Giọng điệu trữ tình, mƣợt mà

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện dạ ngân (LV00904) (Trang 74 - 78)

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN CỦA DẠ NGÂN

3.2.1 Giọng điệu trữ tình, mƣợt mà

Trong các sáng tác của Dạ Ngân không phải ngẫu nhiên mà giọng trữ tình, mượt mà như là một giọng điệu chủ âm. Gắn liền với hứng thú, cũng là sở trường nắm bắt và diễn tả tinh tế, sâu sắc những cảm giác, xúc cảm, tâm trạng con người của nhà văn. Đây vốn là đặc điểm của tác phẩm trữ tình khi nó lấy việc “biểu hiện trực tiếp những xúc cảm, suy tưởng của con người là cách thức phản ánh thế giới”, “làm sống động cái thế giới chủ thể của hiện thực khách quan, giúp ta đi sâu vào thế giới của những suy tư, tâm trạng, nỗi niềm - một phương diện rất năng động, hấp dẫn của hiện thực” [83, 183].

Giữa những vang âm phồn tạp của đời thường, văn Dạ Ngân có khi tha thiết, sâu lắng trong xúc cảm trữ tình của người đàn bà đang yêu: “Mẹ nhớ, khi người đàn bà từ bỏ anh chồng chức sắc, nàng ta mới tròn ba mươi tuổi. Bầu trời vẫn xanh, xanh lắm, bình minh hay hoàng hôn đều còn gợi cảm, nhựa trong cây ứa tràn và tưởng mình chưa từng yêu, mọi thứ vỡ òa, chôn vùi thứ quan niệm thương hại, nương tựa hay lấp chỗ trống trong tình yêu, chúng không có giá trị gì so với tình yêu đích thực” [7, 139]. Tình yêu đã như dòng suối mát lành, tắm tưới cho cuộc đời khô khát này cái phần xanh tươi, mơ mộng của nó. Bản nhạc lòng êm dịu còn rung lên khi bên cạnh người phụ nữ khát sống, khát yêu ấy là “một nửa cuộc đời” nàng. “Vẻ háo hức trai trẻ của Đính với những mét kênh, nghững cái cây, những nếp nhà, những ngã ba, ngã tư liên tiếp của mạng nhện kênh rạch Đồng Đưng khiến Tiệp có cảm giác như

mình đang dắt tay một người thanh niên trong giấc mơ thiếu nữ và cả hai đang đi ngược thời gian, ngược cả quá khứ và lịch sử để tìm lại những thứ mình đã để quên ở đâu đây” [9, 124]. Sự lặp lại của từ ngữ khiến giọng văn đọc lên ngân nga, chảy trôi như giọng điệu của một bài thơ trữ tình. Xúc cảm ngọt ngào của truyện đã cuốn người ta đi không biết đến điểm dừng. Tiệp và Đính như không còn nhớ đến thời gian, đến không gian, không nhớ cả những ưu phiền vẫn đè nặng trong lòng cả hai người chỉ còn lòng yêu đời, yêu sống tràn ngập mà thôi. “Nàng kể và kể say sưa, mọi chặng đời ở Cứ, dĩ nhiên không thể thiếu chú Tư Thọ, chị Nghĩa và Hai Tuyên. Khi chiếc tàu đó đột ngột tốp máy ghé vào thì nàng mới hay mình đã đi tới cuối bến, quá xa nơi mình định ghé vào. Không sao, không việc gì, Đính hăng hái trấn an và chủ động vẫy một chiếc ghe chở mía đi ngược trở lại. Hóa ra không chủ ý, hai người vẫn phải theo phương án đầu tiên, trôi lên trôi xuống, đi dọc và đi ngang. Tiệp thấy sức mạnh rủ rê mãnh liệt ở người đàn ông đi cùng, anh ta đã gây cho nàng cảm giác muốn đi, muốn khám phá, muốn phiêu bồng bên nhau, đến chân trời góc biển” [9, 125].

Giọng điệu trữ tình, mượt mà còn âm vang trong dòng suy tưởng tầng tầng lớp lớp của người phụ nữ có đời sống nội tâm phong phú là Tiệp.

Riêng và chung, chuyện đời và chuyện mình... tất cả cứ theo nhau gọi về những nỗi buồn đau da diết. Đó là ý nghĩ về gia tộc và quá khứ gia đình đáng tôn thờ: “Tiệp nhớ những buổi tối êm dịu, giường của hai cô cháu vuông góc với chỗ của bà nội, dẫy kia là má ... một đội quân giường toàn đàn bà và con nít từ khi ông nội ngủ, giấc ngủ không bao giờ dậy sau cái tin ba nàng chết.

Một điếu thuốc to cỡ ngón tay trong kẽ ngón, cô hay dông dài với Tiệp chuyện ông bà nội rời đất vườn cổ Cao Lãnh để đi dài xuống vườn sông Hậu lập vườn vì sông Tiền úng lụt sóng to gió lớn quá, chuyện ba Tiệp đứng ra nhận mình là người mà giặc đang săn đuổi để chuyến xe có vị Bí thư tỉnh ủy

ấy thoát thân và nổi danh Lê Lai từ đó, chuyện vì sao chị em Tiệp phải nối gót cha”[9, 97] là Thủ đô ngàn năm văn vật trong cơn lốc xoáy của thời cuộc “ Hà Nội, Hà Nội triền miên trong những câu chuyện không mệt mỏi của Đính, từ những ngày đầu anh ở trường Thiếu sinh quân khu Bốn ra và đã cùng một người ban thay phiên công kênh nhau trong một cuộc mít tinh để được thấy Bác Hồ và tướng Giáp, Hà Nội đã làm anh ngẩn ngơ nhiều đêm với “dáng kiều thơm” trong những tà áo dài thướt tha của những cô gái “nền nã nhất nước” rồi Hà Nội thành nhà, thành quê hương thứ hai của “choa”...” [9, 129].

