Nghệ thuật xây dựng cốt truyện trong truyện của Dạ Ngân

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện dạ ngân (LV00904) (Trang 56 - 63)

CHƯƠNG 2 NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT VÀ CỐT TRUYỆN

2.2. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện trong truyện của Dạ Ngân

Cốt truyện trong truyện kể từ lâu đã được ngành Tự sự học coi là một trong những yếu tố cơ bản để tìm ra cấu trúc đích thực của tác phẩm văn xuôi, một mắt xích quan trọng tạo nên kết cấu tác phẩm tự sự. Đã có nhiều công trình nghiên cứu triển khai khá công phu như: Cốt truyện (Những yếu tố của lối viết hư cấu của A. Dibell, Sự giải thích về cốt truyện: cách sắp xếp và mục đích của hình thức kểchu yện của P. Brooks, Cách thức xây dựng tiểu thuyết của J. Sauders…hay trong một số công trình về Tự sự học như: Tự sự học (Narrative) của P. Cobley (Nxb Routledge, 2001); Thi pháp cấu trúc (Structuralist Poetics) của J. Culler (NXB Routledge, xuất bản lần đầu 1975)…cốt truyện luôn là một yếu tố cần khảo sát. Giới hạn ở vấn đề lý thuyết về cốt truyện chúng tôi muốn có cái nhìn tương đối đầy đủ về việc nghiên cứu cũng như tiếp cận, triển khai vấn đề này ở ta như là một hình thức tạo nên tác phẩm tự sự. Mặt khác, khi đặt nó trước một đối tượng văn học cụ thể hy vọng sẽ đưa ra một “cách đọc” mà ở đó chúng tôi cố gắng chỉ ra những phương thức đã tạo nên “hiệu quả” cho tác phẩm văn học.

Cốt truyện hiểu theo nghĩa truyền thống là: “hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản quan trọng nhất trong trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các lọai tự sự và kịch” [18, tr.70-72]. Khi thực hiện luận văn này, bên cạnh việc nhìn nhận khái niệm cốt truyện như cách hiểu trên, chúng tôi còn xem cốt truyện như là cái mà người đọc có thể đem ra kể lại, là cái mà nhà văn kể ra (tức là có sự khác biệt với khái niệm “câu chuyện” và “sự kể chuyện”). Từ cách hiểu đó, chúng tôi nhận thấy cốt truyện trong sáng tác của Dạ Ngân thường đơn giản về sự kiện, ít gay cấn, ít mâu thuẫn và ít có những xung đột xã hội gay gắt. Về phương diện kết cấu và quy mô về nội dung, cốt truyện của Dạ Ngân thường là cốt truyện đơn tuyến, hệ thống sự kiện được kể

đơn giản về số lượng và rất gọn gàng, ít nhân vật và tính cách nhân vật thường được mô tả một cách rất tập trung và cô đọng, nhiều khi chỉ là một lát cắt của cuộc sống được phản chiếu hay chỉ một đoạn đời nào đó của nhân vật chính được quan tâm mà thôi.

Trong Gia đình bé mọn có cốt truyện là câu chuyện tình, một tình yêu trắc trở, ngang trái mà bền bỉ, mạnh mẽ, với cái kết thúc có hậu như một cổ tích hiện đại. Nhân vật Tuyên, người chồng chính thức của Mỹ Tiệp, xuất hiện sau nhiều rào đón về tình cảnh khó khăn của cuộc tình kẻ Bắc người Nam. Với tiểu thuyết này nhà văn Dạ Ngân đã xây dựng thành công nhân vật phụ nữ mạnh mẽ và tự chủ giữa những biến cố lớn lao của xã hội Việt Nam.

Nhân vật Mỹ Tiệp cho ta cái nhìn về người phụ nữ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử đáng nhớ: thời chiến tranh giành độc lập, thời xây dựng chính quyền non trẻ, thời kì bao cấp cho đến ngày nay mở cửa hội nhập. Mười bốn tuổi, cô tham gia Cách mạng, sống những ngày tháng mà lằn ranh của sự sống và cái chết vô cùng mỏng manh. Chiến tranh, khói lửa, giặc giã đẩy cô tới hôn nhân mà ngay từ hồi mới cưới cô đã nhận ra sự chênh vênh, bất ổn của nó.

