Ngôn ngữ chính xác, tinh tế, giàu sức gợi

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện dạ ngân (LV00904) (Trang 63 - 70)

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN CỦA DẠ NGÂN

3.1.1 Ngôn ngữ chính xác, tinh tế, giàu sức gợi

Mác nói: Ngôn ngữ là “cái vỏ vật chất của tư duy”, là kí hiệu của tư duy. Điều đó có nghĩa những suy nghĩ là những suy nghĩ, cảm xúc hay bất cứ một trạng thái tư tưởng, tình cảm nào của con người cho dù không nói ra cũng phải thông qua ngôn ngữ.

Lấy ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng nhân vật, nhằm để phản ánh cuộc sống, đồng thời thể hiện thái độ và quan điểm của con người về cuộc sống đó một cách cụ thể, văn học từ lâu đã được xem là “nghệ thuật ngôn từ”.

Trong tác phẩm văn học, ngôn từ không hề xa lạ với con người bởi nó chính là sự khúc xạ của ngôn ngữ đời sống thường ngày, ngôn ngữ toàn dân.

Đại thi hào Nguyễn Du nói giản dị mà thấm thía về bài học tiếp thu ngôn ngữ dân gian để sáng tạo văn chương:

Thôn ca sơ học tang ma ngữ

(Bài học đầu tiên từ tiếng hát của người trồng dâu trồng gai).

Tuy nhiên ngôn ngữ văn học là thứ ngôn ngữ đã được người nghệ sỹ tài hoa chọn lọc, sắp xếp và được cách điệu hóa theo ý muốn chủ quan tạo thành một thế giới ngôn từ riêng của người cầm bút. Màu sắc cá nhân vì vậy nhiều khi đã in đậm trong ngôn từ nghệ thuật của nhiều nhà văn, nhất là những nhà văn lớn của dân tộc như: Nguyễn Du, Nguyễn Tuân, Nam Cao....

Gắn liền với khát vọng được “nói thật” của các nhà văn sau 1975, ngôn ngữ văn chương đặc biệt là ngôn ngữ văn xuôi đã có những thay đổi mạnh mẽ, phù hợp với mạch cảm hứng bao trùm lúc này: cảm hứng thế sự, đời tư.

Thay cho ngôn ngữ nhiều trang thơ trang trọng và được mĩ lệ hóa ở giai đoạn trước (sự phù hợp với cảm hứng sử thi bao trùm), ngôn ngữ văn xuôi giờ đây

“bắt đầu bớt đi vẻ trang trọng, ít du dương, ít rào đón mà gần gũi với đời thường, chân thật trong giọng điệu, thô nhám trong từ ngữ” [48]. Dẫu không gây cho người đọc những cú xốc về mặt ngôn ngữ như: Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Diệp Mai...

nhưng nhà văn Dạ Ngân bước đầu đã để lại những dấu ấn riêng khá rõ về ngôn ngữ biểu đạt trong những đứa con tinh thần của mình.

Đọc truyện ngắn và tiểu thuyết của Dạ Ngân, nhiều khi độc giả phải ngạc nhiên thú vị vì tính chính xác của ngôn từ biểu đạt. Ngày của một đời có lẽ là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong văn nghiệp của Dạ Ngân. Nhưng người đọc đã có thể nhận ra ở đó “sự cẩn trọng và tinh tế trong câu chữ” của nhà văn. Chân dung của người chăn vịt trên cánh đồng miền Tây mênh mông sông nước hiện lên thật sống động, chân thực qua những cụm từ ngắn gọn mà súc tích, thiết nghĩ khó có thể thay thế bằng những từ ngữ khác chính xác hơn:

