Chương 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.2. Khái niệm, nội dung và tiêu chí phát triển kinh tế hộ nông dân
Theo từ điển tiếng Pháp Larousse, 2006: phát triển là một quá trình tổng hoà các hiện tượng được quan niệm như một chuỗi nhân quả kế tiếp nhau diễn tiến. Từ đó có thể hiểu phát triển kinh tế là quá trình biến đổi về mọi mặt của nền kinh tế
trong một thời kì nhất định.Trong đó bao gồm cả sự tăng thêm về quy mô sản lượng và sự tiến bộ về cơ cấu kinh tế - xã hội. Cho nên phát triển kinh tế là khái niệm chung nhất về một sự chuyển biến của nền kinh tế, từ trạng thái thấp lên một trạng thái cao hơn [28].
Phát triển kinh tế hộ nông dân là quá trình phát triển kinh tế tăng tiến về mọi mặt của hộ nông dân trong một thời kỳ nhất định. Trong đó bao gồm cả sự tăng lên về quy mô sản lượng và tiến bộ mọi mặt của xã hội hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý. Kinh tế hộ nông dân là một thành phần của kinh tế nông nghiệp, do đó có thể hiểu rằng phát triển kinh tế hộ nông dân chính là quá trình tăng trưởng về sản xuất, gia tăng về thu nhập, tích lũy của kinh tế hộ nông dân, làm cho kinh tế nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung đi lên.
1.2.2. Nội dung phát triển kinh tế hộ nông dân
Kinh tế hộ nông dân là một loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp, do đó có thể hiểu rằng phát triển kinh tế hộ nông dân chính là quá trình tăng trưởng về sản xuất, gia tăng về thu nhập, tích lũy của kinh tế hộ nông dân, làm cho kinh tế nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung đi lên. Cụ thể các nội dung phát triển kinh tế hộ nông dân bao gồm những nội dung sau:
1.2.2.1. Tăng cường các yếu tố sản xuất của kinh tế hộ nông dân
Các yếu tố sản xuất chủ yếu của kinh tế hộ nông dân bao gồm: đất đai, vốn, lao động. Phát triển các yếu sản xuất là nhằm gia tăng qui mô đất đai tính trên hộ nông dân (hoặc tính trên 1 lao động); gia tăng vốn đầu tư cho sản xuất của hộ, gia tăng số lượng lao động.
- Đất hay các nguồn lực tự nhiên (tài nguyên thiên nhiên) - các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên chẳng hạn như đất đai và khoáng chất. Đặc điểm. vai trò với kinh tế hộ, những quan niệm khác nhau về đất đai đối với kinh tế hộ...
- Lao động: Các hoạt động của con người được sử dụng trong sản xuất. yếu tố lao động là một phạm trù khách quan gắn liền với bất kỳ nền sản xuất xã hội nào.
Không có yếu tố con người, sẽ không có một quá trình sản xuất nào diễn ra, lúc đó tư liệu sản xuất chỉ là vật chết, chỉ có yêu tố lao động của con người mới làm cho tư liệu sản xuất sống lại tạo ra sản phẩm mới. Ngay cả đối với những nước có nền kinh tế phát triển dựa trên cơ sở khoa học kỹ thuật hiện đại, quá trình sản xuất sản phẩm đều hoàn toàn do Robot làm việc, cũng không thể thoát ly khỏi sự điều khiển
của con người vì chính con người tạo ra và điều khiển chúng làm việc theo một chương trình đã định sẵn.
Tuy nhiên, trong mỗi hình thái kinh tế, quan niệm về vai trò của yếu tố con người khác nhau. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa, con người được sử dụng một cách có kế hoạch, được tạo mọi điều kiện cho việc phát huy năng lực cá nhân, song tính chất tập trung quan liêu của nền kinh tế đã dẫn đến sự ỷ nại, trì trệ, kìm hãm sự phát triển đó.
