Chương 2. Tiếp thu và vận dụng lý luận về chủ nghĩa hiện thực
2.2. Vận dụng tư tưởng văn nghệ Marxist và lý luận về chủ nghĩa hiện thực trong nghiên cứu văn học Việt Nam
2.2.1. Nghiên cứu lý luận văn học
Từ việc tiếp thu tư tưởng văn nghệ Marxist và lý luận về chủ nghĩa hiện thực trong các công trình nghiên cứu nước ngoài, mà chủ yếu là của Liên Xô cũ, các nhà lý luận Việt Nam đã biên soạn những bộ giáo trình lý luận văn học Việt Nam phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu.
Trước 1945, Văn học khái luận (1944) của Đặng Thai Mai được nhiều người đánh giá là công trình nghiên cứu có tính chất lý luận đầu tiên của Việt Nam. Tác giả đã thể hiện một sự chiếm lĩnh tư tưởng văn nghệ Marxist về văn học nghệ thuật như bản chất và vai trò của văn học, chỗ đứng và thái độ của nhà văn, về nội dung và hình thức của tác phẩm, về hiện thực và tưởng tượng, về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, về tính dân tộc với tính nhân loại và tính quốc tế,… Tất nhiên, công trình này cũng không tránh khỏi chỗ yếu của lý luận văn học một thời, với những điểm chưa thấu đáo nhưng theo Trần Sử, “so với lý luận của Hải Triều, bước đầu vận dụng duy vật sử quan vào các vấn đề văn học, thì cuốn Văn học khái luận này là một bước tiến rõ rệt. Tác giả đã có cả một hệ thống vấn đề, vận dụng một khối lượng tri thức khá uyên bác và trình bày chặt chẽ” [189, tr. 343].
Kế thừa thành quả đó, cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, nền lý luận văn học Việt Nam có thể xem được chính thức ra đời với sự xuất hiện của những giáo trình lý luận đầu tiên. Những vấn đề lý luận văn học nói chung và chủ nghĩa hiện thực nói riêng đã được nghiên cứu và trình bày trong Sơ thảo nguyên lý văn học (1958) và Mấy vấn đề nguyên lý văn học (1960) của Nguyễn Lương Ngọc, Những
nguyên lý về lý luận văn học (Giáo Dục, 1962), trong đó, tập IV là Các phương pháp nghệ thuật (do Lê Đình Kỵ biên soạn), Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật (Sự thật, 1962) của Hồng Chương, …. Mặc dù còn những hạn chế nhất định do ra đời trong những điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhưng các công trình này đã truyền đạt những kiến thức cơ bản về lý luận văn nghệ nói chung và chủ nghĩa hiện thực nói riêng trên nền tảng tiếp thu lý luận văn nghệ Marxist, kết hợp với sự phân tích cá nhân của người nghiên cứu và triển khai trong nền văn học dân tộc của Việt Nam.
Sau 1975, để phục vụ yêu cầu mới của đất nước, nhiều bộ giáo trình lý luận văn học mới được ra đời. Chủ nghĩa hiện thực đã được trình bày trong tập IV, bộ Cơ sở lý luận văn học, do tập thể các nhà giáo thuộc tổ bộ môn giảng dạy lý luận văn học các trường Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội biên soạn (được biên soạn từ năm 1965 – 1970 nhưng những năm đầu sau giải phóng tiếp tục được sử dụng để giảng dạy trong đại học), phần chủ nghĩa hiện thực do Lê Đình Kỵ biên soạn; tập III bộ Cơ sở lý luận văn học, được Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt từ năm 1980 – 1985, phần chủ nghĩa hiện thực do Lê Đình Kỵ đảm trách; tập III bộ Lý luận văn học do Đại học Sư phạm (Hà Nội I, Hà Nội II, Thành phố Hồ Chí Minh) biên soạn, xuất bản từ 1986 -1988, phần chủ nghĩa hiện thực do Phương Lựu phụ trách; trong cuốn Phương pháp sáng tác của Lê Đình Kỵ (Thành phố Hồ Chí Minh, 1986); trong cuốn Lý luận văn học do Hà Minh Đức chủ biên, phần nội dung về chủ nghĩa hiện thực do Đỗ Văn Khang trình bày Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1993); trong tập III bộ Lý luận văn học, do Phương Lựu chủ biên, nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành trong khoảng thời gian 2001- 2006, phần chủ nghĩa hiện thực được Phương Lựu sử dụng lại kết quả nghiên cứu trước đó của ông. Như vậy, tính từ 1975 đến nay, vấn đề chủ nghĩa hiện thực đã được trình bày trong 6 bộ giáo trình lý luận văn học và được nghiên cứu chủ yếu bởi 3 nhà nghiên cứu Lê Đình Kỵ, Phương Lựu và Đỗ Văn Khang.
