Chương 1. Chủ nghĩa hiện thực - khái niệm, lịch sử và đặc điểm…
1.3.3. Nguyên tắc điển hình hóa
Nguyên tắc điển hình hóa được xem như một nguyên tắc đặc trưng cho chủ nghĩa hiện thực. Khi nhận xét về tác phẩm Người thiếu nữ thành thị của Harkness, Engels đã đưa ra nhận định: “đã nói đến chủ nghĩa hiện thực thì ngoài sự chân thực của chi tiết ra, còn phải nói đến sự thể hiện chính xác những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình” [143, tr. 6]. Nhận định này đã được không ít người đánh giá là định nghĩa về chủ nghĩa hiện thực, mặc dù không bao quát được hết đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực.
Điển hình không phải là một phạm trù dành riêng cho nghệ thuật, nhưng ở nghệ thuật, điển hình được quan niệm thường phong phú hơn các lĩnh vực khác.
Một điển hình văn học bao giờ cũng thỏa mãn tính chung và tính riêng, là kết quả của sự kết hợp giữa sự khái quát hóa và cụ thể hóa. Tính chung đòi hỏi đối tượng phải tiêu biểu cho một tập hợp hàm chứa nó, đủ tư cách đại diện cho một hệ thống mà nó là một bộ phận. Tính riêng đòi hỏi đối tượng phải có những đặc điểm riêng của nó, giúp phân biệt với các đối tượng khác. Như vậy, nguyên tắc điển hình hóa là nguyên tắc tạo nên những điển hình, vừa mang những đặc điểm độc đáo của riêng nó, vừa có diện mạo của vô số những gương mặt ngoài nó.
Chi tiết chân thực là một khía cạnh quan trọng trong phát biểu của Engels.
Trong tựa Tấn trò đời, Balzac cũng từng nói “Tiểu thuyết sẽ không là gì cả nếu trong lời nói dối tôn nghiêm ấy, nó không chân thực ở những chi tiết”, hay “Nếu nhân vật là điều tưởng tượng, thì nghệ thuật của người viết tiểu thuyết là ở tính chân
thực của những chi tiết” [87, tr. 68]. Việc mở rộng đề tài, kế thừa có đổi mới từ chủ nghĩa lãng mạn, giúp cho các nhà văn hiện thực đưa vào tác phẩm vô số chi tiết thu nhặt được từ cuộc sống. Trong Evgeni Onegin, Puskin đã miêu tả tỉ mỉ những phòng khách tráng lệ ở Peterburg, với những dạ yến để tỏ lòng mến khách lẫn những buổi tụ tập chỉ để gièm pha, nói xấu người khác, cho đến những vùng nông thôn với những phong tục ma chay, gả bán và những điệu vũ dân gian, những món ăn truyền thống,… Lev Tolstoi miêu tả chi tiết cảnh Nekhliudov rửa ráy, Natasa sắp xếp rương hòm hay Rostov đi săn, … Tuy nhiên, sứ mệnh của chi tiết chân thực là góp phần xây dựng nên tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Vì vậy, nguyên tắc điển hình hóa yêu cầu nhà văn lựa chọn những chi tiết vừa chính xác, chân thực vừa tiêu biểu nhất, nói lên được bản chất của sự vật, tránh tình trạng sử dụng chi tiết một cách tràn lan, vụn vặt. Vì vậy, nhà văn cần lựa chọn, sàng lọc kĩ càng từ vô số chi tiết thu nhặt từ cuộc sống để tạo nên những chi tiết điển hình cho tác phẩm.
Chẳng hạn, trong tác phẩm Eugenie Grandet, để miêu tả con người hà tiện của lão Grandet, Balzac đã dùng chi tiết lão an ủi người vợ bệnh tật của mình. Sau khi buột miệng nhận xét nước da vàng vọt của vợ, hắn vội nói chữa rằng “Nhưng không sao, tôi thích màu vàng” để khỏi phải tốn tiền thuốc thang cho vợ. Hay để khắc họa “tấm lòng hiếu thảo” của hai đứa con gái nhà lão Goriot, Balzac đã dùng chi tiết hai cỗ xe mang gia huy gia đình hai cô con gái đến đưa lão đến nơi an nghỉ cuối cùng, nhưng trên xe không có người. Nói chung, chi tiết điển hình là chi tiết nói ít nhất nhưng thể hiện được nhiều nhất. Đó sẽ là tư liệu để xây dựng nên những tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình.
