Nghiên cứu lịch sử văn học

Một phần của tài liệu toàn văn LUẬN án TIẾN sĩ NGỮ văn vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong khoa nghiên cứu văn học ở việt nam từ 1975 đến nay (Trang 72 - 86)

Chương 2. Tiếp thu và vận dụng lý luận về chủ nghĩa hiện thực

2.2. Vận dụng tư tưởng văn nghệ Marxist và lý luận về chủ nghĩa hiện thực trong nghiên cứu văn học Việt Nam

2.2.2. Nghiên cứu lịch sử văn học

Trước 1975, đã có những nghiên cứu nhằm vận dụng quan điểm Marxist vào nghiên cứu lịch sử văn học như trường hợp của nhóm Lê Quý Đôn (Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Đỗ Đức Hiểu, Trương Chính, Lê Thước) với Lược thảo

lịch sử văn học Việt Nam (1957) hay Trương Tửu với Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (1958). Những công trình này đã cắt nghĩa sự ra đời của văn học từ những yêu cầu, hoàn cảnh xã hội và phân kì văn học theo những hình thái kinh tế - xã hội và đã góp phần đặt nền tảng cho nghiên cứu văn học Việt Nam theo xu hướng Marxist.

Sau 1975, với sự ra đời của lý luận văn học Việt Nam, nghiên cứu lịch sử văn học của Việt Nam đã có nền tảng lý luận tương đối vững chắc. Các giáo trình văn học sử của Việt Nam đã quán triệt sâu sắc quan điểm Marxist trong việc coi trọng nguồn gốc hiện thực của văn học, từ đó, đề cao tính chất hiện thực, giá trị hiện thực của tác phẩm và ý thức xã hội của nhà văn. Khi chấp bút viết các công trình lịch sử văn học, các nhà nghiên cứu luôn có ý thức tìm kiếm những yếu tố hiện thực hay bóng dáng của thời đại trong văn học. Tiếp thu tinh thần đề cao chủ nghĩa hiện thực hơn so với phương pháp sáng tác khác của các giáo trình lý luận văn học, các giáo trình lịch sử văn học cũng coi trọng chủ nghĩa hiện thực hơn các trào lưu văn học khác. Lịch sử văn học thường được xem xét như một quá trình chuẩn bị để tiến đến hình thành chủ nghĩa hiện thực trong văn học.

Giáo trình Lịch sử văn học phương Tây của Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân, Lương Duy Trung, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Văn Chính, Phùng Văn Tửu (Giáo dục, 2005, tái bản lần thứ tám), là kết quả của việc thống nhất và chỉnh sửa từ 3 tập trước đây: tập 1 (1990), tập hai (1986) và tập ba (1992).

Sách đã cung cấp một kiến thức tổng quát về lịch sử văn học các nước phương Tây từ văn học cổ Hi Lạp cho đến văn học thế kỉ XIX, trong đó, mỗi giai đoạn đều có bàn đến những yếu tố và giá trị hiện thực. Khảo sát phần văn học cổ - trung đại, Nguyễn Thị Hoàng đã nêu lên sức hấp dẫn trong bút pháp miêu tả của Homère nhờ sự kết hợp giữa cái hư và cái thực, đồng thời nêu bật giá trị hiện thực của hai bộ sử thi Illiat và Odysse, bộ ba vở kịch Orexti của Esin, Eudip làm vua của Sophocle và một số vở kịch của Euripide. Về văn học Phục hưng, Lương Duy Trung cho rằng:

“bút pháp hiện thực đã thắng thế” ở truyện Mười ngày trong văn học Phục hưng Ý, khẳng định tiểu thuyết Don Quyhote đã “đặt nền móng vững chắc cho tiểu thuyết hiện thực” trong văn học Phục hưng Tây Ban Nha và ca ngợi quan điểm sáng tác

