Chương 2. Tiếp thu và vận dụng lý luận về chủ nghĩa hiện thực
2.2. Vận dụng tư tưởng văn nghệ Marxist và lý luận về chủ nghĩa hiện thực trong nghiên cứu văn học Việt Nam
2.2.3. Nghiên cứu phê bình văn học …
Việc vận dụng tư tưởng Marxist và lý luận về chủ nghĩa hiện thực vào phê bình đã tạo nên khuynh hướng phê bình xã hội học Marxist. Phê bình xã hội học được khai sinh ở Pháp, nơi ngành xã hội học ra đời, nhưng lại phát triển mạnh mẽ ở Nga, bởi gắn với sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thế kỉ XX. Khuynh hướng phê bình này là một phương pháp khách quan khoa học, có khả năng giải thích mối quan hệ giữa tác phẩm và hiện thực bên ngoài, chỉ ra mối tương tác giữa nhà văn và thực tiễn. Nói như Đỗ Lai Thúy, trong Phê bình văn học – con vật lưỡng thê ấy, nó thường dùng những yếu tố kinh tế xã hội, tiểu sử tác giả như những cái đã biết hoặc tưởng như đã biết (cái tất định) để nghiên cứu, lí giải tác phẩm như cái chưa biết (cái bất định). Ngược lại, từ nội dung tác phẩm, nhà phê bình có thể truy ngược lại để hiểu được thực trạng xã hội và con người của tác giả lúc sinh thời. Phê bình Marxist đến Plekhanov đã có thêm yêu cầu xem xét quan điểm giai cấp và trở thành tính giai cấp vào thời Lenin.
Từ đó, văn học được coi là tấm gương phản ánh cuộc sống một cách chân thực, cụ thể, lịch sử nhằm giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho người lao động.
Phê bình xã hội học khi đặt chân đến Việt Nam đã phát triển thành phê bình xã hội học Marxist, giai đoạn phát triển tính duy lí cao nhất. Đây là giai đoạn mối quan hệ giữa hiện thực và văn học đã được đúc kết thành lí thuyết phản ánh và văn học có nhiệm vụ phản ánh cuộc sống. Vì vậy, nó thường quan tâm đến hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, đến nội dung, coi trọng tính hiện thực, tính giai cấp, chú ý đến cái điển hình, phổ biến, …
Trước 1975, Hải Triều và những người cùng chí hướng với ông đã vận dụng tư tưởng Marxist mà họ lĩnh hội được vào phê bình văn học đối với tác phẩm Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan và Lầm than của Lan Khai, … để cổ vũ cho trào lưu tả thật và văn học vị nhân sinh. Tuy nhiên, chỉ đến Trương Tửu (lúc này lấy bút danh là Nguyễn Bách Khoa), phê bình xã hội học Marxist mới thật sự được khẳng định. Nếu như trong những công trình phê bình như Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Văn chương Truyện Kiều (1945) còn áp dụng chưa thật nhuần nhuyễn nhãn quan Marxist để soi xét tác phẩm thì ở công trình Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1943), Trương Tửu đã có một sự phân tích, lí giải tư tưởng hành lạc và hoạn lộ đầy thăng trầm của Nguyễn Công Trứ một cách sâu sắc và độc đáo, dựa trên việc lí giải những đặc điểm thời đại mà nhà thơ sống, nhất là mối quan hệ giữa các giai cấp trong xã hội và những tâm lí nảy sinh từ mối quan hệ đó.
Sau ngày độc lập, đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, sự thể chế hóa trong quản lí văn nghệ và nhất thể hóa phương pháp phê bình đã khiến phê bình xã hội học Marxist trở thành phương pháp chủ đạo. Sau cuộc tranh luận văn nghệ Việt Bắc (9. 1949) và cuộc tranh luận xung quanh tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu (1954), phê bình xã hội học Marxist gần như trở thành phương pháp phê bình độc tôn. Các xu hướng phê bình khác như phê bình tiểu sử, phê bình văn hóa – lịch sử bị phân hóa và trở thành một bộ phận của phê bình xã hội học Marxist.