Tính cách điển hình là tính cách vừa đảm bảo tính chung, vừa đảm bảo tính riêng. Với nguyên tắc lịch sử - cụ thể, cảm quan lịch sử, tinh thần phân tích, từ những quan sát, phân tích xã hội và con người, các nhà văn hiện thực đã khắc họa được tính chung trong tính cách của nhiều loại người và tính riêng của mỗi người qua các hình tượng nhân vật khác nhau. Tính chung đòi hỏi tính cách của nhân vật phải tiêu biểu cho “các giai cấp và các trào lưu nhất định, do đó, tiêu biểu nhất định cho các tư tưởng nhất định của thời đại” [143, tr. 373]. Muốn như vậy, nhà văn cần
có một vốn hiểu biết sâu rộng về cuộc sống xã hội, có năng lực khái quát cao, biết gạt bỏ những yếu tố thứ yếu để giữ lại những nét chủ yếu, có ý nghĩa phổ biến. Do vậy, các nhân vật thường được quan niệm là con người lắp ghép, những vai chắp vá. Trong tựa Phòng trưng bày vật cổ, Balzac cũng cho rằng: “Muốn vẽ một hình tượng đẹp thì mượn dùng cánh tay của người này, chân của người mẫu kia, ngực của người mẫu nọ và đôi vai của mẫu người khác nữa”. Một vài phiền toái cho nhà văn cũng phần nào nói lên ý nghĩa phổ biến của nhân vật. Trong Tạp văn tuyển tập, Lỗ Tấn nói: “Lấy ở mỗi người một nét, cho nên trong số những người liên quan đến tác giả, không thể tìm ra ai thật giống như thế. Nhưng vì lấy ở mỗi người một nét, nhiều người lại thấy phần nào giống mình, và cũng dễ dàng làm cho nhiều người phát cáu” (Tạp văn tuyển tập). Cũng cần lưu ý rằng tính chung không đồng nhất với tính giai cấp, vì có những tính chung được tìm thấy ở nhiều giai cấp khác nhau, ngược lại có những tính chung chỉ tiêu biểu cho một bộ phận người thuộc một giai cấp nào đó. Chẳng hạn phép thắng lợi tinh thần của A. Q trong A. Q chính truyện không chỉ là đặc điểm của bần cố nông mà có sức khái quát của “quốc dân tính”, có thể tìm thấy ở cả bọn địa chủ và tư sản, ngược lại, tính keo kiệt là một nét chung của nhiều nhân vật tư sản như trường hợp lão Grandet nhưng không phải anh tư sản nào cũng keo kiệt, như trường hợp lão Goriot.
Bên cạnh tính chung (tính tiêu biểu), tính cách nhân vật còn phải mang tính riêng (tính cá thể), mỗi tính cách là một điển hình, nhưng đồng thời cũng là một cá tính cụ thể, tức là “con người này” như Hegel đã nói trước kia. Mỗi nhân vật phải được thể hiện sinh động từ lí lịch, dáng vẻ, cho đến ngôn ngữ, hành động, đặc biệt là những nét đặc trưng, những nét tính cách nổi bật, những cá tính. Cá tính có vai trò quyết định đối với cách ăn mặc, đi đứng, suy nghĩ, nói năng, hành động của nhân vật. Do vậy, xây dựng được cá tính chính là đã nắm giữ được chìa khóa để tạo nên tính thống nhất cao độ cho các hình tượng nhân vật. Nhìn vào tòa nhà u ám, lạnh lẽo, ban đêm chỉ thắp nến ở mỗi gian sinh hoạt chung, nhìn những bữa ăn sơ sài và cách ăn mặc tồi tàn của lão Grandet, người ta đủ biết tính cách của gia chủ.
Trao cho nhân vật một cá tính, chính là trao cho nhân vật một sức sống, một lí do
tồn tại, một diện mạo riêng, khó nhầm lẫn và khó thay thế. Với hơn hai ngàn nhân vật trong bộ Tấn trò đời, nếu Balzac chỉ dừng lại ở việc khắc họa tính chung của các nhân vật thì người đọc khó có thể phân biệt được các nhân vật cùng loại với nhau.
