QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG HUY ĐỘNG VỐN FDI

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Tỉnh Đăk Lăk (Trang 108 - 113)

CHƯƠNG 3. CÁC GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI TỈNH ĐẮK LẮK

3.2. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG HUY ĐỘNG VỐN FDI

Để hình thành một số định hướng trong việc huy động vốn FDI, cần xác định rõ một số quan điểm chủ đạo cho vấn đề này. Trên cơ sở thực trạng hiện

nay, Đắk Lắk cần thống nhất một số quan điểm chủ đạo như sau:

Cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh là mục tiêu cao nhất. Mục đích cuối cùng mà tỉnh Đắk Lắk phải hướng tới là cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trong hoạt động kinh doanh, mở rộng đầu tư và thu hút đầu tư từ nơi khác và nước ngoài vào tỉnh. Cải thiện môi trường kinh doanh chính là nâng cao chất lượng của môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh có chất lượng cao giúp cho các hoạt động đầu tư có được hiệu quả cao nhất.

Phát huy tối đa tiềm năng và cơ hội đầu tư của Đắk Lắk song song với việc tạo động lực phát triển mới. Điều này thể hiện nguyên tắc phát triển hiệu quả, khai thác tối đa tiềm năng và cơ hội của tỉnh song song với việc tạo cơ hội và tiềm năng phát triển mới. Trong rất nhiều trường hợp, việc tập chung phát huy tối đa khả năng của mình sẵn có có thể đem lại kết quả rất tốt. Do đó, khi xây dựng chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh cần chú ý đến các yếu tố:

- Tận dụng và khai thác tối đa và có hiệu quả sự hỗ trợ của Chính phủ (đặc biệt là những cơ chế, chính sách ưu đãi cho khu vực Tây Nguyên).

- Phát huy tối đa lợi thế địa lý của Tỉnh phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh.

- Tập trung nỗ lực để giải quyết kịp thời và nhanh chóng những vấn đề bức xúc nhất và khó khăn đang kìm hãm sự phát triển, hoạt động đầu tư có hiệu quả; đồng thời tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ những sản phẩm, lĩnh vực mũi nhọn và có lợi thế của tỉnh.

- Tập trung nguồn lực của Nhà nước vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình phát triển bền vững của Tỉnh.

Thay đổi quan điểm thu hút đầu tư theo hướng thiên về chất lượng hơn

số lượng. Quan điểm trong việc thu hút đầu tư cần phải được đổi mới và tiếp cận theo hướng:

- Thu hút đầu tư không có nghĩa là tạo ra nhiều “chính sách” với các ưu đãi mà điều quan trọng là tổ chức thực hiện các chính sách một cách thuận lợi, hiệu quả, công bằng và minh bạch.

- Chú trọng đến việc “nuôi dưỡng” và phát huy thế mạnh của các nhà đầu tư đã và đang kinh doanh tại địa bàn tỉnh; đồng thời, thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư nước ngoài và từ nơi khác nhằm thu hút nhà đầu tư có chất lượng cao, cam kết lâu dài và đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.

- Biện pháp và cách thức thu hút đầu tư phải mang tính thực chất, có trọng tâm, trọng điểm và mang tính bền vững.

- Môi trường đầu tư hấp dẫn không chỉ có môi trường trực tiếp cho hoạt động đầu tư, kinh doanh mà còn bao gồm cả môi trường xã hội thuận lợi cho việc sinh sống và làm việc của nhà đầu tư.

Tăng cường sự phối hợp giữa các sở ngành. Thu hút đầu tư không phải chỉ là ban hành và thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư mà thu hút đầu tư được xác định là mục tiêu cần đạt được của tổng thể các hoạt động của tỉnh. Do đó, để thực hiện tốt điều này, thì cần phải có phối hợp hành động tổng thể của tất cả các ngành, cấp. Thực tiễn chỉ ra rằng, các địa phương có chỉ số PCI cao thường là nơi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở ngành.

Tập trung hơn nỗ lực trong việc trợ giúp doanh nghiệp sau khi gia nhập thị trường. Thực tiễn chỉ ra rằng việc ra nhập thị trường mới chỉ là sự bắt đầu;

điều quan trọng hơn và cũng khó khăn hơn đối với doanh nghiệp là tồn tại và phát triển bền vững. Do đó, việc gắn bó với doanh nghiệp, giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn mới là yếu tố then chốt quyết định chất lượng của môi trường kinh doanh.