Một trong những biểu hiện của xu hướng phê bình này là việc Đỗ Đức Dục đã nghiên cứu vấn đề Tính cách điển hình trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô
gia Văn phái (Văn học, 9/1968). Đỗ Đức Dục đã có những trang phân tích về nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh khá thú vị, xuất thân từ tầng lớp phú thương, theo Nho học và đã trở thành một tay gian hùng trong chính trị, có tài và có tâm lí được làm vua, thua làm giặc, … Bản chất phức tạp của y được lí giải từ chính địa vị và hoàn cảnh giáo dục mà y được thụ hưởng.
Đặc biệt, với Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (Khoa học xã hội, 1970), Lê Đình Kỵ đã vận dụng chính ngay lý luận về phương pháp sáng tác nói chung và chủ nghĩa hiện thực nói riêng mà bản thân ông đã nghiên cứu trong Các phương pháp nghệ thuật (1962) và Phương pháp sáng tác và trào lưu văn học, tập IV, bộ Cơ sở lý luận văn học (1971) để phê bình Truyện Kiều. Trong đó, ông đã đi sâu phân tích hệ thống nhân vật trong Truyện Kiều như là sự thể hiện của các lực lượng xã hội và nghệ thuật điển hình hóa mà Nguyễn Du đã đạt được ở một trình độ nhất định trong khi xây dựng nhân vật Thúy Kiều và nhất là các nhân vật phản diện,
… Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu đã không đồng tình với việc Lê Đình Kỵ nhấn mạnh tính người phổ biến hơn tính giai cấp trong công trình Các phương pháp nghệ thuật (1962) thì ở đây, Lê Đình Kỵ đã vận dụng quan điểm giai cấp để xem xét bản chất của Hồ Tôn Hiến, lí giải thái độ của mẹ con Hoạn Thư với Thúy Kiều, phân tích mối hôn nhân của Thúc Sinh và Hoạn Thư, sự thực của sự thất bại và cái chết của Từ Hải, … Tuy nhiên, lần này, những nhà nghiên cứu cũng phản đối, nhưng là việc Lê Đình Kỵ đã “ép” một tác phẩm trung đại “chín non” để trở thành sáng tác hiện thực chủ nghĩa. Danh sách những người phản đối cứ nối dài khiến cho việc phê bình của phê bình, chứ không phải phê bình tác phẩm văn học này kéo dài mãi cho đến tận hôm nay.
Tuy nhiên, không riêng gì Lê Đình Kỵ hay Đỗ Đức Dục, khai sinh cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam sớm hơn những năm 30 của thế kỉ XX còn là quan điểm chung của nhiều người. Đó cũng là một biểu hiện của thái độ đề cao chủ nghĩa hiện thực mà chúng tôi đã nói đến trong phần nghiên cứu các giáo trình lịch sử văn học. Chính vì vậy, chúng ta còn có thể bắt gặp những bài viết soi xét các tác phẩm trong văn học trung đại dưới ánh sáng của lý luận về chủ nghĩa hiện thực
như Vị trí của Tú Xương trên dòng văn học hiện thực chủ nghĩa Việt Nam của Đỗ Đức Dục (Văn học, 2/1986), Tìm hiểu khuynh hướng sáng tác trong Truyền kì lục của Nguyễn Dữ của Nguyễn Phạm Hùng (Văn học, 2/1987), Từ những biến động trong nguyên tắc phản ánh thực tại của văn chương nhà nho đến bức tranh sinh hoạt nông thôn trong thơ Nguyễn Khuyến của Trần Nho Thìn và Địa vị của Nguyễn Khuyến trong lịch sử văn học Việt Nam của Nguyễn Văn Hoàn (Nguyễn Khuyến, về tác gia và tác phẩm, Giáo dục, 2007),… Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu còn cho chủ nghĩa hiện thực đã xuất hiện trong truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn, tiểu thuyết Hoàng Tố Oanh hàm oan của Trần Chánh Chiếu, sáng tác của Phan Bội Châu, tác phẩm của Tản Đà hay tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, … Tuy khảo sát những tác giả, tác phẩm khác nhau nhưng điểm chung của các bài viết này là đều xác định sự hiện diện của phương pháp hiện thực chủ nghĩa trong văn học trung cận đại. Điều này phần nào nói lên việc một số nhà phê bình đã rất xem trọng chủ nghĩa hiện thực, coi đó như một thành tựu nghệ thuật làm vinh dự cho không chỉ nhà văn mà còn cho cả thời đại của văn học dân tộc.
