CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI CỦA ĐỊA PHƯƠNG
1.1. VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI (FDI)
1.1.5. Tác động của FDI đối với nền kinh tế địa phương
FDI tác động rất lớn, trực tiếp đối với sự phát triển của một địa phương, tác động đến mọi mặt của đời sống về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, về kinh tế, FDI tác động đến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cán cân thanh toán, thu nhập của người lao động và các chỉ tiêu kinh tế khác. Để phục vụ cho việc luận chứng các chính sách thu hút FDI, người ta thường nhìn nhận các tác động này thành hai nhóm: tác động tích cực và tác động tiêu cực.
a. Các mặt tác động tích cực
Thứ nhất, FDI bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế. Một nền kinh tế đang phát triển, nếu có nguồn vốn đầu tư càng cao thì tăng trưởng sẽ càng cao. Vốn đầu tư hình thành từ nguồn vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm vốn vay thương mại, đầu tư gián tiếp và FDI. Các địa phương, nhất là ở các quốc gia đang phát triển, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và FDI là một trong những nguồn vốn rất quan trọng. Vốn FDI có nhiều lợi thế vì không tạo ra khoản nợ giữa nước đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư, khi dự án tạo ra lợi nhuận thì được chuyển về nước và một phần được dùng để tái đầu tư, có tính ổn định cao hơn so với các khoản đầu tư khác.
Thứ hai, FDI góp phần vào sự phát triển công nghệ, kỹ thuật mới, góp phần cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng. Đồng thời, FDI tạo nền tảng vững chắc về khoa học và công nghệ để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp
trong cơ cấu GDP.
Các địa phương ở các nước đang phát triển có đặc điểm là sử dụng công nghệ lạc hậu, do đó năng suất lao động thấp, hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm yếu. Xét về nhu cầu, cần có quá trình chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Có hai hình thức chuyển giao công nghệ là trực tiếp và gián tiếp, trong đó FDI là hình thức chuyển giao công nghệ trực tiếp và có hiệu quả nhất. Bằng hình thức này, công nghệ được các công ty nước ngoài chuyển giao trực tiếp cả phần cứng (máy móc, thiết bị) lẫn phần mềm là bí quyết công nghệ. Đây là ưu điểm của chuyển giao công nghệ bằng con đường FDI so với các hình thức chuyển giao công nghệ khác. Việc tiếp nhận công nghệ từ chủ đầu tư sẽ giúp các doanh nghiệp FDI trong nước tiếp cận với công nghệ từ công ty mẹ, đồng thời rút ngắn khoảng cách công nghệ giữa các địa phương với trình độ công nghệ tiên tiến của thế giới.
Thứ ba, FDI góp phần giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các dự án FDI mới tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động, và thông qua việc thực hiện các dự án đó, làm thay đổi cơ cấu lao động, nâng cao năng lực, kỹ năng lao động, năng lực quản lý doanh nghiệp, tác phong công nghiệp, phù hợp với nền sản xuất hiện đại. Như trên đã nói, FDI luôn gắn liền với chuyển giao công nghệ mới so với công nghệ trong địa phương cho nên lao động của các địa phương tiếp nhận đầu tư được đào tạo để sử dụng và quản lý công nghệ, tiếp cận với phương pháp quản lý chất lượng, tổ chức và quản lý công nghệ, biện pháp tiếp thị, tiếp cận với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Thông qua đó, trình độ và kỹ năng của người lao động được nâng lên rõ rệt. Ngoài việc tạo ra việc làm trực tiếp, FDI còn gián tiếp tạo ra nhiều việc làm thông qua những ngành công nghiệp phụ trợ như cung cấp nhiên, nguyên, vật liệu, dịch vụ phục vụ cho các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư nước ngoài. Các hoạt động công nghiệp phụ trợ này cũng đòi hỏi chất
lượng cao, tổ chức tốt, do đó có tác dụng nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất và kinh doanh ở các ngành công nghiệp phụ trợ.
