Lí thuyết hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ và việc vận dụng vào rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giáo dục học: Rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2 trong giờ dạy Tiếng Việt ở một số trường Tiểu học thành phố Hải Phòng (Trang 29 - 32)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.2. Một số lí thuyết liên quan đến đề tài nghiên cứu

1.2.1. Lí thuyết hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ và việc vận dụng vào rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2

1.2.1.1. Lí thuyết hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ a) Giao tiếp và giao tiếp ngôn ngữ

Giao tiếp là nhu cầu và điều kiện tất yếu không thể thiếu của cuộc sống con người. Thông qua giao tiếp, cá nhân gia nhập vào các quan hệ xã hội với toàn cộng đồng, nhờ có giao tiếp con người tiếp thu nền văn hoá xã hội và biến thành của riêng mình, qua giao tiếp con người biết được giá trị xã hội của người khác và của bản thân, trên cơ sở điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực xã hội. Vì vậy giao tiếp không chỉ quan trọng đối với cuộc sống con người, với tồn tại và phát triển của xã hội loài người nói chung mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân trong cộng đồng…

Trong cuốn giáo trình Giản yếu về ngữ dụng học, Đỗ Hữu Châu viết “Giao tiếp là một quá trình trao đổi thông tin (bao gồm cả tri thức, tình cảm, thái độ, ước muốn, hành động,…) giữa ít nhất hai chủ thể giao tiếp (kể cả trường hợp một người giao tiếp với chính mình) diễn ra trong một ngữ cảnh và một tình huống nhất định, bằng một hệ thống tín hiệu nhất định” [8].

Với cách hiểu như trên, có thể thấy giao tiếp đóng một vai trò quan trọng đối với con người và xã hội loài người. Giao tiếp là điều kiện tồn tại của con người. Nhu cầu của con người trước hết là nhu cầu được tiếp xúc với người khác. Đó là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con người đồng thời cũng là một trong những nhu cầu đặc trưng và xuất hiện sớm nhất ở con người. Nó qui định hành vi của con người không kém gì cái được gọi là nhu cầu sống. Điều đó là tự nhiên bởi vì giao tiếp là điều kiện cần thiết cho sự phát triển bình thường của con người như là thành viên của xã hội, như là nhân cách. C. Mác cũng chỉ rõ rằng: “Sự phát triển của một cá nhân được qui định bởi sự phát triển của tất cả các cá nhân khác mà nó giao lưu một cách trực tiếp”. Có thể nói, ở đâu có sự tồn tại của con người thì ở đó có sự giao

tiếp giữa con người với con người. Giao tiếp là cơ chế bên trong của sự tồn tại và phát triển của con người. Nhu cầu giao tiếp là nhu cầu “vĩ đại nhất”,

“phong phú nhất”. Sự phát triển của nhu cầu này trong một con người chính là

“một điều kiện làm cho con người trở thành con người”.

Các hình thức giao tiếp hết sức đa dạng. Đó có thể là điệu bộ, cử chỉ, các loại dấu hiệu, kí hiệu, tín hiệu (như hệ thống kí hiệu toán học, hóa học, sinh học, hệ thống tín hiệu thông tin liên lạc, hệ thống tín hiệu đèn giao thông, biển báo giao thông, ...), là các bản nhạc với nhiều cung bậc âm thanh, các tác phẩm điêu khắc, hội họa được thể hiện qua những hình khối, màu sắc,...

Mục đích của giao tiếp có thể chỉ là sự trao đổi thông tin đơn thuần (như việc sử dụng các kí hiệu toán học, hóa học) mà cũng có thể là sự trao đổi tư tưởng, tình cảm, sự biểu lộ cảm xúc (như trong âm nhạc, hội họa...).

b) Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp trọng yếu nhất của con người Đối với xã hội loài người, trong số các hình thức giao tiếp mà con người sử dụng thì hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ là hình thức giao tiếp phổ biến, quan trọng nhất và hiệu quả nhất. Nói như Lenin, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. So với các phương tiện giao tiếp khác, ngôn ngữ vượt trội hơn hẳn.

Ngoài ngôn ngữ con người có thể sử dụng điệu bộ, cử chỉ, các loại dấu hiệu, kí hiệu để giao tiếp, truyền đạt cho nhau một nội dung tư tưởng, cảm xúc nào đó. Tuy nhiên, so với ngôn ngữ thành tiếng, ngôn ngữ âm thanh thì ngôn ngữ cử chỉ thật nghèo nàn và hạn chế. Đó chẳng qua chỉ là một số rất ít các động tác đơn giản như lắc đầu, gật đầu, nhún vai, nheo mắt, khom lưng, vẫy tay, chỉ tay, … Có những cử chỉ chỉ một số người hiểu với nhau và nhiều khi ý nghĩa của các cử chỉ cũng không rõ ràng dẫn đến việc người tạo cử chỉ hiểu một đằng, người tiếp thu nghĩ một nẻo. Những hệ thống kí hiệu, dấu hiệu khác như đèn tín hiệu giao thông, kí hiệu toán học, tín hiệu hàng hải, mã hiệu quân sự, … thì chỉ được sử dụng trong phạm vi hạn chế chứ không phải là phương tiện giao tiếp toàn xã hội. Bản thân những kí hiệu, dấu hiệu như thế

