Giọng hóm hỉnh mà chua chát

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện dạ ngân (LV00904) (Trang 78 - 82)

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN CỦA DẠ NGÂN

3.2.2 Giọng hóm hỉnh mà chua chát

Bên cạnh giọng điệu trữ tình mượt mà, các sáng tác của Dạ còn là một thứ văn gai góc với giọng điệu hóm hỉnh mà chua chát. Chất giọng này tỏ rõ thế mạnh khi nhà văn muốn phơi bày những “sự thực ở đời”. Có khi nó xuất hiện đồng thời với giọng “giấm ớt” của nhân vật: “Công trình ấy (công trình về Hà Nội) nhất thiết phải có minh họa. Anh sẽ vẽ một dãy loằn ngoằn những gạch vỡ, nón mê, làn cũ, chổi cùn, dép sứt, can nhựa hỏng, áo rách... đó là những vật hình rất hay được dùng để thay thế con người trong dãy xếp hàng ở chỗ người ta quy định cho đám đông...” [9, 159]. Những hình ảnh ấy thời bao cấp quả là có thật, nhưng còn có một sự thật khác lộ ra đằng sau giọng điệu khôi hài đó là thân phận thảm thương, bi đát của con người thời ấy, họ có khác gì những “gạch vỡ”, “nón mê”, “làn cũ”, “chổi cùn”, “dép sứt”, “can nhựa hỏng”, “áo rách” thay thế đó đâu?! Rồi hành động của mấy ông văn hóa thông tin, chẳng khác nào thiên lôi bất ngờ gieo tai họa cho những người dân lương thiện “Đang đi, vụt cái tiếng còi, còi hẳn hoi nhé, một tổ ba ông băng đỏ hẳn hoi ở đâu túa ra hỏi giấy túm tay như mình bị truy nã. Thế rồi áp vô gốc cây dùng kéo sởn một nhát nhanh như AQ bị người ta cách mạng cái đuôi sam đi. Sự thể đã vậy thì theo cô em, để yên cho người ta sửa sang bằng tông đơ hay là vùng ra để giống một thằng điên hở?” [9, 41]. Giọng kể của người

đàn ông xứ Bắc về sự “đón tiếp” đặc biệt của đồng bào miền Nam vừa hài hước, lại vừa như muốn bày tỏ, sẻ chia. Sự thật cả người nói và cả người nghe đã tìm thấy “tiếng nói chung về sự đau khổ, nỗi thất vọng và cả nỗi ngờ vực - bên trong mỗi người”. Còn nhiều cảnh tượng bi hài nữa đang phơi ra trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất Bắc Nam. Nhìn những cái thìa bị đục lỗ, nhà văn Đính đã không thể im lặng lâu hơn mà lên giọng: “ Người ta làm thế để chống ăn cắp. Chỉ có những kẻ ăn cắp thành thần thì mới nghĩ ra cách chống ăn cắp độc chiêu thế nầy”. Trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn có thể nghe thấy tâm sự của cả một lớp trí thức, luôn phải sống “giữ mình” cũng có nghĩa là phải giữ ngòi bút để khỏi “bị đi tù vì lỡ mồm hay lỡ viết”. Giọng chua chát là giọng điệu quen thuộc lúc họ gặp nhau: “Phải tập ăn ít, uống ít, thở ít đi cho đỡ phải bon chen, chụp giựt, cấu xé nhau vì cơm thừa canh cặn của thiên hạ”. [9, 235]. Đây là giọng điệu của những con người từng trải, thấu suốt lẽ đời mà đành bất lực. Cũng có khi giọng hóm hỉnh chua chát nằm ở ngay trong ngôn ngữ của người kể chuyện. Miêu tả nụ cười của cái người vừa gặp họa “nếp sống mới”, nhà văn viết: “Người đàn ông cười như mếu, nếu Vũ Trọng Phụng sống lại chắc ông cũng không biết diễn tả nụ cười nầy như thế nào” [9, 41]. Cảnh tượng cả ban Thường vụ tỉnh rầm rập kéo xuống để “ném đá” một người đàn bà được kể bằng giọng châm biếm sâu cay: “Bất chấp những bà đằng đằng sát khí ấy vẫn đến, như cơn bão đã hình thành thì chỉ còn nước ngồi đợi xem sức gió của nó thuộc cấp mấy. Một dãy xe con, mỗi vị một cỗ, những tấm lưng “đi từ chiến hào ra bắt đầu bệ vệ, những chiếc ca táp màu đen quan trọng và những bước chân rầm rập” [9, 189]. Những eo hẹp về vật chất của một thời đói rách được hình dung lại bằng giọng thấm thía, chua cay của người trong cuộc: “Mẹ thường bắt gặp cảnh dượng con hì hụi bên bếp than - giờ chỉ còn trong bảo tàng thành thị - nhà hai khẩu, hai “trí thức” mà không đụng tới điện sông Đà thì láo thật! Đã vậy, khi nấu và ủ than dượng