“tấm thân gầy xác đen nhẻm”, “bộ mặt cóc kèn vì nắng gió”, “chiếc nón lá te tua trên đầu”, “cây sào trúc trên ngọn buộc tấm rẻ rách”... Có lẽ khi lựa chọn thứ ngôn từ bình dân mà giàu khả năng gợi hình này, tác giả đã gửi vào đó cả cái gánh nặng cơm áo, nỗi vất vả nhọc nhằn “khổ sai” của những người dân quanh năm chân đất. Họ chính là những người làm thuê “làm mướn cho các chủ vịt là những gia đình khá giả ở quê tôi” nhưng họ cũng là “nhân vật chính” có thể bắt gặp ở bất kỳ vùng quê nắng gió nào. Họ mang nỗi cô đơn thăm thẳm như cánh đồng làng bao đời lặng lẽ giữa đất này. Sự góp mặt của những thành ngữ “cơm nắm nước kinh” “màn trời chiếu đất”, cùng các từ láy

“âm thầm”, “trống trơ”, “côi cút”... không chỉ diễn tả cuộc sống vật chất đơn sơ, nghèo khổ như một cái nghiệp mà dường như còn chạm được cả vào những tâm tư không lời nặng trĩu ẩn sâu bên trong cái bề ngoài lặng lẽ của nhũng con người đồng ruộng. Không từng sống gần gũi thân thiết và không có sự hiểu biết, đồng cảm sâu xa, chân thực thì sẽ không thể viết đúng và hay về những người dân quê như vậy được.

Việc vận dụng ngôn từ chính xác, lột tả chân tướng của con người, của sự vật, sự việc vừa chứng tỏ sự quan sát tinh tường, sắc sảo vừa thể hiện khả năng huy động vốn từ nhanh nhạy và hết sức linh hoạt của Dạ Ngân. Bởi vì, suy cho cùng “việc sáng tạo ngôn ngữ văn học không bao giờ bắt đầu từ bản thân ngôn ngữ, mà bắt đầu từ ý đồ phản ánh đời sống”

[83,154].Đó là khi nhà văn miêu tả bộ dạng Hai Quyền đến dò xét và giương bẫy hại đồng nghiệp, là dáng dấp vợ Hai Quyền khi bà ta đến xin xỏ Phó Giám đốc nông trường Sáu Điền cũng như khi bà ta vênh váo, kín kín, hở hở khoe khoang cơ ngơi điền sản với má của Chung... Đó là thái độ hống hách của cán bộ thuế với người dân sống cùng đồng ruộng mà không sống nổi với đồng ruộng, là câu nói trắng trợn về “cái lương tâm” của anh chàng chăn heo lâm trường: “Lương tâm sao bằng lương thực” (Ngày của một đời). Độc giả cũng nhớ tiếng nhai “lách nhách” vô tổ chức của mụ bưu vụ trong giờ làm việc, lối phát âm lệch chuẩn “nà và nàm” của người bán vé ở bến xe, lối “gạ gẫm” vừa trơ trẽn, vừa bẩn thỉu của gã nhân viên nhà tàu (Gia đình bé mọn)...

Kể sao hết những cảnh đời trái tai gai mắt cứ lần lượt hiện lên dưới ngòi bút khi lạnh lùng khi tỉnh táo, lúc châm biếm sâu cay nhưng đều thâm trầm, chính xác của nhà văn. Chất thế sự đậm đà ở đây không chỉ bộc lộ ở nội dung cảm hứng mà còn hiện ra ngay ở lớp vỏ ngôn từ nghệ thuật. Không văn hoa, không cầu kỳ rườm rà, tác giả cứ để cho ngôn ngữ đời thường của cuộc sống ùa vào tác phẩm như chính bản thân cuộc sống nhiều xáo động trong thời hậu chiến.

Cái xấu, cái ác như không kịp lẩn mình trước con mắt tinh đời và ngòi bút sắc bén, nhạy cảm, chính xác của Dạ Ngân..