Thứ tư, FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương tiếp nhận đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Thực vậy, hoạt động FDI chủ yếu phát triển ở các ngành công nghiệp, dịch vụ mới, do đó có tác động lớn đến cơ cấu ngành kinh tế, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại của nước tiếp nhận đầu tư. Thực tiễn cho thấy, FDI ở Việt Nam cũng tập trung vào hai ngành chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ, ít đầu tư vào nông nghiệp, do đó, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp FDI về lĩnh vực sản xuất chủ yếu là sản xuất hàng hóa xuất khẩu, do vậy góp phần tăng năng lực xuất khẩu. Đồng thời, thông qua các chi nhánh của các công ty nước ngoài hoặc các công ty xuyên quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu. Hầu hết các nước đang phát triển đều nhập khẩu máy móc thiết bị và xuất khẩu các sản phẩm thô, do đó cán cân thương mại thường thâm hụt, mất cân đối trong cán cân thanh toán.
FDI góp phần làm tăng thu ngoại tệ, góp phần cải thiện cán cân thanh toán.
Thứ năm, tác động lên sự cạnh tranh nội địa. Sự gia nhập của các chi nhánh nước ngoài có thể làm cạnh tranh trên thị trường nội địa thêm gay gắt và do đó dẫn đến năng suất cao hơn, giảm giá thành và sự phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, hoặc nó cũng có thể dẫn đến sự tập trung thị trường cao hơn và do đó làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường nội địa. Ngày càng nhiều chứng cứ cho thấy rằng FDI tăng cường sự thay đổi công nghệ thông qua sự phổ biến công nghệ, điều này có được là do các công ty đa quốc gia hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp thường có số lượng lớn cán bộ nghiên cứu khoa học và công nhân kỹ thuật trình độ cao. Thông thường, các công ty đa quốc gia là các công ty có trình độ công nghệ cao trên thế giới. Hơn nữa, FDI không chỉ
góp phần vào việc nhập khẩu công nghệ nước ngoài mà còn tạo ra các hiệu ứng lan tỏa công nghệ với các công ty nội địa. Sự thay đổi về công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và FDI từ các công ty đa quốc gia là một trong những kênh chính để các quốc gia đang phát triển tiếp cận với các công nghệ cao cấp. Sự lan tỏa về tri thức có thể được hình thành thông qua sự bắt chước, cạnh tranh, các mối liên kết và kênh huấn luyện.
Thứ sáu, FDI tạo động lực để khuyến khích xuất khẩu, thay thế nhập khẩu hay tăng cường trao đổi thương mại các loại hàng hóa trung gian, đặc biệt là công ty mẹ và chi nhánh công ty ở nước tiếp nhận đầu tư. Công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng xuất khẩu sang các nước láng giềng của nước tiếp nhận đầu tư hoặc xuất khẩu về nước chủ nhà trong trường hợp thị trường và sức mua của nước sở tại không cao.
Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng và cạnh tranh rất quyết liệt, đầu tư là một trong những lĩnh vực được các quốc gia cam kết tự do hóa. FDI làm cho sự phân công lao động quốc tế diễn ra theo chiều sâu, những cam kết về tự do hóa FDI được coi như là những quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế của từng quốc gia.
Như vậy, từ sự phân tích trên cho thấy rằng việc tiếp nhận FDI là lợi thế rõ nét giúp địa phương có điều kiện tiếp cận với nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, FDI cũng có những mặt trái, hạn chế nhất định. Đây là vấn đề cần được xem xét đầy đủ trong quá trình thu hút FDI. Nếu không, lợi ích thu được sẽ không bù lại được những thiệt hại mà nó gây ra.