con còn lên lịch giờ sao cho hai ngày thì tốn năm viên chứ không phải sáu.

Đầu óc nhà khoa học của dượng xem ra được việc ra phết” [7, 143].

Như vậy, nếu giọng trữ tình mượt mà phù hợp với việc khám phá chiều sâu tình cảm của con người thì giọng hóm hỉnh chua chát lại là sự đồng vọng những vang âm phức tạp của cuộc đời bên ngoài. Đó là giọng điệu của những con người luôn trĩu nặng trong lòng những vấn đề thế sự đời tư. Hơn ai hết họ nhìn thấu cả mặt phải và mặt trái của những chủ trương chính sách thời hậu chiến, họ mang niềm tin, hi vọng và cả nỗi thất vọng lớn lao về một cuộc sống khác nhau sau chiến tranh. Dạ Ngân đã sống qua cái thời đói cơm rách áo, không những thế còn sống sâu sắc, đúng như nhà văn đã nói: “Tôi quan niệm nhà văn phải sống trước đã, sống tức là viết được phần nửa điều mình muốn tuyên ngôn. Cũng có chỗ khác người là ở vấn đề sống này. Nghĩa là sống với tất cả cung bậc tình cảm, với sự nhạy cảm của từng tế bào, nguyên liệu sẽ sinh ra từ giây phút ấy” [88]. Một chút hài hước, một chút hóm hỉnh, nhân vật và người kể chuyện trong sáng tác của Dạ Ngân thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh của mình trước mọi vấn đề của đời sống xã hội. Cao hơn cả phản ánh, phê phán, chế giễu đó là còn là những ước nguyện, mong ước được đổi thay không chỉ cho riêng họ mà cho tất cả mọi người.

Cũng có thể nói thêm về giọng độc thoại trong tác phẩm của Dạ Ngân.

Quan niệm “văn chương hoàn toàn xứng đáng được coi như đạo, vì sứ mệnh giãi bày và cứu rỗi của nó” và đặc điểm của thể tự truyện có lẽ đã là tiền đề cho sự xuất hiện của giọng đọc này. Mặc dù người kể chuyện trong tác phẩm Dạ Ngân ít khi xuất hiện ở ngôi thứ nhất nhưng độc giả luôn cảm thấy sự có mặt của một con người cụ thể đang kể chuyện mình, tự an ủi, tự nâng đỡ chính mình. “Đầu đội chiếc nón lá thâm kim, một mình giữa những thúng gạo, vừa nhấm nhá gạo sống, chị tự an ủi: rồi nó sẽ qua, chiến tranh và những