Ngược lại, nhờ cá tính của mỗi nhân vật được chú ý khắc họa nên diện mạo riêng của từng nhân vật hiện lên rõ rệt. Chẳng hạn, giữa lão Grandet và lão Goriot có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có những điểm khác biệt. Cùng là những tay tư sản biết tận dụng thời thế để làm giàu cho bản thân, cùng có đầu óc tính toán, sự khôn ngoan và lạnh lùng, thậm chí tàn nhẫn, cả hai nhân vật tư sản này đều phất lên nhanh chóng. Tuy nhiên, trong khi lão Grandet tính toán chi li với vợ con, thậm chí với chính lão, thì lão Goriot lại rất nặng tình với vợ và hi sinh cả cuộc đời vì các con. Tất nhiên, cá tính, theo như Engels, “không những được diễn tả bằng việc mà cá nhân ấy làm mà còn bằng cách cá nhân ấy làm việc đó nữa” [143, tr. 374]. Chẳng hạn, Balzac đã ví lão Grandet như một con hổ vồ mồi khi đánh hơi được món lợi và như một con trăn lặng lẽ thu mình tiêu hóa con mồi của mình. Cách ví von đã khiến hình tượng nhân vật trở nên hết sức sống động. Hay để làm nổi bật tính tham lam của con người này, Balzac đã để lão Grandet gắng chút sức tàn của mình bật dậy chụp lấy cây thánh giá bằng vàng và chậu nước thánh bằng bạc được cha sứ mang đến để làm lễ rửa tội cho lão. Hành động quá sức khiến lão trút hơi thở cuối cùng.
Tác giả không cần bình luận dài dòng, chỉ bằng hành động của nhân vật, người đọc tự rút ra kết luận của riêng mình. Như vậy, nếu như tính chung giúp cho tính cách có tính khái quát cao thì tính riêng giúp cho tính cách sinh động, độc đáo, chứ không trừu tượng, xơ cứng.
Tính cách điển hình cần phải được đặt trong những hoàn cảnh điển hình.
Hoàn cảnh điển hình là một hoàn cảnh vừa bao quát vừa cụ thể. Nó phải tái hiện được bối cảnh lịch sử của một xã hội nhất định, phải phản ánh được bản chất hoặc một vài khía cạnh bản chất của xã hội ấy. Tuy nhiên, hoàn cảnh này không phải hiện lên như một đường viền, một khung trang trí mà phải thông qua tính chất cụ thể, riêng biệt của nó. Hoàn cảnh điển hình phải gắn với một số phận, một tính cách nhất định, và bao gồm những sự kiện, những quan hệ do chính những tính cách tạo
nên. Trong Về văn học và nghệ thuật, Lenin từng nói: “Trong khi nghiên cứu những mối quan hệ thực tế và sự phát triển thực tế của những quan hệ đó, tôi đã nghiên cứu chính ngay cái kết quả hoạt động của những cá nhân đang sống” [143, tr. 173].
Balzac cũng cho rằng: “Trước khi những con người bắt đầu lên tiếng, sự vật đã kể chuyện về họ”. Vậy nên, khi giới thiệu mụ Vauker, nhân vật bà chủ nhà trọ trong tác phẩm Lão Goriot, Balzac đã viết: “Hình thù bà Vauker nói lên quán trọ của bà ta cũng như quán trọ của bà ta nói lên con người bà ta” [83, tr. 181]. Từ đó, nhìn vào những hoàn cảnh với những quan hệ cụ thể của nhân vật, người ta thấy được bối cảnh xã hội rộng lớn xung quanh. Chẳng hạn, bằng việc xây dựng ba không gian sống của Julien Sorel, từ một gia đình quý tộc tỉnh lẻ đang trên đường tư sản hóa như nhà thị trưởng De Renal, qua chủng viện, rồi đến nhà quý tộc trung ương như nhà hầu tước De La Mole, Balzac không chỉ vẽ nên con đường tiến thân của nhân vật chính mà còn phác họa được những không gian sống tiêu biểu, hay nói rộng ra là bối cảnh xã hội Pháp. Như vậy, hoàn cảnh điển hình giống như một thước phim vừa bao quát toàn cảnh vừa bám sát cận cảnh. Đó là môi trường cho tính cách vận động và phát triển.
