CHƯƠNG I CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ ĐÁNH GIÁ GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THEO CHUẨN NGHỀ NGHIỆP
1.5 Nội dung quản lý đánh giá giáo viên THPT theo chuẩn nghề nghiệp
Từ các quan điểm và lí luận nêu trên, có thể đề xuất các nội dung quản lý đánh giá đội ngũ giáo viên trung học phổ thông theo Chuẩn nghề nghiệp như sau:
1.5.1 Xây dựng kế hoạch đánh giá.
Kế hoạch đánh giá được xây dựng thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí trong chuẩn nghề nghiệp, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm học sinh, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế, thể hiện khả năng hợp tác, cộng tác với các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Xây dựng kế hoạch giúp nhà trường có cái nhìn tổng thể, toàn diện, từ đó xác định được hoạt động tương tác giữa các bộ phận. Việc lập kế hoạch cho phép lựa chọn những phương án tối ưu, tiết kiệm nguồn lực, tạo hiệu quả hoạt động đánh giá đội ngũ giáo viên cho toàn bộ tổ chức và có khả năng ứng phó với sự thay đổi. Thông qua kế hoạch đánh giá giúp nhà trường có bức tranh cụ thể về mục đích, nội dung, phương pháp, điều kiện và dự kiến nguồn lực cũng như thời gian thực hiện và kết quả đạt được.
1.5.2 Tổ chức thực hiện đánh giá giáo viên.
Tổ chức là quá trình hình thành nên cấu trúc các quan hệ giữa các thành viên, giữa các bộ phận trong một cơ quan nhằm làm cho họ thực hiện thành công các kế hoạch và đạt được mục tiêu tổng thể của cơ quan đó. Nhờ chức năng tổ chức mà hệ thống quản lý trở nên có hiệu quả, cho phép các cá nhân góp phần tốt nhất vào mục tiêu chung.
Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông chỉ đạo các thành viên trong các nhóm thực hiện quá trình đánh giá đội ngũ giáo viên theo đúng kế
hoạch đã được xây dựng dựa trên 6 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí đánh giá nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra. Chỉ đạo thể hiện quá trình ảnh hưởng qua lại giữa chủ thể quản lý và mọi thành viên trong tổ chức nhằm góp phần thực hiện hoá các mục tiêu đã đặt ra.
Tổ chức thực hiện kế hoạch đánh giá theo 3 bước:
Bước 1. Giáo viên tự đánh giá, xếp loại.
Đối chiếu với Chuẩn và minh chứng do bản thân tự xác định, mỗi giáo viên tự đánh giá và ghi điểm đạt được ở từng tiêu chí vào Phiếu giáo viên tự đánh giá; giáo viên ghi nguồn minh chứng bằng cách đánh số các minh chứng đã có và ghi vào dòng tương ứng với các tiêu chí đã được cho điểm. Căn cứ vào tổng số điểm và điểm đạt được theo từng lĩnh vực, giáo viên tự xếp loại đạt được (theo 4 loại: loại kém, loại trung bình, loại khá, loại xuất sắc). Cuối cùng giáo viên tự đánh giá về những điểm mạnh, điểm yếu, nêu hướng phát huy và khắc phục.
Bước 2. Tổ chuyên môn đánh giá, xếp loại.
Xét kết quả tự đánh giá của giáo viên (Phiếu giáo viên tự đánh giá) và nguồn minh chứng do giáo viên cung cấp, tập thể tổ chuyên môn nơi giáo viên công tác tiến hành việc kiểm tra các minh chứng, xác định mức điểm đạt được ở từng tiêu chí của giáo viên; đồng thời tổ chuyên môn phải chỉ ra được những điểm mạnh, điểm yếu của giáo viên và góp ý, khuyến nghị giáo viên xây dựng kế hoạch rèn luyện, tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghề nghiệp.
Sau khi các thành viên của tổ chuyên môn tham gia nhận xét, góp ý kiến, tổ trưởng ghi kết quả đánh giá và xếp loại của tổ vào Phiếu đánh giá giáo viên của tổ chuyên môn. Nếu giáo viên chưa nhất trí với kết quả đánh giá, xếp loại của tổ chuyên môn thì có thể tự ghi ý kiến bảo lưu vào Phiếu đánh giá giáo viên của tổ chuyên môn và của Hiệu trưởng. Tổ trưởng chuyên môn tổng hợp kết quả xếp loại giáo viên của tổ vào Phiếu tổng hợp xếp loại giáo viên của tổ chuyên môn và gửi Hiệu trưởng.
Bước 3. Hiệu trưởng đánh giá, xếp loại.