muốn hiểu được vẫn phải dùng ngôn ngữ thành tiếng để giải thích. Ngay kể cả những kí hiệu đã đi vào các lĩnh vực của đời sống như kí hiệu toán học, thì dù có phổ biến đến đâu thì phạm vi và khả năng của chúng cũng không vượt mặt được phương tiện ngôn ngữ - một phương tiện mà không ai không sử dụng hàng ngày. Chính vì vậy, cử chỉ điệu bộ hay kí hiệu, tín hiệu và các dấu hiệu khác nhau chỉ là những phương tiện giao tiếp phụ, bổ sung cho ngôn ngữ thành tiếng mà không thể thay thế nó.

Giao tiếp bằng ngôn ngữ và sự phổ biến mang tính toàn cầu của nó trong xã hội hiện đại. Chính nhờ có ngôn ngữ mà con người có thể hiểu nhau trong quá trình sinh hoạt và lao động, nhờ ngôn ngữ mà con người có thể diễn đạt và làm cho người khác hiểu được tư tưởng, tình cảm và trạng thái, nguyện vọng của mình; nhờ có ngôn ngữ mà con người mới truyền đạt được những kinh nghiệm sản xuất và đấu tranh, những thành tựu khoa học – công nghệ từ nơi này, người này, thế hệ này sang nơi khác, người khác, thế hệ khác.

Hiểu rõ được điều này, ví dụ khi dạy học Luyện từ và câu, Tập làm văn cho HS, GV cần giúp cho các em mở rộng vốn từ, nắm chắc quy tắc sử dụng ngôn từ, tức là phải cung cấp đầy đủ cho HS những cái có hạn để các em tạo ra vô hạn những lời nói khác nhau trong giao tiếp và học tập.

1.2.1.2. Vận dụng lí thuyết hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ vào rèn kĩ năng nói cho HS lớp 2

Mục tiêu của môn Tiếng Việt là giúp HS có khả năng sử dụng hiệu quả tiếng Việt trong hoạt động giao tiếp. Phương pháp giao tiếp là phương pháp sắp xếp các tài liệu ngôn ngữ được sử dụng trong dạy học sao cho vừa đảm bảo được tính chính xác, chặt chẽ của chúng trong hệ thống ngôn ngữ, vừa phản ánh được đặc điểm chức năng của chúng trong hoạt động giao tiếp.

Trong dạy học tiếng Việt phải tạo ra được những tình huống giao tiếp giả định, sát hợp với thực tế.

Trong quá trình rèn KNN, lí thuyết giao tiếp giúp GV có sự định hướng về nội dung và phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu dạy học đề ra. Vận dụng lí thuyết giao tiếp để rèn KNN là nhằm phát triển năng lực sử dụng ngôn

ngữ nói cho từng cá nhân HS. Vì thế, GV cần phải xác định nội dung giao tiếp, tạo môi trường giao tiếp, cần dạy HS biết sử dụng ngôn ngữ và thao tác giao tiếp đúng. Muốn vậy, GV cần biết chuyển nội dung dạy học thành những tình huống giao tiếp gần gũi, giúp HS vận dụng những kinh nghiệm để thực hiện hoạt động giao tiếp. Từ đó, HS sẽ có kỹ năng giao tiếp và phát triển được lời nói. Ngoài ra, GV cần xác định được những biện pháp và cách thức tổ chức luyện tập phù hợp với tâm lí nhận thức của HS lớp 2. Nắm chắc quy trình tổ chức và vận dụng những biện pháp hợp lí trong quá trình rèn KNN cho HS dựa trên những nội dung đã xác định sẽ giúp HS luyện tập một cách hứng thú và có hiệu quả.

Việc rèn KNN cho HS lớp 2 bắt đầu từ việc luyện phát âm, luyện cách sử dụng từ ngữ thông qua việc làm giàu vốn từ, luyện cách tạo lập và diễn đạt câu, luyện cách liên kết câu tạo thành chuỗi lời nói. Dựa trên vốn từ phong phú kết hợp với việc sử dụng câu phù hợp, HS được rèn KN sử dụng chúng trong các hoạt động giao tiếp thông qua cách sử dụng các nghi thức lời nói và diễn đạt các chủ đề dưới hình thức hội thoại.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giáo dục học: Rèn kĩ năng nói cho học sinh lớp 2 trong giờ dạy Tiếng Việt ở một số trường Tiểu học thành phố Hải Phòng (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)