tiến bộ của Shakespeare, đồng thời thừa nhận việc xây dựng được hoàn cảnh điển hình và tính cách điển hình chính là cống hiến của Shakespeare cho văn học Phục hưng Anh. Về văn học cổ điển, Nguyễn Văn Chính cũng lấy tiêu chí phản ánh cuộc sống để làm thước đo. Ông đánh giá cao việc các nhà văn đã phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống nội tâm của con người đương thời, nhưng lại cho chê văn học thời kì này “thiếu cảm hứng lịch sử” nên “không phản ánh được đầy đủ hiện thực. Điểm yếu này hạn chế giá trị hiện thực của văn học cổ điển” [49, tr. 256]. Khảo sát Văn học thế kỷ XVIII, Phùng Văn Tửu cho thấy “trí tưởng tượng vận động theo chiều hướng thực tế” của Defoe, tìm thấy “bóng dáng thời đại” trong kịch Faust của Goethe,…Nguyễn Đức Nam nhận thấy “sự hình thành và sự thắng thế dần dần của chủ nghĩa hiện thực” trong Don Juan của Byron, Đặng Anh Đào cho rằng những nhân vật trong Những người khốn khổ mặc dù “không thể gọi là điển hình, song vẫn có một ý nghĩa xã hội, chúng là những “mẫu gốc” của tiểu thuyết hiện đại” [49, tr.

499]. Đến văn học hiện thực thế kỉ XIX, ngoài việc phác thảo diện mạo một số nền văn học tiêu biểu như Pháp, Anh, Đức, Mĩ và giới thiệu các gương mặt tiêu biểu của văn học hiện thực, các tác giả còn đi sâu phân tích những nhà văn nổi tiếng như Stendhal và Balzac của Pháp, Dickens và Thackeray của Anh. Họ đã đánh giá cao ngòi bút trữ tình mà vẫn khách quan của Stendhal trong Đỏ và đen, việc tái hiện lịch sử và bối cảnh xã hội rộng lớn, xây dựng điển hình và hoàn thiện thể loại tiểu thuyết của Balzac qua Tấn trò đời, là việc hướng đến những kiếp người nhỏ bé, xây dựng được những nhân vật phức tạp hơn về mặt tâm lí của Charles Dickens qua David Copperfield, chất homour và châm biếm của Thackeray trong Hội chợ phù hoa

Nhìn chung, văn học hiện thực thế kỉ XIX đã được đánh giá cao ở giá trị nhận thức, ở tính khách quan trong sự quan sát và phản ánh thế giới xung quanh, ở nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình và phát triển thể loại tiểu thuyết. Những thành tích đó đã khiến chủ nghĩa hiện thực có một vai trò to lớn trong việc đưa văn học phương Tây nói riêng và văn học thế giới nói chung lên một tầm cao mới.

Tương tự như vậy, các tác giả cuốn Lịch sử văn học Nga tập 1 (Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1982) cho rằng văn học Nga từ thế kỷ X đến thế kỷ

XVII, ngày càng bộc lộ rõ xu hướng thế tục hóa, thể hiện nếp sống sinh hoạt và những biến động xã hội Nga. Đặc biệt, vào thời kì cuối cùng của giai đoạn này,

“những yếu tố hiện thực chủ nghĩa nảy nở.” Đối với văn học thế kỷ XVIII, văn học cổ điển chủ nghĩa được cho là “gắn bó với sự vận động của thực tại Nga đương thời nên đã phát triển những yếu tố phê phán” [28, tr. 89], thể hiện qua sáng tác của nhà văn Catemina và nhà thơ Lomonosov. Chủ nghĩa tình cảm có “phạm vi phản ánh đời sống mở rộng” với cuộc sống của những con người bình thường và sự có mặt của thiên nhiên sinh động, nhưng còn xa rời đời sống xã hội rộng lớn, những vấn đề liên quan đến nhân dân, đất nước. Trong khi đó, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga thế kỉ XIX, được đánh giá rất cao. Trong công trình Lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX của Nguyễn Hải Hà, Đỗ Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Ảnh, Từ Đức Tịnh, Nguyễn Văn Giai (Giáo dục, 1978), Nguyễn Hải Hà đã ca ngợi văn học hiện thực Nga thế kỷ XIX là “một trong những nền văn học phong phú và tiên tiến của nhân loại, là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của lịch sử phát triển nghệ thuật thế giới”

[76, tr. 03]. Ra đời và trưởng thành trong cuộc đấu tranh lâu dài gay gắt của nhân dân Nga chống lại chế độ nông nô chuyên chế tàn bạo và phản động, được phong trào đấu tranh giải phóng của nhân dân nuôi dưỡng, văn học Nga đã phát triển hết sức nhanh chóng và đạt tới những thành tựu lớn – đặc biệt vào nửa sau thế kỷ XIX – khiến cho “nhiều nhà nghiên cứu phương Tây phải gọi nó là “một phép lạ” [76, tr.