“Hồi mới cưới, con tim nàng không chiụ rung động, nó cứ lên tiếng rằng đây không phải người đàn ông của mình, đây là cuộc xô đẩy của chiến tranh, của bom đạn giặc giã nước lụt bụi cây sạp xuồng”. Đất nước hoà bình, Tiệp cũng như bao người dân Nam bộ mong chờ một cuộc sống tốt đẹp, no ấm hơn.

Nhưng thực tế đã hoàn toàn ngược với sự tưởng tượng của họ. Như tất cả mọi công chức trong cơ quan, cô cũng trải qua một cuộc sống vô cùng thiếu thốn về vật chất trong một căn phòng của khu gia binh ngụy có “lũ chuột chạy rồ rồ trên mái nhà”, với cái giường chín tấc và chiếc chiếu lác loại rẻ nhất. Vốn sinh ra và lớn lên ở nơi miền Tây quanh năm không biết đến thiếu đói, cô cũng phải đối mặt hàng ngày với sự kham khổ thời bao cấp: gạo sổ vón cục và bo bo hầm. Những thiếu thốn về vật chất thời ấy đã làm cho con người

phải vật lộn để tồn tại, nhưng cách ứng xử với thiếu đói làm họ khác nhau.

Tuyên, chồng Tiệp trở nên thực dụng hơn. Anh đã biết lợi dụng vị trí công tác của mình để xoay sở lúc bao cám, lúc buồng chuối để có cuộc sống thoải mái hơn. Trái lại, Tiệp sống nặng về tình cảm, nghèo khổ mà lương thiện. Và cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, Tiệp nhận ra mình không thể hòa hợp được với người chồng “quý heo hơn quý con” ấy. Tiệp thực sự nhận diện được bi kịch của mình và từ đây, cô đã cố hết sức vùng vẫy để cầm nắm trong tay tình yêu và hạnh phúc thực sự. Tiệp đã chứng tỏ mình là một người phụ nữ dũng cảm khi dám chống lại cả gia tộc đầy quyền uy của mình để sống ly thân với chồng. Cô cũng rất thẳng thắn và trung thực khi đưa ra lý do rằng đã có người đàn ông khác để đòi ly hôn. Cô dám đi tới tận cùng bằng cách kiên quyết ra khỏi nhà để lại hầu hết tài sản có giá trị, dắt theo hai con đến cơ quan tá túc. Hơn ai hết, Tiệp hoàn toàn ý thức được những khó khăn chồng chất mà mình sẽ phải đối mặt: trước hết là đời sống vật chất khó khăn, sau đó là cuộc sống tinh thần nhiều bão tố. Nhưng cô đã chứng minh cho mọi người thấy cô có thể vượt qua tất cả: vẫn sống được bằng đồng lương nhà văn còm cõi, bằng tiền bán đá lẻ, bằng sự chắt chiu tính đếm quá sớm của đứa con gái nhỏ khi chỉ đi chợ trưa, mua rau héo để duy trì cuộc sống đạm bạc cho ba mẹ con.

Hơn nữa, cô vẫn tìm được niềm vui sống từ nghiệp văn chương giờ đây đã trở thành lẽ sống. Ở vào hoàn cảnh như Tiệp, phần lớn phụ nữ Việt Nam thời xưa sẽ không dám bứt phá, mà sẽ chọn một cuộc sống phẳng lặng trong cam chịu.

Nhưng giữa một bất hạnh vững bền và một hạnh phúc mong manh, Tiệp đã dám đưa tay ra với lấy hạnh phúc mong manh cho dù cái giá phải trả là quá đắt. Bên cạnh sự lên án gay gắt, rồi ghẻ lạnh, và cuối cùng là sự từ bỏ của gia tộc máu thịt của mình, cô cũng phải đương đầu với búa rìu dư luận. Là một nhà văn, cô rất có ý thức về lòng tự trọng, về nhân phẩm của mình, nhưng không ít đồng nghiệp nhìn nhận thiếu thiện cảm. Có người im lặng không nói