nỗi khổ. Dù cực đến mấy, chị nghĩ mình sẽ cầm cự được cuộc sống mong manh này để làm cho trót lời hứa với ba má bọn trẻ trong nhà, nếu như cái má chị không bị bắt” [7, 51]. Thời chiến tranh, người phụ nữ phải gồng mình lên, ráng sống và hi vọng “ngày mai trời lại sáng”. Nhưng đến thời bình, còn bao nhiêu chuyện thân thiết, đáng quan tâm: là đứa con với đủ kiểu tai ương: “ Mỗi khi thấy con bỏ cả nghỉ trưa cặm cụi đánh từng chiếc căm sau buổi học, chị cứ tự hỏi, có phải chị đã hạ sanh nó không? Nó, đại biểu biểu hồn nhiên và ưu tú của thế hệ cứ muốn phắt sướng, lớn lên phải phắt giàu hoặc phắt thành lãnh đạo. Giờ thì cứ phắt nổi điên!” [7, 126]; là lòng tự dặn lòng trước những chông gai của cuộc đời: “Mình sẽ cố dằn, mình sẽ không để bị hậu sản, mình phải mạnh và giỏi để ôm lấy các con mình sẽ gan góc xông pha như cô Ràng và sẽ có giá trị và được kính nể như cô Ràng, mình sẽ viết ra, sẽ trở thành nhà văn như chú Tư Thọ tiên đoán” [9, 60]; là tình yêu “sét đánh”, không dễ sẻ chia của người đàn bà đã có gia đình: “Mình sẽ yêu người nầy - nàng quả quyết nghĩ - mình sẽ giữ gìn tình cảm đơn phương thầm kín nầy, mình không cần biết không cần gì cả, không cần bờ bến hay một mục đích trần trụi nào cả. Rồi nàng biện minh: Tuyên đã đi tắt vào đời con gái của mình...” [9, 69]. Bão tố giằng xé trong lòng khi đứt ruột bỏ con đi lấy chồng:

“Nàng khóc, rỉ rả trong tay Đính và lại nghĩ, như muôn ngàn lần trong mười mấy năm qua, rằng nếu có kiếp sau ấy thì nàng sẽ chọn gì, tình yêu hay tình mẫu tử. Phải, nếu nếu như có cái kiếp sau ấy thì nàng sẽ chọn sao cho hai thứ tình ấy có trong nhau, sinh ra cho nhau và vì nhau, mãi mãi suốt đời”[9, 281].

Kể sao hết những tâm sự ngổn ngang của Tiệp, của Tâm, của Hai mật bởi họ là đàn bà.... giọng điệu độc thoại hé mở những tâm sự sâu kín một mình mình biết một mình mình hay và nỗi cô đơn thăm thẳm của người phụ nữ. Các chị mang tình yêu và hạnh phúc sưởi ấm lòng những người thương yêu. Nhưng còn bản thân các chị, có chăng trong nỗi buồn cô đơn, chính các chị lại là bạn

của lòng mình. Nghĩ cho cùng, giọng độc thoại của Dạ Ngân cũng là giọng tâm tình những mong chia sẻ, đồng cảm với bao tấm lòng bạn đọc.

Tóm lại, dù không có những cách tân táo bạo về mặt ngôn ngữ, giọng điệu nhưng “sự cẩn trọng và tinh tế trong câu chữ” đã giúp Dạ Ngân thành công trong việc “cày xới mặt trái của xã hội loài người và mảnh đất tâm linh của kiếp người” (Dạ Ngân). Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ đời thường gai góc, suồng sã với ngôn ngữ nghệ thuật tinh tế, giàu sức biểu cảm, vận dụng ngôn ngữ địa phương ở mức độ vừa phải mà vẫn đậm đà bản sắc văn hóa miệt vườn; sự phối hợp của nhiều giọng điệu: giọng trữ tình mượt mà với giọng hóm hỉnh, chua chát, giọng độc thoại.... là những nét đặc sắc của ngòi bút Dạ Ngân. Với thế mạnh này, chị vừa góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới ngôn ngữ văn chương, làm cho nó ngày càng linh hoạt, sinh động và giàu sức biểu cảm, đồng thời khẳng định tiếng nói riêng giữa dàn đồng ca nhiều âm điệu của đời sống văn chương đương đại.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện dạ ngân (LV00904) (Trang 78 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)