Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.3. Thực trạng thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ở huyện Hậu Lộc
3.3.2. Thực trạng thực hiện các biện pháp thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp
3.3.2.1. Về chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp
Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của huyện, vì thế chỉ có phát triển nông nghiệp mới đảm bảo sự ổn định để phát triển toàn diện. Từ những quan điểm phát triển trên, căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm qua, huyện Hậu Lộc đã tiến hành xây dựng và phê duyệt (điều chỉnh) nhiều quy hoạch chuyên ngành trong nông nghiệp, như:Quy hoạch phát triển nông nghiệp (gồm trồng trọt và chăn nuôi), quy hoạch phát triển lâm nghiệp, quy hoạch nuôi trồng thủy sản và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu đến năm 2010, định hướng đến năm 2015.
- Về trồng trọt: chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng mùa vụ; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh công tác khuyến nông - khuyến lâm; tích cực ứng dụng các tiến bộ về sinh học, về giống; tăng hệ số sử dụng đất nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng các mặt hàng nông sản.
- Về chăn nuôi: Với chủ trương đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, Hậu Lộc đó thực hiện chương trình sind hoá đàn bò; nuôi lợn hướng nạc, lợn ngoại theo quy trình công nghiệp để xuất khẩu. Hướng phát triển của huyện là thực hiện đề án nuôi lợn, gà theo quy trình công nghiệp bằng cách mở rộng liên doanh, liên kết, vận động nhân dân cùng góp vốn xây dựng các tổ hợp, các khu trang trại, từng bước tạo thành vùng sản xuất tập trung, tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm.
- Về thủy sản: đầu tư phát triển thủy sản theo hướng khai thác các sản phẩm có giá trị xuất khẩu, mở rộng diện tích nuôi trồng hải sản, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ và chế biến. Chỉ đạo xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp Đa Lộc, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng hải sản.
- Về lâm nghiệp: Hậu Lộc xây dựng quy hoạch trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng cây chắn sóng và lấn biển đến năm 2010. Định hướng cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả, hình thành thêm nhiều trang trại vườn rừng, phát triển mô hình kinh tế VAC.
Các dự án, quy hoạch trên đều đã xác định được những mục tiêu, đề xuất được những phương hướng phát triển nông nghiệp cho 5-10 năm tới; nội dung các quy hoạch đã đóng góp thiết thực vào các văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, vào việc xây dựng kế hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản 5 năm và hàng năm, làm căn cứ để các nhà đầu tư trong và ngoài huyện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Hậu Lộc.
Tuy nhiên, nhìn chung việc xây dựng và quản lý quy hoạch nông nghiệp vẫn còn hạn chế: Do mong muốn phát triển nhanh để tránh tụt hậu nên dự báo về mục tiêu của các quy hoạch trong nông, lâm, ngư nghiệp còn mang nhiều tính chủ quan và chưa được cân nhắc đầy đủ các điều kiện đảm bảo, do đó nhiều mục tiêu đề ra quá cao khó thực hiện, đặc biệt là quy hoạch nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm trên cát đến năm 2010; Quy trình xây dựng quy hoạch thiếu tính hệ thống, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trung ương và địa phương; chậm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; quản lý quy hoạch chưa tốt; lực lượng cán bộ làm công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của các dự án quy hoạch.
3.3.2.2. Về các cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp
Trong những năm vừa qua, cùng với việc thực thi các chính sách của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nông dân.
Chính sách tài chính - tín dụng
Chính sách miễn giảm thuế những năm đầu hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu bò trên địa bàn; chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các dự án trồng lúa kết hợp với nuôi cá; chính sách sản xuất giống lúa lai, giống thủy sản; chính sách hỗ trợ khuyến nông viên, khuyến ngư viên cơ sở... các chính sách này đã cải thiện đáng kể môi trường đầu tư của huyện, tạo điều kiện phát huy, khơi dậy nguồn nội lực to lớn trong nhân dân và thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong, ngoài huyện đầu tư phát triển nông nghiệp.
Trong lĩnh vực tín dụng, đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại lớn mở chi nhánh, văn phòng giao dịch tại Hậu Lộc, nhằm mục đích đa dạng hóa thành phần kinh tế trong ngành ngân hàng, thu hút thêm nhiều nguồn vốn tín dụng vào Hậu Lộc, tăng thêm sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng để các tổ chức và người dân được hưởng lợi nhiều từ các dịch vụ ngân hàng. Các ngân hàng đã mở rộng và triển khai các hình thức huy động mới như: phát hành giấy tờ có giá trị dưới dạng kỳ phiếu, huy động tiết kiệm tích lũy, tiết kiệm bậc thang, tiết kiệm gửi góp, tiết kiệm dự thưởng... với các mức lãi suất hấp dẫn, linh hoạt; đồng thời, tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động, sử dụng các công cụ khuyến mại, tặng quà... nhằm khuyến khích người dân gửi tiết kiệm. Do vậy, nguồn vốn huy động trên địa bàn những năm qua không ngừng tăng trưởng, theo đó đã huy động lượng vốn tín dụng đáng kể cho đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách tín dụng phát triển kinh tế nông nghiệp mà nhiều hộ nông dân trong huyện đó có vốn đầu tư sản xuất. Đến nay, nhiều hộ nông dân trong huyện đã có điều kiện đầu tư vào các trang trại có quy mô lớn, nhiều ngành nghề mới trong nông nghiệp được hình thành và phát triển. Bên cạnh đó, các Quỹ tín dụng ưu đãi như: quỹ hỗ trợ nông dân và người nghèo phát triển sản xuất; quỹ khuyến nông, ngân hàng chính sách xã hội... đang có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Hậu Lộc.
