CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH ĐỊNH
2.4. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH ĐỊNH
2.4.1. Những thành công
Qua phân tích thực trạng hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại Agribank Bình Định giai đoạn 2008-2011 cho thấy: Thời gian qua, công tác quản trị rủi ro tín dụng tại Agribank Bình Định được chú ý hơn trước, thực hiện có tổ chức hơn và có những tiến bộ nhất định. Chi nhánh đã và đang kiên quyết thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và giảm nợ xấu, chú trọng chất lượng tín dụng hơn là tăng trưởng tín dụng nhanh nhưng chất lượng kém. Điều này được thể hiện qua các mặt:
- Về mô hình tổ chức được tổ chức lại, có những thay đổi tích cực so với trước theo hướng chuyên sâu, hướng đến quản trị rủi ro hiện đại. Lập phòng thẩm định nhằm thẩm định và tái thẩm định các món vay, nhằm đảm bảo các khoản vay lớn được xem xét khách quan hơn bởi một bộ phận không trực tiếp tiếp xúc khách hàng, hạn chế những rủi ro sử dụng vốn sai mục đích ngay từ đầu.
Việc đưa vào sử dụng chương trình xếp hạng tín dụng nội bộ đã giúp cho công tác đo lường rủi ro của khách hàng được thực hiện một cách nhanh chóng, thống nhất, chuẩn mực, mang tính khách quan hơn và chất lượng cũng cao hơn.
Hệ thống thông tin tín dụng đang từng bước hoàn thiện, góp phần tăng khả năng nắm bắt thông tin, sử dụng hiệu quả trong công tác thẩm định tín dụng.
Chi nhánh kiên quyết thực hiện các giải pháp để giảm nợ xấu, thực hiện kiểm soát tín dụng chặt chẽ, chú trọng đến chất lượng hơn là tăng trưởng tín dụng nhanh nhưng chất lượng kém. Thời gian qua, Chi nhánh luôn chú trọng lựa chọn khách hàng tốt, thu hẹp các khoản tín dụng đối với các khách hàng có nguy cơ gây rủi ro tín dụng. Do đó chất lượng tín dụng đang có dấu hiệu được cải thiện và nợ xấu giảm dần.
2.4.2. Những mặt hạn chế về công tác quản trị rủi ro
Bên cạnh những ưu điểm, những mặt tích cực như vừa nêu trên, thì hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại Agribank Bình Định giai đoạn qua cũng có những hạn chế, những điểm yếu cơ bản – những vấn đề làm cho quá trình quản trị rủi ro tín dụng tại đây chưa đạt được kết quả tốt, chưa hoàn thành sứ mệnh đảm bảo độ an toàn và hiệu quả kinh doanh tín dụng của Chi nhánh.
Những mặt hạn chế của Agribank Bình Định được xác định sau quá trình phân tích gồm:
- Tư duy về quản trị rủi ro tại Agribank Bình Định vẫn chưa thực sự đổi mới, vẫn còn mang nét đơn giản, cũ kỹ; quá trình điều hành tại Chi nhánh chưa được định hướng dài hạn và rõ ràng. Công tác quản trị rủi ro tín dụng tại Chi nhánh vẫn chưa được coi trọng hàng đầu, nhiều nội dung còn rất hình thức, nên rất bị động khi tình hình chung có sự thay đổi. Vì thế không thể kiểm soát được chất lượng tín dụng một cách chủ động và hiệu quả.
- Việc triển khai tổ chức thực hiện các nội dung của quản trị rủi ro còn thụ động, chưa đầy đủ, chưa theo một chương trình thống nhất, khoa học, vẫn còn làm theo lối mòn, nặng tính kinh nghiệm. Vì thế hoạt động quản trị rủi ro tín dụng chưa được coi trọng thật sự theo đúng chuẩn mực trong quá trình tác nghiệp tín dụng. Khi thực hiện chức năng quản trị, những người làm công tác quản trị không nắm bắt hết tinh thần và yêu cầu của các nội dung quản trị rủi ro, nên đã không triển khai được đầy đủ và đúng cách các nội dung cũng như các công cụ quản trị để đưa hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại Chi nhánh sát với tình hình thực tế hơn, mà phần nhiều là xử lý bằng kinh nghiệm cá nhân.
- Các hoạt động hỗ trợ như xây dựng chính sách; công tác phân tích, tổng hợp hay bố trí nguồn lực phục vụ quản lý và tác nghiệp còn chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Phân tích từ quá trình quản trị thực tế cho thấy:
+ Công tác xây dựng chính sách, hoạch định rủi ro và định hướng tín dụng được thực hiện còn yếu, không sát với diễn biến tình hình và thiếu căn cứ - luận chứng xác đáng; công tác tổng kết đánh giá, thu thập và phân tích thông tin quản lý phản hồi được thực hiện hình thức, chưa mang lại hiệu quả thông tin, hiệu quả quản lý thực sự.
