CHƯƠNG 3 MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN CỦA DẠ NGÂN
3.1.2 Ngôn ngữ mang đậm bản sắc “văn hóa miệt vườn”
Cần phải nói thêm một chút về việc vận dụng ngôn ngữ địa phương - góp phần làm nên cái gọi là “bản sắc văn hóa miệt vườn” trong sáng tác của Dạ Ngân. Nếu so với những sáng tác của Hồ Biểu Chánh hồi đầu thế kỉ 20, hay những tác phẩm giai đoạn sau này của Sơn Nam, ngôn ngữ truyện Dạ Ngân không còn nhiều những từ ngữ mang phong vị xưa cũ khá khó hiểu mà đã tươi mới hơn rất nhiều, tuy nhiên nó vẫn lưu giữ được cái thần thái của
ngôn ngữ miệt vườn. Điều này cũng dễ hiểu vì Dạ Ngân là một cây bút trẻ, ra đời và sáng tác khi ngôn ngữ Nam Bộ đã thoát xác khỏi giai đoạn hoài thai và thô mộc của cái gọi là “phương ngữ Nam Bộ” để “trưởng thành” hơn và bắt đầu có những đóng góp đáng kể vào kho tàng ngôn ngữ chung của Việt Nam.
Hơn nữa “Văn minh miệt vườn” trải qua hơn 300 năm phát triển và giao lưu với nhiều ngôn ngữ từ những nền văn hoá khác nhau đã tự điều chỉnh và sáng tạo từ trong lòng của nó những cái hay, cái mới, để một mặt làm giàu thêm vốn liếng cho mình, mặt khác gọt dũa những gì còn thô mộc và xù xì để nó ngày càng sáng rõ hơn, uyển chuyển hơn. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến sự giao lưu với văn hoá Trung Hoa, Chăm, Khơme từ hồi cha ông ta mới khẩn hoang khu vực này cho đến hồi đầu thế kỉ 19 khi có sự giao lưu với văn hoá phương Tây (cụ thể là Pháp), thể hiện qua hiện tượng nhiều từ ngữ và thậm chí là thành ngữ, tục ngữ, ca dao, điệu hát, câu hò, hay địa danh của người Việt xứ này có những từ dạng phiên âm hay nói trại ra từ tiếng Khơme, tiếng Tàu hay tiếng Pháp. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho ngôn ngữ Nam Bộ đa dạng về màu sắc văn hoá và ngữ điệu. Ngôn ngữ non trẻ này từ trong bản chất đã chứng tỏ được sự uyển chuyển và mềm mại để dung nạp nhiều yếu tố ngoại lai, làm mạnh mẽ thêm nội lực sẵn có của mình. Một vài đặc điểm khác của ngôn ngữ Nam Bộ mà nhiều nhà nghiên cứu hay đề cập đến là tính chất giàu hình ảnh, tính chất rút ngọn, tính hài hước… Thế nhưng, điều dễ nhận thấy nhất là ngôn ngữ Nam Bộ là một thứ ngôn ngữ đậm tính chất mộc mạc, giản dị, dân dã, thậm chí có khi thô kệch, quê mùa, bởi nó là sản phẩm của một vùng đất trẻ, chưa có bề dày văn hoá, với những con người phải vật lộn với cuộc mưu sinh là chính nên không có thời giờ dụng công gọt dũa lời ăn tiếng nói cho đến đầu đến đũa. Ăn nói đối với người Nam Bộ chỉ cốt sao cho dễ hiểu, ngắn gọn, đầy đủ thông tin chứ họ không chuộng sự vòng vo, réo rắt.