03]. Về nội dung, Nguyễn Hải Hà cho rằng văn học hiện thực Nga “rất giàu những tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa, tinh thần nhân đạo cao cả và lòng yêu nước nhiệt thành” [76, tr. 04]. Về nghệ thuật, tác giả cũng cho rằng văn học hiện thực Nga cũng “đạt tới những đỉnh cao rực rỡ. Nhiều tác phẩm ưu tú của nó đã trở thành những mẫu mực của nghệ thuật hiện thực” [76, tr. 04]. Về các tác phẩm cụ thể, tiểu thuyết bằng thơ Evgeni Onegin của Puskin được cho là “Thắng lợi đầu tiên đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực”, Người anh hùng của thời đại ta của Lermontov “đã cắm một cái mốc mới trên bước đường thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực phê phán”, “Công lao khẳng định sự thắng lợi dứt khoát chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học Nga” thuộc về Gogol, Dostoievsky “đã hiến cho văn học

Nga hàng loạt tác phẩm xuất sắc”, Chekhov là “đại diện vĩ đại cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga”, … Đề cao chủ nghĩa hiện thực cũng là tinh thần chung của nhiều giáo trình lịch sử văn học Nga khác.

Với văn học Trung Quốc, sự ra đời của văn học hiện thực được cắm mốc rất sớm trong lịch sử văn học. Trong cuốn Văn học các nước châu Á – Văn học Trung Quốc (tập 2) của Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ (Giáo dục, 1988), Nguyễn Khắc Phi cho rằng hiện thực, nhân đạo và yêu nước là ba truyền thống ưu tú của nền văn học Trung Quốc cổ đại. Ông cho rằng với Kinh thi, “nền văn học hiện thực của Trung Quốc đã đặt được nền móng khá vững”. Ông tán thành với cuốn Từ điển thuật ngữ nghiên cứu văn học do Timofeev Turaiev chủ biên (Giáo dục M. 1974) khi trong mục từ “Chủ nghĩa hiện thực”, có nhắc đến sự đóng góp của các nhà thơ hiện thực giữa đời Đường ở Trung Quốc. Theo Nguyễn Khắc Phi, trên con đường phát triển, nền văn học hiện thực Trung Quốc dần tích lũy kinh nghiệm, và đến tác phẩm Hồng lâu mộng, Chuyện làng nho thì đã có nhiều yếu tố tương đồng với các tác phẩm văn học hiện thực châu Âu thế kỷ XVIII, XIX. Nếu như Andre Lévy đã gọi thẳng Chuyện làng nho của Ngô Kính Tử là một tác phẩm hiện thực phê phán thì Nguyễn Khắc Phi cho đây là “cuốn tiểu thuyết đầu tiên phản ánh một cách trực tiếp tình hình xã hội đương thời”. Tương tự như vậy, cũng trong cuốn này, Lương Duy Thứ cho rằng Hồng lâu mộng “là bộ tiểu thuyết hiện thực vĩ đại xuất hiện vào thời Kiền Long” [162, tr. 84], được tạo nên từ “tài năng bậc thầy của một ngòi bút tả thực theo một quan niệm nghiêm ngặt” [162, tr. 105] của Tào Tuyết Cần. Thực ra, những nhận xét này của Lương Duy Thứ cũng dựa trên những đánh giá về Hồng lâu mộng trong cuốn Lịch sử văn học Trung Quốc, tập 3, Văn học Nguyên – Minh – Thanh của Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, do nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 1995 mà ông cùng Lê Huy Tiêu và một số dịch giả khác đã dịch từ cuốn Trung Quốc văn học sử, do nhà xuất bản Văn học Nhân dân Bắc Kinh ấn hành năm 1988. Nói như thế để thấy rằng quan niệm chủ nghĩa hiện thực đã xuất hiện trong văn học quá khứ của Trung Quốc là quan niệm của chính những nhà nghiên cứu Trung Quốc, còn các nhà nghiên cứu Việt Nam khi trình bày

cũng dựa trên kết quả nghiên cứu đó. Đối với văn học hiện thực Trung Quốc thế kỉ XX, các nhà nghiên cứu đặc biệt đánh giá cao Lỗ Tấn. Lương Duy Thứ, trong Lỗ Tấn, Tác phẩm và tư liệu, cho hiện tượng điển hình trong truyện của Lỗ Tấn “đặc biệt đa dạng, sinh động, gieo rắc ấn tượng sâu sắc”, sự thống nhất cao độ của tính khái quát cao, có ý nghĩa phổ biến rộng rãi với sống động, cụ thể, cá biệt đã tạo nên

“những nhân vật điển hình bất hủ”.