Trong xu hướng phê bình cá nhân nhà văn, phương pháp phê bình xã hội học có công trong việc khẳng định đóng góp của các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945. Tuy nhiên, có những lúc, lối phê bình này cũng tỏ ra khắt khe, thậm chí, gây nên những oan sai nhất định. Có thể kể ra đây những tên tuổi như Tam Lang, Nguyên Hồng, Kim Lân, Tô Hoài, Bùi Hiển,… nhưng Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao là bốn cái tên được xuất hiện nhiều nhất.
Nhà văn hiện thực đầu tiên phải nói đến là Nguyễn Công Hoan bởi vị trí tiên phong của ông đối với chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam. Theo cuốn Nguyễn Công Hoan – Về tác gia và tác phẩm (Giáo dục, 2007), có hơn 150 thư mục bàn về Nguyễn Công Hoan và sáng tác của ông. Trước 1945, Nguyễn Công Hoan đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà văn và nhà phê bình nổi tiếng như Nguyễn Khắc Hiếu, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, … ở một vài khía cạnh với tư cách một nhà văn tả chân. Đến Hải Triều, ông đã xem sáng tác của Nguyễn Công Hoan như
một bằng chứng hùng hồn cho quan điểm của mình. Sau 1945, sáng tác của Nguyễn Công Hoan tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn của giới phê bình. Đa số các bài phê bình về Nguyễn Công Hoan ra đời trong giai đoạn này. Ông và sáng tác của mình sớm có mặt trong chuyên luận lý luận phê bình văn học như Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật (Sự thật, 1962) của Hồng Chương, Mấy vấn đề văn học hiện thực phê phán Việt Nam (Khoa học xã hội, 1968) của Nguyễn Đức Đàn. Ngoài ra, còn có thể kể đến Một nhà văn xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán của Như Phong (Nhân dân, số 6908, ngày 25.3.1973), Nguyễn Công Hoan và những truyện ngắn của anh của Vũ Ngọc Phan (Tác phẩm mới, số 24, tháng 3, 4 năm 1973), Điển hình tả chân phong kiến: Nguyễn Công Hoan của Thế Phong (Nhà văn tiền chiến, Vàng Son, Sài Gòn, 1974),… Trong những bài viết này, các tác giả đã ca ngợi những ưu điểm trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan, đó là đứng về phía dân nghèo, vạch trần được bản chất của xã hội, có sức tố cáo mạnh mẽ, viết bằng lối văn trào phúng, đồng thời chỉ ra những chỗ quá đà, xa rời chủ nghĩa hiện thực của ông.
Sau 1975, Nguyễn Công Hoan tiếp tục được giới phê bình đánh giá khá cao mặc dù còn có nhiều điểm bị phê phán. Tại Hội nghị Văn học so sánh thế giới năm 1976, nhà phê bình Pháp, Jan Mucka, với tham luận Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và truyện ngắn Chekhov đã cho rằng Nguyễn Công Hoan với Chekhov có nhiều điểm tương đồng. Nguyễn Đăng Mạnh trong bài Đọc lại truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan (Nhà văn, tư tưởng và phong cách, Văn học, H.
1983), Phan Cự Đệ trong bài Nguyễn Công Hoan (lời giới thiệu Nhà văn Việt Nam 1945 – 1975, tập 2, Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1983), Nguyễn Minh Châu trong bài Nhà văn Nguyễn Công Hoan (Văn nghệ, 40/1985), … mặc dù đều chỉ ra những chỗ “chệch choạc” nhất định như tư tưởng đôi lúc bảo thủ, bi quan, nghệ thuật viết truyện dài và xây dựng điển hình chưa chắc tay hay ngôn ngữ sử dụng có lúc cẩu thả, tự nhiên chủ nghĩa,… nhưng đều đánh giá cao ngòi bút trào phúng sắc sảo, tính chân thực cao độ và sức tố cáo mạnh mẽ trong sáng tác của nhà văn. Nói chung, Nguyễn Công Hoan được ghi công trong việc đặt những viên gạch
đầu tiên để xây dựng văn học hiện thực, song cũng bị chê vì những chỗ “non tay”, những chỗ “dao động”, “xa rời” chủ nghĩa hiện thực.