Nhìn rộng ra có thể thấy cùng với sự vận động tích cực của tư duy văn học, ngôn ngữ văn xuôi sau 1975 đã có những biến đổi sâu sắc và rộng rãi trên con đường tự làm mới mình. Độc giả đã được biết đến một “lối nói “cộc lốc” sắc bén và hàm súc, câu văn ngắn gọn, dồn dập, hạn chế tối đa các liên từ...nén một năng lượng bùng nổ dữ dội và trước hết làm rung chuyển lối văn mực thước, trang trọng hoặc rào đón đưa đẩy, ngòi bút tác giả này như không hề biết đến những gửi thưa kiểu cách, những nghi thức nhiều khi rất khách sáo, mặc nhiên khẳng định tư thế bình đẳng dân chủ giữa con người với con người của Nguyễn Huy Thiệp” [48, 112]. Có người cho tác giả của những truyện ngắn Tướng về hưu, Chảy đi sông ơi, Chút thoáng Xuân Hương, Vàng lửa... là thực sự cách tân ngôn ngữ truyện ngắn. Độc giả cũng đã từng biết đến một thứ ngôn ngữ bạo liệt, thể hiện cái xấu, cái ác bên cạnh thứ ngôn ngữ trong trẻo thể hiện cái thiện, cái đẹp trong sáng của Tạ Duy Anh. Bên cạnh hàng loạt nhưng từ “khủng khiếp”, “kinh khủng”, “kinh dị”, “kinh hãi”.... là vô số những từ ngữ “thông tục” gợi cảm giác khủng khiếp, kinh hãi với người đọc. Trông bệnh viện phụ sản mà người ta tưởng như một lò mổ với những cảnh và những từ ngữ, người ta gọi “trẻ em” là “một khối đỏ rực”, “một chiếc bọc lùng nhùng”, là “cục đá”, là “cái ách”.... “Đẻ” đồng nghĩa với “trút” con ra hay “tụt”, “sảo”, “xổ” ra.... Nhận xét về ngôn ngữ văn xuôi Tạ Duy Anh, có người đã cho rằng: “Nó không có sự êm đềm trôi chảy, không có cái sang trọng mà nhẹ nhàng, đủng đỉnh và hiện đại của Hồ Anh Thái, cái trau chuốt có phần điệu đà của Võ Thị Hảo, cái rèn rũa tỉ mỉ của Nguyễn Bình Phương hay cái mạnh bạo rất Tây của Phạm Thị Hoài... Một cách không ý thức, người đọc dễ lầm lẫn văn xuôi của Tạ Duy Anh với Nguyễn Huy Thiệp ở một số pha bạo dục, một số chuyện tha hóa đạo đức trong gia đình và xã hội, nhưng

thực ra không phải. Nếu xem Nguyễn Huy Thiệp và Tạ Duy Anh là hai nhà văn của hai thế hệ khác nhau thì người trước có cái sắc sảo, người sau bổ sung thêm phần lạ lẫm cho văn học...”

Trên thực tế với ngay cả những nhà văn được đánh giá cao trong việc góp phần đổi mới ngôn ngữ văn học nói chung và văn xuôi nói riêng thì cũng không ít những ý kiến trái ngược nhau. Người khen thì khen hết lời, mà kẻ chê thì lời lẽ cũng không nhẹ nhàng một chút nào. Âu cũng là một điều tất yếu trong trạng thái còn chưa hết cực đoan của quá trình đổi mới nền văn học.

Trong tình hình chung đó, ngôn ngữ văn xuôi của Dạ Ngân cũng như những sáng tác của chị không thuộc diện những hiện tượng lạ vụt đến, gây tranh luận ồn ào mà lặng lẽ, khiêm nhường kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Ngôn ngữ văn xuôi của Dạ Ngân đậm chất đời trong việc miêu tả con người, sự vật, sự việc. Chất khẩu ngữ - vốn được xem như là “máu của văn xuôi” cũng khá đậm đặc. Đây là một cảnh nhỏ trong bức tranh đòi được tác giả khắc họa bằng thứ ngôn ngữ hàng ngày đó: “Vòi nước gần trưa khá vắng, một phụ nữ ngồi giặt, hai cái thau nhôm đúc xin xỉn, nặng nề, một gã đàn ông đứng tuổi trắng trẻo có một cái thau lớn tướng dưới vòi và gã đàn đang cấp tập múc từng gáo nước từ dưới thau đổ lên cái mình trần nhóc nhách với chiếc quần đùi mỏng tang. Gã đang nhìn lom lom vào những nịt những xì lều bều trong thau nước của người đang giặt. Giọng Thanh Hóa của người đàn bà the thé:

- Cái lão kia! Ngày nào cũng đứng tắm giờ này, còn thọc tay vào quần kỳ cọ trước mặt bàn dân thiên hạ, thối quá!

