Tiềm năng, lợi thế đối với việc huy động vốn FDI

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Tỉnh Đăk Lăk (Trang 62 - 66)

CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI TỈNH ĐẮK LẮK

2.1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐẮK LẮK

2.1.4. Tiềm năng, lợi thế đối với việc huy động vốn FDI

Qua những phân tích về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của Đắk Lắk có thể thấy những lợi thế của tỉnh trong việc thu hút nguồn vốn FDI là không hề nhỏ.

Đắk Lắk là đầu tàu trong sự nghiệp phát triển Vùng Tây Nguyên do vị trí và tiềm năng phát triển của tỉnh. Do nằm ở trung tâm của Vùng nên các tỉnh khác ở Tây Nguyên có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tại Đắk Lắk. Cho nên việc phát triển các loại hình dịch vụ ở Đắk Lắk như tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành về nông nghiệp…là một hướng đi tốt trong tương lai của tỉnh.

Do có lợi thế về nguồn lực tự nhiên là tài nguyên thiên nhiên của tỉnh, nên có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản từ rừng tự nhiên và rừng trồng; lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, cao su, điều… cũng như

các loại cây lương thực như ngô, sắn… là nguồn lực đầu vào cho công nghiệp chế biến lương thực và đồ uống. Cà phê của Đắk Lắk đứng đầu tại Việt Nam và đã có thương hiệu ở trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, mới cơ bản chỉ dừng lại ở chế biến thô và xuất khẩu sản phẩm thô; mặt khác, việc sơ chế và bảo quản chủ yếu theo tập quán, ít sử dụng phương tiện công nghệ nên chất lượng sản phẩm của nông dân về cơ bản còn kém dẫn đến giá trị thấp.

Đây là một tiềm năng cho các nhà đầu tư chế biến sản phẩm, cho dịch vụ từ khâu khai thác, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu… cũng như công nghiệp cơ khí phục vụ cho sản xuất, chế biến… Do vậy, Đắk Lắk có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế vùng như hình thành các cụm công nghiệp chế biến cà phê, cao su, bông, thực phẩm và đồ uống...

Trên khía cạnh dịch vụ cũng còn rất nhiều tiềm năng như giáo dục, y tế, du lịch. Với dân số gần 2 triệu người và lại là trung tâm của Vùng Tây Nguyên như hiện nay Đắk Lắk vẫn chưa có cơ sở khám chữa bệnh hiện đại mà mới chỉ cơ bản giải quyết các bệnh đơn giản, khám chữa thông thường…Do vậy, khi có những bệnh phức tạp, bệnh nặng thì bệnh nhân phải chuyển đến các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội gây tốn kém cho người dân và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về xã hội. Nếu nhà nước khuyến khích đầu tư các bệnh viện lớn, đầy đủ khả năng khám, chữa các loại bệnh cho người dân thì đây sẽ là một dịch vụ rất tốt cho cả vùng Tây Nguyên xét trên cả khía cạnh xã hội và lợi ích kinh tế. Hiện nay, tại TP. Buôn Ma Thuột đã có bệnh viện tư và đang hình thành một vài bệnh viện tư nhân nữa, nhưng tiềm năng khai thác vẫn còn rất lớn, nhất là có công nghệ cao của các nhà đầu tư nước ngoài.

Với ngành giáo dục cũng tương tự như vậy. Ngày nay, chúng ta đang xã hội hóa giáo dục mà vùng Tây Nguyên thì các cơ sở giáo dục do tư nhân đầu tư vẫn còn hạn chế, nhất là đối với các cơ sở dạy nghề. Hiện nay, với đời sống

thu nhập ngày càng cao do việc trồng cây công nghiệp mang lại, người dân đã có nhu cầu cao hơn đối với thế hệ tương lai và họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn cho con cái họ đi học tại các thành phố lớn ngay từ bậc phổ thông trung học, vậy đây chính là một khoảng trống còn bỏ ngỏ cho các nhà đầu tư.

Về lĩnh vực du lịch, du lịch tại Đắk Lắk hiện nay vẫn còn nghèo nàn, mới chỉ dừng lại ở một số điểm tham quan như Buôn Đôn, thác Bảy Nhánh, hồ Lăk... với đầu tư còn sơ sài, chủ yếu là dịch vụ cưỡi voi, trong khi Tây Nguyên là cả một kho tàng văn hóa mà khách du lịch cần khám phá và tìm hiểu. Đến Đắk Lắk hiện nay, khách du lịch khó tìm được điểm tham quan, du lịch ngoài một số điểm du lịch hơi nổi tiếng một chút là Khu du lịch Buôn Đôn, Thác Bảy Nhánh… và tại đây thì có nhiều vấn đề làm cho du khách chán nản, khó có suy nghĩ sẽ quay lại lần thứ hai.

Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung nằm trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, là khu vực có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo cả về tự nhiên và nhân văn. Vì vậy, khu vực này được xác định là một trong những trọng điểm phát triển du lịch trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Thực tế mấy năm gần đây, du lịch miền Trung - Tây Nguyên đã có bước chuyển mạnh. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự liên kết tuyên truyền quảng bá về du lịch của các tỉnh, thành trong vùng còn còn khá lỏng lẻo. Sự hợp tác giữa các địa phương với nhau, giữa địa phương với nước ngoài còn mang tính hình thức và chưa đi vào hành động cụ thể. Do vậy dẫn tới tình trạng sản phẩm du lịch của miền Trung - Tây Nguyên còn trùng lặp; việc phát triển du lịch trong vùng chủ yếu dựa vào khai thác các tiềm năng sẵn có, chưa tạo được nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương để có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao. Nếu liên kết được với ngành du lịch các địa phương trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên thì sản phẩm du lịch của Đắk Lắk sẽ không còn

đơn điệu mà nó sẽ nằm trong một chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị cao.

Đắk Lắk với 46 dân tộc anh em cùng cư trú, với hệ thống sông suối, hồ nước, rừng già phong phú, với cây cà phê nổi tiếng khắp thế giới đáng lẽ phải là điểm đến mong muốn của khách du lịch, song hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục như đã nói ở trên và điểm quan trọng nữa là tỉnh phải có chủ trương hợp lý trong vấn đề quản lý khách ngoại quốc, phải có quan điểm cởi mở hơn và xác định rõ cũng như phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan quản lý của tỉnh về vấn đề này thì lượng khách du lịch nước ngoài đến với tỉnh không phải là ít. Hiện nay đang còn một số vấn đề về rào cản liên quan đến việc quản lý khách nước ngoài mà tỉnh cần phải có chủ trương và thực hiện sửa đổi cho hợp lý hơn. Đây vẫn là một tiềm năng còn bỏ ngỏ cho các nhà đầu tư.

Về lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc trồng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày như hiện nay, các loại cây lương thực... thì môi trường và khí hậu cũng như các điều kiện khác ở Tây Nguyên như nguồn lương thực sẵn có (ngô, sắn, đậu...) rất phù hợp cho việc chăn nuôi nhỏ cũng như đại gia súc với việc hình thành các trang trại và chăn nuôi thả rông. Với diện tích trồng ngô hàng năm trên 120.000 ha và sản lượng đạt trên nửa triệu tấn ngô hạt, Đắk Lắk là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng ngô lớn nhất nước;

nhưng một điều nghịch lý là tại đây chưa có một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi nào có quy mô mà hầu hết sản lượng ngô của Đắk Lắk đều được xuất bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, lượng ngô tiêu thụ trong tỉnh rất ít, trong khi lại phải nhập thức ăn chăn nuôi từ nơi khác về để phục vụ nhu cầu chăn nuôi tại địa phương. Việc hình thành các cụm: trồng cây lương thực (ngô, sắn, đậu…) - chế biến thức ăn gia súc, các sản phẩm tinh phục vụ đầu vào cho ngành công nghiệp khác (tinh bột sắn, tinh bột ngô…) – chăn nuôi gia súc, gia cầm - chế

biến thực phẩm – cung cấp ra thị trường là rất khả thi và có hiệu quả cho tất cả các bên tham gia (nhà đầu tư, nhà nông, nhà nước). Cho nên đây là tiềm năng rất lớn cần có một chiến lược cụ thể và lâu dài để khai thác có hiệu quả, dần hình thành vùng cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng cao (các loại thịt) cho cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài như vùng lúa gạo, thủy sản đồng bằng sông Cửu Long.

Với hơn 70km đường biên giới với vương quốc Campuchia, Đắk Lắk cần thúc đẩy kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh việc mở cửa khẩu quốc tế Đăk Ruê và nhất là xây dựng đường quốc lộ (QL29) kết nối cửa khẩu này với hệ thống cảng biển khu vực Phú Yên, Khánh Hòa. Nếu hoàn thành được hệ thống này thì sẽ mở ra một tiềm năng rất lớn trên nhiều khía cạnh như du lịch, xuất nhập khẩu, các loại hình dịch vụ khác và quan trọng nhất là khai thông được vấn đề vận chuyển hàng hoá hiện nay (cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, xa các trung tâm thương mại và đô thị dẫn đến chi phí vận chuyển hai chiều lớn, không hấp dẫn các nhà đầu tư).

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Tỉnh Đăk Lăk (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)