“Ăn to nói lớn” chính là nét nổi bật trong tính cách của người Nam Bộ có sự
ảnh hưởng quan trọng đến ngôn ngữ giao tiếp và ngôn ngữ văn chương của họ. Như chúng ta đã biết, tài năng và phong cách của nhà văn bộc lộ chủ yếu qua cách vận dụng từ vựng vào tác phẩm đúng chỗ, đúng mục đích, nếu lạm dụng màu mè thì tác phẩm sẽ trở nên khó hiểu đối với người đọc ở những vùng miền khác. Có thể nói sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ để sáng tác là một sự lựa chọn vừa ý thức vừa như một đòi hỏi tất yếu đối với Dạ Ngân. Thêm nữa, tình hình chung hiện nay là ngôn ngữ giữa các vùng miền có sự giao lưu rất mạnh mẽ, dẫn tới hiện tượng nhiều tác phẩm được tạo nên từ thứ ngôn ngữ
“hợp chủng quốc”, không rõ rệt về “phong vị ngôn ngữ”, nên sự lựa chọn
“đứng về một hướng” của Dạ Ngân là một hành động dũng cảm và táo bạo, đã thổi vào đời sống văn chương nước ta một luồng gió tuy quê mùa, đậm đặc hương vị phù sa, nhưng lại cũng rất mới lạ, làm hả lòng hả dạ cả những người đọc khó tính nhất. Căn cứ vào số lượng tác phẩm đã xuất bản cũng như những đóng góp đã được công nhận của chị, có thể rút ra nhận xét sở trường của Dạ Ngân là sáng tác bằng ngôn ngữ Nam Bộ, tiếp nối truyền thống có từ Hồ Biểu Chánh, đến Sơn Nam, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Ngọc Tư
…Đó là truyền thống viết văn như nói, không cầu kì, trau chuốt làm mất đi sự góc cạnh và sức sống tươi rói của chữ nghĩa. Đặc biệt ở Dạ Ngân, ngôn ngữ kể chuyện cũng như ngôn ngữ nhân vật đều mang đầy đủ những đặc trưng của ngôn ngữ Nam Bộ trên các phương diện như: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và cả phong cách diễn đạt, cũng như tìm được những lối diễn đạt sao cho đúng với ngôn ngữ giao tiếp của người Nam Bộ, theo chúng tôi, bên cạnh khả năng trời phú thì Dạ Ngân phải tìm tòi và nghiên cứu rất nhiều. Bởi thoạt nhìn thì văn phong Nam Bộ là một lối văn đơn giản, dễ hiểu, nhưng không hề có nghĩa là tùy tiện và dễ dãi. Viết như nói không dễ, không phải cứ ghi âm một cuộc nói chuyện là thành ngôn ngữ đối thoại mà nó đòi hỏi rất nhiều sự dụng công gọt dũa của chính người viết. Dạ Ngân quê gốc ở Cần Thơ, Hậu Giang -
mảnh đất miền Tây trù phú của Nam Bộ, nhưng nhà văn đã sống và viết nhiều ở đất Bắc, cụ thể là giữa Hà Nội nghìn năm văn vật. Tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa, nhiều thứ ngôn ngữ, nhiều hạng người, nhưng trước sau chị vẫn sáng tác bằng thứ “thổ âm” của mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Dẫu cách trở không gian nhưng “miệt vườn” không “xa lắm” trong cõi nhớ của chị. Vẫn còn đó tiếng nói quê hương trong giọng nói “đặc sệt” miền Nam của cô Ràng: “Mầy là con gái lớn của ba mầy mà ăn nói vậy hả?” Tao... tao khổ, má... mầy khổ là chiến... chiến tranh hay là do cái... cái nhà nầy làm khổ, hả? Vậy tao gả chồng cho mầy với con Minh là tao đày đọa tụi bây hả?” [8, 144]; trong những địa danh: Xóm Vịnh, thị trấn Điệp Vàng, Đồng Đưng, Sa Đéc, Cần Thơ... trong cách gọi tên các sự vật quanh mình như cái mùng, xe đò, tàu đò, nhang đèn, hủ tíu, trái mít, giạ gạo... Điều đáng nói là dù vẫn sáng tác bằng tiếng địa phương, nhưng Dạ Ngân không lạm dụng, gây khó hiểu cho người đọc. Với mức độ vừa phải, tiếng địa phương trong các tác phẩm của nữ nhà văn này hầu như không cần phải chú thích để hiểu thêm về những từ ngữ đó. Đó là thứ ngôn ngữ trong trẻo, đậm đà màu sắc Nam Bộ mà vẫn dễ đọc, dễ hiểu. Nó góp phần làm nên một gương mặt văn học riêng khó lẫn giữa rất nhiều gương mặt văn xuôi thời đổi mới khác.
3.2 Giọng điệu trong truyện của Dạ Ngân.
Với ý nghĩa “là một phạm trù thẩm mỹ”, giọng điệu “có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn”[61, 91]. “Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt. Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau” (Chế Lan Viên), văn học cũng có chung một giọng điệu - giọng khẳng định ngợi ca. Từ sau 1975, nhất là từ sau đổi mới (1986) “văn xuôi của một thời kỳ đầy biến động và phức tạp” này đã có sự đa dạng về giọng điệu. Bên cạnh giọng tự tin, tự hào có giọng hoài nghi, giọng chất vấn, đay đả. Giọng
điệu từng trải, lọc lõi, giọng giễu nhại cũng là những chất giọng nổi bật trong văn xuôi hiện nay. Điều đáng nói là sự đa dạng ấy không chỉ là đặc điểm của cả nền văn xuôi mà còn thể hiện ngay trong sáng tác của mỗi người cầm bút.
Nói đến giọng điệu trong tác phẩm Dạ Ngân, trước hết phải nói đến: Giọng trữ tình mượt mà, giọng hóm hỉnh, giọng chua chát.