Xét kết quả tự đánh giá của mỗi giáo viên (Phiếu giáo viên tự đánh giá) và kết quả đánh giá xếp loại của tổ chuyên môn (Phiếu đánh giá giáo viên của tổ chuyên môn và của Hiệu trưởng và Phiếu tổng hợp xếp loại giáo viên của tổ chuyên môn), đối chiếu với các tư liệu về quản lý đội ngũ giáo viên của trường, Hiệu trưởng đưa ra quyết định đánh giá, xếp loại về từng giáo viên.
Trong trường hợp không có sự thống nhất giữa tự đánh giá của giáo viên với đánh giá của tổ chuyên môn, Hiệu trưởng cần trao đổi với tổ trưởng chuyên môn và giáo viên trước khi đưa ra quyết định của mình. Khi cần thiết, hiệu trưởng có thể tham khảo thông tin từ các nguồn khác (học sinh, cha mẹ học sinh, các tổ chức, tập thể trong hoặc ngoài nhà trường) và yêu cầu giáo viên cung cấp thêm minh chứng.
Đối với các trường hợp xếp loại xuất sắc hoặc loại kém, Hiệu trưởng cần tham khảo ý kiến của các Phó hiệu trưởng, Chi bộ đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Tổ trưởng chuyên môn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Hiệu trưởng ghi kết quả xếp loại giáo viên vào phần cuối của Phiếu đánh giá giáo viên của tổ chuyên môn và của Hiệu trưởng (có ký tên, đóng dấu), tổng hợp kết quả xếp loại giáo viên, công bố công khai kết quả đánh giá, xếp loại đến tập thể giáo viên và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo bằng văn bản.
1.5.3 Chỉ đạo thực hiện kế hoạch đánh giá giáo viên.
Chức năng chỉ đạo, xét suy cho cùng là sự tác động lên con người, khơi dậy động lực của nhân tố con người trong hệ thống quản lý, thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người và quá trình giải quyết những mối quan hệ đó để họ tự nguyện và nhiệt tình phấn đấu.
Chỉ đạo là quá trình tác động đến con người sao cho họ tự nguyện và nhiệt tình phấn đấu để đạt được các mục tiêu của tổ chức, bao gồm các hoạt
động chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, phối hợp, ra lệnh và đi trước của người quản lý đối với các cá nhân, bộ phận thừa hành trong tổ chức.
Chỉ đạo là quá trình tập hợp, liên kết các thành viên trong tổ chức theo sát hoạt động của bộ máy, hướng dẫn, điều chỉnh công việc nhịp nhàng, động viên, khuyến khích, khen thưởng người lao động nhằm mục tiêu của tổ chức.
Để thực hiện chức năng chỉ đạo, người quản lý phải thực hiện các nội dung sau:
- Hiểu rõ con người trong tổ chức. Đây là nội dung đầu tiên, quan trọng mà người quản lý phải nắm vững để có thể đưa ra các quyết định và lựa chọn đúng các phương pháp quản lý.
- Xác định nhóm làm việc và chỉ đạo làm việc nhóm.
- Dự kiến các tình huống và tìm cách xử lý tình huống.
Hiệu trưởng trực tiếp chỉ đạo các tổ chuyên trách triển khai thực hiện kế hoạch đánh giá.
1.5.4 Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đánh giá giáo viên theo chuẩn.
Kiểm tra trong quản lý là quá trình theo dõi, giám sát, đo lường, đánh giá diễn biến và kết quả đạt được của các hoạt động, đồng thời tiến hành các biện pháp cải tiến, uốn nắn, khắc phục những sai lệch.
Kiểm tra có vai trò quan trọng trong quá trình quản lý là nhu cầu cơ bản để hoàn thành các quyết định quản lý. Có thể nói rằng kiểm tra để đảm bảo cho kế hoạch thực hiện có hiệu quả.
Mục đích của kiểm tra nhằm bảo đảm kế hoạch đánh giá giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ, phát hiện kịp thời những sai lệch, tìm nguyên nhân và biện pháp điều chỉnh các sai lệch nhằm làm cho toàn bộ hệ thống đạt mục tiêu đã định. Kiểm tra là một quá trình bao gồm các bước: xây dựng các tiêu chuẩn; đo lường việc thực hiện; đánh giá các tiêu chuẩn so với các kế hoạch. Kiểm tra là “tai mắt” của quản lý, là việc làm bình thường, không được cản trở đối tượng thực hiện mục tiêu.
Trong quá trình kiểm tra, thông tin cần phải đầy đủ, kịp thời, chính xác là một căn cứ để hoạch định kế hoạch. Thông tin cũng cần cho các bộ phận trong cơ cấu tổ chức, nó tạo nên mối quan hệ giữa các bộ phận trong tổ chức.
Nó giúp truyền tải mệnh lệnh chỉ đạo và phản hồi hai chiều trong một tổ chức, giúp nhà quản lý thực hiện các chức năng của mình nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức.