CHƯƠNG 3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2022
3.2. Một số biện pháp hoàn thiện công tác huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương giai đoạn 2018 - 2022
3.2.2. Nhóm biện pháp về nhân sự
Con người là yếu tố trung tâm, yếu tố then chốt đối với sự thành bại của hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động huy động vốn. Với đặc thù thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, thường xuyên thực hiện giao dịch nên nguồn nhân lực có vai trò tối quan trọng, quyết định nguồn vốn cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng. Chính vì vậy mà công tác phát triển nhân lực của Ngân hàng luôn phải được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong mọi thời kỳ.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương cần làm tốt công tác tuyển dụng đầu vào để sàng lọc, lựa chọn được những cá nhân toàn vẹn cả trí và tài, cống hiến hết mình cho sự phát triển của Ngân hàng, nhất là đối với hoạt động huy động vốn đòi hòi sự linh hoạt và sáng tạo của nhân viên. Ngân hàng cũng cần nắm được những thế mạnh, sở trường, nhược điểm cũng như nguyện vọng của cán bộ mới để có sự phân công công tác phù hợp, nhằm phát huy tối đa năng lực của họ. Việc tuyển dụng được những cán bộ giỏi sẽ giúp Ngân hàng quản lý huy động vốn hiệu quả hơn, đồng thời giảm chi phí đào tạo của Ngân hàng.
Từng bước xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ nhân viên. Triển khai kế hoạch đào tạo chuyên môn, kỹ năng bán hàng, khả năng thương lượng và thuyết phục khách hàng của đội ngũ cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống phù hợp với đặc thù từng vùng, miền. Quan tâm tới việc chăm sóc cuộc sống vật chất và tinh thần của người lao động, tuyên truyền, khuyến khích, động viên người lao động có ý thức trong việc học tập, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cần tập trung nâng cao hiệu quả đào tạo cán bộ, đặc biệt cán bộ phụ trách công tác quản lý hoạt động huy động vốn. Công tác đào tạo phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và chuẩn hoá. Ngay từ ban đầu, các cán bộ cần được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản về ngân hàng, về tài chính tiền tệ nói riêng cũng như lịch sử phát triển, định hướng và phương châm hành động của Ngân hàng. Việc cập nhật, bổ sung những kiến thức mới, văn bản pháp luật mới cũng không được bỏ qua.
Tiếp theo, các cán bộ quản lý công tác huy động vốn cần được đào tạo sâu về chuyên môn, bao gồm các nghiệp vụ về nguồn vốn, lãi suất, thanh toán điện tử, thanh toán quốc tế, nghiên cứu, phân tích thị trường, nhận biết chứng từ thật giả, văn bản chế độ... Một số nội dung có liên quan tới nguồn vốn như xác định lãi suất, phân tích thị trường, quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất cần được chú trọng đào tạo riêng, mời các giảng viên giỏi trong và ngoài
nước, những người làm việc lâu trong lĩnh vực tham gia.
Ngân hàng cần tăng cường tính chuyên nghiệp cho hoạt động đào tạo của mình bằng cách thu thập ý kiến, phản hồi của học viên sau mỗi khoá học.
Ngân hàng có thể thiết kế bảng hỏi hoặc phỏng vấn trực tiếp về cách thức tổ chức khoá học, chất lượng, nội dung bài giảng, thời gian, địa điểm, giảng viên. Từ đó bộ phận đào tạo có thể đánh giá được quá trình đào tạo, nắm bắt được nhu cầu của học viên để có những định hướng và điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài chuyên môn nghiệp vụ, Saigonbank cũng cần phối hợp với trung tâm đào tạo khác tổ chức các khoá học nâng cao các kỹ năng bổ trợ cho cán bộ huy động vốn. Nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ là nhu cầu cấp thiết với bộ phận huy động vốn bởi họ phải cập nhật thông tin quốc tế, nghiên cứu các văn bản nước ngoài liên quan tới phát hành thẻ, hợp đồng tài trợ, uỷ thác đầu tư, phát hành giấy tờ có giá bằng ngoại tệ. Trình độ công nghệ thông tin cũng là yếu tố không thể thiếu đối với các cán bộ huy động vốn. Có không ít trường hợp cán bộ thiếu kỹ năng xử lý về tin học gây chậm trễ, rủi ro tác nghiệp cho hoạt động thanh toán, giao dịch vốn của Ngân hàng. Do vậy, Saigonbank một mặt hoàn thiện các kỹ năng tin học văn phòng cho cán bộ, đặc biệt là các cán bộ có tuổi, mặc khác cần phổ biến cách thức sử dụng và vận hành hệ thống Corebanking cho toàn bộ nhân viên tại khắp các chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống.
