Chương 2. Tiếp thu và vận dụng lý luận về chủ nghĩa hiện thực
2.1. Tiếp thu lý luận về chủ nghĩa hiện thực từ các nghiên cứu nước ngoài
2.1.2. Tiếp thu lý luận về chủ nghĩa hiện thực của nước ngoài
Việc tiếp thu lý luận về chủ nghĩa hiện thực của nước ngoài cơ bản được thực hiện bằng con đường dịch thuật, tiếp nhận các giáo trình lý luận văn học.
Trước 1975, để xây dựng bộ môn lý luận văn học, bên cạnh việc biên soạn những bộ giáo trình đầu tiên, việc dịch những công trình lý luận văn học nước ngoài đã sớm được tiến hành. Có thể kể đến những công trình như Nguyên lí lý luận văn học của L.Timofeev (2 tập, Văn hóa, Viện văn học, 1962), Quan hệ thẩm mĩ của nghệ thuật đối với hiện thực của Tchernyshevsky (Văn hóa nghệ thuật, 1962), Nghệ thuật và đời sống xã hội của Plekhanov (Văn hóa nghệ thuật, 1963), hay những cuốn sách thể hiện quan điểm và kinh nghiệm viết văn của các nhà văn nổi tiếng như Gorki bàn về văn học (Văn học, 1965, tái bản có bổ sung năm 1970). Nhìn chung, những công trình này đã có ảnh hưởng lớn đối với nhiều giáo trình lý luận văn học về sau của Việt Nam, ở việc xem văn học như một hình thái ý thức xã hội, chịu sự quy định của tồn tại xã hội, xem phản ánh luận là nguyên tắc chi phối hoạt động sáng tạo nghệ thuật, xem xét nội dung của văn học ở những phương diện tính chân thực, tính giai cấp, tính nhân dân, xem hình tượng là phương thức nghệ thuật thể hiện đặc trưng của văn học, và coi trọng chức năng nhận thức của văn học nói chung và đánh giá cao chủ nghĩa hiện thực nói riêng.
Sau 1975, việc dịch thuật các công trình lý luận văn học của Liên Xô tiếp tục được đẩy mạnh. Hai bộ giáo trình được bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp Liên Xô dùng làm tài liệu giáo khoa cho sinh viên các trường đại học tổng hợp và sư phạm ngành ngữ văn sử dụng, là Lý luận văn học của Gulaiev và Dẫn luận nghiên cứu văn học do G.N. Pospelov chủ biên, đã lần lượt được dịch và cho ra mắt bởi nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp, vào năm 1982 và năm 1985, nhằm cung cấp một nội dung tương đối toàn diện, hệ thống về lý luận văn học, đồng thời thể hiện quan điểm chính thống trong nghiên cứu văn học, quan điểm Marxist.
Trong công trình Lý luận văn học của Gulaiev, sự phát triển của khoa học văn học và mĩ học được phân chia thành hai giai đoạn, trước Marx và giai đoạn Marx – Lenin. Trên quan điểm Marxist, tác giả đã trình bày những vấn đề về bản chất của văn học và quá trình sáng tạo, các loại thể, thể loại và các phương pháp nghệ thuật, các trào lưu cũng như phong cách nghệ thuật. Trong chương cuối, tác giả đã bàn đến chủ nghĩa hiện thực phê phán. Tuy chỉ chiếm gần 20 trang sách, chủ
nghĩa hiện thực được tác giả giới thiệu khá đầy đủ. Ngoài cơ sở xã hội và ý thức, đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực được làm rõ, từ việc mở rộng đối tượng phản ánh, tính khách quan trong sự quan sát, phân tích và lí giải cuộc sống, đến các biểu hiện chủ quan, như nghệ thuật ước lệ, từ việc xây dựng điển hình có sự kết hợp giữa sự khái quát hóa và cụ thể hóa, đến việc chỉ ra mối liên hệ giữa môi trường với tính cách cũng như việc khám phá thế giới nội tâm, từ cảm hứng phê phán, phủ định hiện thực xấu xa với nhiệt hứng lãng mạn và khí thế hướng tới tương lai, từ việc phát triển thể loại tiểu thuyết cho đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực xét từ góc độ không gian và thời gian, … Việc đối sánh với chủ nghĩa lãng mạn là cách Gulaiev thường dùng để nêu bật đặc điểm, cũng là ưu điểm của chủ nghĩa hiện thực.
Hơn nữa, ông cũng tỏ ra ưu ái đối với văn học Nga khi thường xuyên trích dẫn những ý kiến của Belinsky và chứng minh qua sáng tác của các nhà văn Nga. Cũng cần nói thêm là tác giả đã gọi văn học Phục hưng là chủ nghĩa hiện thực nhân văn và gọi chủ nghĩa tự nhiên cùng chủ nghĩa hiện đại là các trào lưu phi hiện thực trong văn học và nghệ thuật thế kỷ XX.
Cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học, do G. N. Pospelov chủ biên đã dành chương VII trong tập I để trình bày về Các phương pháp sáng tác (Các nguyên tắc phản ánh đời sống bằng nghệ thuật). Trong phần Bản chất của chủ nghĩa hiện thực, ông đã bám sát vào ý kiến của Engels và đi sâu phân tích mối quan hệ giữa hoàn cảnh và tính cách. Trong mục Sự phản ánh cuộc sống bằng phương pháp hiện thực chủ nghĩa và phương pháp phi hiện thực chủ nghĩa, ông tập trung nghiên cứu tương quan giữa thế giới chủ quan của nhà văn với thực tại khách quan được phản ánh trong tác phẩm qua các phương pháp, nếu phần chủ quan giữ vai trò chủ đạo thì đó là sự phản ánh phi hiện thực chủ nghĩa và ngược lại. Trong tập II, chương XX, khi bàn về Các quy luật lịch sử của sự phát triển văn học, Pospelov đã xem các trào lưu văn học như là những giai đoạn phát triển của lịch sử văn học, trong đó, chủ nghĩa hiện thực ra đời dựa trên sự kế thừa những thành tựu của chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn. Thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa hiện thực được xem là sự chiến thắng của việc phản ánh chân thực, khách quan cuộc sống đối với lí tưởng chủ quan,
trừu tượng. Đến lượt mình, chủ nghĩa hiện thực là một bước chuẩn bị cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh các giáo trình lý luận văn học có vai trò như sách giáo khoa của học đường, nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về chủ nghĩa hiện thực cũng được dịch thuật.
Trong số những chuyên luận nghiên cứu về chủ nghĩa hiện thực được dịch thuật, hai công trình Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực (Suy nghĩ về phương pháp sáng tác) của Boris Suskov (Tác phẩm mới, tập 1, năm 1980 và tập 2, năm 1982) và Chủ nghĩa hiện thực phê phán của X. M. Petrov (Đại học và trung học chuyên nghiệp, 1986) được biết đến rộng rãi nhất ở Việt Nam.
Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực là một công trình mang tính chuyên sâu, với hơn 700 trang sách nghiên cứu về chủ nghĩa hiện thực, được tặng giải thưởng quốc gia Liên Xô năm 1975 và được tái bản nhiều lần. Tác giả đã chỉ ra quá trình phát triển của chủ nghĩa hiện thực, từ những yếu tố thực tại trong văn học trung cổ đến chủ nghĩa hiện thực thời Phục hưng và chủ nghĩa hiện thực thời Khai sáng, đến chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỷ XIX ở Tây Âu thì trở thành một phương pháp sáng tác hoàn chỉnh, và vào thế kỉ XX, được phát triển lên thành chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong đó, chủ nghĩa hiện thực được nghiên cứu trong mối quan hệ sâu sắc với thực tại và lịch sử, thể hiện qua những nguyên tắc tiếp cận và miêu tả thực tại một cách khách quan, sự phân tích xã hội đối với các hiện tượng và quá trình của đời sống trên nguyên tắc lịch sử, phép điển hình hóa, tính đa diện và khách quan trong sự miêu tả tính cách (kể cả phân tích tâm lí),… thể hiện trong sáng tác của nhiều thế hệ nhà văn hiện thực chủ nghĩa. Suskov cũng bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực với các chủ nghĩa hiện đại và mặc dù có một hiểu biết đáng khâm phục không chỉ về văn học, có một năng lực phê bình giàu cảm hứng và ít nhiều chất nghệ sĩ nhưng ông không giấu được định kiến của mình đối với nền văn nghệ tư sản. Vì vậy, Suskov cho thấy văn học tư sản ngày càng xích gần lại với văn học suy đồi trong khi chủ nghĩa hiện thực được chuyển hóa thành chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với một chất lượng mới.
Chủ nghĩa hiện thực phê phán là một công trình nghiên cứu khá công phu về chủ nghĩa hiện thực. Petrov đã xác định nguồn gốc phát sinh của chủ nghĩa hiện thực trong toàn bộ quá trình của văn học trước đó, từ những kinh nghiệm của văn học hiện thực thế kỉ XV- XVIII, đặc biệt là từ chủ nghĩa hiện thực thời Phục hưng, chủ nghĩa hiện thực Khai sáng. Từ cơ sở triết học và thẩm mĩ (chủ nghĩa duy tâm khách quan Hegel và chủ nghĩa duy vật của Bacon, Feuerbach, Diderot, Belinsky, Tchernyshevsky,…), từ quá trình hình thành cho đến sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa hiện thực trong văn học thế giới (các nước châu Âu, châu Mĩ và châu Á), từ các nguyên tắc sáng tác (như nguyên tắc lịch sử, nguyên tắc điển hình hóa), cảm hứng chủ đạo (phê phán và nhân đạo), vấn đề thể loại (tính đa dạng và linh hoạt trong sự thâm nhập lẫn nhau giữa các thể loại, sự phát triển cao độ của tiểu thuyết), thi pháp (kết cấu, cốt truyện), những vấn đề như các trường phái, phong cách, cá tính sáng tạo của chủ nghĩa hiện thực cho đến mối quan hệ với chủ nghĩa hiện thực hiện thực xã hội chủ nghĩa (vấn đề nhân vật tích cực, đề tài giai cấp công nhân,…) đều được nghiên cứu khá tỉ mỉ.