Bên cạnh Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng cũng là một nhà văn hiện thực gây nhiều chú ý cho giới học thuật. Trong hội nghị tranh luận văn nghệ, tổ chức ở Việt Bắc tháng 9.1949, Tố Hữu, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi đều đánh giá cao “thái độ cách mạng” của Vũ Trọng Phụng và “giá trị cách mạng” trong sáng tác của ông. Trong Nhất lãm về văn học Việt Nam (tạp chí tiếng Pháp, 1955), và Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam tập 3 (Xây dựng, 1957), Nguyễn Đình Thi và Trương Chính vẫn khẳng định vị trí “không ai tranh giành được” của Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, năm 1958, sáng tác của ông bị gán cho là khiêu dâm, troskyst, tác giả cũng bị cho là nhận tiền của mật thám Pháp. Kết quả là Vũ Trọng Phụng bị đưa ra khỏi chương trình sách giáo khoa phổ thông và đưa vào khu vực “đặc biệt”
của thư viện. Phan Cự Đệ không coi Vũ Trọng Phụng như một tác giả văn học mà chỉ nêu vấn đề Vũ Trọng Phụng, phải tiếp thu có phê phán để tránh ảnh hưởng tai hại, không nên trình bày với cán bộ và sinh viên; Vũ Đức Phúc liệt Vũ Trọng Phụng vào chủ nghĩa tự nhiên... Có thể thấy, việc Vũ Trọng Phụng chịu ảnh hưởng từ sáng tác của Zola là một thực tế có thật nhưng những yếu tố tự nhiên được ông đưa vào tác phẩm đều nhằm mục đích nghệ thuật là lên án xã hội xuống cấp về đạo đức. Do chỗ nhiều nhà phê bình hồi ấy vốn dị ứng với chủ nghĩa tự nhiên nên những nhà văn nào đem cái tự nhiên vào tác phẩm thì coi như đã sa chân lỡ bước. Và cái “án” tự nhiên chủ nghĩa này cũng không ít lần được “phán” với những nhà văn khác, không chỉ Vũ Trọng Phụng.
Từ những năm 1970 trở đi, dư luận có nhiều đổi thay. Những người có công trong việc lấy lại tên tuổi cho nhà văn chính là những bạn nghệ sĩ như Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên. Đến Đại hội Hội Nhà văn lần thứ ba (3.1983), Nguyễn Khải trong bài Số đỏ đã ghi nhận đây là “cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học”. Năm 1988, Hoàng Thiếu Sơn, trong bài nói chuyện tại hội thảo diễn ra ở cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô, còn cho rằng trong số những truyện bợm của thế giới như Don Quyhote (Cervantes), Những
linh hồn chết (Gogol), Chuyện phiêu lưu của Picwich (Dickens), A.Q chính truyện (Lỗ Tấn), thì chỉ có tác phẩm lừng danh Don Quyhote (Cervantes) là sánh được với Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Tiếp đó, Tuyển tập Vũ Trọng Phụng ra đời năm 1987.
Đến năm 1989, Hội thảo tưởng niệm 50 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng được tổ chức, đã quy tụ nhiều nhà lý luận phê bình. Họ đã đưa ra những đánh giá khách quan, trả lại công bằng cho Vũ Trọng Phụng. Đặc biệt, với bài Nhìn lại và suy nghĩ xung quanh một “vụ án” văn học, Nguyễn Hoành Khung phê phán những đánh giá sai lệch về Vũ Trọng Phụng, đồng thời chỉ ra căn bệnh của lối phê bình quá “nhạy cảm” và thiếu khách quan. Trong hội thảo Di sản Vũ Trọng Phụng trong sự nghiệp đổi mới của chúng ta, Vũ Trọng Phụng được bênh vực bởi những nhà phê bình nổi tiếng như Phong Lê, Nguyễn Đăng Mạnh, … Bên ngoài khuôn khổ của hội thảo trên, còn có nhiều bài viết khác thể hiện sự trân trọng đối với Vũ Trọng Phụng.
