Chương 1: NHỮNG ĐIỀU KIỆN TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CẢI CÁCH CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ (CUỐI THẾ KỶ XIX)
1.2. ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC LUỒNG TƯ TƯỞNG BÊN NGOÀI ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CẢI CÁCH CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
1.2.1. Ảnh hưởng từ Trung Quốc
Đó là cuộc cải cách của Khang Hữu Vi và cuộc vận động Duy Tân năm 1898 về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự.
Kinh tế
Tư tưởng coi thường công thương nghiệp vốn là tư tưởng cổ hủ của Nho giáo đã chi phối lâu dài trong lịch sử Trung Quốc. Quan niệm bảo thủ này đã nhìn con đường phát triển xã hội một cách thiển cận, chỉ coi trọng nông nghiệp, xem việc học chữ thánh hiền mới là con đường đáng được coi trọng, thậm chí coi khinh tất cả các nghề khác. Do đó trong chủ trương cải cách kinh tế-xã hội ở Trung Quốc, phái Duy Tân đề ra tư tưởng “Dĩ thương lập quốc” và “Thượng công” làm xương sống của chương trình cải cách kinh
15
tế. Khang Hữu Vi đã trình lên nhà vua sáu biện pháp làm cho đất nước giàu mạnh đó là: Xây dựng và quản lý đường sắt, chế tạo máy và đóng tàu, khai thác mỏ, đúc tiền trắng và in tiền giấy, lập bưu chính. Tất cả những chủ trương này làm cho những mầm mống kinh tế hàng hóa ở Trung Quốc có cơ sở, điều kiện để phát triển. Nhờ tiếp xúc với khoa học kĩ thuật phương Tây, phái duy tân đã hiểu rõ việc dùng trí tuệ hơn dùng sức lực, do đó đã mạnh dạn đề nghị nhà vua cho lập các trường đào tạo công nghệ, dạy nghề, khuyến khích các phát minh. Chủ trương cải cách nền kinh tế Trung Quốc với tư tưởng chủ đạo là đề cao công thương nghiệp chính là nhằm biến đổi nền kinh tế nông nghiệp truyền thống của Trung Quốc thành nền kinh tế hàng hóa phát triển trong quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Chính trị
Phái Duy Tân hiểu rằng một cuộc cải cách chính trị sẽ đảm bảo cho công cuộc Duy Tân toàn diện ở Trung Quốc giành được thắng lợi. Cuộc cải cách bắt đầu từ biến pháp quyền vua, xây dựng chế độ quân chủ lập hiến trên nguyên tắc tam quyền phân lập.
Chủ trương cải chế bắt đầu từ việc cắt chức những quan lại tham nhũng, bổ nhiệm những người thuộc phái Duy Tân vào bộ máy chính quyền, thay đổi cải cách tuyển lựa quan lại theo dòng dõi, quyền quý bằng cách tôn trọng hiền tài. Mục đích cuối cùng là từ quân quyền chuyển sang dân quyền, từ độc tài sang dân chủ. Phái Duy Tân cho rằng cơ sở để xây dựng chế độ chính trị mới ở Trung Quốc là dựa trên nguyên tắc “Hán Mãn bất phân, quân dân công tri”. Các nhà Duy Tân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc cải cách bộ máy chính trị mà trước hết là giành lại quyền lực thực sự về cho nhà vua để tiến hành công cuộc cải cách có hiệu quả. Nhưng các nhà Duy Tân đã lực bất tòng tâm, con đường cải cách chính trị thực sự là một con đường vô cùng khó khăn, phái Duy Tân đã thất bại trong tình thế không cưỡng lại được.
16
Văn hóa-giáo dục
Trong chủ trương của phái Duy Tân, giáo dục được đặc biệt chú ý nhằm đào tạo ra một đội ngũ nhân tài, góp phần nâng cao dân trí bắt kịp với thời đại.
Phái Duy Tân đã đề ra bốn biện pháp để cải cách giáo dục: 1. Lập trường học ở khắp nơi, tổ chức học theo mô hình kiểu phương Tây; 2. Thay đổi nội dung học tập, cải cách chế độ thi cử, bỏ lối thi Bát Cổ; 3. Mở nhiều nhà in để in sách báo và dịch các loại sách; 4. Cử người đi du học ở nước ngoài.
Chủ trương của phái Duy Tân bắt đầu từ việc thay đổi cách học để tiến đến chỗ cải cách chế độ do đó đã vấp phải sự chống cự quyết liệt của phái Bảo Thủ. Phái Duy Tân thông qua các tổ chức “Cường Học Hội”, “Nam Học Hội”…với các hình thức hoạt động phong phú như: diễn thuyết, trao đổi, thảo luận, bình văn…kết hợp với cả vận động cải cách chính trị dân chủ, đã tạo thành một phong trào học mới lan rộng cả nước, không chỉ đổi mới việc học, phái Duy Tân còn chủ trương xóa bỏ những lạc hậu, hủ tục,thay đổi cách ăn mặc quần áo, nếp sống sinh hoạt…
Những biện pháp đổi mới văn hóa giáo dục của phái Duy Tân đã tấn công mạnh mẽ vào lối học cũ, giáo điều, xa rời thực tế, mở ra con đường “học vị dụng” nhằm mở rộng tầm mắt của trí thức và quần chúng nhân dân, làm thay đổi hẳn nhận thức xã hội.
Quân sự
Cốt cán của phái Duy Tân, về căn bản chỉ là những thư sinh có kiến thức thi thư rất rộng, có tài năng học vấn, đầy nhiệt huyết đấu tranh nhưng ít am hiểu về binh cơ, khó có thể đề ra chiến lược quân sự. Do đó biện pháp cải cách quân đội rút cuộc chỉ là những đề nghị đầy tâm huyết của phái Duy Tân về việc kiểm soát chặt chẽ các lực lượng vũ trang ở các địa phương và xây
17
dựng quân đội ở trung ương theo mô hình của phương Tây. Các nhà Nho của phái Duy Tân không thể làm một cuộc cải cách quân sự kiểu các nhà cải cách ở Nhật Bản cùng thời điểm nhưng họ đã nhận thức được sự yếu kém của quân đội và chủ trương cải tổ.
Có thể nói chủ trương mới trên đây của phái Duy Tân là một bước thử nghiệm dùng chế độ tư bản phương Tây và Nhật Bản để cải tạo chế độ phong kiến truyền thống Trung Quốc. Mặc dù thất bại, song đây chính là một cuộc giải phóng tư tưởng, góp phần mở đường cho những trào lưu văn hóa và tư tưởng chính trị tiến bộ mới thâm nhập và phát triển trong xã hội Trung Quốc.