Các yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển kinh tế nông hộ trên địa bàn huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Luận văn thạc sĩ) (Trang 25 - 33)

Chương 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế hộ nông dân

1.3.2. Các yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội

* Dân cư và lao động.

Người lao động phải có trình độ học vấn, cần cù, siêng năng, có kỹ năng tiếp thu tiến bộ khoa học, kỹ thuật về kinh nghiệm sản xuất tiên tiến trong việc sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ nông dân. Đại hộ phận lao động sống tập trung ở vùng nông thôn là nhân tố hàng đầu thúc đẩy phát triển kinh tế hộ nông dân theo chiều rộng và chiều sâu. Sự phân bố dân cư và nguồn lao động ảnh hưởng đến cơ cấu, sự phân bố cây trồng, vật nuôi (là lực lượng lao động, tiêu thụ, quan trọng để phát triển nông nghiệp).

Dân cư là thị trường tiêu thụ lớn sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế hộ nông dân phát triển.

* Quan hệ sở hữu rộng đất.

Quan hệ sở hữu ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế hộ nông dân, người dân tham gia sản xuất, được quyền sử dụng đất trong canh tác với nhiều hình thức khác nhau, họ sẽ chủ động trong việc quản lý và sử dụng đất có hiệu quả nhất.

* Nguồn vốn và thị trường tiêu thụ.

Nguồn vốn có vai trò to lớn với quá trình phát triển kinh tế hộ nông dân. Nó là một trong những yếu tố quyết định sự hình thành hộ sản xuất hàng hoá. Khi có quy mô vốn kinh tế hộ mới có thể chuyển thành kinh tế trang trại gia đình. Nguồn vốn tăng nhanh cũng tạo điều kiện cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất .

Thị trường là nơi tiêu thụ rộng lớn các sản phẩm do hộ nông dân làm ra, thúc đẩy kinh tế hộ nông dân phát triển; và tham gia điều tiết giá cả của nông phẩm. Sự

phát triển và mở rộng thị trường trong và ngoài nước thúc đẩy sự phát triển kinh tế hộ nông dân hình thành vùng chuyên môn hóa sản xuất nông phẩm.

* Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật.

Sự phân bố cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến sự phân bố sản xuất của nông hộ.

Sản xuất nông phẩm thường phân bố ở nhiều những vùng có các khu chế biến, các khu công nghiệp, gần các trung tâm cung cấp giống cây trồng, ở những đầu mối giao thông.

Hệ thống các công trình thủy lợi các cấp, trong đó bao gồm: các hồ chứa, các nhà máy thủy điện, cung cấp nước tưới, điều tiết nước phục sản xuất.

* Sự liên kết, hợp tác giữa các hộ nông dân trong sản xuất kinh doanh.

Thời kỳ cạnh tranh kinh tế thị trường cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh, các hộ nông dân càng cần có sự hợp tác, liên kết, giúp đỡ nhau để có thêm vốn, kinh nghiệm sản xuất, và quan trọng hơn nữa là tiêu thụ các sản phẩm, việc liên kết hợp tác giúp các hộ nông dân có điều kiện áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, đầu tư thêm trang thiết bị tiên tiến đưa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng, hiệu quả chăn nuôi, tăng năng suất lao động của mình.

Các ban ngành liên quan: Hệ thống ngân hàng đầu tư vốn cho sản xuất nông nghiệp; Các trung tâm tổ chức các lớp đào tạo tay nghề cho người lao động; các trung tâm cung cấp giống, dịch vụ nông nghiệp: Hợp tác xã nông nghiệp, trạm khuyến nông,…Các cơ sở lai tạo giống cây trồng, bảo vệ thực vật, các cơ sở sản xuất, cung cấp phân bón, các loại hóa chất ...

1.3.3. Các yếu tố về khoa học kỹ thuật, công nghệ

Khoa học - công nghệ là đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của phát triển kinh tế hộ nông dân. Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá trên thị trường; từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ khoa học và công nghệ ở nông thôn tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền

núi theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá; huy động tối đa nguồn lực xã hội, góp phần phát triển sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nông dân, thực hiện mục tiêu chiến lược tăng trưởng và xoá đói, giảm nghèo; đào tạo và bồi dưỡng cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân,...

Kỹ thuật canh tác: Do điều kiện địa lý khác nhau, mỗi vùng miền có điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau, do đó để sản xuất ra sản phẩm cho năng suất chất lượng, hiệu quả cao thì đòi hỏi các loại giống cây, con khác nhau nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết từng mùa, từng vùng, từng loại đất.

