CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH ĐỊNH
2.3. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BÌNH ĐỊNH
2.3.4. Thực trạng hoạt động tài trợ rủi ro tín dụng
Tài trợ rủi ro tín dụng là khâu cuối cùng của quá trình quản trị rủi ro, có nhiệm vụ giải quyết hậu quả của rủi ro để giữ cho hoạt động kinh doanh được tiếp tục bình thường.
- Yêu cầu quản trị đối với hoạt động này là: Phải đảm bảo có nguồn tài trợ và phải thực hiện các biện pháp tài trợ kịp thời, hợp lý khi rủi ro xảy ra và có tổn thất. Trong đó, hoạt động thiết kế phương án tạo nguồn là phải được triển khai cụ thể ngay từ giai đoạn đánh giá rủi ro và kiểm soát rủi ro; hoạt động tài trợ chỉ được triển khai khi đã bắt đầu xuất hiện tổn thất (nguy cơ tổn thất), và đi kèm theo nó luôn phải là nhiệm vụ tận thu nợ. Và trong khâu quản trị này, nhiệm vụ thiết kế phương án tạo nguồn tài trợ là khâu then chốt rất quan trọng, làm cơ sở cho hoạt động bù đắp rủi ro.
* Tình hình trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại Chi nhánh:
Tại Agribank Bình Định, thời gian qua việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng vẫn được thực hiện đều đặn, tuy nhiên mức trích lập của từng năm là theo kế hoạch được Agribank giao từ đầu năm chứ không phải hoàn toàn căn cứ theo tình hình phân loại nợ. Tình hình trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và xử lý rủi ro tín dụng bằng quỹ dự phòng của Agribank Bình Định trong giai đoạn 2008-2011 được thể hiện bằng Bảng 2.6 như sau:
Bảng 2.6: Kết quả trích dự phòng rủi ro tín dụng và xử lý rủi ro từ quỹ dự phòng
ĐVT: triệu đồng
TT Chỉ tiêu Năm
2008
Năm 2009
Năm 2010
Năm 2011 1 Tổng DPRR phải trích 56.280 78.984 100.140 102.122 1.1 Dự phòng chung phải trích 19.936 24.571 28.736 28.388 1.2 Dự phòng cụ thể phải trích 36.344 54.413 71.404 73.735 2 Kế hoạch giao trích DPRR 19.600 12.000 13.650 9.500 3 Kết quả trích DPRR 19.600 12.000 13.650 9.500 4 Số nợ được xử lý bằng DPRR 22.682 39.102 37.857 35.858
(Nguồn: Tổng hợp các báo cáo kinh doanh hàng năm của Agribank Bình Định)
Thời gian qua dư nợ cho vay tại Chi nhánh tăng lên, kéo theo là nợ xấu cũng tăng lên qua các năm và nhu cầu trích dự phòng chung của Agribank Bình Định cũng phải tăng theo. Bên cạnh đó, do tỷ lệ nợ xấu còn ở mức cao nên yêu cầu về số dự phòng cụ thể phải trích cũng lớn. Dự phòng chung phải trích của năm 2008 là 19.936 triệu đồng, năm 2009 tăng lên đến 24.571 triệu đồng và năm 2011 là 28.388 triệu đồng. Dự phòng cụ thể phải trích của năm 2008 là 36.344 triệu đồng, năm 2009 là 54.413 triệu đồng, năm 2010 tiếp tục tăng lên đến 71.404 triệu đồng và năm 2011 số phải trích là 73.735 triệu đồng.
Tuy nhiên, căn cứ vào khả năng trích lập dự phòng của toàn hệ thống và căn cứ vào khả năng tài chính, năng lực tự trích lập dự phòng của các chi nhánh, hàng năm Agribank giao chỉ tiêu cho các Chi nhánh thực hiện trích lập dự phòng rủi ro ở mức độ vừa phải. Vì thế năm 2008 tổng dự phòng rủi ro phải trích tại Chi nhánh là 56.280 triệu đồng thì Chi nhánh chỉ phải trích 19.600 triệu đồng và năm 2011 tổng dự phòng rủi ro phải trích là 102.122
triệu đồng thì Agribank giao Chi nhánh trích là 9.500 triệu đồng và Chi nhánh trích đủ 9.500 triệu đồng như chỉ tiêu cấp trên giao. Vì thế số trích lập dự phòng rủi ro hàng năm tại Chi nhánh thấp hơn nhu cầu thực tế, vì nếu trích đủ như nhu cầu thực tế thì Chi nhánh không có đủ khả năng tài chính để trích và hoạt động kinh doanh sẽ lỗ nếu trích đủ như nhu cầu.