Lão thối quá cười đểu:

-Thế sao ngày nào cũng ra giặt giờ này?

- Đã biết vậy sao không gánh nước về tắm trong nhà cho vợ nó ngắm?

- Vợ nó đi làm, ra đây ngắm qua ngắm lại, chết ai nào?

- Đồ mặt dày!” [9, 171-172].

Một đoạn văn tuy ngắn nhưng sử dụng dày đặc những khẩu ngữ, từ thông tục đủ gợi lên cuộc sống nhếch nhác, bệ rạc, cả thói trơ trẽn đáng ghét của người đời.

Nhưng đời thường mà không thô. Ngôn ngữ văn xuôi Dạ Ngân còn là một thứ ngôn ngữ tinh tế và giàu sức gợi. Có lẽ nhà văn đã không rơi vào cực đoan khi biết dung hòa giữa cái suồng sã, thông tục của ngôn ngữ đời thường với cái tinh tế, biểu cảm của ngôn từ nghệ thuật. Khác với văn phong

“cộc lốc” của Nguyễn Huy Thiệp, văn phong của Dạ Ngân là thứ văn phong có nhiều định ngữ và vận dụng nhiều các biện pháp tu từ. Nếu giọng nói, tiếng cười của nhân vật Nguyễn Huy Thiệp thường không có âm sắc như:

“Ông nói”, “Mẹ tôi bảo”, “Tôi hỏi”, “Vợ tôi bảo”, “Cái Mi hỏi”, “Cha tôi bảo” (trong Tướng về hưu) thì giọng nói, tiếng cười của nhân vật Dạ Ngân bao giờ cũng được cụ thể hóa và mang sắc thái biểu cảm rõ rệt: “Bà mẹ đứng dậy sau lưng Đính, giọng nhon đi”, “Bà mẹ cao giọng” [9, 163]. “Giọng Thanh Hóa của người đàn bà the thé”[9, 171] “Sếp cười cay đắng” “Tiệp cười buồn” “Sếp cười lớn lên, lục cục như một thứ gì đang sôi trào mà vẫn bị nghẽn lại...” [9, 179], “Bà khách cười hanh hách lên” “Ông cười giả lả...” [2.

92-93] “Tiếng bác Sáu Điều đẩy đưa” [2, 94], “Ông nói, giọng gay gắt” [2, 97] “Bà Hai ta vo vảnh nói” [2,173] “Giọng điệu mềm mỏng của bà chánh án” [7, 14] “Chồng của Đoan giục, giọng đắc thắng” [7, 21] “Cô thư ký bị kích động, vồ vập hỏi” [7, 23] “Tiếng Nhiêu khẽ nhưng thôi thúc” [7, 21].

Khi miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên hay tả tâm trạng của con người, ngôn từ Dạ Ngân cũng tràn đầy cảm xúc, cảm giác và hình tượng: “Một buổi chiều như mọi buổi chiều khô ráo trong mùa gặt. Cánh đồng bỗng hực vàng xối xả,

không trung lả tả tím lá rụng và chân trời sau ven lá dừa nước bên kia sông lựng đỏ như một mẻ than khổng lồ. Chung quanh bốc lên mà nồng ngái muôn thủa của rơm rạ, mặt đất se se mát rượi màu xanh của rau đắng đồng, rau bợ và vài thứ cỏ linh tinh khác mọc len lỏi giữa những hàng lúa. Kéo khăn rằn trùm đầu xuống cổ, nghe hơi lạnh mang tai chị biết nước sông đang rong bờ và lục bình đang nao nao đổ vào cái eo vịnh cong như sợi dây cung bên xóm”