Tuy nhiên, chính sách tài chính thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp còn tản mạn, chưa có hệ thống, một số chính sách chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Tổng vốn huy động cho phát triển nông nghiệp còn thấp nhiều so với kế hoạch. Hệ thống chính sách, pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới triệt để, toàn diện ngành ngân hàng và hội nhập kinh tế quốc tế. Sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của hệ
thống ngân hàng còn yếu. Quy mô hoạt động và năng lực tài chính còn nhỏ bé so với yêu cầu phát triển kinh tế. Chủng loại và chất lượng dịch vụ ngân hàng còn đơn điệu, nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. Phần lớn người nông dân còn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin để vay vốn phát triển sản xuất. Trong hệ thống các ngân hàng tín dụng ở Hậu Lộc hiện nay, do tâm lý sợ thất thoát vốn, do các cơ chế hiện hành còn nhiều ràng buộc, nên các ngân hàng thường dè dặt, quá thận trọng trong quy trình cho nông dân vay vốn; điều kiện đảm bảo tiền vay lại ngặt nghèo, kéo dài;
mức cho vay thường quá thấp so với nhu cầu sản xuất, nhiều bà con cho rằng mức lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp là quá cao vì sinh lời trong nông nghiệp thường thấp hơn so với các lĩnh vực kinh tế khác. Do đó, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chưa có hướng tháo gỡ cụ thể.
Thủ tục xác định các đối tượng cho vay còn phức tạp... Do vậy, đang ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển nông nghiệp của huyện Hậu Lộc. Từ đó dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của Hậu Lộc bị thiếu vốn.
Chính sách về đất đai và giải phóng mặt bằng
Nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, huyện Hậu Lộc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai đối với các nhà đầu tư vào địa phương. Theo đó, các nhà đầu tư khi đầu tư vào Hậu Lộc sẽ được hưởng các ưu đãi như: Được huyện cam kết đảm bảo quy hoạch đủ diện tích đất phục vụ sản xuất - kinh doanh; được thuê đất với mức thấp nhất theo khung giá của Nhà nước quy định; huyện cam kết đảm bảo tiến độ trong việc tổ chức thực hiện đền bù, GPMB.
Công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án nông nghiệp nhìn chung được thực hiện nhanh, đúng pháp luật. Hầu hết các dự án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc tổ chức GPMB kịp thời, bàn giao đất cho các nhà đầu tư đúng tiến độ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều công trình, dự án thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp,...
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp còn hạn chế, do chưa có chính sách riêng khuyến khích đầu tư mạnh, như: miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án có tính kích cầu, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chính sách hỗ trợ tiền bồi thường GPMB đối với các dự án được miễn thuế đất. Việc cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại, đất nông nghiệp sau “dồn điền, đổi thửa” còn chậm. Công tác chỉ đạo tổ chức GPMB còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án.
Về chính sách phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp
Những năm qua, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách của TƯ, của tỉnh thông qua các Chương trình về phát triển hạ tầng thủy lợi, đê điều, hạ tầng lâm nghiệp, hạ tầng nuôi trồng thủy sản... Hậu Lộc đã ban hành và thực hiện một số chính sách có liên quan đến phát triển hạ tầng nông nghiệp như:
Chính sách về kiên cố hóa kênh mương; Chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình thủy lợi do cấp huyện quản lý; chính sách hỗ trợ phát triển trang trại tập trung; chính sách đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản, hạ tầng giống thủy sản... Vì vậy, kết cấu hạ tầng nông nghiệp được đầu tư xây dựng với tốc độ khá nhanh, hệ thống thủy lợi, hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư nâng cấp cải tạo, xây dựng mới như: kênh trạm bơm Châu Lộc; nước sạch Thị trấn, Ngư Lộc…
Trong thời gian qua, tuy kết cấu hạ tầng nông nghiệp đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhưng với địa bàn rộng và địa hình phức tạp, nguồn vốn đầu tư hạn chế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp chưa được đồng bộ, còn dàn trải và kéo dài; một số dự án Trung ương, của tỉnh đầu tư trên địa bàn do nhiều lý do còn triển khai chậm, không đảm bảo tiến độ... làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp.
