Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.4. Một số giải pháp chủ yếu nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ở huyện Hậu Lộc
3.4.1. Định hướng phát triển nông nghiệp và chính sách thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp của huyện Hậu Lộc đến năm 2020
3.4.1.1. Định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Hậu Lộc [27]
a) Quan điểm phát triển ngành nông - lâm nghiệp - thuỷ sản đến năm 2020
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá sẽ diễn ra nhanh. Diện tích đất nông nghiệp của huyện sẽ tiếp tục bị thu hẹp lại. Do đó, phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai
đoạn này cần phải:
- Phát huy tối đa các lợi thế so sánh của huyện như: có đường giao thông thuận lợi, có các vùng địa hình khác nhau, có diện tích cửa sông có thể nuôi trồng thuỷ sản,... để hình thành các vùng chuyên canh tập trung với quy mô thích hợp, phát triển mạnh các dịch vụ hỗ trợ, nhằm tạo khối lượng nông sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi và cây thực phẩm có giá trị kinh tế cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
- Chuyển đổi mạnh những vùng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng vật nuôi khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như chuyển sang trồng lúa - thả cá (rô phi,...) kết hợp nuôi thuỷ cầm (vịt, ngan...) hoặc nuôi thả cá thuần.
- Thay đổi cơ cấu đầu tư theo vùng, ưu tiên tạo điều kiện khuyến khích những tiểu vùng có lợi thế nhất đi trước một bước làm mẫu, làm động lực thúc đẩy các vùng khác phát triển, phát huy tối đa ưu thế về các điều kiện tự nhiên nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao.
- Từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trước mắt ứng dụng vào sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi và một số sản phẩm mũi nhọn (rau an toàn, chăn nuôi lợn, gia cầm, thuỷ sản...) gắn với việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm để tạo bước đột phá khẳng định thương hiệu thị trường trong tỉnh, trong nước và tham gia xuất khẩu.
- Tăng nhanh thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Đảm bảo an toàn lương thực, đồng thời chuyển mạnh sang an toàn dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cuộc sống để phát triển cộng đồng, tạo nguồn lao động có chất lượng cho các giai đoạn phát triển tiếp theo
b) Xu thế chuyển dịch và nâng cao chất lượng cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp - thuỷ sản của Hậu Lộc
Thứ nhất: Chuyển mạnh cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn
theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái với công nghệ cao và công nghệ sinh học. Huyện Hậu Lộc cần hình thành các vùng sản xuất lúa, rau, chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt hải sản… theo hướng phát triển có quy mô thích hợp và chất lượng cao, an toàn phục vụ cho các khu, cụm điểm công nghiệp, thị trấn, thị tứ và Thành phố Thanh Hoá, trên cơ sở đa dạng các loại hình sản xuất hộ gia đình, phát triển mạnh kinh tế hợp tác xã; mở rộng liên kết giữa các thành phần kinh tế. Chuyển đổi đất hiện đang canh tác lúa có hiệu quả thấp sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn như: nuôi trồng thuỷ sản, thuỷ sản kết hợp lúa, cây công nghiệp hàng năm, cây ăn quả... Các cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện là thuỷ sản, lúa chất lượng cao, rau an toàn, lợn siêu nạc, bò thịt, vịt siêu trứng và vịt thịt chất lượng cao.
Thứ hai: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt; phát triển ngành nghề nông thôn để chuyển một số lao động nông nghiệp sang các ngành sản xuất phi nông nghiệp.
Thứ ba: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi tập trung công nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường sống.
c) Mục tiêu phát triển nông - lâm nghiệp - thuỷ sản giai đoạn 2011-2020 - Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thuỷ sản bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 8,26%/năm. Trong nông nghiệp: ngành chăn nuôi sẽ có tốc độ tăng nhanh hơn.
- Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 1.628,46 tỷ đồng năm 2015 và trên 2.402,73 tỷ đồng năm 2020 (theo giá CĐ 94).
- Giá trị sản xuất bình quân trên ha đất canh tác đạt khoảng 55-60 triệu đồng vào năm 2020 (giá HH).
- Đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp lên
khoảng 55%/năm vào năm 2015 và 60%/năm năm 2020.
- Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2015 đạt trên 67 ngàn tấn, bình quân lương thực đạt 380 kg/người/năm trở lên; đến năm 2020 ổn định khoảng 65 ngàn tấn, bình quân lương thực đạt 355 kg/người/năm
- Bảo vệ tốt diện tích rừng đã có.
3.4.1.2. Phương hướng thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp a) Dự báo nhu cầu vốn cho mục tiêu phát triển nông nghiệp của huyện Hậu Lộc:
Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế của huyện với tốc độ cao như mục tiêu đặt ra (giai đoạn 2011-2015 là 14,34%/năm và giai đoạn 2016-2020 là 16,07%/năm), tổng mức đầu tư toàn xã hội của huyện Hậu Lộc trong giai đoạn 2011-2020 phải đạt khoảng 23.752,27 tỷ đồng (giá năm 2005). Đối với ngành nông nghiệp, để đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân 8,26% trong giai đoạn 2011-2020, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành đến năm 2020 khoảng 3.804,66 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng nhu cầu vốn đầu tư của huyện.
Như vậy, nhiệm vụ thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thu hút vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp nói riêng trên địa bàn Hậu Lộc còn rất nặng nề, đòi hỏi Huyện ủy và UBND huyện Hậu Lộc phải có những giải pháp đồng bộ để thu hút mọi nguồn vốn có thể, đồng thời có kế hoạch sử dụng tiết kiệm và hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của nền kinh tế.
Bảng 3.8: Dự báo nhu cầu vốn đầu tư phân theo ngành
Chỉ tiêu 2011 - 2015 2016 - 2020
Tỷ VNĐ Tr. USD Tỷ VNĐ Tr. USD Giá Cố định 94
Tổng số 4.013,35 250,83 8.512,20 532,01
Nông lâm, thuỷ sản 871,75 54,48 1.161,32 72,58 Công nghiệp và XD 1.605,80 100,36 4.367,51 272,97
Dịch vụ 1.535,79 95,99 2.983,37 186,46
Giá năm 2005
Tổng số 6.983,23 436,45 16.769,04 1.048,06 Nông lâm, thuỷ sản 1.516,85 94,80 2.287,81 142,99 Công nghiệp và XD 2.794,09 174,63 8.604,00 537,75
Dịch vụ 2.672,28 167,02 5.877,23 367,33
(Nguồn: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Hậu Lộc đến năm 2020)
b) Định hướng thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ở huyện Hậu Lộc [27]
Để đảm bảo vốn cho ngành nông nghiệp phát triển theo định hướng trên, việc thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ở Hậu Lộc trong thời gian tới cần quán triệt những quan điểm cơ bản sau:
Một là, kết hợp chặt chẽ giữa việc khai thác tối đa các nguồn vốn trong nước với việc tăng cường thu hút nguồn vốn nước ngoài cho phát triển nông nghiệp, trong đó vốn trong nước giữ vai trò quyết định, vốn nước ngoài giữ vai trò quan trọng.
Muốn phát triển nông nghiệp một cách bền vững phải dựa vào nguồn vốn trong dân, khai thác triệt để tiềm năng vốn có trong dân - nhất là 80%
nguồn vốn tiết kiệm của dân tại các ngân hàng. Coi trọng và khơi dậy sức mạnh của vốn đang tiềm ẩn trong dân cư và các doanh nghiệp, coi đó là kho tài nguyên quý hiếm phải được khai thác và sử dụng có hiệu quả trong quá
trình phát triển của huyện. Vai trò quyết định của vốn trong nước được thể hiện ở việc hạn chế những tiêu cực phát sinh về kinh tế, xã hội do đầu tư nước ngoài mang lại, tạo ra các điều kiện cần thiết để hấp thụ và khai thác có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Hai là, thu hút vốn phải kết hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống công cụ tài chính, tiền tệ và các công cụ khác.