ra, nhưng cũng có người đã thẳng thừng, như cô bạn gái Hiếu Trinh: “Mình thấy Tiệp thiệt là nhầy nhụa, nhầy nhụa từ đầu tới chân!” làm cho “Tiệp cảm thấy mình bị tát qua tát lại tới tấp”. Rồi cô còn phải trân mình chịu một trận đòn hội đồng của “bốn ông thường vụ” mà các lí do khác chỉ là cái cớ cho việc cô đã dám viết văn để nổi tiếng, mà lại nổi tiếng hơn cả thủ lĩnh Hai Khâm của họ. Tiệp phải sống trong các mối quan hệ xã hội phức tạp, với những bon chen, kèn cựa giăng mắc giữa cấp trên với cấp dưới; những ghen tị, nhỏ nhen giữa đàn bà với đàn bà. Trong những lúc cuộc đời thử thách cô, may mà cũng còn có những người thông cảm, sẻ chia. Đó chính là nguồn động lực giúp cô đứng dậy, đi tiếp con đường tìm kiếm hạnh phúc. “Em đừng bao giờ khóc lóc trước mặt họ, khi người ta nhân danh đạo đức để ném đá một người đàn bà thì Chúa cũng không cứu vớt nổi linh hồn họ”. Cô đã làm theo lời khuyên của người đồng nghiệp tốt bụng, và không những cô không khóc mà còn dám chống trả một cách can trường. Như hầu hết phụ nữ trí thức thời nay, Tiệp còn là một phụ nữ dám sống chết với nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Lúc đầu, thời mới ở Cứ ra, Tiệp sống theo phác đồ của chồng, tức là đi theo con đường Học viện chính trị, rồi phó giám đốc “và lên, lên nữa, lên mãi”, nhưng rồi cô nhanh chóng nhận ra khả năng của mình và xin sang Hội văn nghệ tỉnh. Một người phụ nữ dám từ bỏ con đường công danh trải đầy hoa hồng ở trước mặt để đi theo văn chương dù biết rằng nhiều khi đó chỉ là

“một trò chơi vô tăm tích” , quả thật đáng cho ta nể phục. Tiệp đã chứng tỏ mình dám sống chết với sự nghiệp mình đã lựa chọn. “Văn chương với nàng giống một thứ tín ngưỡng hơn là thứ phương tiện”. Hồi bao cấp, Tiệp nuôi tín ngưỡng của mình trên một chiếc bàn viết bằng gỗ thao lao trống hộc cùng với nỗi lo về cơm áo gạo tiền cho các con. Sau này, khi đã tạm vơi nỗi lo vật chất, cô lại nuôi dưỡng văn chương bằng việc tạm thời xa cách người mình yêu để tìm lại nỗi cô đơn cố hữu của người nghệ sĩ khi sáng tạo nghệ thuật. Mỹ Tiệp

luôn biết cách đạp bằng khó khăn để được sống với đúng với bản chất của mình: một phụ nữ trong sáng, yêu ghét rạch ròi, hết lòng yêu thương các con, biết trân trọng nghề nghiệp của mình và trên hết là ý chí can trường vượt qua mọi rào chắn để cầm nắm trong tay hạnh phúc trong tình yêu với người đàn ông của định mệnh.

Trong Miệt vườn xa lắm, qua lời kể hồn nhiên của cô bé tuổi mười hai - Tiệp Kiến Vàng, cuộc sống của một gia đình đi về phương Nam mở đất hiện lên vừa điển hình, vừa riêng biệt. Đầu tiên là chuyện ông nội “đã kéo cả vợ con và bầy em trai vượt qua sông Tiền, vượt qua cả sông Hậu rồi đi đến kênh Xang Xà No để cắm vườn vào một nơi chưa từng biết nghề làm vườn là gì...

Mua một số đất tràm, ông trồng một hàng rào toàn cây sao để luôn nhớ về đất Cao Lãnh cố hương. Vườn nhà có đủ thứ trái cây ngọt lừ, thơm mát nhờ giống má đem từu quê hương xuống, nhờ nước ngọt ứ trong vườn, nhờ phù sa đất doi và đặc biệt, nhờ sự thu vén kỳ công của nội”. Như bao gia đình ở miệt vườn ven sông Nam Bộ, gia đình Tiệp Kiến Vàng đã trải qua những biến cố thời cuộc, từ thời Pháp đô hộ đến khi đánh Pháp, rồi quân Mỹ tràn qua, bao làng xóm bình yên bị giặc quấy phá. Đồng khởi 1960, làng trở thành làng kháng chiến. Lúc này, ông bà nội đã già, nhưng ông vẫn là linh hồn hồn của gia đình. Tiếng ho của ông vẫn như tiếng ông nhắc nhở mọi người mỗi khi trong gia đình có chuyện. Cô Tư Ràng tuổi đã xế phải gánh vác mọi việc trong gia đình vì “nhà không có đàn ông”. Cô cắt đặt mọi việc đâu vào đấy.

