Về chính trị

Một phần của tài liệu Tư tưởng cải cách đất nước của nguyễn trường tộ (cuối thế kỷ XIX) (Trang 53 - 56)

6. Bố cục khóa luận

2.3.2.Về chính trị

Trong tư tưởng chính trị, Nguyễn Trường Tộ vẫn còn nặng tư tưởng trung quân và đó cũng là tư tưởng chủ đạo của ông khi nói đến các vấn đề cần thiết phải cải cách những tệ chính lúc bấy giờ. Nguyễn Trường Tộ đề cao chế độ quân chủ hiện hành với uy quyền tuyệt đối thuộc về nhà vua dưới sự che chở của Chúa nhưng nhà vua không đứng ngoài pháp luật “Kẻ làm vua biết rõ cái điều trời phó thác cho mình là nặng nề, mọi phúc họa đề do trách nhiệm ở vua, cho nên tự hạ mình ghép vào vòng pháp luật”. Mô hình nhà nước mà Nguyễn Trường Tộ mong muốn xây dựng mang bóng dáng của nhà nước quân chủ kiểu Nhật, mà ông coi là kiểu mẫu về duy tân. Muốn xây dựng mô hình nhà nước hiệu quả trong quản lý đất nước Nguyễn Trường Tộ đề nghị nhiều cải cách hành chính, trong đó có cải cách hệ thống quan chế. Đây là một việc làm đúng đắn, nó thể hiện tầm tư duy chính trịmới của ông.

Tuy nhiên những đề nghị cải cách hành chính của Nguyễn Trường Tộ cũng chỉ giới hạn trong phạm vi chấn chỉnh bộ máy quan liêu nhằm tăng cường quyền lực cho vua quan để làm tròn cái trách nhiệm mà theo ông là “gánh lấy cái nhọc để làm kẻ thu phát mà những người hưởng thụ đều ở dưới”. Quan niệm trung quân của ông ít nhiều cũng phảng phất màu sắc tư

48

sản, vua cũng phải tuân theo pháp luật và mọi việc phải cho dân bàn bạc. Sự phân biệt giữa vua quan và dân chỉ là hình thức khác với tư tưởng đẳng cấp của phương Đông. Trong ông ít nhiều có tư tưởng bình đẳng, danh phận nghề nghiệp nào cũng đáng quý và được hưởng thu theo năng lực. Song nói chung quan điểm trung quân của ông vẫn là tuyệt đối và đôi khi còn mù quáng nữa. Đây cũng chính là nhược điểm trong tư tưởng chính trị của ông do lập trường giai cấp và điều kiện lịch sử của thời đại chi phối.

Là một người được tiếp xúc với văn minh châu Âu, nhưng xuất thân là một nhà Nho trưởng thành trong lễ giáo phong kiến hơn là chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ tư sản. Do đó ông vẫn còn mang nặng tư tưởng trung quân. Song tư tưởng trung quân của ông được pha tạp với triết học tôn giáo và là người đã từng tiếp xúc với thế giới tu bản nước ngoài nên cái trung quân ở đây khác với trung quân của những sĩ phu đánh Pháp đương thời như Trương Định, Phan Đình Phùng…Trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, tất nhiên những sĩ phu này chưa thể vượt khỏi tư tưởng trung quân phong kiến. Nhưng vì yêu nước, họ không thể thỏa hiệp với tư tưởng hàng Pháp, họ chống lại bất cứ ai có tư tưởng khuất phục kẻ xâm lược. Còn quan niệm trung quân của Nguyễn Trường Tộ lại gắn liền với triết học Cơ - đốc giáo “không quốc gia thì không có dân sự, không đạo vua thì không thành quốc gia, tạo hóa đã sắp đặt mối liên hệ mật thiết đó”.

Quan niệm trung quân của Nguyễn Trường Tộ là trung quân một cách mù quáng. Bởi ông cho rằng, hễ là vua tức là có sứ mệnh cai quản nhân dân, không kỳ vua tốt hay vua xấu. Vua tốt hay vua xấu đều do tạo vật bài bố cả. Do đó mà ông từng nói “Nước mà có vua bạo ngược còn hơn là không có vua”. Hơn nữa, quan niệm trung quân của ông cũng còn bị ảnh hưởng nặng nề của chế độ quân chủ của nước ngoài. Ông ca ngợi chế độ quân chủ của Nhật

49

Bản. Sự tổ chức của nền đế chế Pháp, công cụ chuyên chính của giai cấp tư sản, cũng như chế độ chính trị ở La Mã không ảnh hưởng đến ông.