Muốn thu hút vốn tối đa và có hiệu quả đòi hỏi phải phát huy đầy đủ các lợi thế của huyện, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ nền kinh tế.
Vấn đề hết sức quan trọng là phải phối hợp và phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống các công cụ quản lý kinh tế, trong đó sự phối hợp có hiệu quả các công cụ tài chính, tiền tệ, tín dụng đóng vai trò quyết định.
Việc phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống các công cụ tài chính, tiền tệ, tín dụng đòi hỏi phải xem xét toàn diện và giải quyết hài hòa, linh hoạt mối quan hệ giữa các chính sách như: Chính sách thuế, chính sách chi tiêu của Nhà nước, chính sách lãi suất, chính sách đất đai,...
Ba là, việc khai thác và sử dụng vốn phải quán triệt quan điểm tiết kiệm, hiệu quả, gắn liền với việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.
Cơ chế định hướng thu hút vốn đầu tư phát triển nụng nghiệp của Hậu Lộc như sau: Ngân sách nhà nước cấp 100% vốn đầu tư cho các cơ sở sản xuất cây, con giống; công trình thủy lợi, đê điều, giao thông; khuyến nông.
Huy động người dân đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp bỏ vốn hoặc vay vốn đầu tư, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần cho phát triển các cơ sở chế biến nông sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản...
3.4.2. Các giải pháp chủ yếu thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ở huyện Hậu Lộc
3.4.2.1. Hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp của huyện
Quy hoạch là công cụ định hướng phát triển không gian của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Chất lượng quy hoạch và kỷ luật thực thi quy hoạch ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của hoạt động đầu tư. Nhà nước sử dụng nhiều loại quy hoạch để định hướng đầu tư, trong đó có quy hoạch phát triển nông, lâm và thủy sản. Để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, giải pháp hữu hiệu trong những năm tới là:
- UBND huyện Hậu Lộc khẩn trương tổ chức chức lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020, Quy hoạch phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch hệ thống thủy lợi, đê điều đến năm 2020 để làm căn cứ cho quá trình, lập, thẩm tra, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án đầu tư.
- Với việc nước ta trở thành thành viên WTO, hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp Việt Nam sẽ có thị trường rộng lớn hơn, ngành nông nghiệp có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, do thực hiện cam kết dỡ bỏ hàng rào bảo hộ, thực hiện chế độ đãi ngộ tối huệ quốc và đối xử quốc gia nên chỉ có những mặt hàng thực sự có khả năng cạnh tranh mới có khả năng tồn tại và phát triển. Do vậy, UBND huyện cần giao nhiệm vụ cho phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hậu Lộc tiến hành điều tra, xác định lợi thế so sánh, trên cơ sở đó lựa chọn, xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất từng loại cây trồng, vật nuôi, lập các dự án đầu tư cho các vùng sản xuất cây, con hàng hóa trên địa bàn các xã, Thị trấn, các sản phẩm chủ yếu trong ngành nông nghiệp.
- Các cấp các ngành trong huyện tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, thực hiện công bố công khai quy hoạch để các thành phần kinh tế, nhân dân biết và thực hiện theo quy hoạch, tạo điều kiện để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai các dự án đầu phát triển nông nghiệp.
- Trong những năm sắp tới, cần khẩn trương xây dựng Chiến lược của Hậu Lộc về thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển làm cơ sở để xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực trong đó có nông nghiệp.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch. Một mặt, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đối với đội ngũ hiện có, mặt khác, mời các tổ chức tư vấn giỏi cùng tham gia thực hiện công tác quy hoạch.
3.4.2.2. Xây dựng và hoàn thiện các chính sách thu hút, sử dụng vốn đầu tư phát triển nông nghiệp
Chính sách tài chính - tín dụng:
Mục tiêu của chính sách tài chính - tín dụng đối với nông nghiệp Hậu Lộc là nhằm phát huy tối đa tiềm năng sức lao động, đất đai, vốn và các nguồn lực khác để tạo ra sự chuyển dịch lớn về cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Hậu Lộc cần phải thực hiện các giải pháp sau:
- Động viên, thu hút rộng rãi các nguồn vốn trong xã hội nhằm tăng đầu tư. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa bằng cách áp dụng cơ chế tài chính phù hợp đối với các đơn vị sự nghiệp.