b. Các mặt tác động tiêu cực
Đánh giá tác động của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ đơn giản xem xét, đánh giá những mặt tích cực mà phải xem xét, nghiên cứu những mặt hạn chế hay những tiêu cực của hoạt động này đối với địa phương tiếp nhận đầu tư. Dựa vào đó, mỗi địa phương tiếp nhận đầu tư có thể tìm ra
chính sách hạn chế mặt tiêu cực của hoạt động FDI. Có thể kể đến những mặt tiêu cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài như sau:
Về nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Vốn hoạt động do FDI cung cấp có thể đem lại những hạn chế về phát triển kinh tế tại địa phương tiếp nhận đầu tư trong các trường hợp:
Vốn do FDI cung cấp có chi phí vốn cao hơn so với các nguồn khác từ nước ngoài. Tỷ lệ lợi tức của doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp FDI, đặc biệt ở các nước đang phát triển cao hơn lãi suất của các khoản cho vay thương mại hoặc vay giữa các chính phủ.
Vốn do hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài cung cấp có thể không lớn.
Bởi vì, các doanh nghiệp FDI có thể huy động vốn từ các nguồn cho vay trong nước của nước tiếp nhận đầu tư, sau khi hoạt động đầu tư có lãi, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư chuyển lợi nhuận về nước. Ngoài ra, vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI có thể dưới hình thức máy móc, thiết bị hoặc đóng góp dưới hình thức quyền sở hữu trí tuệ.
Vốn do hoạt động FDI, trong một số trường hợp được cung cấp với một số lượng lớn sẽ gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ quốc gia. Cụ thể, nếu vốn FDI được cung cấp hoặc dịch chuyển vào một quốc gia số lượng lớn sẽ làm cho cầu tiền tệ giảm, làm cho lạm phát có thể gia tăng và ảnh hưởng đến kế hoạch điều chỉnh chính sách tiền tệ của một quốc gia.
Về vấn đề chuyển giá.
Chuyển giá là một trong những vấn đề mà các nước tiếp nhận đầu tư lo ngại, gây ra cạnh tranh không lành mạnh và dẫn đến hạn chế phát triển kinh tế.
Chuyển giá là những giao dịch về giá ẩn bên trong các TNCs, hay nói cách khác là giao dịch giữa các công ty mẹ và các chi nhánh công ty con.
Những giao dịch về giá này được thực hiện dựa trên những tính toán bên trong của các TNCs và giá của những giao dịch này không phản ánh đúng giá
trị thị trường. Các TNCs thường sử dụng chuyển giá như là một biện pháp để tránh đánh thuế chuyển lợi nhuận, thuế nhập khẩu và kiểm soát tỷ giá. Hiện nay, một số nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước cũng như đánh thuế chuyển lợi nhuận về nước thấp.
Do vậy, vấn đề chuyển giá đặt ra đối với chuyển lợi nhuận về nước là không đáng lo ngại đối với nước tiếp nhận đầu tư. Tuy vậy, việc các TNCs lợi dụng chuyển giá để tránh thuế nhập khẩu hoặc kiểm soát ngoại tệ là những vấn đề mà các nước tiếp nhận đầu tư hiện đang quan tâm nhiều nhất.
Về môi trường, chuyển giao công nghệ và hiệu quả sản xuất.
Vấn đề môi trường, các nhà kinh tế học đều cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế tỷ lệ thuận với tốc độ gây ô nhiễm môi trường. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ phải sử dụng, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên và những chất thải từ hoạt động sản xuất là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu được tiến hành trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và những chất thải nếu không được xử lý và kiểm tra chặt chẽ từ những nhà máy do nhà đầu tư nước ngoài sẽ gây ra ô nhiễm môi trường. Một trong những lý do thúc đẩy hoạt động FDI tại các nước kém và đang phát triển đó là do tiêu chuẩn kiểm soát môi trường ở những nước này thấp hơn những nước phát triển. Nhiều nước tiếp nhận đầu tư thậm chí đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài mà không đặt ra các tiêu chuẩn chặt chẽ về môi trường.