Nguyễn Trường Tộ cho rằng không nên thay đổi dong họ nhà vua, phải là “nhất tính”, có như thế thì nước mới ít rối loạn. Quan điểm này của ông không thể nào phù hợp với thực tế ở Việt Nam đương thời. Triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã quá suy yếu, ngày càng đi sâu vào con đường phản động, cho nên không thể mù quáng tin tưởng mọi việc vào triều đình. Nhân dân ta thời bấy giờ đã thấy rõ điều đó và đã từng truyền tụng nhau câu ví “nước có nhị thánh, triều đủ tứ hung” để chỉ bộ máy cai trị của triều đình Nguyễn đã tồi tệ. Nhân dân đã không ngừng đấu tranh để đòi cải thiện đời sống và chỉ trên cơ sở đó nhà Nguyễn mới thay đổi chính sách. Thế nhưng nhãn quan chính trị trung quân mù quáng của Nguyễn Trường Tộ đã không nhìn thấy điều đó, đến nỗi có lúc ông chống lại quan điểm “dân là quý” của Mạnh Tử. Ông cho rằng “vua quan là vốn của nước”. Đây chính là điểm hạn chế trong quan điểm chính trị của ông.

Nhìn chung, lập trường của Nguyễn Trường Tộ vẫn là lập trường của người đứng trên nhân dân, lập trường của bọn phong kiến thống trị:

Như ngày nay quốc chính rất là xa cách với kẻ dưới, mà kẻ dưới thì kiếm cách che dấu, lừa dối kẻ trên…Sự gian nguy ấy của dân chúng ngày càng nảy nở mà quyền lệnh quốc gia ngày càng giảm sút. Như thế thì nước càng yếu đuối dân càng lưu tán. Do đó trên dưới khác lòng khác dạ, bên nào cũng muốn chiếm được phần hơn cho mình thì làm sao mà “nhất thể” được [16; tr.74].

Rõ ràng ông không đứng hẳn về phía nhân dân để nhìn những tệ chính của triều đình. Như khi nêu lên việc trốn thuế lậu đinh, ông cho là đại phạm tội, triều đình cần phải nghiêm trị, vì “sự gian lận trốn thuế chẳng những là một chuyện đại vô phúc mà còn là một đại tội” [16; tr.74].

50

Trong tư tưởng cải cách chính trị của Nguyễn Trường Tộ cũng đã có nhiều điểm tiến bộ, nó đã đề cập đến được vài vấn đề như trách nhiệm của vua, quan và dân, như tỉnh giảm và sáp nhập bộ máy cai trị, như tăng lương bổng cho quan lính để tránh tham ô. Vì bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng đạo Gia - tô, nên tư tưởng cải cách của ông còn mang nhiều hạn chế. Có thể nói ông là một người trung quân mù quáng, ông nhìn rõ sự đồi tệ của nhà nước phong kiến bấy giờ nhưng không nhìn thấu bản chất phản động thối nát của chế độ ấy và cả một hệ thống quan lại phong kiến ở bước đường suy tàn của nó. Hơn nữa tư tưởng cải cách chính trị của ông cũng còn rất phiến diện, ông chỉ chú trọng ở việc chấn chỉnh bộ máy thống trị, và nói đến nhiệm vụ chính trị của người dân là phải “tôn quân thân thượng”, chứ chưa nói đến quyền lợi của họ.

Những tư tưởng chính trị này so với thực trạng chính trị triều Nguyễn khi đó thực sự có tính chất đổi mới. Ngày nay một phần những tư tưởng đó đã hiện thực hóa và phát huy giá trị trong thực tiễn cuộc sống, và một phần tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ vẫn gợi mở nhiều bài học giá trị.

Một phần của tài liệu Tư tưởng cải cách đất nước của nguyễn trường tộ (cuối thế kỷ XIX) (Trang 53 - 56)