Trong quan niệm của Marx và Engels, tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình có mối quan hệ qua lại với nhau, con người tạo ra hoàn cảnh, hoàn cảnh tạo ra con người. Tính cách luôn luôn vận động và sự vận động đó được giải thích bởi hoàn cảnh. Trong Thư gửi Lassalle, Engels viết: “động cơ của hành vi của họ không phải là những thị dục nhỏ mọn của cá nhân đâu, mà là cái trào lưu lịch sử nó mang theo những tư tưởng đó” [129, tr. 533]. Như vậy, hoàn cảnh chính là cha đẻ của tính cách, hoàn cảnh nào sinh tính cách ấy. Khi hoàn cảnh thay đổi tất sẽ dẫn đến sự thay đổi trong tính cách. Trong nhiều tác phẩm, tính cách của các nhân vật như Julien Sorel, Rastinag, Charles, đều thay đổi do có sự thay đổi hoàn cảnh sống. Điều này trái ngược với quan niệm của chủ nghĩa cổ điển, xem tính cách là một cái gì tĩnh tại và bất biến. Sự vận động này làm nên tính phong phú, sinh động cho tính cách.
Tinh thần phân tích không chỉ phát huy tác dụng trong việc phân tích xã hội mà còn thể hiện trong việc phân tích thế giới bên trong của con người. Các nhà văn hiện thực xem việc thể hiện thế giới tinh thần của nhân vật như là một trong những yêu cầu quan trọng nhất để xây dựng tính cách điển hình. Lev Tolstoi xem đời sống tâm lí chính là một trong những đối tượng quan trọng bậc nhất của nghệ thuật có mục đích. Vì vậy, ông đã chú ý khai thác các chuyển biến, các quy luật diễn ra bên trong con người dưới tác động của thế giới bên ngoài, tạo nên phép biện chứng tâm hồn của các nhân vật. Dostoievsky cũng cho rằng “Trong chủ nghĩa hiện thực đầy đủ, phải tìm thấy con người trong con người… Người ta gọi tôi là nhà tâm lí: không đúng, tôi chỉ là nhà hiện thực chủ nghĩa trong ý nghĩa cao nhất, tức là tôi miêu tả tất cả các chiều sâu của tâm hồn người” [11, tr. 60]. Việc quan tâm đến thế giới tâm hồn của nhân vật với những chuyển biến nhỏ nhất của cảm xúc, tư tưởng đã giúp các nhà văn hiện thực khắc phục được quan niệm trừu tượng, phi logic của văn học trước đó, tạo nên những nhân vật đa diện và sống động.
Đứng trước sự tác động của hoàn cảnh, tính cách cũng có phản ứng nhất định. Trong Thư gửi Harkness, Engels cho rằng chủ nghĩa hiện thực đã đề cập đến sự đề kháng có tính chất cách mạng của giai cấp công nhân đối với hoàn cảnh chung quanh, đang áp bức họ. Tìm hiểu văn học hiện thực, ta nhận thấy sự đề kháng này xuất hiện không chỉ ở công nhân mà còn ở nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau.
Tuy nhiên, các nhà văn hiện thực không chỉ ra hướng giải quyết cho những xung đột xã hội, do vậy, sự phản ứng của nhân vật trước hoàn cảnh chưa mang tính chủ động, tích cực, mà thường thắng lợi trong ảo tưởng hoặc thất bại thảm hại, hoặc trở nên tha hóa, hoặc phản ứng tích cực dẫn đến thủ tiêu chính mình.
Như vậy, nhân vật điển hình là kết quả của sự thống nhất cao độ giữa cái riêng sắc nét và cái chung khái quát cao độ nhưng không phải ở hai cực đối lập nhau mà phải thống nhất, hài hòa với nhau. Sự xuyên thấm thật nhuần nhuyễn của hai mặt cá thể hóa và khái quát hóa làm cho nhân vật vừa lạ mà vừa quen (Belinsky). Cho nên, nói một cách nghiêm ngặt thì chỉ đến chủ nghĩa hiện thực phê
phán mới thật sự có điển hình vì chủ nghĩa cổ điển nặng về cái khái quát, còn chủ nghĩa lãng mạn thiên về cái cụ thể.
Trong việc xây dựng tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình, tính khách quan cũng được thể hiện. Thông qua hoàn cảnh điển hình, cuộc sống tự phơi bày trong tác phẩm. Nguyên tắc lịch sử - cụ thể và nguyên tắc điển hình không cho phép nhà văn xây dựng những hoàn cảnh chỉ do trí tưởng tượng sáng tạo nên hoặc chỉ có ý nghĩa cá biệt. Hoàn cảnh đó phải mang dáng vóc của cuộc sống, phải mang hơi thở của thời đại. Nó phải được mô tả một cách đầy đủ và tự nhiên, phản ánh đúng tình trạng quan hệ giữa các giai cấp, đúng xu hướng vận động của xã hội, tạo nên tính chân thực cho tác phẩm.