- Thực hiện chính sách tài chính khuyến khích phát triển lĩnh vực chủ lực, sản phẩm chủ yếu trong nông nghiệp, làm “đầu tầu” tăng trưởng nông nghiệp trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng vùng.
- Công khai hóa các bước tiếp nhận, xử lý thủ tục đầu tư ở các cấp, công khai hóa nguồn vốn đầu tư và kế hoạch đầu tư, phân cấp quyết định vốn đầu tư, tránh tình trạng “ban - cho” trong đầu tư.
- Cần tăng cường mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng và người dân, cán bộ của các tổ chức tín dụng cần gần dân, sâu sát thực tiễn hơn. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc phối hợp với các ngân hàng quản lý tốt tiền vay và thu hồi công nợ.
- Tăng mức cho vay, thời hạn cho vay, giảm lãi suất cho vay phù hợp với quy luật sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, ưu tiên lĩnh vực đầu tư trong nông nghiệp như: chương trình chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; chương trình phát triển hạ tầng và kinh tế nông thôn.
- Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh... mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Hậu Lộc, để có một hệ thống đa dạng các loại hình ngân hàng với các dịch vụ, tiện ích ngân hàng ngày càng hiện đại, phục vụ cho nhu cầu của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn.
Chính sách đất đai và giải phóng mặt bằng
Huyện đảm bảo mặt bằng cần thiết, hợp lý phục vụ sản xuất kinh - doanh nông nghiệp cho các nhà đầu tư theo phương thức cho thuê hoặc chuyển quyền sử dụng đất.
- Huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc giải phóng mặt bằng, ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng đối với các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Các dự án đầu tư vào địa bàn huyện đều được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản.
- UBND huyện cần giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển
khai dự án. Kiên quyết cưỡng chế thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp đã được quyết định và đã theo đúng quy định của Nhà nước nhưng vẫn cố tình không chấp hành để hỗ trợ cho việc đầu tư.
- UBND huyện giao nhiệm vụ cho phòng Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu và trình UBND huyện phê duyệt phương thức thanh toán tiền thuê đất, tiền đặt cọc dự án đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp. Một mặt, quy định giá thuê đất ở mức hợp lý để giảm chi phí đầu vào của nhà đầu tư, mặt khác nhà đầu tư cũng phải trả trước tiền thuê đất để huyện lo đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng đến chân bờ rào dự án, đồng thời, phải chấp nhận đóng một khoản tiền đặt cọc nhất định tùy theo quy mô dự án. Nếu không triển khai đúng tiến độ cam kết thì nhà đầu tư bị mất khoản tiền này. Đây là biện pháp hữu hiệu để tránh tình trạng đang xảy ra khá phổ biến là nhiều nhà đầu tư năng lực tài chính yếu nhưng chiếm đất dự án, chờ đợi chuyển lại cho đối tác khác, làm cho Nhà nước mất nhiều thời gian để thu hồi lại giấy phép đầu tư đã cấp.
- UBND huyện có biện pháp thực hiện triệt để việc thu hồi đất đã được giao hay cho tổ chức thuê đang để hoang hóa, không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế:
Kinh nghiệm thực tiễn ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới cho thấy, nơi nào có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tốt thì nơi đó có sức hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư. Ngược lại, nơi đâu dù có chính sách hấp dẫn nhưng kết cấu hạ tầng thấp kém vẫn khó có thể lôi kéo được nhà đầu tư. Vì vậy, phải coi xây dựng kết cấu hạ tầng như là điều kiện kiên quyết, bắt buộc không chỉ đối với đòi hỏi trước mắt và cả lâu dài, không chỉ tạo tiền đề cho thu hút đầu tư mà cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng.