Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Định hướng và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế nông hộ của huyện
3.4.1. Định hướng phát triển kinh tế nông hộ huyện Gia Bình trong thời gian tới 3.4.1.1. Quan điểm phát triển kinh tế nông hộ của huyện Gia Bình
Căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX và Đại hội Đảng bộ huyện Gia Bình lần thứ XXI, quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế nói chung, kinh tế hộ nông dân nói riêng thới gian tới như sau [19]:
Một là, Phát triển kinh tế nông hộ của huyện trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực, chuyển mạnh sang phát triển hàng hoá, tăng cường thâm canh, bảo đảm phát triển toàn diện và bền vững.
Hai là, Là một huyện thuần nông, nền kinh tế nông hộ của huyện thời gian tới phải được coi là trọng tâm, bởi vậy, Đảng bộ huyện tiếp tục quan tâm hơn nữa để nông hộ có thể khai thác các tiềm lực của chính họ cũng như của nhà nước, để nhằm tạo ra động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, nhanh chóng thay đổi bộ mặt nông thôn.
Ba là, Đưa nhanh Luật hợp tác xã năm 2012 cũng như xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới sao cho linh hoạt, thu hút được nhiều nông dân tham gia để tạo ra thế và lực cho phát triển sản xuất, cũng như tự mình tạo ra thị trường một cách ổn định và thường xuyên. Thay đổi và từng bước xoá bỏ hẳn các quan điểm và tư tưởng cũ trong nhận thức của các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, để cho người dân thực sự là người chủ. Hợp tác xã chỉ quản lý tổng thể, hướng nông hộ đi theo những quỹ đạo tích cực, phải coi lợi ích của kinh tế nông hộ là động lực thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.
Bốn là, Phát triển kinh tế hộ dựa trên điều kiện và đặc điểm của địa phương, theo hướng phát triển kinh tế hàng hoá, khôi phục, phát triển và mở rộng các ngành nghề truyền thống như: Gò đúc đồng (xã Đại Bái); tranh tre, khẩu trang, găng tay (thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai); Bột lọc (thôn Ngụ, xã Nhân Thắng); nón lá (thôn Môn Quảng, xã Lãng Ngâm); trồng dưa (thôn Yên Việt, xã Đông Cứu… và các ngành nghề mới có hiệu quả kinh tế. Hình thành các vùng công nghiệp địa phương, thị tứ, chợ nông thôn, để sản xuất gắn với tiêu thụ có hiệu quả để nông hộ chủ động hơn trong quá trình sản xuất.
3.4.1.2. Định hướng phát triển kinh tế nông hộ của huyện Gia Bình thời gian tới Trên cơ sở thực trạng phát triển kinh tế nông hộ huyện Gia Bình, dựa vào những quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế của Đại hội Đảng bộ huyện Gia Bình lần thứ XXI, tác giả đưa ra một số phương hướng cơ bản để tiếp tục phát triển kinh tế nông hộ của huyện trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách kinh tế nhiều thành phần,vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, tăng sức cạnh tranh và sự hợp tác cùng phát triển đã thực sự mang lại những thành tựu đáng kể, vì vậy, Gia Bình hiện nay cũng như những năm tới cần mở ra hướng mới, tạo điều kiện để cho các thành phần kinh tế trong nông thôn phát triển. Tiếp tục nâng cao vai trò làm chủ của nông hộ để tiến tới phát triển sản xuất hàng hoá.
Lấy việc thúc đẩy vai trò của kinh tế hộ làm động lực, lấy kinh tế tập thể làm nền tảng và khuyến khích sự hình thành các thành phần kinh tế khác trong nông thôn. Luôn luôn tạo ra sự gắn kết, đan xen giữa nhà nước với nông hộ thông qua các chính sách. Khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp mở rộng đầu tư để thu hút vốn và lao động tại chỗ thúc đẩy các thành phần kinh tế của huyện cùng phát triển.
Thứ hai, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn theo hướng hình thành nền nông nghiệp hàng hoá phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện. Đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đạt mặt bằng chung của tỉnh về trình độ công nghệ và thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tìm kiếm các hợp đồng, mở rộng thị trường chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tạo điều kiện và hướng nông hộ đẩy mạnh việc cơ giới hoá và điện khí hoá nông thôn, tạo cơ sở vững chắc liên kết giữa nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong huyện cũng như toàn tỉnh.
Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Quy hoạch hợp lý và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất, nguồn nước gắn với bảo vệ môi trường. Quy hoạch lại các khu dân cư, phát triển các thị trấn, thị tứ, các điển hình làng xã, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần cho toàn bộ nhân dân trong huyện.