Rồi những suy tư về đất nước thời hậu chiến nhiều chệch choạc: “Đất nước thật là dài, Bắc và Nam thật xa cách, vết thương chia cắt như những cái sẹo đau đớn bầm dập, có ngồi tàu mới thấy đất nước đâu có rừng vàng biển bạc mà đất nước thật chật chội và gập ghềnh. Và nàng, một nắm cát hay một nắm bùn, một con kiến hay một ngọn cỏ, tại sao số phận nàng lại nhiêu khê để phải nếm trải sự nhiêu khê của đường đất và sự thống nhất không bao giờ mới hết gian nan?”. Hình ảnh những đứa con trong lòng mẹ không bờ bến “Nàng nhớ một buổi sáng áp Tết Nguyên đán năm ngoái... Tết có nghĩa là các con sẽ rời khỏi tầm tay mình một chút nữa, là mình sẽ nhíc dần lên cái tuổi bốn mươi trễ tràng, mòn mỏi, là Đính sẽ thêm một năm bối rối ở cái phòng nào đó của cơ quan ...” [9, 218], những cuộc chia tay: “giản dị, ít lời mà ray rứt”của Tiệp với Quý, đượm buồn và sẽ nhớ rất lâu khi “chia tay với thời gian, chia tay với một quãng đời, chia tay với một con người dù con người đó không thể biến thành bạn như lý thuyết thông thường được”, cuộc chia tay trong sự im lặng để nước mắt chảy ngược vào trong khi tạm biệt các con... Độc giả có thể lắng nghe trong âm điệu trầm buồn của những con chữ, sự lên tiếng của những tình cảm riêng tư, đời thường nhất của con người như tình cảm gia đình, tình yêu, tình mẫu tử..., đồng thời có những trăn trở, suy tư sâu sắc về nhân sinh, thế sự.

Bên cạnh đó, khi miêu tả thiên nhiên, đặc biệt là thiên nhiên mang tâm trạng, giọng điệu trữ tình mượt mà cũng được lựa chọn một cách tự nhiên, phù hợp với việc gợi tả chất thơ bàng bạc của cảnh và người. “Chị còn có những buổi chiều xao xuyến một đời. Đó là những lúc nước sông Nước Đục dềnh lên trong tiếng rào rạt của dầm chèo, đoàn quân đi dưới cái bóng âm thầm của rừng lá dừa nước như bức tường thành ven sông. Hoàng hôn vãi xuống giữa dòng một dải lụa ửng tím. Vài cánh cò chểnh mảng trên không trung nghi ngút màu lam, màu trắng nuột nà trở thành điểm sáng riêng tư lãng mạn trên trời chiều. Tiếng bần rụng thảng thốt trong biền lá, từ đó vọng ra tiếng bìm bịp âm trên mặt sông như tiếng vỗ khắc khoải trên mặt trống. Hai Mật nhìn thấy tất cả họ, khi đoàn xuồng cắt ngang dải lụa để từ doi lá bên kia đi chéo sang doi lá bên này” [7, 49-50]. Sông nước, đất đai, cây cối miền Tây màu mỡ, trù phú đã từng đi vào ca dao (Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó thì không muốn về), vào văn chương của nhiều bậc tiền bối như: Sơn Nam, Đoàn Giỏi... nay thêm một lần đặc sắc trong sáng tác của Dạ Ngân.... như một trong những cái nôi đầu tiên để tâm hồn văn chương neo đậu: “ Văn chương với nàng giống như một thứ tín ngưỡng hơn là thứ phương tiện. Nàng không biết nó đến với nàng từ đâu, từ ngọn gió rao rao nước lớn dưới bến nhà hay từ bóng chim và tăm cá trong mảnh vườn hương tỏa, từ mùi rơm của cánh đồng ven vườn dẫn sang chân trời bên ngoại hay từ lũ lục bình muôn thủa của con sông cái, từ bộ gien sáng của người cha mà nàng chỉ mang máng hay từ những phẩm chất đặc biệt của cô Ràng ...” [9, 196]. Lúc sống ở Hà Nội - tâm hồn nghệ sỹ của nhà văn lại rung lên trước vẻ đẹp nên thơ của mùa xuân xứ Bắc: “Thu vàng, nắng thu vàng như những ngày áp Tết trong Nam, nắng như có mật và gió như có nhạc, có thơ” [9, 290]. Câu văn chứa chất niềm yêu đời, sự say mê và một chút thanh thản hiếm hoi giữa dâu bể cuộc đời.

Như vậy với giọng điệu trữ tình, mượt mà trong các sáng tác của Dạ Ngân, độc giả thêm một lần nữa hiểu hơn về một tâm hồn giàu nữ tính, đa cảm và trắc ẩn. Giữa muôn nỗi trần ai, Tiệp cũng như những người phụ nữ khác - ít nhiều mang bóng dáng Dạ Ngân vẫn giữ được trong lòng một góc sáng của tình yêu người, yêu đời, yêu cuộc sống, yêu mảnh đất mình đang sống và gắn bó. Chất nhân văn đậm đà trong sáng tác của Dạ Ngân có lẽ còn toát lên ở đó.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện dạ ngân (LV00904) (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)