Saigonbank cũng cần chú trọng tới việc tăng cường kỹ năng giao tiếp, cư xử, thuyết phục khách hàng cho các bộ huy động vốn, bởi một bộ phận không nhỏ trong số họ trực tiếp tiếp xúc hàng ngày với khách hàng. Tất cả nhân viên giao dịch phải luôn quán triệt phương châm thân thiện, luôn có thái độ nhiệt tình, tận tâm, chu đáo, biết quan tâm lắng nghe ý kiến của khách hàng, khơi gợi lòng tin và sự thiện cảm của họ. Từ đó, Ngân hàng có thể thu hút được nhiều cá nhân trong cộng đồng đến gửi tiền và sử dụng các dịch vụ khác, giúp ngân hàng nâng cao vị thế cạnh tranh và mở rộng thị phần.
Bên cạnh việc đào tạo dưới hình thức tập trung, chính thức, Ngân hàng có thể tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, tự học, tự nghiên cứu, thi nghiệp vụ, thi sáng tạo sản phẩm trong nội bộ nhằm trao đổi các kiến thức mới, thảo luận những vướng mắc trong quá trình làm việc, trong việc thực thi các văn bản, quy định, quy trình. Tại đây, cán bộ nhân viên ngân hàng có thể tự bổ sung, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm làm việc cho mình, đồng thời cũng mở ra cơ hội để tăng cường sự gắn kết trong nội bộ, giúp lãnh đạo có thể hiểu và đánh giá tốt hơn các cán bộ của mình.
Vấn đề rủi ro đạo đức đang ngày càng trở nên nhức nhối trong hoạt động ngân hàng ngày nay. Saigonbank ra đời được hơn 30 năm, ngoài đội ngũ cán bộ đã gắn bó lâu năm với ngân hàng còn có những cán bộ có tuổi đời và tuổi nghề chưa cao, rất dễ bị cám dỗ và lôi kéo, dẫn đến những hậu quả khó lường hữu hình và vô hình cho Ngân hàng. Chính vì vậy, Saigonbank cần quan tâm nhiều hơn tới việc trau dồi phẩm chất đạo đức cho các cán bộ nghiệp vụ huy động vốn. Bộ phận nhân sự cần thu thập và lưu trữ đầy đủ thông tin về nhân viên, thường xuyên cập nhật và có đánh giá đầy đủ về đạo đức của cán bộ thông qua bản kiểm điểm hàng năm của mỗi cá nhân và ý kiến từ những đồng nghiệp khác. Đối với những trường hợp vi phạm, Ngân hàng có biện pháp xử lý vừa nghiêm khắc, răn đe vừa khéo léo, linh hoạt, tránh tạo ra tâm lý căng thẳng, gây áp lực cho cán bộ làm việc.
Trong công tác huy động vốn, năng lực và hiệu quả công việc được thể hiện rất rõ qua doanh số, số dư huy động và chất lượng nguồn vốn.
Saigonbank cần có những chính sách khen thưởng bằng cách tuyên dương, tăng lương, đặc cách đào tạo đối với những nhân viên có thành tích như thu hút nhiều khách hàng, huy động các món tiền gửi có giá trị lớn và dài hạn, sáng tạo trong phát triển sản phẩm, mở rộng hoạt động huy động vốn, có phẩm chất đạo đức tốt... Đó là nguồn động lực khuyến khích họ hăng say làm việc, góp phần vào sự thành công của Ngân hàng. Ngân hàng cũng cần có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cho các cán bộ có hoàn cảnh khó khăn, củng cố sợi
dây tình cảm kết nối giữa Ngân hàng với đội ngũ nhân viên của mình.
Một vấn đề đáng quan tâm khác của Saigonbank trong hoạt động huy động vốn là Ngân hàng cần phát triển bộ máy nhân sự trong hoạt động huy động vốn theo hướng chuyên môn hoá nghiệp vụ, theo đó Ngân hàng cần tách chức năng phát triển sản phẩm ra khỏi các phòng ban nghiệp vụ, thành lập một bộ phận riêng chuyên trách về mảng này để có thể hoạt động một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.