Việc tiếp thu và vận dụng quan điểm Marxist và lý luận về chủ nghĩa hiện thực càng được thể hiện đậm nét trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam.

Có thể thấy, nếu như trong văn học dân gian và văn học trung đại từ nửa đầu thế kỷ XVIII trở về trước, tính hiện thực thường được thể hiện một cách gián tiếp, hòa quyện với tinh thần yêu nước và tính nhân dân, thỉnh thoảng được thể hiện khá sắc nét như trường hợp thơ văn Nguyễn Trãi hay thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì đến nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, vấn đề khái quát hóa cuộc sống đã được đặt ra như một nguyên tắc thẩm mĩ. Nguyễn Lộc cho rằng: “Văn học phải nhận thức cuộc sống và phản ánh cuộc sống. Đó là cái chuyển biến cơ bản về phương diện khái quát hóa nghệ thuật trong giai đoạn văn học này” [126, tr. 84]

mặc dù, do những hạn chế về tư tưởng và quan niệm thẩm mĩ nên “khả năng nhận thức trong văn học giai đoạn này còn bị hạn chế, và hình thức phản ánh của nó cũng chưa phải đã phong phú, đa dạng” [126, tr. 88]. Dựa trên quan điểm đó, Nguyễn Lộc đã đánh giá các tác giả, tác phẩm cụ thể. Theo ông, tuy còn hạn chế chủ quan nhưng Nguyễn Gia Thiều không lẩn tránh và che đậy hiện thực, nên Cung oán ngâm khúc mang giá trị nhận thức. Tác phẩm của Xuân Hươngchưa phản ánh được những mâu thuẫn lớn của thời đại, chưa có cái tầm nhìn xa để thấy hết những đau khổ và khát vọng của con người” [126, tr. 295]. Ngược lại, thơ chữ Hán của Nguyễn Du và Cao Bá Quát “đã dùng một bút pháp hiện thực sắc sảo, ghi lại được nhiều chi tiết sinh động, có tính chất cá thể hóa rõ nét” [126, tr. 251]. Thể kí văn xuôi chữ Hán đem đến cho văn học nhiều chi tiết hiện thực nhất, trong đó, Hoàng Lê nhất thống chí “đã phản ánh khá chân thực một hiện thực có quy mô rộng lớn về không gian và thời gian với rất nhiều chi tiết sinh động” [126, tr. 91], bước đầu xây

dựng được những nhân vật có tính cách “gần với những tính cách điển hình của văn học hiện thực chủ nghĩa” [126, tr. 92], như Nguyễn Huệ hay Nguyễn Hữu Chỉnh.

Đặc biệt, tư tưởng khách quan, “biện chứng tâm hồn”, lối điển hình hóa các nhân vật phản diện của Truyện Kiều cho phép nói đến sự “chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực” [126, tr. 386].

Tiếp tục bàn về Văn học yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX, Nguyễn Lộc, trong Văn học Việt Nam (Nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX), cho rằng ở một chừng mực nhất định, cũng có thể coi văn học thời kì này “là tấm gương phản chiếu mặt này hay mặt khác cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống Pháp” [126, tr. 621].

Điều đó được chứng minh qua thơ Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích, nhất là Nguyễn Đình Chiểu, người được cho là sáng tác bằng “ngòi bút hiện thực có khuynh hướng”. Cùng quan điểm đó, trong Lịch sử văn học Việt Nam, tập IVa, thời kì II, Giai đoạn 1: 1858 - đầu thế kỷ XX (Giáo dục, 1978), Lê Trí Viễn nhận xét:

“Chưa phải đã có một chủ nghĩa hiện thực xuất hiện. Hoàn cảnh lịch sử chưa cho phép. Nhưng một điều hiển nhiên là nhân tố hiện thực đã phát triển mạnh mẽ, hơn hẳn các giai đoạn trước” [229, tr. 33].

