Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Khái quát chung về huyện Hậu Lộc
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Hậu Lộc là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hoá, cách trung tâm Thành phố Thanh Hoá 25 km về phía Đông Bắc, trên vĩ tuyến từ 19056’23” đến 20004’10” độ Bắc và kinh tuyến từ 105054’45” đến 106004’30” độ Đông, có ranh giới như sau:
- Phía Bắc giáp với huyện Hà Trung và huyện Nga Sơn.
- Phía Nam giáp huyện Hoằng Hoá.
- Phía Đông giáp với biển Đông.
- Phía Tây giáp sông Mã (ranh giới với huyện Thiệu Hoá và huyện Hoằng Hoá).
Hậu Lộc được bao bọc bởi các sông: Phía Bắc là Sông Lèn, Phía Nam là sông Cầu Sài và sông Lạch Trường, Phía Đông giáp Biển Đông thuận lợi cho giao thông đường thuỷ và phát triển kinh tế tổng hợp.
Vị trí địa lý của Hậu Lộc có những thuận lợi như sau:
- Đường bộ:
Quốc lộ 1A với chiều dài 5,953 km. Điểm đầu là ranh giới giữa huyện Hậu Lộc và huyện Hà Trung thuộc địa phận xã Đồng Lộc; điểm cuối thuộc xã Triệu Lộc giáp ranh giữa huyện Hậu Lộc và huyện Hoằng Hoá; đi qua các xã Đồng Lộc, Đại Lộc và Triệu Lộc theo hướng Bắc Nam. Đây là tuyến giao thông quan trọng tạo thế mạnh để khu vực Phía Tây huyện Hậu Lộc trở thành khu đô thị công nghiệp.
Quốc lộ 10 với chiều dài 12,558 km. Điểm đầu giáp ranh giới giữa huyện Nga Sơn và huyện Hậu Lộc thuộc địa bàn xã Liên Lộc; điểm cuối
thuộc xã Thuần Lộc giáp ranh giữa huyện Hậu Lộc và huyện Hoằng Hoá;
chạy xuyên xuốt toàn huyện qua các xã Liên Lộc, Hoa Lộc, Thịnh Lộc, Thị trấn... đến hết xã Thuần Lộc. Đây cũng là tuyến giao thông quan trọng tạo điều kiện để huyện phát triển kinh tế toàn diện bền vững.
Đường tỉnh lộ: có một tuyến dọc theo đường Minh Lộc - Hưng Lộc - Đa Lộc với tổng chiều dài 27 km. Điểm đầu thuộc địa phận xã Hoa Lộc; điểm cuối kết thúc ở xã Đa Lộc. Nền đường hiện tại có chiều rộng từ 4-6 m, mặt đường rộng 3-3,5 m. Kết cấu mặt đường đất và mặt đường bán thâm nhập nhựa. Đến năm 2010, đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng.
Đường đường ven biển: Dự kiến 2011 hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, cải tạo, nâng cấp một số đoạn quan trọng có tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản, trong đó đoạn thuộc địa phận huyện Hậu Lộc (Đa Lộc - Hưng Lộc - Minh Lộc) nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.
Đường huyện: có 4 tuyến với tổng chiều dài 31,6238 km. Giai đoạn 2006-2010 tập chung đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh một số tuyến đường quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện, thiết thực phục vụ các khu công nghiệp, các làng nghề truyền thống và các vùng kinh tế nông - ngư nghiệp, nuôi trồng hải sản trọng điểm, các hoạt động phục vụ du lịch.
Đường giao thông nông thôn: bao gồm đường liên thôn, đường thôn xóm với tổng chiều dài 327,23 km. Giai đoạn 2006-2010 nhựa hoá đường giao thông trục xã 50%, kiên cố hoá đường thôn xóm đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn 60%.
Ngoài ra còn có các tuyến đi trùng với đê biển, gồm thuộc hệ thống đê trung ương do cục đê điều quản lý và hệ thống đê địa phương do huyện quản lý vừa có tác dụng phòng chống bão lụt vừa phục vụ cho nhu cầu giao thông vận tải.
- Hệ thống đường thủy:
Trên địa bàn huyện có 4 tuyến sông, kênh đi qua gồm:
Sông Lèn: đoạn đi qua Hậu Lộc từ ngã ba Bông đến Lạch Sung có tổng chiều dài 40 km.
Sông Cầu Sài: đoạn qua Hậu Lộc thôn Lam Thượng cắt qua quốc lộ 10 và kết thúc tại cuối xã Thuần Lộc; có chiều dài 4 km.
Sông Bút: đoạn qua Hậu Lộc có chiều dài 9 km bắt đầu từ thôn Bộ Đầu (xã Thuần Lộc) và kết thúc tại của Lạch Trường xã Hoa Lộc.
Ngoài ra còn có các tuyến kênh như: Kênh De dài 6,6 km; kênh Trà Giang gồm hai nhánh và có tổng chiều dài là 17 km.
Toàn bộ đặc điểm vị trí địa lý nêu trên trong bối cảnh phát triển dài hạn có tác động hết sức mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hậu Lộc xét trên các mặt:
- Tạo ra cơ hội và động lực quan trọng để phát triển trên cơ sở tận dụng mạng lưới kết cấu hạ tầng phát triển, sự hỗ trợ về đào tạo và chuyển giao công nghệ từ các thành phố lớn.
- Tạo thuận lợi trong việc tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn, đặc biệt là thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm, các sản phẩm công nghiệp…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, Hậu Lộc cũng phải đối mặt với thách thức lớn, đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ của các huyện khác có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, như: Hoằng Hoá, Bỉm Sơn, Nga Sơn, Hà Trung,…
Với những đặc điểm đó, để có thể hội nhập nhanh vào nền kinh tế trong vùng và cả nước, Hậu Lộc phải phát triển nhanh trên cơ sở phát huy cao độ những giá trị truyền thống và tiềm năng sẵn có của huyện cùng với sự nỗ lực cao của toàn thể cán bộ và nhân dân trong huyện.