Thứ ba, xây dựng hợp lý cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Điều chỉnh việc quy hoạch sản xuất lương thực cho phù hợp với khả năng và nhu cầu của huyện. Bảo đảm an ninh lương thực vững chắc; quy hoạch các vùng sản xuất cây hàng hoá,
phát triển sản xuất lúa và ngô để phục vụ cho chăn nuôi, có các chính sách và biện pháp bảo vệ lợi ích cho người sản xuất lương thực, thực phẩm.
Phát triển và nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia súc, gia cầm và nghề cá, gắn với các cơ sở chế biến của địa phương để tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp.
Thực hiện thành công và có hiệu quả dự án chuyển đổi đồng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản, để nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông hộ và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thứ tư, tìm kiếm và đưa các công nghệ mới vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường đội ngũ khuyến nông, nâng cao năng lực và phát huy tác dụng của cán bộ khuyến nông.
Tiếp tục hoàn thiện, kiên cố hoá hệ thống thuỷ lợi, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho sản xuất nông nghiệp. Cần xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cũng như năng lực để quản lý và điều hành hệ thống này.
Phát triển mạnh nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, có chế độ ưu đãi, ưu tiên để cho các ngành nghề truyền thống, cũng như các ngành nghề mới phát triển mạnh mẽ trong nông thôn như: gốm sứ, dao kéo, cày bừa, mây tre đan, cói bị…
Thứ năm, khuyến khích các hộ sản xuất vươn lên giàu có, xoá bỏ các hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới.
3.4.2. Giải pháp phát triển kinh tế nông hộ huyện Gia Bình
Trên cơ sở tìm hiểu thực tế, xuất phát từ quan điểm, phương hướng chỉ đạo của Đảng bộ huyện được nêu trong Nghị quyết Đại hội XXI Đảng bộ huyện, tác giả đưa ra một số giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế nông hộ của huyện như sau:
3.4.2.1. Chuyển dich cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Trong những năm qua sự phát triển của khu công nghiệp Gia Bình, cùng với sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã tạo được một khối lượng công việc tương đối lớn và thu hút nhiều lao động nông thôn của huyện.
Song hiện tại, lao động của huyện còn dư thừa, đặc biệt là dư thừa mùa vụ của huyện còn rất lớn. Qua điều tra lao động trong các nông hộ mới chỉ sử dụng khoảng 72,6% quỹ thời gian. Với 57.700 lao động nông nghiệp của huyện năm 2015, sẽ dôi dư khoảng gần 16.000 lao động có tính mùa vụ, cộng với khoảng
hàng nghìn lao động của huyện chưa có nghề và việc làm (số liệu của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Bình), đây là vấn đề cấp thiết cần có các biện pháp để giải quyết. Qua thực tế điều tra cho thấy, kinh tế nông hộ của huyện vẫn thiên về trồng trọt, còn chăn nuôi và ngành nghề dịch vụ chưa phát triển, chính điều này đã gây ra tình trạng mất cân đối trong cơ cấu kinh tế, cho nên việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế là điều cần thiết phải làm đối với huyện.
Để thực hiện được điều này, có thể tiến hành các biện pháp như sau:
- Tập trung hơn các nguồn lực cho phát triển các ngành nghề - dịch vụ: Bởi như vậy sẽ trực tiếp giải quyết được một phần lao động đang không có việc làm hoặc lao động mùa vụ, tăng thu nhập cho người dân. Các ngành nghề cần phát triển là:
Mộc, xây dựng, may mặc và các nghề phụ khác; Cách dịch vụ - buôn bán cần phát triển là: Buôn bán vật liệu xây dựng, dịch vụ mua bán và cho thuê máy nông nghiệp, tư vấn và các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như cây, con giống, phân bón, bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật…
- Tăng hệ số sử dụng đất bằng cách: đưa nhiều loại cây trồng vào xen canh trên mảnh đất canh tác của mình: Nếu đất hai vụ thì cần cải tạo và tận dụng phát triển đất ba vụ, đối với đất một lúa có thể đẩy mạnh công tác thuỷ lợi đưa vào sử dụng hai vụ, có như vậy mới tạo được nhiều việc làm, tận dụng được nguồn lao động có hiệu quả hơn. Tiến tới đưa hết 149 ha đất chưa sử dụng (số liệu đất đai năm 2015 của Phòng TNMT huyện Gia Bình) vào khai thác. Các cây trồng mới cần đưa vào là: Gừng xuất khẩu, ớt xuất khẩu, khoai tây, các loại giống lúa mới có năng suất cao và rau, hoa chất lượng cao, hành, tỏi…
Thực hiện thâm canh tăng năng suất cây trồng: Do diện tích đất canh tác của huyện có hạn. Bởi vậy, trong những năm tới các hộ không thể tìm kiếm thêm việc làm trên diện rộng, mà phải tạo việc làm theo chiều sâu tức là phải tăng cường đầu tư, chăm sóc và cải tạo để vừa tăng hiệu quả sử dụng đất vừa tăng năng suất cây trồng. Mặt khác, hiện tại các nông hộ đầu tư cho sản xuất chưa cao, có thể tăng đầu tư công lao động, vật tư khác lên nữa để cải tạo đất và đưa năng suất cây trồng lên.