+ Đối với công tác nhân sự và phân bổ nguồn lực dành cho hoạt động tín dụng và quản trị rủi ro: Chi nhánh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự hoàn thiện và phù hợp với yêu cầu và tính chất phức tạp của công việc.
Đội ngũ cán bộ tín dụng vẫn đang thiếu so với nhu cầu công việc thực tế, làm cho cán bộ tín dụng nhiều lúc bị quá tải công việc, dẫn đến buông lỏng kiểm tra, giám sát các khoản vay/khách hàng.
Đội ngũ cán bộ làm công tác quản trị rủi ro cũng thiếu và yếu. Đa số là chưa được đào tạo chuyên sâu về quản trị rủi ro nói chung và quản trị rủi ro
tín dụng nói riêng. Dẫn đến khả năng xử lý công việc chậm, thiếu thực tế, và dẫn đến chất lượng không cao.
2.4.3. Nguyên nhân các hạn chế trong quản trị rủi ro tín dụng
Những hạn chế trên đây của Agribank Bình Định về quản trị rủi ro tín dụng tại Chi nhánh là do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân từ nội tại đơn vị, nguyên nhân từ những quy định của cấp trên, nguyên nhân từ tình hình chung trong lĩnh vực ngân hàng và hệ thống pháp luật ngân hàng Việt Nam. Tùy mỗi hoàn cảnh mà những nguyên nhân này có những tác động, ảnh hưởng khác nhau đến hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tại Chi nhánh. Trong các nguyên nhân đó thì đáng chú ý nhất là các nguyên nhân trực tiếp từ nội tại đơn vị, vì nó quan tính chủ quan và ta có thể khắc phục những hạn chế từ những nguyên nhân này trước khi khắc phục các hạn chế từ những nguyên nhân bắt nguồn từ quy định cấp trên, từ hệ thống pháp luật, môi trường kinh doanh…
Tư duy về quản trị rủi ro tại Agribank Bình Định vẫn chưa thực sự đổi mới, vẫn còn mang nét đơn giản, cũ kỹ; quá trình điều hành tại Chi nhánh chưa được định hướng dài hạn và rõ ràng. Nhận thức về quản trị rủi ro tín dụng cho đội ngũ cán bộ làm tín dụng và quản trị rủi ro chưa đạt yêu cầu.
Nhân lực cho quản trị rủi ro tín dụng tại chi nhánh vừa thiếu vừa yếu, không đáp ứng đủ nhu cầu công việc ngày càng phức tạp.
Các hoạt động nhận diện rủi ro đã không được triển khai đầy đủ và đúng mức, chất lượng hoạt động này không cao, hầu như chỉ có hình thức.
Hoạt động đo lường rủi ro tín dụng sử dụng chương trình xếp hạng khách hàng còn chưa sát với tình hình thực tế tại địa phương, cán bộ chấm điểm khách hàng qua các chỉ tiêu phi tài chính còn mang tính cảm tính. Do đó dẫn đến đánh giá khách hàng sai thực tế, dẫn đến việc kiểm soát và tài trợ rủi ro tín dụng chưa hiệu quả.
Hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng không được thực hiện theo đúng quy trình thống nhất và chuẩn mực, chưa xác định được định hướng, các kỷ thuật áp dụng còn nghèo nàn, cách thực hiện thì mang tính chủ quan.
Hoạt động tài trợ rủi ro tín dụng tại chi nhánh hầu như chỉ thực hiện cho những khoản vay đã quá hạn dẫn đến nợ xấu. Khi quyết định cho vay thì chưa chú ý nhiều đến hoạt động tài trợ rủi ro tín dụng tại khâu này, trong thời gian quản lý khoản vay thì thiếu đánh giá, phân tích khoản vay/khách hàng để xây dựng các phương án tạo nguồn khả thi, phù hợp với chất lượng tín dụng.
Chưa có nhiều biện pháp xử lý nợ xấu, phương án thu nợ ngoại bảng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Là một ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn tỉnh Bình Định, Agribank Bình Định góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển, cung cấp vốn kịp thời cho các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh…, cung cấp các dịch vụ ngân hàng hiện đại, bắt kịp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng cao. Hoạt động tín dụng vẫn là một hoạt động chính, tạo ra thu nhập, lợi nhuận cho Chi nhánh.
Qua phân tích, nhận xét, đánh giá về thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại Agribank Bình Định trong thời gian qua, thấy rằng công tác quản trị rủi ro tín dụng tại Chi nhánh vẫn còn những bất cập, chưa thật sự hiệu quả. Từ những hạn chế trong công tác quản trị rủi ro tín dụng tác giả sẽ đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản trị rủi ro tín dụng trong chương 3.
CHƯƠNG 3