Chú trọng các công tác quảng bá, cải thiện cảm nhận của cộng đồng

doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh tại tỉnh. Thực tế cho thấy, nhiều nỗ lực của chính quyền cấp tỉnh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhưng không được cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận và chia sẻ. Cộng đồng doanh nghiệp và công chúng chưa hiểu hết được những nỗ lực này của tỉnh. Do vậy, trong quá trình thực hiện các cải cách nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, tỉnh sẽ tăng cường việc quảng bá và truyền thông rộng rãi.

Bên cạnh việc truyền thông, thì thực tiễn cho thấy, việc quảng bá hình ảnh của tỉnh thông qua việc tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào thảo luận và xây dựng chính sách có tác động rất lớn. Việc làm này sẽ giúp tỉnh hiểu rõ hơn thực tế kinh doanh, giúp cho doanh nghiệp hiểu và chia sẽ được khó khăn của tỉnh; thông qua đó, cải thiện niềm tin và sự thân thiện của Chính quyền tỉnh.

Cải cách là một quá trình liên tục và thường xuyên. Bất kỳ một nỗ lực cải cách nào đều phải được coi là công việc thường xuyên và liên tục; đó không phải là công việc chỉ thực hiện một lần rồi sau đó dừng lại. Việc thường xuyên đánh giá, tổng kết các sáng kiến cải cách là cần thiết để có thể kịp thời điều chỉnh để nhằm đạt kết quả cao nhất. Để làm được điều này, thì điều kiện tiên quyết là cần có sự đồng thuận cao trong toàn bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh về chủ trương tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư từ ngoài tỉnh để phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

3.2.2. Mục tiêu, định hướng huy động vốn FDI

Mục tiêu huy động vốn FDI gắn liền với tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển Đắk Lắk trong giai đoạn đến năm 2020 là hàng năm thu hút vốn FDI từ 50 - 70 triệu USD/năm. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Đắk Lắk cần đưa ra những định hướng rõ ràng, từ đó giúp các nhà đầu tư hiểu được quyết tâm của

tỉnh phát triển trong lĩnh vực nào để tiến hành khảo sát và thực hiện đầu tư.

Trong báo cáo Hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội năm 2013, tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra các mục tiêu, định hướng trong giai đoạn tới của tỉnh, đó là:

Ngành nông, lâm, ngư nghiệp

- Về trồng trọt và chế biến nông sản: hoạt động ĐTNN tập trung vào các dự án xây dựng các vùng trồng và chế biến nông sản xuất khẩu như lúa, gạo, cây lương thực, rau quả, cà phê, cao su, chè… theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng và năng suất, hạ giá thành sản phẩm, khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ sinh học, các dự án về giống cây trồng; các dự án bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch ứng dụng công nghệ hiện đại...

- Về chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi: hoạt động ĐTNN được định hướng tập trung thu hút vào các dự án sản xuất giống lợn, bò, và gia cầm có chất lượng cao tại các vùng có điều kiện thuận lợi về lao động, đất đai, đảm bảo vệ sinh môi trường khi phát triển chăn nuôi với quy mô lớn, đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất thức ăn gia súc có chất lượng cao.

Khuyến khích các dự án chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm.

- Về lâm nghiệp, khuyến khích đầu tư sản xuất giống cây lâm nghiệp năng suất cao và trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ; gắn với chế biến lâm sản.

Ngành Công nghiệp – Xây dựng

- Các ngành đặc biệt khuyến khích đầu tư gồm: công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, cơ khí nông nghiệp, công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng

- Công nghiệp phụ trợ: khuyến khích thu hút FDI vào ngành công nghiệp phụ trợ nhằm giảm chi phí nguyên, phụ liệu của các ngành công nghiệp, góp phần năng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước.

Ngành dịch vụ

- Khuyến khích ĐTNN vào các ngành du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, tài chính – ngân hàng.

- Khuyến khích các nhà ĐTNN tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn bằng các phương pháp thích hợp gồm BOT, BT để xây dựng cảng hàng không, đường sắt, viễn thông, cấp nước, thoát nước,….nhằm góp phần nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Tỉnh Đăk Lăk (Trang 108 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)