Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN Ở TRƯỜNG THCS CHƯƠNG DƯƠNG - THƯỜNG TÍN - HÀ NỘI THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP
2.5. Đánh giá chung về thực trạng quản lí ĐNGV trường THCS Chương Dương - Thường Tín - Hà Nội theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp
2.5.1. Mặt mạnh
Các cấp quản lý đã chỉ đạo một cách sâu sát đến việc lên kế hoạch, thực hiện kế hoạch của trường THCS Chương Dương tương đối tốt, chú trọng quản lý hoạt động dạy học. Việc quản lý thực hiện chương trình đã được quan tâm đặc biệt là chỉ đạo xây dựng nội dung chương trình dạy tự chọn môn học, dạy học phân hóa.
Đội ngũ GV hiện nay có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, có uy tín với HS, đồng nghiệp, chất lượng đội ngũ đang dần được nâng lên.
Trình độ giáo viên đảm bảo chuẩn hóa 100%, tuổi đời dưới 35 có số lượng đông và có xu hướng phát triển, nhiệt tình trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.
Độ ngũ giáo viên thực hiện tương đối tốt, quy chế chuyên môn như dạy đúng đủ nội dung, chương trình, thực hiện kiểm tra đánh giá một cách nghiêm túc.
Công tác quản lý đội ngũ GV của trường theo hướng phát triển năng lực thời gian vừa qua đã được quan tâm chú trọng theo hướng chuẩn hoá, trên chuẩn, từng bước đảm bảo số lượng, cơ cấu, GV có tay nghề khá vững vàng.
Công tác QLGD có nhiều đổi mới đảm bảo kỉ cương nề nếp và hiệu quả.
Việc xây dựng công tác phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên được thực hiện một cách đầy đủ các nội dung và có kế hoạch, định hưỡng rõ ràng.
CBQL và GV trong trường đều quan tâm tới hoạt động chuyên môn để phát triển năng lực nghề nghiệp GV. Nhà trường cũng đã tổ chức tạo điều kiện cho GV bồi dưỡng chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT của nhà trường. BGH đã tổ chức khá tốt các đợt thao giảng và sử dụng phương tiện, đồ dùng dạy học trong quá trình thao giảng. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn của các tổ, cho GV đi tập huận chuyên môn…
BGH nhà trường cũng đã chỉ đạo các văn bản quy định về hồ sơ chuyên môn, các quy định về chế độ kiểm tra, đánh giá, các hoạt động chuyên đề, các cuộc thi…nhằm góp phần nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ GV.
Hoạt động kiểm tra, đánh giá GV theo chuẩn năng lực nghề nghiệp cũng đã được nhà trường chú trọng, bước đầu có những kết quả nhất định.
Cơ sở vật chất nhà trường ngày được củng cố, tăng cường và đã được công nhận trường chuẩn Quốc gia. Trường học tập trung tại một địa điểm, nên việc quản lý, theo dõi nền nếp, hoạt động chuyên môn của cả trường có nhiều thuận lợi.
Công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện công bằng, khách quan đúng đối tượng.
2.5.2. Mặt yếu
Đội ngũ GV chưa đồng bộ về cơ cấu các môn học, cho nên một số GV dạy kiêm nhiệm còn hạn chế về trình độ chuyên môn, chậm đổi mới phương
pháp giảng dạy, còn nặng về truyền đạt lý thuyết, chưa chú trọng phát huy tính tích cực của HS.
-Về công tác xây dựng và lập kế hoạch cho đội ngũ GV theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp: Theo như kết quả đánh giá thì BGH nhà trường chưa thống nhất được mẫu kế hoạch của nhà trường với kế hoạch của tổ chuyên môn và kế hoạch cá nhân của GV nên còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thống nhất về hình thức và nội dung.
- Về công tác tổ chức các hoạt động cho GV theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp: Công tác bồi dưỡng đội ngũ chưa làm thường xuyên;
Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá mới dừng lại ở hình thức, chưa thực sự có chất lượng.; Biện pháp quản lý hoạt động dạy học mới dừng lại ở một số khâu như quản lý chương trình, bồi dưỡng học sinh giỏi bên cạnh đó hoạt động kiểm tra đánh giá học sinh chưa làm thường xuyên, chưa có chiều sâu.
- Về công tác chỉ đạo hoạt động cho đội ngũ GV theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp: Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học chỉ cần tập trung ở một số chuyên đề nhất định, chưa áp dụng ở tất cả các lĩnh vực trong nhà trường.
Nhà trường chưa thực sự quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy học hiện đại nên còn đầu tư dàn trải, không đồng bộ.
Việc sử dụng ngoại ngữ, tin học trong GV còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chuyên môn và là rào cản lớn trong việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn.
Hiệu trưởng nhà trường tuổi đời cũng khá cao, việc điều hành các hoạt động trong nhà trường chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân, tính chuyên nghiệp chưa cao, ứng dụng CNTT còn ngại.
2.5.3. Nguyên nhân
Hệ thống chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo chậm sửa đổi, bổ sung. Ban giám hiệu nhà trường chưa tích cực tham mưu với lãnh đạo cấp trên về công tác tổ chức và biên chế viên chức.
Hệ thống, kĩ năng QL còn thiếu tính chuyên nghiệp; trong đánh giá, sử dụng đội ngũ giáo viên còn nhiều chỗ chưa hợp lý; các chính sách và cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho GV để họ chuyên tâm cống hiến, phát triển và được xã hội tôn vinh bằng chính kết quả hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp chậm được cải thiện;
Công tác GD chính trị, tư tưởng, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong đội ngũ CB, GV chưa được bồi dưỡng thường xuyên.
Một bộ phận nhỏ GV chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nhà trường, của bản thân trước yêu cầu đổi mới và đòi hỏi của xã hội, nên chưa thật tâm với nghề, thiếu cố gắng vươn lên trong giảng dạy và NCKH. Một số GV do hoàn cảnh gia đình, do tuổi tác, do khó khăn trong cuộc sống đời thường, mặc dù đã được nhà trường tạo điều kiện, động viên giúp đỡ, nhưng sự việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ vẫn chưa quyết tâm cao.
Kế hoạch chỉ đạo một số nội dung trong quản lý hoạt động phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ GV chưa đồng bộ, chưa thường xuyên.
Công tác kiểm tra, đánh giá chưa liên tục, kết quả chưa công khai, còn nặng về hình thức và ý kiến cá nhân.
Tiểu kết chương 2
Chương 2 của luận văn tác giả đã trình bày thực trạng về đặc điểm kinh tế xã hội, thực trạng về chất lượng giáo dục, thực trạng về năng lực nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên, thực trạng quản lí đội ngũ giáo viên theo năng lực nghề nghiệp của trường THCS Chương Dương - Thường Tín - Hà Nội.
Qua đó cho thấy nhà trường đã thực hiện một số biện pháp xây dựng phát triển đội ngũ GV và đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng cũng chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế hiện nay, nhất là những năm tới để xây dựng được một đội ngũ GV đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD thì việc tìm kiếm biện pháp xây dựng phát triển đội ngũ GV là rất cần thiết. Qua việc nghiên cứu điều tra và tổng hợp đánh giá thực trạng năng lực nghề nghiệp của GV và thực trạng quản lí đội ngũ GV theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp ở trường THCS Chương Dương ở chương 2, cùng với cơ sở lí luận ở chương 1 là căn cứ khoa học để tác giả đề xuất các biện pháp quản lí đội ngũ GV trường THCS Chương Dương - Thường Tín - Hà Nội theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp ở chương 3.
Chương 3