. Bên cạnh đó, còn có công trình nghiên cứu của các nhà chính trị vận dụng tư tưởng văn nghệ Marx – Lenin vào điều kiện văn hóa, văn nghệ của đất nước ta như Bàn về văn hóa và văn nghệ của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp (Văn hóa nghệ thuật, 1963), Phấn đấu cho một nền văn nghệ phong phú dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu

nước và chủ nghĩa xã hội (1962) của Trường Chinh, Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ (Văn học, 1969) của Phạm Văn Đồng,…

Sau 1975, tiếp nối tinh thần ấy, với sự cộng tác của Hà Minh Đức và Lê Đình Kỵ, nhà xuất bản Sự thật đã cho ra mắt cuốn Về văn học và nghệ thuật (1977). Công trình này là một tập hợp các ý kiến của của Marx, Engels và Lenin về văn học nghệ thuật như vấn đề văn nghệ và đời sống xã hội, thế giới quan và sáng tác, đấu tranh xây dựng một nền văn hóa văn nghệ mới và những hồi kí về Marx, Engels và Lenin.

Tuy nhiên, những công trình trích tuyển như trên chưa đáp ứng được yêu cầu nên năm 1982, nhà xuất bản Sự thật tiếp tục giới thiệu những công trình nghiên cứu công phu, có hệ thống và mang tính lý luận cao, như cuốn C. Marx, F. Engels, V.I.

Lenin và một số vấn đề lý luận văn nghệ của Hà Minh Đức. Trong cuốn sách này, những vấn đề lý luận văn nghệ Marxist đã được thể hiện thông qua sự lĩnh hội của một nhà nghiên cứu có quá trình tích lũy lâu dài. Năm 1984, cuốn Mấy vấn đề lý luận văn học (Trường Cao đẳng Sư phạm, tp. Hồ Chí Minh) cũng dành riêng phần chuyên đề Marx, Engels, Lenin và văn học nghệ thuật do Lê Đình Kỵ trình bày, tóm lược về các luận điểm của các nhà Marxist về văn học nghệ thuật.

Nhìn chung, nội dung chính của các công trình trên đều tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản của lý luận văn nghệ Marxist. Về mối quan hệ giữa văn nghệ và đời sống xã hội, đó là quan điểm khẳng định văn nghệ có nguồn gốc từ đời sống, nhưng văn nghệ không phải là tấm gương thụ động mà có tác động tích cực lại cuộc sống và trách nhiệm của nhà văn là phản ánh chân lí của đời sống nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của con người và hướng họ vào những hành động cao đẹp. Về mối quan hệ giữa thế giới quan và sáng tác, các công trình đã thể hiện tư tưởng chủ đạo là quán triệt thế giới quan và phương pháp luận Marxist vào những vấn đề cơ bản của sáng tác như những vấn đề tính giai cấp, tính đảng, … Về việc xây dựng một nền văn hóa văn nghệ mới, các công trình đã thể hiện mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, vai trò lãnh đạo của đảng trong việc hướng đến một nền văn nghệ tiên tiến của tương lai, trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, …

Bên cạnh các công trình dài hơi, qua các tiểu luận, các nhà nghiên cứu còn thể hiện sự tiếp nhận cũng như vận dụng lý luận văn nghệ Marxist theo những mức độ nhất định vào thực tiễn nghiên cứu văn học, như Phương Lựu với Một vài suy nghĩ về lý luận văn học Marx – Lenin và thực tiễn văn học Việt Nam (Văn học, 6/1973), Engels với dự cảm về chủ nghĩa hiện thực trong tương lai (Nghiên cứu nghệ thuật, 2/1979) và Văn học với hiện thực dưới ánh sáng phản ánh luận Marx – Lenin (in trong Lý luận phê bình văn học, Đà Nẵng, 2004), Hà Minh Đức với Cơ sở lý luận và cách đánh giá của Marx, Engels về một số tác phẩm văn học phương Tây thế kỷ XIX của (Nghiên cứu văn học, 12/2004), … Qua những nghiên cứu đó, họ càng có thêm cơ sở để tin tưởng rằng lý luận văn nghệ Marxist chính là đường lối văn nghệ đúng đắn cho sáng tạo và nghiên cứu văn học.

Tóm lại, mặc dù là cơ sở tư tưởng của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng lý luận văn nghệ Marxist lại có mối liên hệ thiết thân đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam, bởi đây là tư tưởng lý luận quan tâm đến nguồn gốc, bản chất và quy luật phát triển của văn học gắn với hiện thực đời sống, từ đó, quy định nên chỗ đứng và thái độ của nhà văn và chức năng của văn học, …tạo nên một nền văn học xem trọng nội dung tính, hiện thực tính và giai cấp tính. Những đặc điểm này cũng chính là đặc điểm của văn học hiện thực chủ nghĩa. Hơn nữa, hoạt động của các nhà nghiên cứu nhằm quảng bá cho chủ nghĩa Marxist đã góp phần kích thích sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam thời kì trứng nước và làm điểm tựa cho nghiên cứu lý luận, phê bình và lịch sử văn học nói chung và nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực nói riêng từ đó về sau.

Bên cạnh việc tiếp thu tư tưởng văn nghệ đóng vai trò là kim chỉ nam cho nghiên cứu lý luận văn học, các nhà lý luận Việt Nam còn tiếp thu lý luận về chủ nghĩa hiện thực trong các công trình nghiên cứu nước ngoài.

Một phần của tài liệu toàn văn LUẬN án TIẾN sĩ NGỮ văn vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong khoa nghiên cứu văn học ở việt nam từ 1975 đến nay (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(214 trang)