Chương 1: NHỮNG ĐIỀU KIỆN TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CẢI CÁCH CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ (CUỐI THẾ KỶ XIX)
1.2. ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC LUỒNG TƯ TƯỞNG BÊN NGOÀI ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CẢI CÁCH CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
1.2.3. Ảnh hưởng từ Thái Lan
Để tìm cách tháo gỡ khỏi sự ràng buộc của các hiệp ước bất bình đẳng Rama V đã tiến hành cải cách trong những năm cuối thế kỷ XIX nhằm canh tân đất nước theo kiểu tư bản chủ nghĩa, đồng thời duy trì quyền lực chính trị và kinh tế của giai cấp quý tộc phong kiến Xiêm. Vua Xiêm tiến hành cải cách về các mặt: hành chính, xã hội, kinh tế, ngoại giao…
21
Kinh tế
Trong nông nghiệp, mục tiêu hàng đầu của nhà nước là tăng nhanh việc xuất khẩu gạo. Chính phủ thi hành chính sách giảm nhẹ thuế đối với ruộng đất ở miền Trung Xiêm, chủ ruộng đất được hưởng một số điều kiện tương đối dễ dãi hơn. Bằng những biện pháp trên, sản lượng gạo của Xiêm trong những năm cuối thế kỷ XIX tăng lên rõ rệt: Năm 1885 xuất khẩu gạo là 225 ngàn tấn, đến năm 1900 tăng lên 500 ngàn tấn.
Đối với công nghiệp, nhà nước khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh xây dựng nhà máy, mở hiệu buôn và ngân hàng dưới sự kiểm soát của nhà nước. Giai cấp quý tộc và thương nhân Xiêm đầu tư vào ngành công nghiệp xay xát gạo. Năm 1890, ở Băng Cốc có tới 25 nhà máy mới được trang bị máy móc. Tư sản Hoa Kiều cũng nắm nhiều ngành kinh tế quan trọng, mở nhiều nhà máy xay, nhà máy cưa, hiệu buôn, ngân hàng.
Nhờ đó, nền kinh tế Xiêm có những chuyển biến quan trọng. Ngoại thương đạt đến mức suất siêu: năm 1885, tiền bán hàng xuất khẩu nhiều hơn tiền mua hàng nhập khẩu 435 ngàn livrơ stecling, năm 1893 lên đến 2216 ngàn, gấp hơn 5 lần.
Về tài chính: Cuộc cải cách tài chính năm 1892 đã xóa bỏ chế độ thầu thuế. Việc thu thuế do nhân viên nhà nước trực tiếp tiến hành làm tăng nguồn thu nhập của ngân sách đồng thời giảm bớt phần nào sự quấy nhiễu nông dân do bọn thầu thuế gây ra.
Những chính sách trên đã góp phần đưa nền kinh tế Xiêm phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, tích cực chủ động hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Chính trị
Sau khi cử nhiều đoàn đi nghiên cứu thể chế của một số nước Châu Âu, giai cấp thống trị Xiêm coi mô hình nhà nước quân chủ lập hiến của Đế
22
quốc Đức là phù hợp với tình hình Xiêm. Do đó vua Xiêm tiến hành cải cách theo khuôn mẫu chế độ chính phủ lập hiến theo kiểu Đức: Đứng đầu nhà nước là vua, giúp việc cho vua có hội đồng nhà nước và hội đồng tư vấn, chính phủ có 12 bộ trưởng đứng đầu là thủ tướng.
Ở địa phương, vua Xiêm tiến hành cải cách hành chính theo mô hình của Anh. Nhóm các tỉnh thành các vùng, sau đó nhà vua cử phái viên đến cai quản. Năm 1894, cải cách hành chính lan xuống cấp tỉnh, tạo nên sự thay đổi trong hệ thống cai trị ở Xiêm. Tòa án, quân đội, trường học được tổ chức lại theo kiểu Châu Âu.
Văn hóa-xã hội
Công việc có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là xóa bỏ chế độ nô lệ đã tồn tại lâu đời ở Xiêm và là trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế. Năm 1874, Rama V ban hành sắc luật thủ tiêu chế độ nô lệ vì nợ. Song chỉ được áp dụng ở vùng lãnh thổ chính của Xiêm mà không thi hành đối với các vương quốc phụ thuộc Xiêm. Năm 1899, chính phủ tuyên bố xóa bỏ chế độ lao dịch cho nhà nước. Đông đảo nông dân thoát khỏi nghĩa vụ đi làm 3 tháng mỗi năm trên các công trường quốc gia nhưng họ phải nộp một khoản tiền cho chính quyền địa phương.
Những chính sách trên có ý nghĩa tiến bộ vì nó giải phóng một phần sức lao động, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải phóng chế độ nô lệ.
Ngoài ra, vua Xiêm còn tuyên bố đạo phật là quốc giáo. Đồng thời thực hiện chính sách thân thiện, cởi mở với các tôn giáo khác.
Về giáo dục: chủ trương thực hiện cải cách giáo dục theo mô hình phương Tây.
Ngoại giao
Vua Xiêm thực hiện chính sách ngoại giao lựa chọn. Đây là chính sách cực kỳ khôn ngoan của Xiêm trong đường lối ngoại giao. Trước sự xâm nhập
23
của thực dân phương Tây, Xiêm đã chủ trương “mở cửa” đối với tất cả các nước có quan hệ với họ, Xiêm một mặt tạo thế cân bằng với các nước phương Tây nhưng mặt khác lại tăng cường ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Bằng chính sách ngoại giao “mềm dẻo”, “lựa chiều” Xiêm đã duy trì độc lập, sẵn sang đương đầu với các thế lực tư bản phương Tây.
Trong đường lối đối ngoại của Xiêm, xuất phát từ nhận thức đúng đắn về bối cảnh quốc tế và tình hình khu vực cũng như sự phát triển thực lực của đất nước Xiêm đã biết cách “Lựa chiều” nhằm cân bằng quyền lực giữa các nước lớn để tồn tại và phát triển.
Với công cuộc cải cách cuối thế kỷ XIX đã có tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội Xiêm. Kinh tế Xiêm phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, tích cực chủ động hội nhập với nền kinh tế thế giới. Đặc biệt với chính sách ngoại giao lựa chọn đã giúp Xiêm giữ được độc lập. Xiêm là nước duy nhất ở Đông Nam Á giữ được độc lập.