Cô cùng Tiệp ra thành phố đem hoa trái vườn nhà lên bán: đủ cả cau buồng, vú sữa, sapôchia, cam, quýt,... Cô còn chạy vạy để có đủ tiền thăm nuôi anh trai - cha của Tiệp Kiến Vàng đang là tù nhân chính trị, lúc ở Phú Lợi, khi ở Chí Hòa.

Thế rồi thầy Tiến, một người ở xóm chài Cần Thơ vô “cứ” đầu quân Ban Giáo dục tỉnh và được cử xuống xã này mở trường dạy các em. Thầy đã động viên chị em Tiệp Kiến Vàng đi học: giúp má, giúp cô làm vườn. Tất cả mọi người đều yêu quý thầy, muốn thầy trở thành người đàn ông của nhà mình. Nhưng thầy lại muốn đi bộ đội. Nhà nhiều người nhưng toàn đàn bà con gái. Công việc lúc nào cũng như đuổi sau lưng. In đậm trong tâm trí của cô bé là hình ảnh người thợ trèo hái cau, tiếng dừa rơi trên ngọn xuống trong ngày thu hoạch, tiếng cả nhà léo nhéo đi bắt kiến vàng về nuôi, những đêm trăng ra đồng đội rơm về chất nấm, làm phân... Một ngày của nhà cô bé bắt đầu từ bốn giờ sáng. Đầu tiên là tiếng cô Tư trở dậy, đốt đuốc đi chơi hàng xóm. Mọi người cũng lục tục dậy. Tiệp Kiến Vàng phải đi mua tôm cá, rồi cùng chị Kiến Đen đi học. Người lớn ở nhà bị cuốn vào bao nhiêu thứ công việc, không hết, suốt đời. Câu chuyện kết thục với hình ảnh Tiệp Kiến Vàng

“thiếp đi trong giấc ngủ gấp khúc, của những người tôi tôn thờ” [76]. Không giống với các tác phẩm khác viết về Nam Bộ, thế giới Miệt vườn xa lắm không có cọp, beo, rết, cá sấu; không có những ông hương, ông chủ, ông hội đồng, những tá điền mướn ruộng... Có thể xem đây là một tiểu thuyết gia đình thuần túy.

Dạ Ngân xây dựng cốt truyện thật khéo: Hơn một trăm trang sách chỉ kể về có một ngày của một gia đình, từ lúc bốn giờ sáng, tới buổi trưa, buổi chiều. Cao điểm của truyện, nút thắt và cũng là thời khắc bùng nổ ở văn chương Nửa đêm. Xen lồng vào mỗi giây phút hiện tại là bao hồi ức, kỷ niệm sống động về những giây phút ở bên người thân yêu của Tiệp Kiến Vàng.

Không kể chuyện theo lối thông thường, nhà văn tập trung vào phân tích tâm lý và chọn lọc chi tiết để khắc họa tính cách nhân vật. Tiệp Kiến Vàng, cô Tư Ràng là hai nhân vật sống động, có cá tính.

Tóm lại Nghệ thuật xây dựng nhân vật được coi là một phương diện không thể thiếu của lí luận văn học nhưng đây cũng là vấn đề vô cùng phức tạp. Vì thế, tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện Dạ Ngân là một công việc không hề đơn giản. Tuy vậy, với đề tài này chúng tôi đã làm sáng tỏ các kiểu nhân vật trong việc khắc họa ngoại hình chân dung nhân vật, miêu tả chiều sâu nội tâm nhân vật, xây dựng cốt truyện trong sáng tác của Dạ Ngân và ảnh hưởng của nó đối với văn học Việt Nam hiện đại và hậu hiện đại, một số thủ pháp xây dựng nhân vật…Đồng thời, qua đó tìm hiểu về thành công của nghệ thuật gián tiếp đối với việc phản ánh sự đỗ vỡ nhân sinh trong xã hội hậu hiện đại được đề cập đến qua các tác phẩm.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện dạ ngân (LV00904) (Trang 56 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)