1.3.4. Các nhân tố về cơ chế, chính sách

Những nhân tố thuộc về quản lý vĩ mô của nhà nước là những chính sách, những định hướng cho phát triển kinh tế của đất nước: Chính sách ruộng đất, chính sách bảo hộ sản phẩm, chính sách hỗ trợ cây- con giống, chính sách bình ổn giá, giúp người dân ổn định làm ăn, yên tâm sản xuất.

Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách về nông nghiệp, tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển. Từ khi thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI (1988), hộ nông dân đã thực sự được trao quyền tự chủ trong sản xuất, và do đó đã khơi dậy nhiều nguồn lực và tiềm năng để kinh tế hộ gia đình phát triển; người nông dân gắn bó với ruộng đất hơn, chủ động đầu tư vốn để thâm canh tăng vụ, ruộng đất được sử dụng tốt hơn... Nghị quyết Trung ương 6 lần 1 (khoá VIII) với chủ trương tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, nhất là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đã khẳng định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực có vai trò cực kỳ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, làm cơ sở để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 đã xác định kinh tế hộ gia đình là một đơn vị sản xuất cơ sở, cần thiết cho chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế vĩ mô, nhằm huy động mọi nguồn lực tiến hành sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nghị định số 66/HĐBT ngày 2/3/1992; Luật Doanh nghiệp (2005), Luật Doanh nghiệp (2014) đã khẳng định: Chủ hộ chịu trách nhiệm vô hạn về vốn và kết quả kinh doanh của mình, mặt khác Nhà nước cũng có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để hộ kinh doanh có số vốn phù hợp với quy mô để hộ gia đình có thể chuyển thành doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và các hoạt động theo pháp luật.

Đặc biệt ngày 05/08/2008 BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-TW về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Nghị quyết nêu rõ “…Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường…”

Theo đó, kinh tế hộ gia đình thích ứng với cơ chế thị trường ngày càng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lao động, giải quyết việc làm ở nông thôn.

Xuất hiện nhiều hộ gia đình sản xuất theo phương thức trang trại gia đình, trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản...

Kinh tế hộ gia đình đang có cơ hội, điều kiện phát triển mạnh mẽ khi chúng ta thực hiện quá trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới là một nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 491 ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Bộ tiêu chí quy định việc thực hiện nông thôn mới ở nước ta gồm 7 vùng, với 5 nội dung, 19 tiêu chí. Trong đó, phát triển kinh tế hộ gia đình, đa dạng hóa ngành nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn là những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Ngoài ra, để hộ nộng dân có vốn phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều chính sách đã được Đảng, Chính phủ ban hành nhằm tạo điều kiện cho các hộ nông dân tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất nông nghiệp như: Nghị định 41/2010/NĐ- CP ngày 14/04/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/7/2015 thay thế nghị định 41/2010/NĐ-CP).

1.4. Kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ nông dân tại một số địa phương của Việt Nam có khả năng áp dụng cho huyện Gia Bình

1.4.1. Kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ nông dân của tỉnh Bắc Giang

Những năm gần đây Bắc Giang đã thực hiện một số biện pháp cụ thể để nâng cao thu nhập cho nông hộ như:

- Xây dựng cánh đồng mẫu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn tiêu chí xây dựng cánh đồng mẫu áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2014 - 2016.Theo đó, có 7 tiêu chí được thiết lập để xây dựng cánh đồng mẫu. Cụ thể: Hướng dẫn về quy hoạch và lựa chọn địa điểm: Cánh đồng mẫu sản xuất các cây trồng phải phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi; địa điểm lựa chọn là ưu tiên những địa điểm đã được dồn điền, đổi thửa hoặc những nơi có ruộng đất không manh mún; có kế hoạch sản xuất được UBND xã, thị trấn phê duyệt. Đối với tiêu chí về liên kết sản xuất: Cánh đồng mẫu phải có sự liên kết giữa các hộ nông dân do đại diện hộ dân hoặc thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp về: cung ứng vật tư phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; giống; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tiêu chí về quy mô diện tích; áp dụng cơ giới và quy trình kỹ thuật; đối tượng cây trồng; phương án sản xuất và quy định về hiệu quả kinh tế.

- Sản phẩm thế mạnh: Thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, mỗi xã chọn 1-2 sản phẩm có thế mạnh của địa phương để tập trung sản xuất. Qua đó hình thành các vùng chuyên canh như: Cánh đồng Ráu trồng rau sạch ở xã Đa Mai; cà rốt, hành lá ở xã Tân Tiến; cây cảnh Kênh Vối Ngoài ở xã Đồng Sơn; hoa lyly tại xã Song Mai; ớt siêu cay tại xã Tân Mỹ...Để khuyến khích nông dân, ngoài hỗ trợ kỹ thuật, cơ quan chức năng TP còn hỗ trợ các đơn vị, bà con tham quan mô hình sản xuất - tiêu thụ hiệu quả tại các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiêu thụ sản phẩm và quảng bá nông sản tại các hội chợ, hội thảo.

