CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI TỈNH ĐẮK LẮK
2.1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐẮK LẮK
2.1.2. Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực
Hiện nay hệ thống giao thông đường bộ phân bố khá đều, hợp lý trên địa bàn, tạo ra sự liên kết giữa trung tâm tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột với các huyện lỵ, nối với các tỉnh lân cận; 99,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 46%
đường tỉnh lộ được nhựa hoá; vận tải đã vươn đến tất cả các địa bàn. Loại hình vận chuyển xe buýt, taxi được hình thành và phát triển; sân bay Buôn Ma Thuột được nâng cấp, số chuyến bay tăng, hoạt động vận tải đáp ứng nhu
cầu đi lại của dân cư. Bến bãi đậu đỗ xe có 01 bến xe liên tỉnh, 01 bến xe nội tỉnh, chưa có bãi đậu xe ô tô tập trung. Tuy nhiên giao thông đường bộ, đa số mặt đường hẹp, chất lượng đường, mặt đường hạn chế, đường nội các xã chủ yếu đường đất bị ách tắc về mùa mưa lũ, tiếp tục đầu tư sửa chữa, mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới.
Mạng lưới điện, đến năm 2014 toàn bộ 100% xã phường có lưới điện quốc gia, 82% số hộ được sử dụng điện, tiêu thụ điện năng tăng nhanh, tốc độ tăng bình quân 12,5%/năm giai đoạn 2011 - 2014. Hệ thống lưới điện phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của dân cư. Tuy nhiên cơ cấu tiêu thụ điện chủ yếu điện sinh hoạt, một phần cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lưới điện trung thế trên toàn tỉnh chưa đồng bộ, còn nhiều cấp điện áp ảnh hưởng tới vận hành cũng như phát triển mới.
Dân cư và phân bổ dân cư, đến năm 2014, dân số của tỉnh 1.833 nghìn người với cơ cấu là dân số đô thị 24,2%, còn lại 75,8% dân số nông thôn. Dân số phân bố không đều, tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột, thị trấn các huyện lỵ, ven các trục quốc lộ chạy qua. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2014 là 1,13%
năm, dân số có biến động do tăng cơ học, chủ yếu di dân tự do.
Tỉnh Đắk Lắk có nguồn lao động khá dồi dào; cộng đồng dân cư mang nhiều đặc điểm đa dạng, phong phú của các miền khác nhau, cần cù, năng động. Nguồn lao động , tính đến năm 2014, dân số trong độ tuổi lao động là 1.092 nghìn người; số lao động trong độ tuổi lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế chiếm tỷ lệ cao 85,4%, tăng bình quân 3,75% trong 5 năm.
Tuy nhiên chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 20,5% (thấp so toàn quốc 25%); đội ngũ lao động chất lượng cao, công nhân lành nghề, cán bộ có trình độ quản lý còn thiếu. Với đội ngũ cán bộ, công nhân và nông dân có kinh nghiệm trồng cây công nghiệp dài ngày, kinh doanh tổng hợp và dịch vụ, thuận lợi cho phát triển sản xuất hàng
hóa theo cơ chế thị trường.
Nhìn chung chất lượng nguồn lao động còn thấp, nhân lực phục vụ cho sản xuất công nghiệp và hoạt động dịch vụ còn hạn chế về trình độ và kỹ năng, lao động trong nông nghiệp rất lớn; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp.
Chất lượng nguồn lao động không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, các khu vực và các ngành kinh tế, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có số lao động kỹ thuật còn rất ít. Phần lớn doanh nghiệp có qui mô nhỏ và vừa, các doanh nghiệp ít đầu tư vào các ngành sản xuất vật chất, sản xuất công nghiệp. Trình độ quản lý cũng chưa được nâng cao, ít được đào tạo do nhiều chủ doanh nghiệp xuất phát từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa được đào tạo nghiệp vụ quản lý. Đây là một nút thắt cần tháo gỡ để Đắk Lắk có thể thu hút đầu tư nguồn vốn FDI vào tỉnh hiệu quả hơn. Tỉnh có thể tham khảo các địa phương trong cả nước, nơi có nguồn lao động thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… các tỉnh này đã thu hút được nhiều công ty lớn như Samsung, LG trong việc gia công các linh phụ kiện dùng cho điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã công bố quy hoạch 01 Khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch là 914,83 ha;
trong đó 01 khu công nghiệp và 08 cụm công nghiệp với tổng diện tích 614,73 ha đã được triển khai xây dựng hạ tầng, nhưng chưa hoàn chỉnh, còn ở mức thấp so với yêu cầu; tổng vốn đầu tư kể từ khi triển khai xây dựng là 407 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau; trong đó, vốn do ngân sách hỗ trợ là 269 tỷ đồng.
Đến nay đã có tổng số 143 dự án trong và ngoài nước đăng ký đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với tổng vốn đầu tư là 6.776 tỷ đồng, trong đó có 68 dự án đi vào hoạt động, 22 dự án đang xây dựng và 53 dự án còn lại đang thực hiện các thủ tục đầu tư.