Bên cạnh những tác động gây ô nhiễm môi trường thông qua các hoạt động sản xuất trực tiếp, việc chuyển giao công nghệ lạc hậu từ nước đi đầu tư sang nước tiếp nhận đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường. Chuyển giao công nghệ lạc hậu sẽ đem lại những hậu quả về môi trường cho nước tiếp nhận đầu tư. Các nước đi đầu tư (nước phát triển) đang cần nơi thải những công nghệ lạc hậu nhằm đổi mới công nghệ
của nước mình. Như vậy, các nước đi đầu tư đã biến nước tiếp nhận đầu tư, đặc biệt là những nước kém và đang phát triển thành những bãi rác thải công nghệ. Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ lạc hậu cũng mang lại nguồn thu cho các nước đi đầu tư.
Về chuyển giao công nghệ và hiệu quả sản xuất, chuyển giao công nghệ lạc hậu cũng làm giảm hiệu quả sản xuất tại các nước tiếp nhận đầu tư. Công nghệ cũng là một trong bốn yếu tố phát triển kinh tế, nếu sử dụng công nghệ lạc hậu sẽ kìm hãm phát triển kinh tế ở những nước tiếp nhận đầu tư. Một số nhà đầu tư nước ngoài khi chuyển giao công nghệ sang các nước tiếp nhận đầu tư thường sử dụng công nghệ lạc hậu, chắp vá, thiếu đồng bộ. Đối với một số nước kém phát triển, chuyển giao công nghệ không phù hợp với năng lực tiếp nhận công nghệ, cũng không làm tăng hiệu quả sản xuất. Năng lực tiếp nhận công nghệ của các nước kém và đang phát triển là thấp do điều kiện con người và cơ sở vật chất. Những công nghệ tiên tiến được chuyển giao nhiều khi không khuyến khích hoạt động sản xuất và tiêu dùng ở những nước kém phát triển.
Những mặt hạn chế khác.
Về sự quan tâm của các doanh nghiệp FDI đối với nguyện vọng an sinh của người lao động còn hạn chế, người lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI thường được yêu cầu phải có trình độ lao động cao nếu không đáp ứng thường bị sa thải. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động bị sa thải do sự sát nhập giải thể của các TNCs diễn ra ngày càng tăng trên thế giới. Ngoài ra, các vấn đề về an toàn lao động và vệ sinh lao động, các vấn đề an sinh xã hội của các doanh nghiệp FDI chưa được chú trọng tại các nước tiếp nhận đầu tư.
Về cạnh tranh các công ty FDI, nhất là các TNCs thường sở hữu những công nghệ hiện đại, trình độ tổ chức sản xuất, vốn lớn so với các doanh
nghiệp trong nước. Do vậy, sẽ gây nên những tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp này trong nhiều trường hợp, các TNCs chiếm ưu thế hơn so với các doanh nghiệp trong nước dẫn đến doanh nghiệp trong nước dần dần mất thị trường, không có khả năng cạnh tranh và có thể lâm vào tình trạng phá sản hoặc bị thôn tính. Nhiều ngành sản xuất mới trong nước khó có thể cạnh tranh được với các TNCs do vậy, sẽ bị ảnh hưởng trong quá trình phát triển. Mặc dù đây là động lực kích thích phát triển nền kinh tế, tuy nhiên nếu không cân đối được vấn đề này sẽ dễ dẫn đến phụ thuộc vào FDI quá lớn.
Về cán cân thanh toán, do phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, công nghệ, chuyển lợi nhuận, vay nợ nước ngoài... sẽ là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây thâm hụt cán cân thanh toán.
Về mặt chính trị, do thành công trong hoạt động kinh doanh, những công ty FDI và TNCs ngày càng có vai trò quan trọng hoạt động xã hội, chính trị TNCs có thể can thiệp vào chính sách, quyết định kinh tế ở nước tiếp nhận đầu tư.