1.2.2.2. Nâng cao trình độ sản xuất của chủ hộ
Trình độ học vấn là một khía cạnh rất quan trọng để đánh giá chất lượng của nguồn nhân lực. Một nguồn nhân lực được xem là có chất lượng cao khi trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, kỹ năng lao động thành thạo. Trong đó, trình độ học vấn của người lao động là yếu tố rất đáng quan tâm, nó giúp cho người lao động nắm bắt được những kiến thức mới, nó còn là một công cụ giúp người lao động tiếp cận được những tri thức mới, nâng cao khả năng tư duy sáng tạo của người lao động. Về vấn đề này Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), đã đề ra mục tiêu đến 2020 phải đạt trên 50% lao động nông thôn qua đào tạo nghề. Học nghề là nghĩa vụ quyền lợi của lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và phục vụ cho công việc của mình.
Trong giai đoạn hiện nay, với xu thế tiến tới các hộ phải tham gia liên kết sản xuất kinh doanh, nguồn lực lao động quyết định năng suất và chất lượng công việc.
Điều này đòi hỏi trình độ của lao động nông thôn ngày càng phải được nâng cao.
Các hộ sản suất cần tuân thủ các hướng dẫn về thời vụ và kỹ thuật gieo trồng, bảo quản hàng hóa nông sản sau thu hoạch, tham gia các lớp tập huấn để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm hàng hóa nông sản, phải có kiến thức về công nghệ cao, công nghệ sinh học. Người lao động ngoài các kiến thức để sản xuất, kinh doanh còn phải có năng lực quản lý kinh tế hộ nhằm phát triển kinh tế hộ theo các mô hình liên kết theo chiều dọc trong các ngành hàng, chuỗi giá trị sản phẩm nông sản; các mô hình liên kết mới theo chiều ngang, liên kết giữa những người sản xuất, các đơn vị kinh doanh với nhau.
1.2.2.3. Gia tăng kết quả sản xuất của kinh tế hộ
Kết quả sản xuất của kinh tế hộ biểu hiện ở đầu ra của kinh tế hộ như: Sản lượng hàng hóa nông sản, giá trị tổng sản lượng, giá trị sản lượng hàng hóa, doanh thu... Kết quả này có được nhờ sự kết hợp các yếu tố nguồn lực lao động, vốn, đất đai, trình độ sản xuất của chủ hộ và sự lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh như chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho hộ nông dân …
1.2.2.4. Nâng cao thu nhập, đời sống và tích lũy của kinh tế hộ.
Hộ sản xuất hàng hoá phát triển làm tăng thêm thu nhập của người lao động, tích lũy của hộ ngày càng gia tăng, đời sống người dân được cải thiện, giảm hộ đói nghèo, tăng nhanh hộ khá giầu, góp phần thúc đẩy kết cấu hạ tầng trong nông thôn. Cơ sở vật chất của các hộ nông dân được tăng cường, nhà cửa khang trang, phương tiện sinh hoạt được trang bị ngày càng đầy đủ và hiện đại làm cho bộ mặt xã hội nông thôn được thay đổi nhanh chóng.
1.2.3. Các chỉ tiêu phản ánh trình độ phát triển kinh tế hộ nông dân
Nhóm chỉ tiêu phản ánh về chủ hộ nông dân: Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm sản xuất, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, khả năng tiếp cận thị trường, độ tuổi bình quân, giới tính.
Nhóm chỉ tiêu phản ánh điều kiện sản xuất kinh doanh của hộ nông dân: đất đai bình quân 1 hộ, 1 lao động, 1 nhân khẩu; vốn sản xuất bình quân 1 hộ và cơ cấu vốn theo tính chất vốn; lao động bình quân 1 hộ, lao động bình quân/người tiêu dùng bình quân.
Nhóm chỉ tiêu phản ánh phương hướng và kết quả sản xuất hàng hoá của hộ nông dân: giá trị sản phẩm thu được từ sản xuất nông, lâm, thuỷ sản trong năm, cơ cấu giá trị sản phẩm thu được, chi phi sản xuất, thu nhập bình quân hộ từ sản xuất hàng hoá.
Nhóm chỉ tiêu phản ánh mức thu nhập và thu chi của hộ nông dân: tổng thu của hộ, chi phí sản xuất bình quân 1 hộ nông dân, thu nhập bình quân của hộ nông dân, mức thu nhập bình quân/lao động, thu nhập bình quân/khẩu.