Về Văn học hiện thực trào phúng cuối thế kỷ XIX, trong Lịch sử văn học Việt Nam (tập IVa), Lê Hoài Nam ghi nhận tác dụng hỗ trợ rất tốt cho văn thơ yêu nước chống Pháp cũng như tác dụng nhận thức đối với các thời đại sau. Viết về Trần Tế Xương, nhà thơ tiêu biểu cho dòng văn học này, Nguyễn Đình Chú cho rằng nói nhà thơ dùng phương pháp hiện thực chủ nghĩa là “nói quá” vì “Tú Xương đâu đã biết gì về phương pháp đó” nhưng thơ văn Tú Xương “có một giá trị hiện thực rất cao”, do vậy, “tìm hiểu lịch sử xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, không đọc thơ Tú Xương là một thiệt thòi lớn” [229, tr. 132]. Trong Văn học Việt Nam (Nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX), Nguyễn Lộc gọi đây là Khuynh hướng văn học tố cáo hiện thực và cho rằng: “Chính ở khuynh hướng văn học này, chúng ta có thể nói đến sự ra đời của một chủ nghĩa hiện thực” [126, tr. 730]. Theo ông, thời gian này “đã xuất hiện những tiền đề cho sự ra đời của một chủ nghĩa hiện thực” vì các nhà văn đã thoát li quan điểm Nho giáo, sáng tác hoàn toàn bằng ngôn

ngữ dân tộc, lấy đề tài trực tiếp trong cuộc sống trước mắt, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian, và thủ pháp biểu hiện của nó mang được rất nhiều chất liệu của cuộc sống. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hạn chế của chủ nghĩa hiện thực trong giai đoạn này là mới chỉ cung cấp những “chân dung phác thảo” chứ chưa phải là những “bức tranh xã hội rộng lớn”, logic nội tâm nhân vật và mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh còn mờ nhạt. Những hạn chế này là “không sao tránh khỏi” và sẽ được văn học giai đoạn 1930 – 1945 bổ sung.

Đối với văn học nửa đầu thế kỉ XX, khi bàn về Văn học cách mạng, Lê Trí Viễn, trong Lịch sử văn học Việt Nam, đầu thế kỷ XX – 1930 (tập IVb), đã nêu Tính chất hiện thực là một đặc điểm quan trọng chỉ đứng sau Nội dung dân tộc – tinh thần yêu nước, đứng trước Tính chất trữ tìnhTính đại chúng. Ông cũng đo mức độ của tính chất hiện thực trong các giai đoạn văn học khác nhau. Những năm đầu thế kỷ, phong trào đấu tranh sôi nổi, mục tiêu cách mạng rõ rệt, dứt khoát, “tính hiện thực của văn thơ cách mạng rất cao”, nhưng những năm 1922 – 1926, lập trường quan điểm của những người tiểu tư sản tham gia các phong trào phần nhiều là mơ hồ, không dứt khoát, nên tính chất hiện thực cũng giảm, thậm chí “sút kém”,

“cằn cỗi”. Lê Trí Viễn đã chứng minh điều này qua hai giai đoạn sáng tác của Phan Bội Châu, để thấy rằng: “có bám rễ thật sâu vào hoạt động thực tế, có đứng vững ở mũi nhọn của cách mạng thì văn học mới có tính chất hiện thực sâu sắc; càng đi xa hoạt động thực tế, xa mũi nhọn của văn học cách mạng thì văn học càng giảm tính chất hiện thực” [230, tr. 33].

Khảo sát Văn học hợp pháp, Lê Trí Viễn nhận thấy xu hướng đạo đức của dòng văn học này đã “hạn chế rất nhiều tính chất hiện thực của văn học”, vì nó giới hạn con mắt quan sát của tác giả, không cho tác giả trực tiếp và toàn tâm toàn ý nhìn vào hiện thực, phân tích và lí giải hiện thực. Riêng với Tản Đà, Nguyễn Đình Chú đã ghi nhận yếu tố hiện thực của thơ ông: “Hiện thực trong thơ văn Tản Đà là một phần rất nhỏ nhưng rất đáng quý” [230, tr. 129] vì ông muốn thoát li cuộc sống nhưng thực tế đã phải sống với hiện thực, nhìn thấy hiện thực và cũng đã có ghi được ít nhiều hiện thực.

Một phần của tài liệu toàn văn LUẬN án TIẾN sĩ NGỮ văn vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong khoa nghiên cứu văn học ở việt nam từ 1975 đến nay (Trang 72 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(214 trang)