1.4.2. Kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ nông dân của tỉnh Nam Định

Trong những năm qua, HND tỉnh Nam Định đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: hỗ trợ về vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), xây dựng các mô hình cây trồng vụ đông.

Với mục tiêu thu hút, tập hợp hội viên vào tổ chức HND, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, HND tỉnh Nam Định đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, cung cấp thông tin cho nông dân theo phương châm “nông dân cần gì, Hội giúp nấy”. HND tỉnh đã tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, đưa các giống lúa đặc sản, năng suất, chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, Hương thơm, Nam Định 1, nếp 97; các loại cây màu như: cà chua, khoai tây, ngô, bí xanh, lạc, dưa bao tử, ớt ngọt; các loại cây lâu năm như thanh long, nhãn lồng, vải thiều, hoa, cây cảnh vào sản xuất… Để nâng cao năng suất, hiệu quả của các loại cây trồng, HND tỉnh tổ chức cho các hộ tham quan học tập mô hình ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, từ đó, HND phát động phong trào để hội viên đăng ký thi đua, học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Từ năm 2014 đến năm 2016, HND xã đã tổ chức 18 lớp tập huấn KHKT cho hội viên;

trong đó tập trung vào các nội dung trồng, chăm sóc lúa, cây trồng vụ đông, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, cho trên 21.300 lượt hội viên. Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của HND, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo ao vườn, đấu thầu các vùng đầm hồ, xây dựng chuồng trại với quy mô lớn để nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao. Là địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông, hằng năm, diện tích cây trồng vụ đông của tỉnh có từ 800-1.200ha. Những năm 2013 trở về trước, người dân nơi đây chủ yếu trồng khoai lang, một phần diện tích trồng khoai tây nhưng hiệu quả không cao, thu nhập thấp. Thực hiện kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, HND tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên trồng, canh tác các loại cây trồng có giá trị cao như: bí xanh, cà chua, ngô bao tử, dưa chuột bao tử… Vì vậy, những năm gần đây, diện tích cây trồng có giá trị thu nhập cao đã được hội viên nông dân triển khai mở rộng. Nhiều hộ đã có thu nhập từ 80-90 triệu đồng/sào vụ đông. Để tiêu thụ được

sản phẩm này, thông qua HND, các hộ nông dân đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Với quy trình khép kín, bình quân mỗi sào ớt đã cho nông dân thu từ 4-5 triệu đồng.

Ngoài việc tạo điều kiện cho nông dân phát triển đa dạng các loại cây trồng, nâng cao thu nhập, HND tỉnh Nam Định còn tạo điều kiện cho các hộ nông dân đầu tư xây dựng chuồng trại. HND đã đứng ra tín chấp, nhận ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện 31,9 tỷ đồng cho 833 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định thành lập hàng trăm tổ vay vốn với số dư trên hàng trăm tỷ đồng cho hộ vay. Từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, HND đã tạo điều kiện cho các hộ vay với số vốn hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, HND tỉnh Nam Định còn vận động các cá nhân, tổ chức, các nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân với số vốn hàng chục triệu đồng cho các hộ vay; nhận ủy thác từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương trên 5 tỷ đồng cho hàng trăm lượt hộ vay để thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản.

Các hộ vay vốn đã tập trung sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn vay, không để xảy ra nợ quá hạn. Bên cạnh đó, bằng hình thức trả chậm, HND tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng hàng trăm tấn phân bón các loại, trên 74 tấn thức ăn chăn nuôi cho hội viên nông dân, tạo điều kiện cho hội viên yên tâm lao động, sản xuất. Với sự hỗ trợ tích cực của HND tỉnh, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2016 chỉ còn 3,3%, đóng góp tích cực vào bước phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1.4.3. Kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ nông dân cho huyện Gia Bình

Các kinh nghiệm thành công ở các nước trên thế giới, ở nước ta và các địa phương trong nước rất rõ ràng, song điều quan trọng là việc áp dụng xử lý để phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Gia Bình sao cho có hiệu quả. Các kinh nghiệm được rút ra như sau:

Thứ nhất, tăng cường đầu tư vào phát triển nghiên cứu có chọn lọc; tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân nhằm phát huy tài nguyên con người và áp dụng khoa học - công nghệ có hiệu quả. Đây là động lực chính cho tăng trưởng nông nghiệp tương lai, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của nông sản; tăng khả năng cạnh tranh ở trong nước và ngoài nước.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển kinh tế nông hộ trên địa bàn huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Luận văn thạc sĩ) (Trang 25 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)