Đặc điểm phát triển kĩ năng ngôn ngữ của học sinh tiểu học

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giáo dục học: Rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2 trong giờ dạy Tiếng Việt ở một số trường Tiểu học thành phố Hải Phòng (Trang 24 - 27)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.1. Những vấn đề chung về dạy học phát triển kĩ năng ngôn ngữ cho học sinh lớp 2

1.1.2. Đặc điểm phát triển kĩ năng ngôn ngữ của học sinh tiểu học

Sự phát triển ngôn ngữ của HS lớp 2 có quan hệ chặt chẽ với vai trò của GV trong việc bồi dưỡng phát triển ngôn ngữ cho các em. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển mạnh nhất trong 3 năm đầu tiên của cuộc sống, đó là thời gian bộ não của trẻ phát triển mạnh nhất và đầy đủ nhất. Ngay từ một tuổi rưỡi đến hai tuổi trẻ em đã bắt đầu tập nói. Ngôn ngữ của trẻ phát triển dần theo thời gian. Đến 5 tuổi, hầu hết trẻ em biết vài nghìn từ và nắm được hầu hết toàn bộ các quy tắc ngữ pháp. Trẻ em phát triển ngôn ngữ theo tốc độ khác nhau, và theo những cách khác nhau. Sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ còn là một trong những dự báo tốt nhất về sự thể hiện sau này của đứa trẻ ở trường. Đến tuổi lên 5, đứa trẻ chậm phát triển ngôn ngữ hoặc lời nói thường thể hiện khó khăn trong suốt thời gian học phổ thông. Trẻ có vốn từ vựng lớn và nắm chắc các quy tắc ngữ pháp sẽ dễ dàng đọc và viết. Khi 6 tuổi, trẻ đến trường, lúc này ngôn ngữ của trẻ phát triển mạnh cả về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Ở giai đoạn này, ngôn

ngữ của các em tăng lên nhanh, cú pháp được phát triển, trình bày ngắn gọn, rõ ràng vấn đề do tiếp xúc với các khái niệm mang tính khoa học và yêu cầu của hoạt động học tập, của hoạt động trí tuệ. Nhờ tham gia các hoạt động học tập, vui chơi và giao tiếp với những người xung quanh, được tiếp thu các tri thức qua các môn học mà vốn từ ngữ của các em dần phong phú và giàu hình ảnh hơn. Tuy nhiên, do chưa có ý thức luyện tập nên các em phát âm còn sai đối với âm, vần khó, kỹ năng vận dụng cấu trúc câu vào diễn đạt ý còn nhiều hạn chế và lúng túng.

Từ 7 tuổi trở đi, trẻ em trở nên khó học ngôn ngữ hơn. Quá trình tư duy của trẻ thay đổi kéo theo việc học ngôn ngữ cũng thay đổi. Chính vì thế, trường tiểu học là môi trường giáo dục tốt nhất hướng dẫn trẻ phát triển vốn từ, học các cấu trúc chính xác của tiếng mẹ đẻ, mở mang hiểu biết, hoàn thiện nhân cách.

Việc hình thành và nâng cao KNN cho HS là bước đầu tiên trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ. Để phát triển ngôn ngữ của trẻ, GV cần có ý thức luyện ngôn ngữ nói cho HS (chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại) trong giao tiếp, vì ngôn ngữ giao tiếp có ảnh hưởng tới mọi mặt trong đời sống nhà trường của trẻ em. GV cần chú ý lựa chọn từ ngữ, phát âm chuẩn xác, sử dụng cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, giản dị, trong sáng, phù hợp với tâm lí và nhận thức của HS lớp 2.

Để hoạt động học tập được thực hiện tốt thì GV cần động viên, khuyến khích các em. Sự động viên khuyến khích kịp thời giúp các em tự tin hơn và hình thành phát triển những phẩm chất tâm lí tích cực, mang lại hiệu quả học tập tốt đẹp. Việc tìm ra những biện pháp và hình thức tổ chức phù hợp để phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho HS tiểu học nói chung, trước hết là HS lớp 2 là hết sức cần thiết để góp phần thực hiện mục tiêu của môn học và bậc học này.

1.1.2.2. Sự phát triển ngôn ngữ của HS HS Tiểu học

Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Môi trường thay đổi: đòi hỏi trẻ phải tập trung chú ý thời gian liên tục từ 30 – 35 phút. Chuyển

từ hiếu kỳ, tò mò sang tính ham hiểu biết, hứng thú khám phá. Bước vào môi trường học đường thực sự, trẻ tiểu học phải học cách kiềm chế dần tính hiếu động, bộc phát, chuyển thành tính kỷ luật, nền nếp, chấp hành nội quy học tập. Phát triển độ tinh nhạy và sức bền vững của các thao tác tinh khéo của đôi bàn tay để tập viết,…

Ngôn ngữ có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình nhận thức cảm tính và lý tính của trẻ, nhờ có ngôn ngữ mà cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng của trẻ phát triển dễ dàng và được biểu hiện cụ thể thông qua ngôn ngữ nói và viết của trẻ. Mặt khác, thông qua khả năng ngôn ngữ của trẻ ta có thể đánh giá được sự phát triển trí tuệ và năng lực của trẻ. Để trau dồi vốn ngôn ngữ cho trẻ trong giai đoạn này, cha mẹ và thầy cô hướng trẻ vào việc đọc các loại sách báo bằng hình vẽ hoặc chữ viết văn học, có thể là sách văn học, truyện tranh, truyện cổ tích, báo nhi đồng,….đồng thời cũng có thể kể cho trẻ nghe hoặc tổ chức các cuộc thi kể truyện đọc thơ, viết báo, viết truyện, dạy trẻ cách viết nhật kí,… Tất cả đều có thể giúp trẻ có được một vốn ngôn ngữ phong phú và đa dạng.

Ở đầu bậc Tiểu học, con trẻ nhớ chủ yếu đựa vào trực quan hình ảnh, càng về sau trí nhớ đến từ từ ngữ mới mạnh dần lên.

* Trẻ lớp 2, chủ yếu ghi nhớ máy móc, chưa biết cách khái quát hóa vấn đề để dễ hiểu dễ nhớ, chưa biết lấy mốc thời gian để ghi nhớ sự kiện.

* Giai đoạn lớp 4,5, quá trình ghi nhớ có chủ định phát triển. Để giúp trẻ tập trung sự chú ý và ghi nhớ tốt hơn cần giúp trẻ khái quát hóa vấn đề, biết đâu là nội dung quan trọng cần ghi nhớ. Phương pháp bản đồ tư duy là một trong những cách học lý thú và có tính khái quát hóa cao, giúp trẻ tiếp cận việc học tốt hơn.

Tất cả đều là thử thách của trẻ, muốn trẻ vượt qua được tốt những điều này thì phải cần có sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội dựa trên sự hiểu biết về tri thức khoa học.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giáo dục học: Rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2 trong giờ dạy Tiếng Việt ở một số trường Tiểu học thành phố Hải Phòng (Trang 24 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)