Về chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực
Những năm qua Hậu Lộc đã ban hành nhiều chính sách riêng để thu hút và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp và nông thôn như: Chế độ ưu đãi đối với giảng viên có trình độ cao về giảng dạy ở trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề của huyện...
Chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được nâng lên: Số lao động qua đào tạo từ 26% năm 2005, lên 30,5% năm 2010, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Những năm gần đây, huyện Hậu Lộc đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động; Ngân sách nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng cho việc đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, tạo thêm những nghề mới, tăng thu nhập cho lao động.
Với việc khuyến khích người lao động nâng cao trình độ học vấn, huyện đã có chính sách hỗ trợ kinh phí học tập và bảo vệ luận văn tốt nghiệp cho các cán bộ học ở bậc sau đại học. Tính trong giai đoạn 2006-2010, huyện đã hỗ trợ 5 người học thạc sĩ trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.
Đồng thời hàng năm còn thu hút được nhiều sinh viên là con em của huyện về công tác tại các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và trạm, trại, phòng ban đơn vị trực thuộc. Do vậy, chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào ngành nông nghiệp được nâng lên.
Về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư
Cải cách thủ tục đầu tư là một trong những nội dung cải cách hành chính được Đảng và Nhà nước ta đang tổ chức thực hiện để nhanh chóng đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế thế giới.
Đi đôi với việc thực thi các chính sách khuyến khích đầu tư, Hậu Lộc đang đẩy mạnh cải tiến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư coi đây là khâu đột phá để tạo môi trường và tâm lý thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đến nay, huyện đã ban hành nhiều văn bản triển khai chỉ đạo, đôn đốc thực hiện cải cách hành chính.
Công tác Cải cách hành chính về thủ tục đầu tư ở các cấp, ngành trong thời gian qua đạt được một số kết quả bước đầu như: thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với cá nhân, tổ chức được giải quyết trong 15 ngày, rút ngắn 5 ngày so với quy định; thời gian xử lý hồ sơ xin cấp phép đầu tư không quá 15 ngày làm việc; thời gian cấp giấy đăng ký kinh doanh không quá 5 ngày...
Đến nay, tất cả các xã, thị trấn đã áp dụng cơ chế “một cửa”.
Cải cách hành chính thủ tục đầu tư tuy đã và đang được đẩy mạnh song chưa đạt kết quả mong muốn. Các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính chưa phối hợp, trao đổi thông tin một cách hiệu quả, doanh nghiệp không thể thực hiện nhiều thủ tục đồng thời với nhau mà phải thực hiện hết thủ tục này mới được làm thủ tục khác, do vậy phải chuẩn bị nhiều hồ sơ và phải cung cấp nhiều thông tin lặp lại cho các cơ quan; trình độ, kỹ năng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có nhiệm vụ, thẩm quyền tiếp nhận, xử lý hồ sơ chưa đáp ứng nhu cầu công việc; tác phong, lề lối làm việc, ý thức phục vụ, văn hóa giao tiếp, ứng xử chậm đổi mới.
3.3.2.3. Về xác định cơ cấu vốn đầu tư và lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn đầu tư
Cơ cấu vốn đầu tư cho nông nghiệp của huyện Hậu Lộc ngày càng có xu hướng hợp lý hơn, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Theo số liệu của phòng Thống kê Hậu Lộc, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp của huyện năm 2010 đạt 117.241 triệu đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2006.
Tuy nhiên, cơ cấu vốn đầu tư chưa thực sự hợp lý, tập trung chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi. Vốn đầu từ cho các công trình thủy lợi giai đoạn 2006- 2010 đạt 164.556 triệu đồng, chiếm gần 42% vốn đầu tư phát triển nông nghiệp.
Chưa chú trọng đầu tư cho sản xuất cây, con giống, chế biến nông sản để đổi mới theo hướng sản xuất hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Công tác tạo vốn cho phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được quan tâm đúng mức nên nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, huy động vốn trong dân còn hạn chế. Một bộ phận lớn nông dân chưa có cơ hội tiếp cận ngân hàng để vay vốn phát triển sản xuất.
3.3.2.4. Về gắn kết giữa thu hút và sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Hậu Lộc thời kỳ 2006-2010 thì nhu cầu vốn đầu tư phát triển nông nghiệp khoảng 650.000 triệu đồng. Đây là căn cứ quan trọng cho việc xây dựng và điều hành kế hoạch vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ở huyện Hậu Lộc. Tuy nhiên, vốn đầu tư phát triển nông nghiệp được thực hiện trong giai đoạn 2006-2010 là 392.124 triệu đồng, chỉ đạt 60,3% so với nhu cầu vốn theo quy hoạch.
Ngoài ra, kế hoạch đầu tư phát triển nông nghiệp hàng năm chỉ được lập cho phần vốn ngân sách nhà nước, chưa kế hoạch hóa một cách toàn diện và đầy đủ các nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ở địa phương. Hơn nữa, việc điều hành kế hoạch vốn chưa bám sát quy hoạch.