Bản thân Lê Đình Kỵ đã dịch các công trình lý luận Soviet và tiếp thu những công trình này trong việc biên soạn các giáo trình lý luận văn học trước 1975, do vậy, các giáo trình mà ông tham gia biên soạn sau 1975, tuy mỗi lần ra mắt đều mang một chất lượng mới nhưng việc kế thừa các công trình cũ, cũng như ảnh hưởng của các công trình lý luận của Liên Xô cũ là không thể phủ nhận. Phương Lựu cũng từng hợp tác với Lê Đình Kỵ khi biên soạn phần lý luận về các trào lưu và phương pháp sáng tác trong bộ Cơ sở lý luận văn học (1980 – 1985), nên về sau, khi tiếp tục biên soạn các bộ giáo trình lý luận văn học và độc lập đảm trách nội dung về chủ nghĩa hiện thực, ông cũng kế thừa ít nhiều nghiên cứu của Lê Đình Kỵ trước đây và cơ bản cũng tiếp thu các nghiên cứu lý luận Soviet.
Nhìn chung, cả ba nhà nghiên cứu tuy còn có những kiến giải khác nhau về một số vấn đề như lí giải khái niệm phương pháp sáng tác, về điển hình, về nhân vật trung tâm, về chi tiết, về thể loại, về mối quan hệ giữa chủ nghĩa hiện thực với các phương pháp sáng tác khác, … nhưng đều có điểm gặp gỡ ở việc tiếp thu các sách lý luận văn học của Liên Xô cũ, từ quan điểm và phương pháp tiếp cận đến nội dung của chủ nghĩa hiện thực.
Về quan điểm và phương pháp tiếp cận, các nhà nghiên cứu đều cho rằng chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX là kết tinh của quá trình chuẩn bị lâu dài trong lịch sử văn học và đưa tư duy nghệ thuật của nhân loại đạt đến một trình độ phát triển cao. Do đó, tiến lên chủ nghĩa hiện thực là con đường tất yếu của mọi nền nghệ thuật và mọi nhà văn chân chính. Nếu như Pospelov từng cho rằng: “quá trình lịch sử của văn học là quá trình tiếp cận với chủ nghĩa hiện thực và tiếp đó là quá trình hình thành và phát triển của nó [171, tr. 262] thì Lê Đình Kỵ cũng đã từng viết:
“Cho nên về một phương diện nào đó, có thể nói nghệ thuật chân chính hướng về đời sống, hướng về chủ nghĩa hiện thực” [109, tr. 134] và Phương Lựu cũng bảo:
“Xét con đường sáng tác của từng nhà văn cũng thấy rõ, con đường vươn lên tiểu thuyết cũng là quá trình tăng cường dần tính chất hiện thực chủ nghĩa trong sáng tác” [129, tr. 542]. Vì lẽ đó, họ thường so sánh chủ nghĩa hiện thực với các trào lưu, phương pháp sáng tác khác trong khi phân tích để thấy rằng những ưu điểm của chủ
nghĩa hiện thực có được là nhờ sự kế thừa những thành tựu, đồng thời khắc phục những hạn chế của các phương pháp sáng tác xuất hiện trước đó.
Cũng cần nói thêm, nếu như trong các giáo trình lý luận văn học Soviet tồn tại hai quan niệm khác nhau về lịch sử hình thành chủ nghĩa hiện thực, thì cũng xảy ra tình trạng tương tự trong các giáo trình lý luận văn học Việt Nam. Lê Đình Kỵ tiêu biểu cho quan niệm thứ nhất. Ông cho rằng chủ nghĩa hiện thực trong văn học Phục hưng là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa hiện thực và xem văn học thế kỉ XVIII là biểu hiện của giai đoạn Phục hưng của văn học Việt Nam, nên thường phân tích Truyện Kiều để làm rõ các đặc điểm của văn học hiện thực Việt Nam. Phương Lựu là đại diện cho quan niệm thứ hai khi khẳng định chủ nghĩa hiện thực chỉ có thể xuất hiện vào thế kỉ XIX, đầu tiên ở Tây Âu, với ý nghĩa đầy đủ của một trào lưu văn học, một phương pháp sáng tác. Trong văn học Việt Nam, ông chỉ xem các tác phẩm của văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945 là đối tượng nghiên cứu.
Về nội dung của chủ nghĩa hiện thực, các nhà lý luận Việt Nam đã tiếp thu các luận điểm của các giáo trình lý luận văn học Liên Xô cũ. Họ đều khẳng định nhà văn hiện thực chủ nghĩa luôn có ý thức tôn trọng sự thực khách quan, phản ánh cuộc sống theo nguyên tắc lịch sử - cụ thể. Bàn về đối tượng mô tả của chủ nghĩa hiện thực, nếu Gulaiev cho rằng: “So với chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực đã mở rộng phạm vi nghệ thuật ra rất nhiều. Nếu chủ nghĩa lãng mạn tập trung chú ý vào những khát vọng tinh thần của con người thì những nhà hiện thực phê phán lựa chọn đời sống con người trong tất cả mọi biểu hiện của nó làm đối tượng mô tả”
[75, tr. 424] thì Đỗ Văn Khang cũng khẳng định: “Điểm xuất phát ban đầu của các nghệ sĩ hiện thực phê phán không phải là “cái bóng cuộc sống” như chủ nghĩa cổ điển; cũng không phải “cái đỉnh núi của mình” hay “chốn xa cùng lấp lánh” của chủ nghĩa lãng mạn, mà chính là hiện thực đang tồn tại với tất cả mâu thuẫn cơ bản và chính yếu của nó” [65, tr. 278]. Phương Lựu không đặt chủ nghĩa hiện thực trong thế đối lập với chủ nghĩa lãng mạn mà đặt ở sự tiếp nối với mức độ cao hơn. Ông viết: “chủ nghĩa lãng mạn đã giải phóng nghệ thuật bằng cách mở rộng đề tài, xóa
bỏ sự ngăn cách giữa cái cao quý và cái thấp hèn, cái cao cả và cái kệch cỡm, cái đẹp với cái xấu”, “Trên cơ sở đó, với cảm hứng chủ đạo là phê phán, chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX đã nhấn mạnh thêm, cần phải đưa toàn bộ cái hằng ngày, kể cả mọi hèn kém, xấu xa vào nghệ thuật” và “chủ nghĩa lãng mạn đã chú ý khai thác đề tài trong lịch sử dân tộc mình. Chủ nghĩa hiện thực phê phán đã tiếp nối truyền thống đó” [129, tr. 538].
Về nguyên lí khách quan, nếu như Pospelov khẳng định: “Trong phạm vi phát triển riêng của văn học hiện thực chủ nghĩa cần phải thừa nhận quá trình khắc phục mâu thuẫn trong thế giới quan của các nhà văn là quan trọng nhất” [171, tr.
262] hay Gulaiev cho rằng ý nghĩa khách quan của những sáng tác các nhà văn hiện thực “đôi khi không hoàn toàn trùng hợp với những mục đích chủ quan của những tác giả này” [75, tr. 427] thì Lê Đình Kỵ cũng cho rằng thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực là ở chỗ ý thức tôn trọng hiện thực khách quan đã giúp nhà văn khắc phục được hạn chế chủ quan của mình để phản ánh chân thực cuộc sống: “Với chủ nghĩa hiện thực, hơn với phương pháp sáng tác nào khác, có tình hình nội dung khách quan của sáng tác thường rộng lớn hơn, thậm chí chừng nào đã đi ngược lại ý định chủ quan của tác giả. Chính cái ý nghĩa khách quan này đã làm nên giá trị hiện thực, cũng làm cho các vấn đề được nêu lên trong tác phẩm có sức mạnh và sức thuyết phục không cưỡng lại nổi, mặc dù giải pháp đưa ra là ảo tưởng, sai lầm” [109, tr.
134] và Phương Lựu cũng quan niệm “so với các phương pháp sáng tác trước đó, lần đầu tiên đến chủ nghĩa hiện thực xuất hiện một đặc điểm không phải ở chỗ nhân vật của nó nói riêng, tác phẩm của nó nói chung chỉ có một phương diện khách quan, chỉ có phương diện nhận thức, không liên quan gì đến chủ quan của nhà văn, mà là ở chỗ chủ quan của nhà văn có thể và cần phải phù hợp với thực tế khách quan” [129, tr. 535].
Về nguyên tắc điển hình hóa, nếu Gulaiev tin rằng: “Chỉ đối với văn học hiện thực mới có thể nói về các nhân vật với tính cách là những tính cách điển hình. Đặc tính của nhân vật không chỉ thể hiện qua những nét chung, điển hình mà qua cả những nét cá tính riêng” [75, tr. 434] thì Phương Lựu cũng chỉ ra: “Hình tượng nhân
vật trong chủ nghĩa cổ điển nặng về cái chung mà nhẹ về cái riêng. Chủ nghĩa lãng mạn thì lại nhấn mạnh cái riêng đến chỗ phi thường ngoại lệ, nhưng nhẹ về mặt tiêu biểu khái quát. Loại hai chỗ yếu – cũng có nghĩa đồng thời đã kế thừa hai chỗ mạnh của các phương pháp sáng tác đó, chủ nghĩa hiện thực phê phán đã đem lại được một sự kết tinh mới” [129, tr. 529].
Còn có thể chỉ ra nhiều điểm tương đồng trong quan niệm cũng như cách lập luận ở việc bàn đến mối quan hệ biện chứng giữa tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình, tính chân thực của chi tiết, hiện thực cuộc sống đen tối được phản ánh trong tác phẩm, về nhân vật trung tâm, về cảm hứng chủ đạo hay tính khuynh hướng của tác phẩm hiện thực chủ nghĩa, về thể loại, ngôn ngữ, … Như vậy, các nhà lý luận Việt Nam đã kế thừa thành tựu của lý luận Soviet khi trình bày lịch sử hình thành và phát triển cũng như đặc trưng thẩm mĩ của chủ nghĩa hiện thực trong văn học thế giới nói chung và trong văn học Việt Nam nói riêng.
Có thể thấy, cả một thời gian dài, lý luận văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của lý luận văn nghệ Soviet. Chúng ta đã “chịu ơn” các giáo trình lý luận văn học này, bởi nhờ đó, ta có thể nhận thức và giải quyết những vấn đề căn bản của lý luận văn học nói chung và chủ nghĩa hiện thực nói riêng. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, chúng ta đã bị che phủ bởi cái bóng quá lớn của lý luận văn nghệ Soviet, do vậy khó có thể thấy được “ngoài trời lại có trời”. Đây cũng là lí do giải thích sự vắng bóng của các công trình lý luận văn học phương Tây. Đơn cử như cuốn Lý luận văn học của R. Wellek và A. Warren, được viết năm 1949 và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, lưu hành ở nhiều nước trên thế giới nhưng đến năm 2009, 60 năm sau, mới được Nguyễn Mạnh Cường dịch và Trung tâm Quốc học, nhà xuất bản Văn học cho ra mắt. Trong chương VI của cuốn sách, Tính chất và các loại trần thuật văn xuôi, tác giả đã chỉ ra sự khác nhau của hai loại văn xuôi, một miêu tả cốt đúng như cuộc sống và một giúp cho việc chiêm ngưỡng cuộc sống trở nên dễ chịu hơn. Tác giả ủng hộ sự hòa trộn của hai loại văn xuôi này và thể hiện quan điểm mở rộng khái niệm hiện thực cũng như chức năng của văn học, không chỉ là những cái có thật và không chỉ miêu tả đúng như thật. Đây là một công trình có nội dung khác
biệt với những công trình lý luận văn học Soviet đã nêu. Do đó, sẽ là một thiệt thòi cho lý luận văn học Việt Nam nếu chỉ tiếp thu chủ yếu từ nguồn lý luận Soviet, dù đó là một nền lý luận có tính khoa học và tiến bộ.
Bên cạnh những giáo trình lý luận, các chuyên khảo, tiểu luận cũng là nơi thể hiện sự lĩnh hội nền tảng lý luận văn nghệ Marxist nói chung và lý luận về chủ nghĩa hiện thực nói riêng.
Cuốn Tìm hiểu văn học của Lê Đình Kỵ (Thành phố Hồ Chí Minh, 1984) có dáng dấp của một giáo trình lý luận văn học vì cũng đi từ những vấn đề thuộc nguyên lí văn học cho đến trào lưu văn học nhưng tác giả chỉ chọn một số vấn đề để trình bày. Với mười hai trang sách của chương ba dành cho Chủ nghĩa hiện thực, Lê Đình Kỵ đã trình bày chủ nghĩa hiện thực trong quá khứ và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trên tinh thần nhất quán với các giáo trình lý luận văn học mà ông đã tham gia biên soạn trước đó. Về sau, Phùng Quý Nhâm trong cuốn Văn học và văn hóa, từ một góc nhìn (Văn học, Trung tâm Nghiên cứu quốc học, 2002) cũng đã bàn về sự xuất hiện cũng như vai trò của chủ nghĩa hiện thực trong văn học thế giới và đặc điểm của trào lưu này ở Việt Nam qua bài Chủ nghĩa hiện thực. Đặc biệt, ông xem “tinh thần phân tích tâm linh” là một đặc điểm quan trọng của chủ nghĩa hiện thực.
Ngoài ra, còn có thể nhận thấy sự hiện diện của nền tảng lý luận Marxist trong cuốn Văn học và hiện thực (Khoa học xã hội, 1990) của Phong Lê. Ông đã dựa trên quan điểm ấy để triển khai các vấn đề như “Văn học và hiện thực” trước yêu cầu lớn của sự phát triển văn học Việt Nam hiện đại: cách mạng văn hóa và hiện đại hóa, “Văn học và hiện thực” trên mối quan hệ giữa chức năng giáo dục – tuyên truyền và chức năng nhận thức, khám phá cuộc sống, “Văn học và hiện thực”
trên yêu cầu tiếp cận trực tiếp và trong khoảng lùi của thời gian trước một đối tượng lớn là cuộc chiến tranh cách mạng, “Văn học và hiện thực” trước yêu cầu của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, “Văn học và hiện thực” trước yêu cầu “Nhìn thẳng vào sự thật…” và phát huy vai trò của chủ thể sáng tạo. Mối quan hệ giữa tác giả và công chúng, Hiện thực hôm nay và người viết hôm nay. Đây có