Trong bài Một lớp người thành thị, một kiểu nhà văn, (Văn học, 2/1990), Vương Trí Nhàn đã so sánh Vũ Trọng Phụng với Balzac. Tài năng của ông còn được soi rọi ở nhiều góc độ như Vũ Trọng Phụng, nhà hóa học của những tính cách của Hoài Anh (Chân dung văn học, 1995), Nghệ thuật tiếp cận hiện thực trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng của Nguyễn Hoài Thanh (Văn học, 2/1996), … Đặc biệt, cuốn Vũ Trọng Phụng – Tài năng và sự thật, do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn (Văn học, 1997) và Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta của Trần Hữu Tá (Thành phố Hồ Chí Minh, 1999) đã tập hợp được nhiều phê bình có giá trị về tác phẩm và tài năng, nhân cách của Vũ Trọng Phụng. Như vậy, sau năm 1975, việc phê bình đối với Vũ Trọng Phụng đã cởi mở, khách quan và khoa học hơn, cho phép nhận chân những đóng góp của Vũ Trọng Phụng cho nền văn học Việt Nam nói chung và cho chủ nghĩa hiện thực nói riêng.
Bên cạnh Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố cũng là một nhà văn được ghi công trong việc thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam. Cảm tình và sự đánh giá đối với Ngô Tất Tố khá thống nhất trước cũng như sau 1975.
Trước 1975, Ngô Tất Tố đã nhận được nhiều lời khen. Trong bài Ngô Tất Tố, một cây bút chiến đấu xuất sắc trong văn học Việt Nam (Nghiên cứu văn học, 3/1961), Nguyễn Đức Đàn đánh giá ngòi bút của Ngô Tất Tố “là nhà văn có công với cách mạng”. Trong cuốn Mấy vấn đề văn học hiện thực phê phán (Khoa học xã hội, 1968), Nguyễn Đức Đàn trong khi đề cao phương pháp của chủ nghĩa hiện thực so với chủ nghĩa lãng mạn, đã đánh giá cao Ngô Tất Tố. Nguyễn Đức Bính trong Ngô Tất Tố như tôi đã biết (Văn nghệ, 61/1962) thì khẳng định ở nhà văn một tấm lòng nhiệt tình, “trọn vẹn từ trước tới sau” đối với đất nước, đối với nhân dân và đối với nghệ thuật. Về các tác phẩm cụ thể, Tắt đèn được Nguyễn Công Hoan cho là nhiều chỗ “gần tiểu thuyết Tây hơn tiểu thuyết Trung Quốc” (Mấy ý kiến về cuốn Văn học Việt Nam 1930 – 1945 - Văn nghệ, 6/1962). Phong Lê đã đánh giá cao việc Ngô Tất Tố hướng đến những kiếp người cùng khổ ở “thái độ trân trọng” (Những đóng góp của Ngô Tất Tố trong Tắt đèn - Văn học, 3/1963). Lều chõng đã được Vũ Ngọc Phan đánh giá cao ở “ngòi bút chiến đấu và biểu hiện hiện thực rất sắc sảo”
(Lều chõng của Ngô Tất Tố, Tác giả trong nhà trường – Ngô Tất Tố, Văn học, 2006), … Tuy nhiên, nhận xét về Ngô Tất Tố không phải không có lời chê. Là một chuyên gia về Ngô Tất Tố, Phan Cự Đệ đã có nhiều công trình nghiên cứu nhà văn này trước 1975 như Ngô Tất Tố (viết chung với Bạch Năng Thi, 1962), Ngô Tất Tố tác phẩm (1975), nhưng trong Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (1974), cho rằng về phương diện cá biệt hóa nhân vật, Ngô Tất Tố tỏ ra “chưa chắc tay lắm” do việc miêu tả nhân vật chị Dậu còn nhiều ước lệ, lí tưởng hóa, và khó có thể phân biệt được nét riêng của nhân vật này với những nhân vật nữ khác. Vũ Bằng trong Về một truyện dài nổi tiếng nhất của Ngô Tất Tố: truyện Tắt đèn đánh giá Tắt đèn còn một nhược điểm là bi quan với tiền đồ, với vận mệnh của nông dân, … Mặc dù vậy, trước 1975, Ngô Tất Tố đã có được một chỗ đứng khá vững chắc trong lòng độc giả nói chung và giới phê bình nói riêng.
Sau 1975, tình cảm dành cho Ngô Tất Tố vẫn không có nhiều thay đổi.
Nguyễn Hoành Khung trong Từ điển văn học tập 2 (Khoa học xã hội, 1984) ca ngợi thái độ phê phán và tinh thần nhân đạo của Ngô Tất Tố, Phan Cự Đệ trong Ngô Tất