Ngoài ra, còn phải kể đến những công trình nghiên cứu có bàn đến chủ nghĩa hiện thực được dịch thuật như Tâm lí học sáng tạo của M. Arnaudov (Văn học, 1978). Tuy không đi sâu vào những vấn đề cơ bản của nguyên lí lý luận văn học Marx – Lenin như mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, chức năng của văn nghệ, thế giới quan và sáng tác,… nhưng trong khi bàn về tâm lí sáng tạo văn nghệ của nhà văn, cuốn sách cũng có nhắc đến óc quan sát của Balzac, kinh nghiệm cá nhân và sự nhập thân của các nhà văn hiện thực Nga như những bằng chứng hùng hồn cho luận điểm được nêu.
Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người của M.B. Khravtrenko (Khoa học xã hội, 1984) là công trình đã đạt giải thưởng Quốc gia Liên Xô 1980. Trọng tâm của công trình là phần Các hình thức khái quát hóa hiện thực chủ nghĩa, với hơn 200 trang sách của tập 1. Trong phần này, Khravtrenko đã trình bày các hình thức khái quát nghệ thuật phong phú đa dạng của chủ nghĩa hiện thực, từ chủ nghĩa hiện thực thời Phục hưng, thời Khai sáng, cho đến hiện thực phê phán và hiện thực xã
hội chủ nghĩa. Ông đi sâu phân tích đặc điểm sáng tác của từng nhà văn qua các tác phẩm tiêu biểu của họ để làm rõ sự phong phú của những hình thức khái quát hiện thực ấy. Riêng đối với chủ nghĩa hiện thực phê phán, bằng việc phân tích các sáng tác của Stendhal, Balzac, Flaubert (Pháp), Puskin, Gogol, Dostoievsky, Chekhov, L.
Tolstoi (Nga), ông đã bác bỏ quan niệm coi chủ nghĩa hiện thực phê phán chỉ có chức năng phê phán, quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh chỉ là quan hệ thụ động, một chiều, mỗi môi trường xác định chỉ thể hiện trong một điển hình,… Theo ông, chủ nghĩa hiện thực phê phán còn bao hàm cả việc mô tả cái tích cực, cái lý tưởng, cái đẹp, và bảng màu của nó rất linh hoạt, phong phú.
Phương Đông và phương Tây - Những vấn đề triết học, triết học lịch sử, văn học Đông và Tây (Giáo dục, 1997) là một cuốn sách tập hợp những công trình độc lập của nhà Đông phương học N. Konrad về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Trong công trình này, có bài Vấn đề chủ nghĩa hiện thực và các nền văn học phương Đông. Konrad đã bàn đến vấn đề có hay không chủ nghĩa hiện thực trong văn học phương Đông. Sau khi nghiên cứu tường tận về nền “văn học nhân đạo chủ nghĩa” vào thế kỷ VIII – XII của Trung Quốc và “văn học đời sống” thế kỷ XVII – XVIII và kịch Nô thế kỷ XIV – XV của Nhật Bản, những nền văn học hướng đến hiện thực một cách tự giác sớm nhất và có những điều kiện gần gũi với tình hình kinh tế của xã hội tư bản châu Âu, tác giả đã nhận thấy rằng hiện thực mà các nền văn học đó quan niệm cũng như cách phản ánh hiện thực đó vào trong tác phẩm không giống với văn học hiện thực Pháp thế kỷ XIX. Từ đó, Konrad đã đi đến kết luận rằng chủ nghĩa hiện thực là một khái niệm có tính lịch sử, vì vậy phải hết sức thận trọng trong việc áp dụng khái niệm đối với văn học trước thế kỷ XIX ngay cả khi đã đưa ra những “sự rào trước và những định ngữ bổ sung” và tốt hơn là chỉ dành cho khuynh hướng phát triển cao hơn cả là văn học hiện thực thế giới thế kỷ XIX. Quan điểm của cuốn sách sẽ có ích cho chúng ta trong việc xác định chủ nghĩa hiện thực trên tiến trình văn học thế giới, nhất là ở phương Đông.
Có thể thấy, với một nền lý luận văn học còn chân ướt chân ráo như của Việt Nam thì việc có được những công trình nghiên cứu đi trước như trên để tham khảo
là hết sức quý báu. Do vậy, các nhà lý luận Việt Nam đã tranh thủ nghiên cứu và tiếp thu những thành quả nghiên cứu này để có thể vận dụng vào nghiên cứu văn học Việt Nam.