3.1.1.2. Địa hình
Địa hình Hậu Lộc nghiêng dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam tạo thành hình lòng chảo, có thể chia địa hình Hậu Lộc thành 3 vùng.
a) Vùng đồi: Nằm phía Tây Bắc của huyện gồm các xã Châu Lộc, Triệu Lộc, Đại Lộc với diện tích 2.165,0 ha chiếm 15,2% diện tích tự nhiên toàn huyện. Đây là vùng đồi thoải, bên dưới là đất ruộng lúa nước bằng phẳng. Thuận lợi cho việc trồng lúa, chăn nuôi gia súc, trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả.
b) Vùng đồng gồm các xã: Đồng Lộc, Thành Lộc, Cầu Lộc, Tiến Lộc, Phong Lộc, Tuy Lộc, Lộc Tân, Lộc Sơn, Mỹ Lộc, Văn Lộc, Thuần Lộc, Thịnh Lộc, Xuân Lộc, Thị trấn với diện tích 6.578,09 ha chiếm 46,49% diện tích tự nhiên toàn huyện. Đây là vùng chuyên canh lúa của huyện. Địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai chủ yếu là phù sa có glây trung bình, thích hợp với cây lúa, cây vụ đông trên đất 2 lúa (cây ngô) và chăn nuôi.
c) Vùng ven biển gồm các xã: Liên Lộc, Quang Lộc, Hoa Lộc, Phú Lộc, Hòa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc, Ngư Lộc,... có diện tích 5.406,59 ha chiếm 38,29% diện tích tự nhiên toàn huyện đây là vùng đất được hình thành do quá trình bồi đắp của sông và biển từ xa xưa. Đây là vùng có địa hình tương đối bằng phẳng, thành phần có giới chủ yếu là cát pha, dễ thoát nước, thích hợp cho việc trồng cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu,... đây cũng là vùng có các cửa sông, cửa biển nên sẽ tập trung phát triển thủy hải sản của huyện.
Tóm lại, địa hình Hậu Lộc chia thành 3 tiểu vùng nhưng có 2 tiểu vùng rõ rệt đó là một số xã có đồi và còn lại hầu hết là đồng bằng ven biển tạo nên sự phát triển kinh tế toàn diện và đa dạng mang tính hàng hóa cao.
3.1.1.3. Khí hậu
Theo tài liệu của đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc miền Trung, trên địa hình Thanh Hóa thì Hậu Lộc nằm trong vùng khí hậu ven biển (tiểu vùng Ib) của tỉnh Thanh Hóa, có đặc trưng sau:
a) Nhiệt độ: Tổng nhiệt độ năm 86000C, biên độ 12-130C, biên độ ngày 5,5-60C.
- Nhiệt độ trung bình tháng 7 khoảng 29-29,50C, nhiệt độ cao tuyệt đối chưa quá 420C.
- Có 4 tháng (từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau) nhiệt độ trung bình nhỏ hơn 200C.
- Có 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 9) nhiệt độ trung bình lớn hơn 250C.
b) Mưa: Lượng mưa trung bình năm từ 1600-1900 mm. Vụ mùa chiếm 87-90% lượng mưa cả năm. Mùa mưa kéo dài từ đầu tháng 5 đến tháng 10 nhưng tập trung vào các tháng 6, 7, 8, 9. Lượng mưa phân bố ở các tháng không đều. Tháng 8 và tháng 9 có lượng mưa lớn nhất, mỗi tháng xấp xỉ 460mm, tháng 1 có lượng mưa ít nhất khoảng 18-22 mm.
- Có lúc mưa tập trung thường xảy ra úng lụt cục bộ, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
c) Độ ẩm không khí: Trung bình năm 85-86% các tháng có độ ẩm không khí cao nhất là tháng 2, 3 và tháng 4 xấp xỉ 90%.
d) Gió: Chịu ảnh hưởng của 2 hướng gió chính. Gió mùa Đông Bắc vào mùa Đông và gió Đông Nam vào mùa hè. Tốc độ gió mạnh, trung bình từ 1,8-2,2 m/s. Tốc độ gió mạnh nhất đo được trong bão lên tới trên 401 m/s. Trong gió mùa Đông Bắc là 25 m/s. Ngoài 2 hướng gió chính trên về mùa hè thỉnh thoảng còn xuất hiện các đợt gió Tây Nam khô nóng ảnh hưởng lớn đến một số xã vùng đồi và vùng đồng. Bão thường xuyên xuất hiện các tháng 8, 9, 10 kèm theo mưa lớn.
e) Ánh sáng: Tổng số giờ nắng trung bình 1736 giờ/năm. Số ngày nắng trong năm khoảng 275 ngày.
f) Sương muối - sương giá: Chỉ xuất hiện một số xã như Triệu Lộc, Châu Lộc, Đại Lộc.
g) Thiên tai: Luôn bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong huyện.
Tóm lại, các yếu tố khí hậu thời tiết phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng như: lúa, màu lương thực (ngô, khoai) cây công nghiệp (đậu, lạc), cây ăn quả (nhãn, vải). Thuận lợi cho việc thâm canh, tăng vụ nâng cao năng suất cây trồng để tăng giá trị thu nhập trên một số diện tích canh tác. Tuy nhiên các yếu tố khí hậu cũng gây ra những bất lợi. Ảnh hưởng trực tiếp của gió bão, triều dâng, mưa lớn gây úng lụt cục bộ hoặc những biến động bất thường khác của thời tiết như hạn hán, rét đậm kéo dài gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.