- Chăn nuôi vẫn chưa được phát triển mạnh, do vậy phải đẩy nhanh phát triển ngành chăn nuôi, bởi hiện nay chúng tôi thấy, Gia Bình đang có thế mạnh trong
việc này, ngoài những vật nuôi truyền thống như lợn, gia cầm thì hiện nay Gia Bình đang được đầu tư một khoản rất lớn về cơ sở hạ tầng để chuyển đổi đồng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản cũng như phát triển chăn nuôi bò, lợn. Do đó, trong những năm tới các nông hộ nên hướng vào chăn nuôi có quy củ, có tổ chức chứ không phải chăn nuôi tự phát như hiện nay. Làm được như vậy sẽ tận dụng được nguồn lao động kể cả lao động phụ gia đình, đồng thời góp phần làm cân đối cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, huyện cần tìm kiếm và phối hợp với các tổ chức, các nhà trường để đào tạo dạy nghề cho nông dân mà đặc biệt là thanh niên nông thôn để tăng thêm cơ hội có việc làm cho họ, đồng thời góp phần cải tạo cách nghĩ, cách nhìn của người dân về phát triển kinh tế.
3.4.2.2. Tạo vốn
Vốn cho sản xuất là vấn đề được tất cả các ngành kinh tế quan tâm, nó là nhân tố quan trọng quyết định phương hướng và quy mô sản xuất của tất cả các ngành. Qua điều tra thực tế cho thấy, hầu hết các hộ sản xuất trong huyện đều thiếu vốn, mặc dù các hình thức cho nông hộ vay vốn ở địa phương khá phong phú.
Các mô hình cho kinh tế nông hộ tự do vay vốn phát triển sản xuất của Ngân hàng, mô hình tín dụng ưu đãi người nghèo, tín dụng thông qua hội Phụ nữ... ở Gia Bình đã hình thành. Tuy nhiên, không phải ai có nhu cầu vay vốn của Ngân hàng là cũng được vay, bởi Nhà nước vẫn còn có quy định rất khắt khe, đặc biệt đối với hộ nghèo vì họ không đủ tiêu chuẩn về nhiều mặt nên rất nhiều hộ nghèo trong huyện đã phải đi vay vốn ở bên ngoài với lãi suất rất cao. Điều này không những ảnh hưởng đến khả năng sản xuất mà nhiều khi nó còn gây ra mất đoàn kết cộng đồng.
Vì vậy, trong những năm tới, để đáp ứng nhu cầu về vốn cho bà con nông dân trong huyện phát triển sản xuất, chúng tôi mạnh dạn nêu ra một số biện pháp như sau:
- Các tổ chức tín dụng cần tìm hiểu cho đúng đối tượng cần vay vốn, nghĩa là đối tượng cho vay vốn của Ngân hàng phải là những hộ thực sự cần vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn đúng mục đích chứ không phải vay vốn để tiêu dùng, cần có biện pháp ưu đãi đối với những nông hộ nghèo.
- Việc dùng tài sản thế chấp cũng như các vật dụng thế chấp của Ngân hàng hiện nay đã hạn chế rất nhiều nhu cầu vốn của hộ, do đó trong những năm tới, các
tổ chức tín dụng nên có biện pháp thay đổi cho phù hợp. Hiện nay Nhà nước ta đã có quy định các tổ chức kinh tế có thể thế chấp bằng tính khả thi của dự án, cho nên, các TCTD trên địa bàn huyện nên áp dụng hình thức này để khuyến khích sản xuất, đồng thời cũng nên mở rộng hình thức tín dụng dài và trung hạn vì đây là nguồn vốn rất quan trọng đối với các dự án sản xuất kinh doanh dài. ngân hàng nên có quy định các hình thức cho vay vốn phù hợp đối với từng loại nông hộ.
- Nghiên cứu các biện pháp huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nông thôn để tăng cường vốn vay cho nông hộ cần vốn. Quy mô của ngân hàng NN&PTNT cần mở rộng hơn, vì đây là ngân hàng chuyên cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn và ngân hàng CSXH chuyên cho vay hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Đồng thời cũng cần có các chính sách mềm dẻo để Ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng nông thôn hoạt động theo cơ chế thị trường, có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và nguồn vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn.