Nợ được xử lý bằng dự phòng rủi ro hàng năm như sau: năm 2008 Chi nhánh xử lý rủi ro với số tiền là 22.682 triệu đồng, năm 2009 là 39.102 triệu đồng, năm 2010 là 37.857 triệu đồng và năm 2011 là 35.858 triệu đồng. Hầu như qua các năm thì con số xử lý bằng dự phòng rủi ro đếu lớn hơn khả năng của Chi nhánh, vì thế giai đoạn vừa qua việc xử lý bù đắp rủi ro mất vốn của Agribank Bình Định hầu như phải dựa vào nguồn của hệ thống. Từ tình hình này đòi hỏi Chi nhánh phải có các biện pháp tăng cường năng lực tài chính, tăng cường khả năng tự bù đắp rủi ro bằng nguồn thu từ chính hoạt động tín dụng tại Chi nhánh để tạo nền móng đủ vững hỗ trợ cho hoạt động tín dụng trước những diễn biến không tốt và thất thường của chất lượng tín dụng.
Đồng thời, nó cũng đặt ra yêu cầu cần thiết phải tính đến các phương án vận dụng đa dạng, linh hoạt hơn các biện pháp, công cụ bù đắp rủi ro khác cho hoạt động tín dụng trong giai đoạn tiếp đến.
Tình hình nợ hạch toán ngoại bảng giai đoạn 2008-2011:
Nợ ngoại bảng là những khoản nợ cho vay không đòi được, đã xác định là mất vốn, và ngân hàng đã sử dụng quỹ dự phòng của mình để bù đắp.
Những khoản nợ này sau đó được đưa ra khỏi bảng cân đối tài sản, không tính vào giá trị tổng tài sản của ngân hàng, chúng được hạch toán theo dõi riêng để tiếp tục tận thu cho đến khi thu được hết, hoặc không còn khả năng thu nữa thì được xử lý xóa vĩnh viễn. Khi khoản nợ đã được xuất ra ngoại bảng thì chúng là khoản tổn thất của ngân hàng. Giảm nợ ngoại bảng hiểu theo cách rộng là: Không làm phát sinh tăng thêm và/hoặc thu hồi được nợ ngoại bảng
cũng chính là một nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động quản trị rủi ro tín dụng nói riêng và tăng năng lực tài chính cho ngân hàng nói chung.
Thực trạng tình hình nợ hạch toán ngoại bảng và thu hồi nợ ngoại bảng của Agribank Bình Định giai đoạn 2008-2011 được thể hiện ở Bảng 2.7:
Bảng 2.7: Tình hình nợ ngoại bảng và thu nợ ngoại bảng
ĐVT: triệu đồng
TT Chỉ tiêu Năm
2008
Năm 2009
Năm 2010
Năm 2011 1 Dư nợ HTNB 48.257 82.726 111.897 140.146 2 Thu nợ HTNB trong năm 4.633 8.686 7.609 10.511
2.1 Khách hàng tự trả nợ 463 189 287 358
2.2 Kích thích khách hàng trả nợ 1.274 2.357 1.579 2.763 2.3 Khách hàng bán tài sản trả nợ 2.165 2.763 3.675 3.561
2.4 Khởi kiện 731 3.377 2.068 3.829
(Nguồn: Tổng hợp các báo cáo kinh doanh hàng năm của Agribank Bình Định)
Từ bảng số liệu trên, ta có bảng tỷ lệ nợ ngoại bảng như sau:
Bảng 2.8: Tỷ lệ nợ ngoại bảng và tình hình tăng, giảm nợ ngoại bảng ĐVT: %
TT Chỉ tiêu Năm
2008
Năm 2009
Năm 2010
Năm
2011 1 Tỷ lệ nợ HTNB/tổng dư nợ bình
quân 1,94 2,75 3,11 3,64
2 Tỷ lệ tăng, giảm dư nợ HTNB 56,37 71,43 35,26 25,25 3 Mức độ thu nợ HTNB so dư nợ NB
cuối kỳ 9,60 10,50 6,80 7,50
Trong giai đoạn 2008-2011, nợ ngoại bảng tại Agribank Bình Định tăng cả số tuyệt đối và tương đối: năm 2008 dư nợ ngoại bảng là 48.257 triệu
đồng, chiếm tỷ lệ 1,94% dư nợ bình quân, năm 2009 nợ ngoại bảng tăng 71,43% so với năm 2008, dư nợ ngoại bảng của năm này là 82.726 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 2,75% tổng dư nợ bình quân, trong khi đó mức độ thu nợ ngoại bảng của năm 2009 chỉ là 10,5% nợ ngoại bảng cuối kỳ. Năm 2011 tỷ lệ nợ ngoại bảng/tổng dư nợ bình quân là 3,64%, dư nợ ngoại bảng là 140.146 triệu đồng và mức độ thu nợ ngoại bảng so dư nợ ngoại bảng cuối kỳ là 7,5%.