[7, 41]. “Thi thoảng buổi tối, khi nàng quên ngày, quên lịch thì vầng trăng kia hiện lên, từ sông Hậu ngoài xa, ban đầu thập thò sau lá mận và rồi nó thoát ra, tròn đầy, ướt đẫm và thạch sanh như thời này còn chưa biết thế gian nhiều hay ít đau khổ” [9,197]. Độc giả còn bắt gặp nhiều hình ảnh so sánh đặc sắc, bất ngờ, đôi lúc có phần cầu kỳ, kiểu cách của Dạ Ngân. Nụ cười của người con gái đang yêu “run rẩy như một đóa quỳnh bừng nở” nụ cười “không giấu nổi cái hạnh phúc trinh nguyên, nụ cười thú nhận sự chuyển hóa từ cái nụ bỗng dưng thành cái bông đang nở ra kỳ kết”... [7, 42]. Hình ảnh cậu con trai trắng trẻo, thư sinh, yếu đuối trong “chiếc áo da rất đẹp... bảnh bao và thanh tân như một quả trứng hồng hồng trên ổ” [9, 230]. Xúc cảm khi được sống với những người mình yêu thương được hình dung bằng những cảm giác thật cụ thể:

“Nếu như thời sống với ba con, má được hưởng cái ngọt thơm của trái chín, thì với dượng con, má thấy có cái vị ngọt của trái khổ qua, nó ngọt thì mình chấp nhận nó, biết thưởng thức nó thì nó mới ngọt”. [2, 158]

Đọc truyện của Dạ Ngân, nhiều khi có cảm giác như đang thưởng thức một bài thơ giàu cảm xúc, giàu tính tượng hình giữa những trang văn nồng đượm hơi thở cuộc đời . Cảm giác đó của độc giả là do ngôn ngữ văn chương của tác giả gợi lên. Còn với nhà văn, có lẽ chính là cuộc đời đã định hướng cho chị trong việc lựa chọn ngôn từ biểu đạt. Đẹp và xấu, cái thiện và cái ác, ánh sáng và bóng tối... luôn là những đối cực tồn tại cùng nhau trong cuộc sống. Tiếng nói của người nghệ sỹ vì thế không thể chỉ là phê phán hay chỉ là

ca ngợi cuộc sống. Có khi đó chỉ là một lời gợi ý để độc giả suy nghĩ trên trang văn, cũng là trên những trang đời. Trong hành trình gian nan để hướng tới cái thiện, cái đẹp của cả người viết và người đọc, ngôn ngữ như một thứ xúc tác cực mạnh vào ý thức của mỗi người. Đọc tập truyện Con chó và vụ ly hôn, nhà văn Ngô Ngọc Bội đã khẳng định. “Vốn là một cây bút từng trải, dày dặn vốn sống, biết khai thác sự uyên thâm của văn chương bác học, biết chắt lọc từ cuộc sống thực của đồng bằng sông Cửu Long - một cuộc sống đa dạng, một vùng ngôn ngữ đa cảm và giàu hình tượng - văn của Dạ Ngân lắng đọng, vừa ấm áp, đôn hậu và dữ dằn cay đắng rất Nam Bộ để rồi hướng tới cái thiện”[51]. Nhận định đó hoàn toàn thống nhất với ý kiến của nhà văn Hoài Nam trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn khi ông cho rằng một lần nữa người ta lại thấy ở Dạ Ngân những phẩm chất làm nên thế mạnh ở ngòi bút của chị: “sự cẩn trọng và tinh tế trong câu chữ, khả năng kết hợp nhuần nhuyễn giữa “mỹ văn” và ngôn ngữ đời thường Nam Bộ, một cái nhìn cuộc đời - dù với sự phê phán nhưng vẫn luôn bằng ánh mắt đôn hậu”[78].

Rõ ràng, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ nghệ thuật, tính chính xác và độ tinh tế trong sức mạnh biểu đạt của ngôn ngữ văn xuôi Dạ Ngân là nhân tố quan trọng góp phần làm nên những thành công trong văn nghiệp của nhà văn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật truyện dạ ngân (LV00904) (Trang 63 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)