- Các cấp lãnh đạo cơ sở và địa phương nên thành lập các mô hình hợp tác xã tín dụng ở ngay mọi địa phương để huy động cũng như hỗ trợ vốn kịp thời cho những người cần vốn, hoặc phát triển các mô hình hợp tác xã tự nguyện để có điểu kiện hỗ trợ nhau về vốn cũng như kỹ thuất.
- Ngoài các TCTD, huyện cần phải xây dựng quỹ xoá đói giảm nghèo riêng để hỗ trợ nhiều mặt cho các nông hộ nghèo ở nông thôn. Hiện nay, số hộ nghèo vẫn còn tương đối nhiều ở nông thôn của huyện, đặc biệt là ở nông thôn những khu vực xa trung tâm huyện. Vì vậy, việc xoá đói giảm nghèo là một vấn đề chiến lược ở nông thôn Gia Bình nói riêng và Bắc Ninh nóichung.
- Thường xuyên tư vấn sản xuất cho tất cả các nông hộ để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Tăng cường công tác khuyến nông cơ sở cũng như tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật để khơi thông suy nghĩ của người dân. Chẳng hạn:
+ Với những hộ khá: tư vấn cho họ mạnh dạn mở rộng và phát triển các loại ngành nghề - dịch vụ mới, hướng mạnh vào các cây trồng, vật nuôi có tính hàng háo và chất lượng cao để sử dụng nguồn vốn trung và dài hạn.
+ Với những hộ trung bình: Do đây là nhóm hộ có quy mô đất canh tác lớn nhất cũng như lao động nhiều nhất cho nên các TCTD nên mở rộng khung vốn
trung hạn cho các hộ này để một mặt họ duy trì và mở rộng sản xuất các cây trồng, vật nuôi hiện có, mặt khác giúp họ mạnh dạn tìm kiếm và phát triển các loại ngành nghề - dịch vụ.
+ Với nhóm hộ nghèo: Do đây là những hộ sản xuất kém hiệu quả nhất và hướng sản xuất lại không rõ ràng, cho nên biện pháp hỗ trợ vốn cho các nông hộ này là: các TCTD cho vay vốn kèm theo các điểu kiện ràng buộc như: Kết hợp với HTX hướng họ sản xuất những cây con cụ thể hoặc cho vay vốn sản xuất nhưng hỗ trợ về kỹ thuật kèm theo...
3.4.2.3. Giải quyết và điều chỉnh quan hệ ruộng đất
Ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông hộ, nó đóng vai trò quan trọng quyết định quá trình phát triển sản xuất của nông hộ. Vì vậy, muốn phát triển kinh tế nông hộ cùng với giải pháp về vốn chúng ta cần có biện pháp về ruộng đất. Cụ thể:
- Phải đẩy nhanh quá trình "chuyển điền dồn thửa" tiến tới ổn định ruộng đất.
Do ruộng đất của huyện rất manh mún: Bình quân số thửa của các hộ điều tra là từ 6- 8 thửa cho nên vấn đề dồn điền đổi thửa là rất cần thiết. Với những ô thửa lớn, người dân có thể dễ dàng đầu tư thâm canh cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên mảnh đất đó, nhưng hiện tại do tư tưởng (có tốt, có xấu, có đất lúa, có đất màu) trong nông dân cho nên ruộng đất của họ vẫn còn manh mún, nhiều thửa.
Để làm được điểu này, các cấp lãnh đạo mà trực tiếp là lãnh đạo cấp xã cần nghiên cứu đưa ra những biện pháp hợp lý.
- Điều chỉnh lại cơ cấu ruộng đất trong nhóm hộ để hộ nghèo vươn lên trong sản xuất. Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, bình quân đất canh tác của hộ nghèo là rất thấp, nguyên nhân là do trong quá trình chia ruộng đất các hộ này tồn đọng sản phẩm từ trước nên bị cắt giảm ruộng đất. Hơn nữa, với quỹ đất dự phòng (đất đấu thầu) họ không được đấu thầu cũng do nguyên nhân trên và điều quan trọng hơn là trong quá trình phát triển sản xuất các hộ này không có vốn, họ đã phải chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình cho các hộ khác. Vì vậy, trong những năm tới các cấp lãnh đạo địa phương nên tìm hiểu kỹ để giúp các hộ nghèo tháo gỡ khó khăn này, để hộ nghèo có cơ hội vươn lên.
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ có khả năng tham gia đấu thầu như nhau, cả đất dự trữ và đất mặt nước đã và chưa sử dụng, để một mặt phát triển