Với mức độ nợ ngoại bảng ngày càng tăng, nên yêu cầu đặt ra là phải đẩy mạnh thu nợ ngoại bảng song song với quá trình xử lý rủi ro, và đây cũng là một điều kiện phải được cam kết khi tiến hành xử lý nợ xấu. Nhưng thực tế thì trong thời gian qua hoạt động tận thu nợ ngoại bảng có kết quả không đáng kể. Với tốc độ thu như thế thì phải hơn 10 năm nữa mới thu hồi hết nợ đang còn trên ngoại bảng, đó là chưa kể nợ xấu hàng năm phải xử lý tiếp tục chuyển thêm ra ngoại bảng.
- Thực tế tình hình triển khai hoạt động tài trợ rủi ro tại Agribank Bình Định: Hoạt động tài trợ rủi ro tín dụng qua các năm chưa được triển khai hoàn chỉnh và đúng mức. Các hoạt động chính của tài trợ rủi ro tín dụng tại Chi nhánh là các nghiệp vụ tác nghiệp xử lý, bù đắp rủi ro, còn việc xây dựng phương án dự phòng, tạo nguồn cho rủi ro chưa được chú trọng, chủ yếu là trích lập dự phòng rủi ro hàng năm theo kế hoạch của Agribank Việt Nam giao. Hoạt động tài trợ rủi ro tín dụng tại Chi nhánh những năm vừa qua chỉ thực hiện theo hướng tự bù đắp một cách đơn giản, không sử dụng hết các công cụ, kỹ thuật vốn có của nó.
+ Quá trình tác nghiệp quản trị tín dụng: Chi nhánh không có phương án tài trợ, tạo nguồn tài trợ ngay từ đầu, khi phát sinh khoản tín dụng. Trong các báo cáo thẩm định không thể hiện điều này.
+ Các biện pháp, công cụ được sử dụng trong tài trợ rủi ro:
Biện pháp chuyển giao tài tài trợ rủi ro thì được thực hiện một cách thụ động, không linh hoạt, chủ yếu là bằng các hợp đồng bảo hiểm tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay.
Biện pháp trung hòa rủi ro thông qua các công cụ phái sinh thì chưa đi vào thực tiễn. Chính vì vậy toàn bộ nhiệm vụ tài trợ rủi ro tín dụng vẫn đang đè nặng lên biện pháp dự phòng rủi ro tín dụng.
Trong khi đó, với biện pháp tự bù đắp, mặc dù đang là biện pháp chính để tài trợ rủi ro tín dụng của đơn vị, nhưng nó lại đang yếu về khả năng do năng lực tự trích lập dự phòng hàng năm của Chi nhánh là không cao.
+ Đối với quá trình tác nghiệp xử lý rủi ro các khoản vay bằng quỹ dự phòng: Theo qui định, khi lập hồ sơ xử lý, Chi nhánh phải lập phương án tận thu đối với khoản nợ được xử lý một cách cụ thể và khả thi. Tuy nhiên, phần lớn các phương án này được lập một cách chung chung, các mốc thời gian và căn cứ để đảm bảo khả năng thu đều không chắc chắn, phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài. Nội dung thường có và lặp đi lặp lại tại các phương án thu nợ này là: Sẽ khởi kiện ra tòa để thu nợ, xúc tiến nhanh quá trình thi hành án để phát mãi tài sản thu nợ; hoặc: Tiếp tục bám sát con nợ, theo dõi nguồn thu để thu nợ… mà không có giải pháp hay chương trình cụ thể, chi tiết cho từng khoản nợ. Các thủ tục này được hoàn thành với tính hình thức là chính.
+ Đối với việc thu nợ ngoại bảng sau khi đã xử lý nợ bằng dự phòng rủi ro: Chưa được thực hiện quyết liệt và kém hiệu quả, vì chương trình thu nợ ngoại bảng không hữu hiệu. Việc theo dõi và thu nợ này không được chuyên biệt, tình hình cụ thể của từng món vay chưa được theo dõi sát sao, chưa thực sự được xem là công việc quan trọng trong quản trị; Chi nhánh chỉ quan tâm đến con số một năm phải thu bao nhiêu, còn lại làm thế nào để thu, khả năng thu của từng khoản nợ đến đâu thì hầu như khó xác định. Vì thế thời gian qua kết quả thu nợ ngoại bảng của Chi nhánh chưa cao.
- Với thực trạng hoạt động xử lý rủi ro tín dụng chủ yếu là dựa vào biện pháp dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi khả năng dự phòng và tự bù đắp của đơn vị là yếu, không theo kịp với yêu cầu, đã làm cho công tác xử lý rủi ro tín dụng trong thời gian qua diễn ra chậm, kết quả không cao, các khoản nợ xấu thuộc nhóm nghi ngờ mất vốn và mất vốn không được xử lý triệt để, làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Vì thế, yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Chi nhánh là phải xây dựng, tổ chức lại hoạt động tài trợ rủi ro tín dụng một cách bài bản – hoàn chỉnh và thực sự hiệu lực, đúng với vai trò và tầm quan trọng trong quá trình quản trị tín dụng, nhằm góp phần hướng đến hoạt động tín dụng hiệu quả và bền vững.