Mục tiêu và kế hoạch công tác huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương tới năm 2022

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý kinh tế: Biện pháp hoàn thiện công tác huy động vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Trang 62 - 65)

CHƯƠNG 3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2022

3.1. Mục tiêu và kế hoạch công tác huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương tới năm 2022

3.1.1. Triển vọng của nền kinh tế Việt Nam

Trong giai đoạn từ nay đến 2022, nền kinh tế trong nước và quốc tế sẽ có những chuyển biến và đổi mới, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính như vấn đề nợ công, lạm phát, thất nghiệp…. Cán cân quyền lực kinh tế - chính trị thế giới đang biến đổi do có những vấn đề của các nước lớn như Mỹ, Anh, Đức…và sự phát triển mạnh mẽ của các nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ. Khu vực ASEAN với những lợi thế về địa thế và con người đang trở thành điểm hẹn đầu tư của nhiều công ty tài chính, nhiều quỹ đầu tư lớn quốc tế.

Kế hoạch 5 năm 2018 - 2022 đã được Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5 năm tới là 6,2%/năm, trong đó 2 năm đầu sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nhằm tạo đà cho sự phát triển nhanh trong các năm tiếp theo.Trong đó nhân tố quyết định là phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong 5 năm tới, Việt Nam vẫn giữ được cơ cấu dân số vàng, với tỷ lệ lực lượng lao động chiếm trên 55% dân số và quy mô dân số ổn định. Điều này tạo thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Cơ cấu kinh tế theo kế hoạch 5 năm 2018 - 2022 được xác định là: tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ năm 2022 chiếm khoảng 85% GDP. Trong đó, giá trị sản phẩm công nghiệp ứng dụng Công nghệ cao khoảng 45% GDP. Giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng bình quân tăng 7,8 - 8,0%; giá trị gia tăng nông nghiệp bình quân 5 năm 2,6 - 3,0%. Đẩy mạnh sản xuất trong nước, hướng về xuất khẩu là định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế 2018 - 2022. Cùng với các dự án phát triển hạ

tầng cơ sở, Chính phủ tích cực kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước nhằm hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó các thủ tục đầu tư, các cơ chế hành chính đang từng bước được đơn giản hóa nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, môi trường pháp lý thông thoáng hơn.

3.1.2. Mục tiêu của Saigonbank

Trên cơ sở đánh giá triển vọng của nền kinh tế Việt Nam cũng như đánh giá môi trường kinh doanh và định hướng chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam, ngân hàng đã cụ thể hóa các mục tiêu và kế hoạch trong năm 2018.

Mục tiêu đề ra trong năm 2018 của Saigonbank là:

- Tiếp tục duy trì mức tăng trưởng huy động vốn ổn định.

- Cơ cấu nguồn vốn bền vững, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung và dài hạn, thu hút lượng vốn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân cư.

- Thực hiện quản lý và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhằm mang lại lợi nhuận cho Ngân hàng đồng thời cũng góp phần đáp ứng nhu cầu về vốn cũng như sản phẩm của khách hàng.

Bảng 3.1: Một số chỉ tiêu phấn đấu của Saigonbank trong năm 2018

Chỉ tiêu Đơn vị Kế hoạch

Tổng tài sản Tỷ đồng 23.500

Nguồn vốn huy động Tỷ đồng 20.000

Dư nợ cho vay Tỷ đồng 15.800

Tỷ lệ nợ xấu % <3

(Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2017) Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2018 Saigonbank phải nỗ lực hơn nữa nhằm phát huy được tiềm năng và thế mạnh của mình.

Mục tiêu chiến lược đến năm 2022:

Kể từ khi thành lập tới nay, Saigonbank luôn chủ trương coi huy động vốn là khâu mở đường, là nền tảng để Ngân hàng thực hiện các hoạt

động kinh doanh, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong thời gian tới. Trước những cơ hội và thách thức từ bối cảnh kinh tế và thị trường tài chính trong nước, quốc tế nói chung, Saigonbank đã đề ra những định hướng cụ thể cho hoạt động huy động vốn trong giai đoạn 2018 - 2022.

Công tác huy động vốn trong giai đoạn này phải được thực hiện theo hướng đẩy mạnh huy động vốn trung - dài hạn nhằm nâng cao tỷ trọng nguồn vốn này trong tổng nguồn vốn huy động. Cơ cấu nguồn vốn huy động theo đối tượng cần được cải thiện với mục tiêu tiếp tục gia tăng nguồn vốn huy động từ thị trường I, không lệ thuộc quá nhiều nguồn vốn huy động từ thị trường II do có chi phí cao và tính ổn định kém. Ngân hàng cũng cần đa dạng hóa các nghiệp vụ huy động vốn, vận dụng linh hoạt các hình thức để dễ dàng thu hút nguồn vốn, tạo sự tăng trưởng nguồn vốn ổn định, bền vững. Nguồn vốn ngoại tệ như USD, EUR… cũng nên được đẩy mạnh khai thác, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế mở hiện nay.

Quản lý tốt nguồn vốn huy động, huy động vốn cần cân đối với sử dụng vốn, đáp ứng tốt nhất yêu cầu dự trữ và sử dụng vốn. Bên cạnh việc tăng cường quy mô, huy động vốn cần đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, tích cực khai thác nguồn vốn có chi phí thấp, góp phần tăng lợi nhuận cho Ngân hàng.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, Saigonbank phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ 15 - 20%/năm, trong đó, nguồn vốn trung dài hạn chiếm từ 25 - 30%. Thị trường mục tiêu cần hướng đến là thị trường dân cư và doanh nghiệp vừa và nhỏ, hướng tới mục tiêu chung là trở thành ngân hàng bán lẻ.

Hoạt động huy động vốn của Ngân hàng trong giai đoạn 2018 - 2022 đã được định hướng rõ ràng và cụ thể với mục đích phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế hiện có. Vấn đề quan trọng là Ngân hàng cần xác định và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý công tác huy động vốn theo đúng định hướng đã đề ra.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý kinh tế: Biện pháp hoàn thiện công tác huy động vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)